Biết 15 lý do sau đây, bạn chắc chắn sẽ muốn đến Nhật Bản dịp Tết này
Có thể bạn đã đến Nhật Bản một vài lần, nhưng 15 lý do sau đây sẽ khiến bạn nhận ra rằng không bao giờ là đủ để khám phá hết đất nước mặt trời mọc.
Đất nước mặt trời mọc sở hữu những hòn đảo có phong cảnh tuyệt đẹp, nhiều đền thờ có lịch sử thú vị và nền ẩm thực nổi tiếng thế giới. Mỗi vùng đất của Nhật Bản lại mang nét truyền thống văn hóa không thể trộn lẫn. Không có gì ngạc nhiên khi Travel Leisure bình chọn Nhật Bản là điểm đến tốt nhất của năm 2018. Cho dù bạn đã đến Nhật Bản vài lần hay chưa bao giờ đặt chân đến đảo quốc này, 15 lý do sau đây cũng sẽ khiến bạn muốn “xách vali lên và đi” ngay lập tức trong dịp nghỉ Tết dài ngày này.
1. NGẮM NÚI PHÚ SĨ KHI NGỒI TÀU CAO TỐC TỪ TOKYO ĐẾN KYOTO
Đi du lịch khắp Nhật Bản không còn là việc khó khăn nhờ mạng lưới tàu cao tốc Shinkansen. Với tốc độ lên đến 300km/h, bạn chỉ mất hơn hai tiếng để đi từ Tokyo đến các thành phố phía Nam như Kyoto và Osaka. Hãy chọn ghế sát cửa để được thưởng thức cảnh đẹp của núi Phú Sĩ trên suốt đường đi.
Ảnh: wallpaperwide
2. THAM DỰ LỄ HỘI HOA ANH ĐÀO VÀO MÙA XUÂN
Hoa anh đào (sakura) là một loài hoa được tôn kính ở Nhật Bản. Những cánh hoa anh đào mỏng manh và dễ bị tổn thương được xem là biểu tượng của cuộc sống, vì vậy, nhiều gia đình Nhật Bản thường tụ tập và tổ chức hanami (các buổi tiệc ngoài trời bên dưới tán hoa anh đào) khi chúng nở rộ vào mùa Xuân. Vào dịp này, lễ hội hoa anh đào cũng diễn ra trên khắp đất nước, đặc biệt là ở công viên trung tâm của các thành phố. Trong số đó, nổi tiếng nhất là lễ hội hoa anh đào ở thành phố phía Nam Matsuyama, nơi hoa anh đào khoe sắc trong khung cảnh lịch sử của lâu đài Matsuyama.
Ảnh: Bagus Pangestu/Pexels
3. GHÉ THĂM ĐẢO MÈO
Tashirojima là một hòn đảo nhỏ có đời sống nông thôn ngoài khơi bờ biển của trung tâm thành phố Ishinomaki, thuộc tỉnh Miyagi. Tashirojima còn được gọi là “đảo mèo” vì là nơi sinh sống của hàng trăm con mèo được chăm sóc và tôn thờ bởi cư dân trên đảo. Những con mèo ban đầu được mang đến đây để giúp kiểm soát động vật gây hại xung quanh các trang trại nuôi tằm. Kể từ đó, số lượng của chúng tăng nhanh đến mức vượt xa dân số của đảo.
Những người yêu mèo từ khắp nơi muốn đến thăm Tashirojima phải mất một giờ đi phà từ trung tâm Ishinomaki. Phà sẽ dừng tại hai ngôi làng quanh cảng Odomari ở phía Bắc và cảng Nitoda ở phía Nam. Mèo ở đây tự do dạo chơi trên đường phố và tận hưởng sự quan tâm của du khách. Đây đích thị là thiên đường của những tín đồ “cuồng mèo”.
Ảnh: Wallpaper Access
4. CHÌM ĐẮM TRONG KHÔNG GIAN YÊN TĨNH CỦA RỪNG TRE SAGANO
Kyoto nổi tiếng với việc duy trì cẩn thận nhiều ngôi đền, điện thờ và những khu vườn lịch sử. Trong đó, nổi tiếng nhất là rừng tre Sagano. Nếu bạn đã từng nhấp vào danh sách “những địa điểm phải đến trước khi chết” hoặc “các khu rừng đẹp nhất trên thế giới”, có thể bạn đã nhìn thấy ảnh của Sagano.
Nằm ở quận Arashiyama ngoại ô thành phố, khu rừng là điểm đến tuyệt vời cho những ai yêu thích khung cảnh cổ tích và âm thanh tuyệt đẹp. Tiếng lá tre xào xạc trong gió cùng mùi thơm của những thân tre non chắc chắn sẽ giúp bạn thanh tẩy tâm hồn và khắc ghi những ký ức khó quên. Khu rừng này cũng có những khu vực được cắt tỉa cẩn thận và cách đền Tenry-ji một quãng đi bộ ngắn. Tenry-ji là một trong năm ngôi đền lớn của Kyoto và được UNESCO công nhận là Di sản Thế giới.
Ảnh: Wallpaper Access
5. CÚI ĐẦU TRƯỚC TƯỢNG ĐẠI PHẬT Ở KAMAKURA
Đại Phật (hay Daibutsu) của Kamakura là một trong những địa danh lịch sử hấp dẫn nhất Nhật Bản. Bức tượng đồng khổng lồ này là một đại diện của Phật A-di-đà, nằm trong khuôn viên của đền Kotoku-in tại thành phố Kamakura. Tượng có từ năm 1252, ban đầu được mạ vàng và đặt bên trong đền chính. Tuy nhiên, sau trận sóng thần ngày 20/9/1492, tòa nhà bị phá hủy, chỉ còn lại bức tượng ở ngoài trời. Hiện nay, có thể tìm thấy dấu vết của vàng ở quanh tai bức tượng.
Daibutsu ở Kamakura là tượng phật lớn thứ hai Nhật Bản, nặng khoảng 121 tấn và cao 13,35 mét. Chỉ với một khoản công đức 20 yên, du khách có thể vào bên trong để xem bức tượng được đúc như thế nào. Trải nghiệm độc đáo này sẽ khiến cho chuyến du lịch Nhật Bản của bạn thêm đáng nhớ.
Ảnh: GaijinPot-Travel
6. ĐI BỘ TRÊN CON ĐƯỜNG MÀU CAM LÀM TỪ HÀNG NGÀN CỔNG TORII CỦA ĐỀN FUSHIMI INARI-TAISHA
Fushimi Inari-taisha là một trong những ngôi đền nổi tiếng nhất Nhật Bản thờ thần lúa gạo Inari. Con đường huyền diệu, dường như kéo dài bất tận bởi hơn 5.000 cổng torii màu cam rực rỡ uốn lượn qua những ngọn đồi phía sau Fushimi Inari-taisha khiến cho ngôi đền này trở thành địa điểm nhất định phải đến khi đi du lịch Nhật Bản. Vì sứ giả của thần Inari là con cáo nên bạn sẽ thấy hình ảnh cáo khắp nơi, tại đền thờ và trên đường đi. Đôi khi những con cáo còn ngậm chìa khóa trong miệng, đại diện cho chìa khóa của kho gạo trong thời cổ đại.
Ảnh: Kanpai! Japan
Video đang HOT
7. THẢ MÌNH TRONG KHU RỪNG TRUYỀN CẢM HỨNG CHO BỘ PHIM CÔNG CHÚA MONONOKE
Đảo Yakushima (Ốc Cửu đảo) được bao bọc bởi những khe núi rừng nguyên sinh cổ xưa, với những cây cổ thụ hơn 1.000 năm tuổi. Nơi này từng được UNESCO công nhận là Di sản Thiên nhiên Thế giới. Điểm đáng chú ý của đảo Yakushima là công viên thiên nhiên Shiratani Unsuikyo Ravine, nơi những con suối róc rách chảy từ khe đá và những cây tuyết tùng còn nguyên vẻ đẹp ban sơ có thể tiếp cận bằng một lối đi bộ khá an toàn. Công viên chính là nguồn cảm hứng về mặt hình ảnh cho một trong những bộ phim hoạt hình nổi tiếng nhất của đạo diễn Hayao Miyazaki, Công chúa Mononoke.
Ảnh: AllAbout-Japan
8. THƯỞNG THỨC NGHỆ THUẬT HIỆN ĐẠI VÀ MUA SẮM TẠI ROPPONGI HILLS
Khai trương vào năm 2003, Roppongi Hills là một dự án văn hóa và dân cư được xây dựng để hồi sinh khu phố Roppongi của Tokyo. Ngày nay, Roppongi Hills có nhiều bảo tàng và phòng trưng bày nghệ thuật đương đại; khu mua sắm và nhà hàng rộng lớn; tầng quan sát ngoài trời trên tầng thượng của tháp Mori với tầm nhìn hướng ra đường chân trời Tokyo… Thậm chí, giữa các tòa nhà cao tầng còn có một ốc đảo nhỏ mang tên Vườn Mori, được xây dựng theo phong cách vườn cảnh quan truyền thống Nhật Bản với cây xanh và hoa anh đào tuyệt đẹp. Roppongi Hills là một trong những ví dụ điển hình nhất của “thành phố trong thành phố” mà bạn nên trải nghiệm khi đến Tokyo.
Ảnh: Time Out
9. CẢM NHẬN NHỊP SỐNG HỐI HẢ Ở PHỐ TAKESHITA, HARAJUKU
Tọa lạc tại trung tâm thành phố Tokyo, Takeshita là con phố chính ở Harajuku, đồng thời cũng là khu mua sắm sầm uất với hàng loạt cửa hàng và quán cà phê. Đây là khu vực yêu thích của cả người Nhật lẫn du khách vì được xem là cái nôi của văn hóa pop, phong cách và thời trang. Khu vực này đặc biệt phổ biến với giới trẻ vào cuối tuần và thường xuyên chật cứng người qua lại. Có thể nói, Takeshita ở Tokyo cũng giống như phố đi bộ Nguyễn Huệ ở TP.HCM vậy.
Ảnh: Pearlshare
10. HÒA VÀO THIÊN NHIÊN TẠI ĐỀN MEIJI
Cũng trong khu vực Harajuku, gần với phố Takeshita là đền Meiji. Meiji Jingu là thần xã nơi Thiên Hoàng của triều đại Meiji thờ phượng Thiên Hậu. Được xây dưng vào năm 1920, nơi này luôn xếp vị trí số một số lượng người đến lễ bái đầu năm. Tại đây có cổng torii bằng gỗ lớn nhất Nhật Bản, cao 12 mét, rộng 17 mét. Chỉ cần bước qua khỏi cổng, bạn sẽ tưởng như mình đã rời khỏi thành thị để tận hưởng bầu không khí yên tĩnh, trong lành nhờ hàng cây xanh mướt trải dài đến tận Omotesando. Có khoảng 100.000 cây được trồng ở đây và đều là quà tặng từ những vùng khác của Nhật.
Ảnh: Tokyo Weekender
11. CẦU MAY MẮN Ở CHÙA TDAI-JI
Là thủ đô cũ của Nhật Bản, Nara trở thành quê hương của nhiều di tích Phật giáo và Thần đạo quan trọng. Trong số đó, Tdai-ji (Đông Đại Tự) là ngôi chùa danh tiếng bậc nhất thuộc Hoa Nghiêm tông. Ngôi chính điện (Daibutsuden – Đại phật điện) là công trình kiến trúc gỗ lớn nhất thế giới được xây dựng vào năm 752. Nơi đây đặt pho tượng Phật Tỳ Lô Giá Na đúc bằng đồng đen, cũng là một kỷ lục nặng 500 tấn. Đến đây, bạn cũng có thể bắt gặp những chú nai, hươu thuần hóa từ Công viên Quốc gia Nara lân cận thường xuyên lang thang trong khuôn viên chùa. Hươu nai đối với hai tôn giáo chính của Nhật Bản là loài thú được bảo vệ. Đối với Thần đạo, chúng là phương tiện nhắn tin và di chuyển của chư thần. Còn đối với lịch sử nhà Phật, buổi thuyết pháp đầu tiên của Phật Thích Ca là ở Lộc Uyển Sarnath. Khung cảnh bình yên của Tdai-ji khiến cho bất cứ ai đến đây cũng cảm thấy thanh tịnh, nhẹ nhõm.
Ảnh: Robert Harding
12. TẬN MỤC SỞ THỊ VĂN HÓA OTAKU NHẬT BẢN TẠI AKIHABARA, TOKYO
Akihabara là một quận ở đặc khu Chiyoda của Tokyo, Nhật Bản. Có biệt danh “Khu phố điện tử Akihabara”, đây từng là trung tâm mua sắm lớn nổi tiếng với các mặt hàng điện tử gia dụng và thị trường chợ đen thời hậu chiến. Ngày nay, Akihabara được nhiều người biết đến như một trung tăm văn hóa otaku và khu mua sắm các hàng hóa liên quan đến video game (gồm visual novel), anime, manga, light novel và máy vi tính. Hình ảnh anime và manga nổi tiếng được trưng bày nổi bật trên nhiều cửa hàng trong khu vực, và rất nhiều quán cà phê hầu gái mở ra tại đây.
Ảnh: Tokyo Weekender
13. TRỞ VỀ TUỔI THƠ VỚI BẢO TÀNG GHIBLI
Những người hâm mộ của Studio Ghibli – hãng phim đứng đằng sau các bộ phim hoạt hình mang tính biểu tượng như Spirited Away, My Neighbor Totoro, Princess Mononoke – sẽ thấy tâm hồn thơ trẻ sống lại khi đến với Bảo tàng Ghibli. Tọa lạc ở ngoại ô Tokyo, đây vừa là một bảo tàng trưng bày khối lượng công việc khổng lồ của studio, vừa là sân chơi tương tác được xây dựng theo chủ đề của các bộ phim. Trẻ em và người lớn đều có thể đắm mình trong các cuộc triển lãm của bảo tàng, công viên lớn và quán cà phê theo chủ đề studio.
Ảnh: FlyingBaby
14. NGÂM MÌNH TRONG SUỐI NƯỚC NÓNG TỰ NHIÊN CỦA KHÁCH SẠN 1.300 NĂM TUỔI
Suối nước nóng tự nhiên nằm rải rác khắp vùng nông thôn của Nhật Bản và được xem là một phần văn hóa bản địa. Nishiyama Onsen Keiunkan là khách sạn lâu đời nhất thế giới, tọa lạc ở tỉnh Yamanashi và đã vận hành suối nước nóng tư nhân trong hơn 1.300 năm. Khách sạn phục vụ những vị khách quen thuộc tầng lớp quý tộc như samurai, các thành viên của Mạc phủ hoặc giai cấp thống trị thuộc quân đội cũ của Nhật Bản.
Ảnh: 4travel.jp
15. SỐNG TRONG KHÔNG KHÍ NGHỆ THUẬT Ở THỊ TRẤN MIỀN NÚI HAKONE
Hakone cách Tokyo khoảng hai giờ đi tàu và được biết đến với cảnh đẹp của núi Phú Sĩ, suối nước nóng, nghệ thuật lịch sử và đương đại. Đây là quê hương của Bảo tàng ngoài trời Hakone, có diện tích khoảng 70.000 mét vuông và là một trong những điểm thu hút khách du lịch đáng chú ý nhất của thành phố. Đến đây, bạn sẽ được sống trong hơi thở nghệ thuật với các tác phẩm từ Picasso và Renoir ngoài sân vườn cùng với tác phẩm điêu khắc đương đại.
Ảnh: The Creative Adventurer
Theo elle.vn
10 lễ hội Nhật Bản cho bạn những trải nghiệm văn hóa chân thực nhất của xứ Phù Tang
Hiếm có đất nước nào lại lưu giữ một nền văn hóa truyền thống lâu đời với những lễ hội đặc trưng như Nhật Bản. Một năm có nhiều dịp lễ và hều hết các dịp lễ đều kéo dài trong nhiều ngày. Dưới đây là những lễ hội đặc sắc nhất xứ sở hoa anh đào.
Nhật Bản là một quốc gia giàu văn hóa, sở hữu nhiều lễ hội độc đáo. Các lễ hội tại Nhật Bản diễn ra vào nhiều thời điểm và nhiều nơi khác nhau dọc khắp xứ sở hoa anh đào này. Bên cạnh những ý nghĩa mang tính chất tôn giáo hay truyền thống, nhiều lễ hội tại Nhật Bản còn được tổ chức để kỷ niệm những sự kiện chính trị trọng đại, những ngày lễ và cả để trân trọng vẻ đẹp thiên nhiên như ngày hội hoa anh đào, ngày tuyết rơi. Sau đây là danh sách những lễ hội Nhật Bản độc đáo và thú vị nhất của quốc gia xinh đẹp này.
LỄ HỘI TUYẾT SAPPORO
Ảnh: Agustin Rafael Reyes
Lễ hội Nhật Bản này được tổ chức hàng năm vào đầu tháng 2 và thu hút hơn 2 triệu khách du lịch nỗi năm. Người ta đến đây để chiêm ngưỡng những bức tượng điêu khắc bằng tuyết đặc sắc, một vài trong số đó có kích thước lớn, có thể cao tới hơn 15 mét. Tại công viên Odori, khu trung tâm của lễ hội, những khối tượng tuyết này được các nghệ sĩ thiết lập trình chiếu ánh sáng lung linh, nhiều màu sắc, tạo ra khung cảnh cổ tích thú vị. Tại những khu khác, khách du lịch có thể tham gia trượt tuyết cùng người thân và gia đình, thậm chí có thể tự tay tạo ra những bức tượng tuyết của riêng họ.
LỄ HỘI ĐÊM CHICHIBU
Ảnh: GaijinPot
Lễ hội đêm Chichibu, hay Yomatsuri, là lễ hội thường niên của đền Chichibu, Tokyo có lịch sử hơn 300 năm và được xem là một trong ba lễ hội rước kiệu lớn nhất Nhật Bản. Lễ hội Nhật Bản này diễn ra trong 2 đêm với nhiều kiệu rước lớn có người biểu diễn và trống, sáo phụ họa được kéo dần về cổng chính của đền. Du khách đến đây cũng có thể thưởng thức những món ăn đặc sản của Nhật Bản qua những quầy hàng trên đường phố bán thực phẩm và nếm thử amazake (rượu gạo ngọt) làm ấm người và xua đi giá lạnh của mùa Đông.
LỄ HỘI GION MATSURI
Ảnh: travelkyoto
Lễ hội Nhật Bản Gion Matsuri ra đời để cầu xin các vị thần phụ hộ cho người dân tránh khỏi thiên tai, giữ cho tinh thần được thanh thản, tránh mọi sợ hãi và phiền muộn. Lễ hội này được tổ chức tại đền Yasaka, tỉnh Kyoto trong suốt một tháng, từ ngày 1/7 đến hết ngày 31/7 với nhiều hoạt động sôi nổi.
Hoạt động chính và được mong chờ nhất tại lễ hội này là lễ diễu hành Yamaboko Yunko. Tại lễ diễu hành này, mọi người sẽ được nhìn ngắm những kiệu rước độc đáo với cách lắp ráp, trang trí bằng nhiều món đồ thủ công tinh xảo cùng nhiều đồ vật mang đậm nét văn hóa truyền thống của Nhật Bản. Mỗi chiếc kiệu là một tác phẩm văn hóa đặc sắc được người dân bảo vệ và lưu giữ đến ngày nay.
Bên cạnh đó, lễ hội Gion còn có rất nhiều hoạt động chuẩn bị, vui chơi, hội họp rất phong phú như Omukae-Chochin (nghi lễ đám rước được tổ chức để chào đón các Mikoshi - đền thờ di động), Mikoshi-Arai (nghi thức thanh tẩy Mikoshi), Lễ dựng kiệu Hoko và Yama, Gion Bayashi (các buổi lễ thử kéo kiệu Hoko và Yama).
LỄ HỘI TENJIN MATSURI
Ảnh: plaza.rakuten.co.jp
Hàng năm, vào 24 và 25/7 tại tỉnh Osaka, lễ hội Tenjin được tổ chức để tạ ơn Sugawara No Michizane - vị thần thông thái. Lễ hội này bao gồm một cuộc diễu hành trên mặt đất và cả trên sông cùng với pháo hoa. Đối với người dân, các nghi lễ sinh động trong lễ hội là một dịp để tận hưởng những ngày Hè nóng bỏng được lấp đầy bởi những bộ trang phục truyền thống và bầu không khí tưng bừng của địa phương.
LỄ HỘI NADA NO KENDA
Ảnh: Wikivoyag
Từ Kenka trong tiếng Nhật có nghĩa là chiến đấu. Ý nghĩa của lễ hội Kenka Matsuri là cuộc chiến đấu giữa 7 ngôi làng để làm hài lòng các vị thần. Người Nhật tin rằng cuộc chiến đấu càng mãnh liệt, các vị thần càng hài vòng và người chiến thắng sẽ được ban phước để có được một vụ mùa tốt trong năm tới.
Lễ hội Kenka Matsuri diễn ra hàng năm vào 2 ngày 14 và 15/10 tại đền Matsubara Hachiman, Himeji, Hyogo, Nhật Bản, và núi Otabi. Lễ hội này thu hút khoảng 100.000 du khách khắp nơi đến đây tham quan và xem lễ.
Những người tham gia lễ hội sẽ rước chiếc kiệu lớn được trang trí đẹp mắt để đại diện cho quận hay làng của mình để thi đấu.
LỄ HỘI AWA ODORI
Ảnh: Gaijanpot
Awa Odori là lễ hội múa của tỉnh Tokushima. Hàng năm, cứ vào khoảng tháng 8, khắp nơi trong tỉnh Tokushima lại rộn ràng tổ chức lễ hội này. Những người tham dự lễ hội tụ họp lại thành từng nhóm (gọi là Ren). Mỗi nhóm như vậy gồm vũ công và nhạc công mặc các trang phục múa truyền thống, cùng đàn, hát, nhảy múa và di chuyển qua các tuyến đường diễn ra lễ hội. Lễ hội này bắt nguồn từ năm 1586 nhân dịp khánh thành lâu đài Tokushima. Chúa đất Hachisuka Iamasa lúc đó đã ban rượu cho người dân trong thành. Khi hơi men đã thấm, mọi người bắt đầu đứng dậy nhảy múa theo nhạc và đó cũng là lúc điệu múa Awa ra đời.
LỄ HỘI SAKURA - LỄ HỘI HOA ANH ĐÀO
Ảnh: Japanect
Lễ hội hoa anh đào diễn ra vào từng thời điểm khác nhau của mùa Xuân, tùy thuộc vào thời tiết. Hoa Sakura hay hoa anh đào là quốc hoa của Nhật Bản, vì vậy, người Nhật tổ chức lễ hội ngắm hoa này như một nét văn hóa truyền thống nhằm tôn vinh vẻ đẹp dân tộc. Đây là một lễ hội Nhật Bản lâu đời, được cho rằng bắt nguồn từ hơn 1.000 năm trước. Bên cạnh việc thể hiện sự trân trọng đối với vẻ đẹp của quê hương, lễ hội này còn có ý nghĩa về mặt Phật giáo. Người ta tin rằng vẻ đẹp ngắn ngủi của những cánh hoa anh đào dạy con người về sự vô thường của cuộc sống, vì thế, chúng ta cần phải sống thật ý nghĩa cho hiện tại.
LỄ HỘI KANDA
Ảnh: Visiting Japan
Lễ hội Nhật Bản này thường diễn ra vào tháng Năm của những năm lẻ tại thành phố Tokyo. Nhiều hoạt động và sự kiện bao gồm diễu hành, rước kiệu và vật tế sẽ được tổ chức trong suốt một tuần lễ. Vào ngày đầu tiên của lễ hội Kanda, những người tham gia diễu hành sẽ mặc trang phục của thời Heian: những bộ trang phục nhiều màu sắc, nhiều phụ kiện đính kèm, những bộ Kimono nhiều lớp được thiết kế đặc biệt. Theo tập tục của người Shinto, lễ hội này được tổ chức để mời các vị thần và linh hồn trở về đền thờ bằng những đoàn rước nhằm cầu chúc may mắn và thịnh vượng.
LỄ HỘI OBON
Ảnh: peregrinatewithme
Bắt nguồn từ tập tục của người theo đạo Phật là thờ linh hồn người đã khuất, lễ hội Nhật Bản Obon chính là thời điểm mà nhiều người Nhật trở về với gia đình để thăm mộ người thân.
Tùy thuộc vào từng vùng miền mà các nghi lễ trong lễ hội được tiến hành khác nhau, tuy nhiên, tất cả thường được tổ chức trong khoảng từ tháng 7 đến tháng 8 hàng năm. Lễ hội Obon được tổ chức trong hơn 500 năm. Người dân Nhật Bản tin rằng linh hồn của tổ tiên sẽ trở về thăm gia đình họ. Vào dịp Obon diễn ra, đèn lồng được treo ngoài nhà để dẫn lối cho các linh hồn trở về nhà.
LỄ HỘI SOMA NOMAOI
Ảnh: AFP
Sự kiện sóng thần năm 2011 đã khiến cho dân sống xung quanh khu vực nhà máy điện Fukushima phải đi sơ tán và Lễ hội Soma Nomaoi phải hủy bỏ. Tuy nhiên, lễ hội Nhật Bản này đã được tổ chức lại để làm sống dậy tinh thần dân tộc của người dân Nhật Bản. Lễ hội Soma Nomaoi tập hợp các chiến binh từ 5 khu vực trong trang phục giáp trụ của chiến binh samurai với kiếm Nhật giắt ngang hông và cưỡi chiến mã.
Nhiều người dân Nhật rất háo hức kéo đến tham gia lễ hội cổ truyền Soma Nomaoi, hay còn gọi là cuộc đua chiến mã, tại thị trấn Minamisoma, quận Fukushima. Sau sự cố sóng thần, lễ hội lần này được người dân Nhật Bản đặc biệt chờ đợi, bởi nó làm sống lại tinh thần bất khuất, kiên cường của các võ sĩ samurai, khơi dậy ý chí kiên cường của người dân Nhật Bản.
Theo elle.vn
Bảo Thy bất chấp cái lạnh âm 10 độ tới ngôi làng tuyết cổ tích Không lường trước cái lạnh, có lúc nữ ca sĩ ăn mặc không đủ ấm khiến người xung quanh nhìn như 'người ngoài hành tinh'. Ca sĩ Bảo Thy đón năm mới 2019 ở Nhật Bản. Không phải lần đầu tiên đến xứ sở mặt trời mọc nhưng đây lại là chuyến đi khiến cô thích thú nhất. Thay vì tới những thành...