Biến thể Omicron đã xuất hiện ở Nigeria từ tháng 10, hiện có ở hơn 20 quốc gia trên thế giới
Theo giới chức Nigeria, qua phân tích trình tự gene, biến thể Omicron có trong mẫu bệnh phẩm được thu thập từ hồi tháng 10 ở một khách nước ngoài nhập cảnh.
Ngày 1/12, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Nigeria (NCDC) thông báo, sau khi giải trình tự gene mẫu xét nghiệm của khách nước ngoài đến Nigeria hồi tháng 10, nước này đã phát hiện sự xuất hiện của nhiễm biến thể Omicron. Tuy nhiên, cơ quan này không cung cấp thông tin chi tiết về người nhiễm biến thể này.
“Kết quả phân tích trình tự gene các ca bệnh được ghi nhận trước đây đã xác nhận một mẫu chứa biến chủng Omicron”, thông báo của NCDC được Zing chia sẻ.
Xét nghiệm COVID-19 cho người dân ở Nigeria. Ảnh: AP
NCDC cho biết thêm, cuối tuần trước Nigeria phát hiện hai ca bệnh mới nhất nhiễm biến chủng Omicron đến từ Nam Phi. Thông báo mới của NCDC làm dấy lên lo ngại Omicron có thể đã xuất hiện nhiều tuần trước khi được báo cáo ở phía Nam châu Phi.
“Do khả năng biến thể Omicron lây lan rất cao, việc thực hiện các biện pháp ngăn ngừa lây nhiễm trong cộng đồng là điều bắt buộc”, NCDC cho hay.
Hôm 26/11, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) liệt Omicron vào danh sách biến chủng “đáng lo ngại”, ít nhất 30 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới đã áp các biện pháp hạn chế đi lại ở mức độ khác nhau với khu vực phía Nam châu Phi, nhằm ngăn virus lây lan rộng.
Video đang HOT
Đến nay, giới khoa học vẫn chưa thể chắc chắn về mức độ lây truyền, độc lực của Omicron hoặc nó có khả năng né tránh hệ miễn dịch hay không. Mức độ bảo vệ của vaccine chống lại nguy cơ lây nhiễm, diễn tiến nặng hay tử vong của biến chủng này cũng chưa được làm rõ.
Tuy nhiên, hôm 1/12, WHO nói rằng vaccine có thể giúp tránh mắc COVID-19 nặng từ biến chủng Omicron mới. “Chúng tôi biết rằng vaccine có khả năng bảo vệ. Vẫn cần tìm hiểu xem liệu có bất kỳ sự sụt giảm khả năng bảo vệ nào hay không, nhưng chúng tôi cho rằng vaccine vẫn sẽ bảo vệ chống lại bệnh nặng như ở các biến chủng khác”. Bloomberg dẫn lời tiến sĩ Soumya Swaminathan – Trưởng nhóm khoa học của WHO.
Nhân viên y tế đánh dấu một bộ xét nghiệm COVID-19 tại Nigeria. Ảnh: Reuters
Theo TTXVN, WHO cho biết đã có ít nhất 23 quốc gia và vùng lãnh thổ đã ghi nhận các ca mắc biến thể Omicron. Diễn biến dịch đã khiến WHO đưa ra khuyến nghị về an toàn đi lại, theo đó người chưa hoàn thành tiêm vaccine và có nguy cơ cao lây nhiễm không nên đến các khu vực có lây nhiễm trong cộng đồng.
Khuyến cáo của WHO nêu rõ: “Những người chưa tiêm đầy đủ vaccine hoặc không có xác nhận đã nhiễm SARS-CoV-2 và có nguy cơ bệnh trở nặng và tử vong, trong đó có người từ 60 tuổi trở lên hoặc người có bệnh lý nền, nên dừng các kế hoạch đến những khu vực có lây nhiễm cộng đồng”.
WHO cũng khuyến nghị các nước áp dụng cách tiếp cận dựa trên tình hình dịch bệnh thực tế và bằng chứng rõ ràng khi đưa ra các biện pháp đối với hoạt động đi lại.
Chính sách tài khóa thời COVID-19 và tác động tới nợ công
Trước bối cảnh đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp và ảnh hưởng sâu rộng tới nền kinh tế, các quốc gia trên thế giới đều có những điều chỉnh trong chính sách tài khóa nhằm ứng phó với dịch bệnh và hỗ trợ nền kinh tế.
Điều này cũng khiến các quốc gia phải đối mặt với nguy cơ nợ công tăng cao.
Biểu tượng Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) tại Washington DC., Mỹ. Ảnh: AFP/TTXVN
Các gói kích thích kinh tế lớn
Kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát, Mỹ đã đưa ra ba gói kích thích kinh tế lớn với tổng trị giá lên đến gần 5.000 tỷ USD nhằm vực dậy nền kinh tế thông qua các biện pháp hỗ trợ trực tiếp người dân và doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, hỗ trợ các bang và lĩnh vực y tế. Chưa dừng lại ở đó, trong tháng 11/2021 Tổng thống Mỹ Joe Biden đã ký ban hành luật cơ sở hạ tầng 1.200 tỷ USD. Đây là luật cải tổ cơ sở hạ tầng lớn nhất của Mỹ trong hơn một nửa thế kỷ qua.
Chính phủ Canada cũng đã công bố kế hoạch kích thích kinh tế trị giá tới 100 tỷ CAD (77 tỷ USD) trong vòng ba năm để vực dậy nền kinh tế Bắc Mỹ này sau khi đại dịch COVID-19 được kiểm soát.
Trong khi đó, tại châu Âu, vào tháng 3/2020, Thụy Điển đã công bố gói hơn 30 tỷ USD nhằm hỗ trợ nền kinh tế bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, trong khi Italy cũng thông qua sắc lệnh chi khoảng 28 tỷ USD nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân.
Tại châu Á, Nhật Bản ngày 19/11 đã thông qua gói kích thích kinh tế có tổng trị giá lên tới 55.700 tỷ yen (khoảng 490 tỷ USD), cao nhất từ trước tới nay, nhằm giúp giảm thiểu tác động của dịch COVID-19 tới nền kinh tế. Theo hãng tin AFP, đây là gói kích thích thứ ba Chính phủ Nhật Bản công bố kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát vào năm ngoái. Trước Thủ tướng Kishida Fumio, hai cựu thủ tướng Abe Shinzo và Suga Yoshihide đều đã lần lượt bơm 38.000 tỷ yen (334 tỷ USD) và 40.000 tỷ yen (351 tỷ USD) vào nền kinh tế trong năm 2020.
Tính đến giữa năm nay, Hàn Quốc cũng có năm đợt bổ sung ngân sách với tổng giá trị 82.000 tỷ won (khoảng 70 tỷ USD) để khắc phục hậu quả kinh tế do đại dịch COVID-19. Nhằm khôi phục nền kinh tế bị chao đảo do đại dịch COVID-19, Bộ trưởng Tài chính Ấn Độ Nirmala Sitharaman hồi tháng Sáu đã công bố gói các biện pháp trị giá 6.300 tỷ rupee (gần 85 tỷ USD) dành cho những lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề do làn sóng dịch thứ hai, trong đó tập trung vào lĩnh vực y tế, doanh nghiệp và du lịch.
Trong khi đó, Malaysia ngày 28/6 đã công bố gói hỗ trợ dịch COVID-19 trị giá 150 tỷ ringgit (48,6 tỷ USD), sau khi đã triển khai bảy gói kích thích kinh tế với tổng giá trị 380 tỷ ringgit trước đó.
Như vậy, kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát đến nay, nhiều nước đã đưa ra các gói hỗ trợ nhằm ứng phó với nguy cơ suy giảm kinh tế. Các gói hỗ trợ chủ yếu tập trung vào tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân nhằm ổn định kinh tế vĩ mô và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội.
...và mặt trái đối với nợ công
Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) đã cảnh báo về tình hình nợ công của các nước trước ảnh hưởng của dịch COVID-19, khi nguồn thu ngân sách giảm mạnh mà nhu cầu chi nhằm ngăn chặn dịch bệnh và hỗ trợ tăng trưởng lại tăng cao. Chính phủ các nước OECD đã vay 18.000 tỷ USD từ các thị trường trong năm 2020, tăng 6.800 tỷ USD so với năm 2019. Đây là mức tăng trong một năm cao nhất trong lịch sử gần đây, cả về số tuyệt đối và tương đối, cao hơn cả trong thời kỳ khủng hoảng tài chính năm 2008.
Theo dự báo của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), nếu dịch bệnh tiếp tục kéo dài, thâm hụt ngân sách và nợ công các nước sẽ tăng cao do các biện pháp hỗ trợ tài khóa trong khi thu ngân sách giảm. Thâm hụt ngân sách năm 2020 ở các nước phát triển trung bình khoảng 11,7% GDP, ở các nền kinh tế thị trường mới nổi là 9,8% GDP và ở các nước đang phát triển có thu nhập thấp là 5,5% GDP. Nợ công toàn cầu ở mức 97,3% GDP, tăng 13 điểm phần trăm so với mức được dự đoán trước đại dịch và được dự báo sẽ duy trì ở mức 99% GDP đến hết năm 2021 và trong trung hạn.
Tại Khu vực sử dụng đồng tiền chung euro (Eurozone), thâm hụt ngân sách năm 2020 đã tăng lên 7,2% GDP so với mức 0,6% GDP trong năm 2019. Tỷ lệ nợ công so với GDP của khu vực này cũng tăng từ 83,9% vào cuối năm 2019 lên 98% vào cuối năm 2020. Cụ thể, ở một số nước, nợ công của Hy Lạp năm 2020 đã lên tới 205,6% GDP, mức cao nhất Liên minh châu Âu (EU). Italy là quốc gia có tỷ lệ nợ công so với GDP cao thứ hai với 155,8%, tiếp đó là Bồ Đào Nha (133,6%), Tây Ban Nha (120%), Cyprus (Síp-118,2%), Pháp (115,7%) và Bỉ (114,1%).
Tại khu vực châu Á, Nhật Bản là nước có mức nợ công cao nhất và dự kiến đạt trên 240% GDP vào cuối năm 2021. Nợ công của Thái Lan năm 2020 đạt gần 50% GDP và được dự đoán sẽ tăng lên 56% trong năm 2021, 57,6% năm 2022 và 58,6% năm 2023. Còn tại Indonesia, nợ chính phủ đã tăng từ 30% GDP năm 2019 lên 38% GDP trong năm 2020.
Trước những tác động tiêu cực từ đại dịch COVID- 19, đặc biệt là những ảnh hưởng đến nợ công, các nước một mặt tiếp tục phòng chống dịch, đẩy mạnh tiêm vaccine cho người dân và dành nguồn lực cho y tế, mặt khác, điều chỉnh và áp dụng tạm thời các quy định tài khóa nhằm tạo dư địa chính sách ứng phó với đại dịch và thúc đẩy phục hồi tăng trưởng.
Ủy ban châu Âu (EC) đã đề xuất bãi bỏ một số quy định về bội chi ngân sách của các nước thành viên. Năm 2020, Chính phủ Indonesia đã ban hành quy định nhằm nâng thâm hụt ngân sách vượt quá giới hạn pháp lý trước đó là 3% GDP để ứng phó với đại dịch COVID-19. Brazil (Bra-xin) cũng đã loại trừ chi tiêu liên quan đến COVID-19 ra khỏi mức trần chi tiêu theo hiến pháp. Những điều chỉnh chính sách tài khóa của các nước được cho là linh hoạt và kịp thời, phù hợp với điều kiện kinh tế trong bối cảnh đại dịch.
Tuy nhiên, nguy cơ rủi ro nợ công vẫn sẽ hiện hữu sau đại dịch COVID-19. Vì thế, trong dài hạn, các nước cần cam kết thực hiện các nguyên tắc tài khóa, hướng tới nền tài khóa minh bạch và ổn định.
Nạn đói gia tăng kỷ lục tại Mỹ Latinh Liên hợp quốc (LHQ) mới đây công bố báo cáo cho thấy tỉ lệ thiếu đói tại các quốc gia Mỹ Latinh đã lên đến 9,1%, cao nhất trong vòng 15 năm trở lại đây. Nguyên nhân là do đại dịch COVID-19 đã tàn phá thị trường việc làm, khiến nhiều người lâm vào cảnh đói nghèo. Phụ nữ và trẻ em tại...