Biến vùng đồi núi trọc thành trang trại “vàng”
Từ bỏ cuộc sống nơi phố thị, ông Phạm Quang Hùng chọn đến vùng đất khô cằn sỏi đá và thiếu thốn đủ bề tại xóm 2, xã Hương Thủy, huyện Hương Khê (Hà Tĩnh) để làm trang trại tổng hợp. Với bàn tay và ý chí quyết tâm, ông đã biến một vùng đồi núi hoang hóa thành một trang trại tổng hợp cho thu nhập tiền tỷ, là điểm sáng trong xây dựng nông thôn mới ở địa phương.
Biến đồi hoang thành trang trại tổng hợp
Nhìn những đồi cam sai trĩu quả, những đồi cây nguyên liệu xanh ngút ngàn bay giờ, ít ai biết trước đó vùng này là đồi núi trọc. Ông Phạm Quang Hùng đã bỏ cuộc sống đủ đầy ở trung tâm thị trấn Hương Khê vào đây sinh sống, sản xuất và làm được những điều mà trước đây nhiều người đã phải bỏ cuộc.
Những cây cam trĩu quả của trang trại tổng hợp ông Phạm Quang Hùng ở xóm 2, xã Hương Thủy, Hương Khê, Hà Tĩnh. Ảnh: Nguyễn Duyên
Năm 2004, ông Hùng được giao quản lý hơn 60ha đất đồi trước đây trồng thông nhưng kém hiệu quả. Cũng từ đây ông bắt tay vào cải tạo, quy hoạch đầu tư để làm trang trại tổng hợp. Ông Hùng chia sẻ: Khi được bàn giao đất, thật sự tôi rất bỡ ngỡ bởi chưa biết đầu tư phát triển cây, con gì cho có hiệu quả kinh tế. Bởi vùng đất này trước đây phát triển cây thông nhưng không có hiệu quả, sau đó vùng đất này lại được giao cho các hộ dân nhưng một thời gian dài họ vẫn không làm được gì.
Nhưng ý nghĩ trước mắt là phải nhanh chóng phủ xanh đất trống đồi núi trọc nên tôi bắt đầu từ cây keo nguyên liệu, với phương châm hoàn thiện dần mô hình để phát huy tối đa tiềm năng điều kiện khí hậu đất đai. Cũng may tôi được sự hỗ trợ các cơ chế chính sách từ xã đến tỉnh cũng như kỹ thuật của các nhà chuyên môn, cùng sự nỗ lực của bản thân nên mới có được quy mô trang trại như ngày nay.
Sau khi nhận đất với quyết tâm nhanh chóng phủ xanh đất trống đồi núi trọc ông Hùng tiến hành trồng hơn 50ha cây keo nguyên liệu. Ngoài ra ông còn trồng hơn 9,5ha cây trầm hương (đến nay đã được 11 năm tuổi hứa hẹn cho thu nhập đáng kể). Đến năm 2015 số keo nguyên liệu trên đã cho thu hoạch hơn 2,5 tỷ đồng. Hằng năm sau khi thu hoạch xong ông lại tổ chức trồng mới, tạo nên vòng.
Năm 2009 ông Hùng trồng 3.500 gốc cam bù và đến năm 2014 đã cho thu nhập hơn 200 triệu đồng, sang năm 2015 số cam bù này đã cho thu nhập hơn 1 tỷ đồng. Đồng thời ông tiếp tục mở rộng diện tích trồng 1.500 cây cam chanh, đến nay đã bắt đầu cho thu hoạch. Bước sang năm 2016 ông Hùng tiếp tục mở rộng quy mô trồng thêm 2.000 gốc bưởi Phúc Trạch và 1.000 gốc cam Xã Đoài; chăn nuôi thêm 40 con hươu và 30 con lợn rừng, nuôi nhím, vịt trời và nuôi cá để tăng thêm thu nhập.
Chú trọng ứng dụng khoa học kỹ thuật
Video đang HOT
Với phương châm lấy ngắn nuôi dài, dễ làm trước khó làm sau, ông Hùng đã trồng cây keo trước, trồng cây ăn quả sau và kết hợp chăn nuôi tạo mô hình kinh tế vườn – ao -chuồng – rừng bền vững (VACR). Đặc biệt nhờ các cơ chế chính sách khuyến khích phát triển kinh tế từ xây dựng nông thôn mới nên ông rất chú trọng việc áp dụng các tiến bộ của khoa học kỹ thuật để chống chọi với thiên nhiên, với sự biến đổi ngày càng khó lường của khí hậu như nắng hạn kéo dài và gay gắt, rồi gió Lào khô nóng, lũ lụt… Ông đã đưa vào trồng các loại cây bản địa có khả năng chống chịu cao và có hiệu quả kinh tế như bưởi Phúc Trạch, cam chanh. Đặc biệt ông đã ký kết hợp đồng với Tập đoàn Tân Nông Thịnh (Lâm Đồng) để lắp đặt hệ thống tưới nhỏ giọt theo công nghệ Israel, sử dụng các loại phân bón phù hợp với điều kiện đất đai và các loại chế phẩm sinh học để phòng trừ sâu bệnh.
Khi áp dụng hệ thống tưới nhỏ giọt này, hiệu quả kinh tế lớn hơn trước rất nhiều, vừa giảm được sức lao động, vừa tiết kiệm nước và cây hấp thụ được tối đa lượng nước tưới. Biện pháp này giúp tăng sản lượng cây trồng, chất lượng sản phẩm cũng được tăng lên. Những cây cam của trang trại trước đây quả không được đều màu và tròn quả, nhưng hiện nay quả cam rất sáng màu và quả cũng tròn đều hơn, ăn ngọt hơn.
Trang trại của ông Hùng tạo việc làm thường xuyên cho hàng chục lao động tại địa phương với mức lương 6 triệu đồng/tháng và hàng chục lao động mang tính thời vụ.
Tháng 9.2016 ông Phạm Quang Hùng là một trong hai nông dân tiêu biểu của Hà Tĩnh được mời dự và phát biểu tham luận tại diễn đàn giải pháp phát triển kinh tế vườn theo hướng bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu được tổ chức tại TP.Huế.
Ông Nguyễn Ngọc Thọ – Chủ tịch UBND xã Hương Thủy đánh giá: Trang trại tổng hợp của ông Hùng là mô hình mang lại hiệu quả cao trên địa bàn xã hiện nay, vừa phát huy được lợi thế của vùng đất, vừa mang lại hiệu quả kinh tế và tạo công ăn việc làm cho người dân địa phương. Thời gian qua có rất nhiều đoàn đến tham quan, học tập mô hình này.
Theo Danviet
Ám ảnh 'cam ngơ', thiệt hại ước tính 30 -35 tỷ đồng
"Cam ngơ" là từ ngữ quen thuộc, ám ảnh người trồng cam tại huyện Quỳ Hợp, Nghệ An. Đây là cụm từ mà người dân thường xuyên dùng để chỉ chung các hiện tượng quả cam không lớn lên được sau đó vàng, thối và rụng, đã diễn ra tại đây từ nhiều năm nay.
Cam rụng đầy vườn và thối rữa
Đặc biệt trong thời gian vừa qua có mưa kéo dài, mưa nắng thất thường khiến hiện tượng "cam ngơ" bùng phát và gây rụng hàng loạt. Nông dân đứng trước nguy cơ mất mùa, thua lỗ và khó đảm bảo được sự phát triển vùng cam tiềm năng đã xây dựng nên thương hiệu cam Vinh này.
Ông Nguyễn Vinh Quang, Phó Chủ tịch UBND xã Minh Hợp cho biết "Minh Hợp là xã có diện tích cam lớn nhất huyện, với 1.674ha, chủ yếu là giống cam Xã Đoài (mang thương hiệu cam Vinh) với diện tích 600ha. Trong đó có 400ha trong giai đoạn khai thác, 200ha giai đoạn kiến thiết.
Thời gian vừa qua toàn bộ giống cam Xã Đoài lòng vàng xẩy ra hiện tượng rụng quả hàng loạt, do hiện tượng mà người dân ở đây quen gọi "cam ngơ", chủ yếu ở cam trên 7 năm tuổi. Các giống khác như Valencia, Vân Du... rụng ít hơn. Hiện chúng tôi chưa có biện pháp nào để khắc phục, nông dân đứng trước nguy cơ mất mùa".
Không chỉ xã Minh hợp mà cả 3 xã là vùng trồng cam chính của Quỳ Hợp gồm Minh Hợp, Nghĩa Xuân, Văn Lợi đều xảy ra hiện tượng rụng quả tương tự trên giống cam Xã Đoài lòng vàng.
Bà Trương Quỳnh Nga, Ban Nông nghiệp xã Nghĩa Xuân cho biết "Xã Nghĩa Xuân có 220ha cây có múi, với 102ha cam, bệnh gây rụng quả, ghẻ sẹo, loét và vàng lá gân xanh là các đối tượng gây hại nặng nhất tại địa phương".
Cam rụng được đổ thành từng đống
Nông dân Phan Than Liên ở xóm Minh Kính, xã Minh Hợp cho chia sẻ "Gia đình tôi chỉ có 0,5ha cam Xã Đoài lòng vàng, nếu không rụng dự kiến được 14 tấn quả, chưa đến vụ thu hoạch nhưng phải cắt bán non và chấp nhận giá thấp vì rụng gần hết, chỉ còn hơn 4 tấn".
Còn nông dân Chế Thị Linh ở xóm Minh Đình thì cho biết "Không chỉ cam thu hoạch nhiều năm, mà 220 gốc cam Xã Đoài của tôi thu hoạch năm thứ 2, cũng đã bị rụng quả gần hết, nếu sang năm vẫn rụng thì phải trồng lại thôi".
Gia đình ông Thái Ngọc Thủy ở xóm Minh Kính có 250 gốc cam xã Đoài đang thời kỳ cho năng suất cao nhưng từ 1 tháng nay, lượng quả trên cây đã rụng gần 1/2. Từ nhiều ngày nay, ông Thủy phải thường xuyên dọn vườn, chăm sóc cam nhưng quả vẫn không ngừng rụng khiến ông có nguy cơ thất thu vụ cam này.
"Những năm trước, mỗi gốc cho thu hoạch 50 - 60kg quả nhưng tính ra cũng thu về trên dưới 14 tấn cam, đút túi 5 - 6 trăm triệu nhưng năm nay, quả rụng gần hết, không biết giờ đến tết có vớt vát được đồng vốn bỏ ra hay không? Sáng ra thấy cam rụng quả, xót của nhưng bất lực", ông Thủy chua xót nói.
Cam rụng được đổ thành từng đống
Chị Lê Thị Lan ở xóm Minh Hồ cho biết thêm: "Cam sắp đến kỳ thu hoạch nhưng không hiểu vì lý do gì lại rụng hàng loạt. Hiện tượng này chưa từng xẩy ra ở vùng trồng cam này. Nhiều hộ dân khác trong vùng cũng đang cùng chung tình cảnh. Nếu cứ như thế này thì sợ cuối năm không có cam mà bán nữa".
Theo ông Hoàng Minh, Chủ tịch Hiệp hội cam Vinh, Giám đốc Cty TNHH MTV Nông nghiệp Xuân Thành, cây cam có hai chu kỳ rụng quả, lần đầu là khi chia quả, lần hai là rụng quả sinh lý, tuy nhiên chỉ là rụng lác đác chứ không bị rụng hàng loạt như năm nay.
Cam là giống cây đòi hỏi phải đầu tư rất lớn, từ khâu cải tạo đất, giống, phân bón đến kỹ thuật, công chăm sóc... từ khi trồng đến khi có thu hoạch phải trải qua 3 năm kiến thiết cơ bản, đến năm thứ 4 mới cho quả bói và năm thứ 5 mới có thể bước vào kinh doanh. Vì vậy, chỉ cần mất một vụ cam cũng khiến cho người trồng điêu đứng. Hiện bà con vẫn chưa xác định được nguyên nhân và cũng chưa có cách để hạn chế cam rụng.
Cam rụng được đổ thành từng đống
Theo thống kê của UBND xã Minh Hợp, hiện tượng cam rụng đã làm giảm 40 - 50% sản lượng quả, tương đương với khoảng 1 - 1,5 nghìn tấn, nếu tính theo giá cam bình quân hiện nay trên thị trường là 25 - 30 nghìn đồng/kg thì thiệt hại của người trồng cam là từ 30 -35 tỷ đồng.
Người trồng cam ở Quỳ Hợp rất cần sự vào cuộc của các cơ quan chuyên môn để xác định rõ nguyên nhân, tìm ra giải pháp nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại cho người trồng cam, duy trì năng suất, sản lượng và chất lượng. (Còn nữa)
"Hiện tượng cam rụng nhiều sau những trận mưa lớn đã xuất hiện 1 tháng nay, chủ yếu là giống cam Xã Đoài lòng vàng. Có thể mưa lớn, lượng nước nhiều, độ ẩm cao khiến nấm xuất hiện nhiều là nguyên nhân gây quả rụng. Hiện tại người trồng cam đang tích cực dọn dẹp vườn, phát quang vệ sinh, hi vọng nắng lên cam sẽ giảm rụng quả", ông Hoàng Minh.
Theo Anh Thế - Văn Dũng (Nông Nghiệp Việt Nam)
Nhờ cam, mua xe hơi dễ dàng "Với nhiều người trồng cam ở đất Cao Phong, chuyện mua xe hơi dễ thôi mà. Như nhà tôi đã đổi mấy đời xe hơi, sắp tới tính mua cái xe tầm hơn 1 tỷ đồng..."-bà Đặng Thị Thu, khu 2, thị trấn Cao Phong, huyện Cao Phong (Hòa Bình) tự tin nói. Bà Đặng Thị Thu được bình chọn là 1 trong...