Biến thể Delta lây lan mạnh tại Nga
Theo phóng viên TTXVN tại Moskva, Ban phòng chống COVID-19 của LB Nga cho biết trong vòng 1 ngày qua tính đến sáng 22/6, nước này đã ghi nhận 16.715 ca mắc mới COVID-19.
Điều trị cho bệnh nhân mắc COVID-19 tại bệnh viện ở Moskva, Nga. Ảnh: AFP/TTXVN
Các địa phương có số ca mắc mới nhiều nhất trong ngày là thủ đô Moskva với 6.555 ca, tỉnh Moskva (1.871 ca) và thành phố St.Petersburg (1.065 ca).
Trong ngày qua tại Nga cũng có 546 ca tử vong mới – số ca tử vong cao nhất trong ngày kể từ ngày 11/2 (553 người). Đáng chú ý trong 24 giờ qua, thủ đô Moskva đã ghi nhận tới 86 ca tử vong, con số kỷ lục trong toàn bộ thời kỳ đại dịch, vượt kỷ lục ngày 19/1 là 84 ca.
Đến nay, Nga ghi nhận tổng cộng 5.350.919 người nhiễm virus SARS-CoV-2, trong đó 130.347 người tử vong và 4.889.450 người được chữa khỏi bệnh.
Video đang HOT
Trước đó, cùng ngày, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Dịch tễ học và Vi sinh vật học mang tên Gamaleya, ông Alexander Gintsburg đã lưu ý rằng việc tiêm phòng là cần thiết để chống lây nhiễm, tuy nhiên, có thể do không đủ “bộ nhớ” tế bào để bảo vệ chống lại biến thể Delta nên cần phải tiêm chủng lại.
Còn theo Bộ trưởng Y tế Nga Mikhail Murashko, tình hình COVID-19 ở Nga có thể kiểm soát được nhờ tiêm chủng. Hiện tình trạng gia tăng lây nhiễm đã ghi nhận tại 65 địa phương ở nước này và khoảng 465.000 bệnh nhân đang được các bác sĩ theo dõi.
Hoạt động tiêm chủng quy mô lớn ngừa COVID-19 đã diễn ra ở Nga từ ngày 18/1. Tất cả người dân đều được tiêm phòng miễn phí. Hiện tại, người dân Nga có thể chọn 4 loại vaccine đã được đăng ký trong nước là Sputnik V, Sputnik Light, EpiVacCorona và KoviVak.
* Trong khi đó, theo phóng viên TTXVN tại Tel Aviv, trước nguy cơ dịch COVID-19 tái bùng phát, Israel sẽ tăng cường khâu xét nghiệm tại sân bay quốc tế Ben Gurion, đồng thời kiểm soát cách ly đối với người nhập cảnh.
Tại một cuộc họp diễn ra vào tối 21/6 giữa Thủ tướng Naftali Bennett với các quan chức cấp cao của các bộ Y tế và Giao thông, các ý kiến đều cảnh báo về nguy cơ dịch COVID-19 tái lây lan do biến thể Delta du nhập từ các nước khác, cũng như tình trạng buông lỏng kiểm soát dịch bệnh đối với người nhập cảnh.
Thủ tướng Israel Bennett đã yêu cầu bổ sung 250 nhân viên an ninh để tăng cường kiểm soát cách ly sau nhập cảnh, lắp đặt thêm trạm xét nghiệm tại sân bay quốc tế Ben Gurion, trang bị thêm cho các trạm lấy mẫu xét nghiệm, đồng thời tăng cường thông tin tuyên truyền để người dân hiểu rõ nguy cơ đến từ những người trở về từ nước ngoài. Bên cạnh đó, ông cũng cho biết Chính phủ Israel sẽ xem xét xử phạt các phụ huynh không giám sát việc cách ly của trẻ em tại trường học, đồng thời chuẩn bị cho khả năng xảy ra một làn sóng dịch bệnh mới.
Trong những ngày qua, tại Israel đã xuất hiện 2 ổ dịch mới COVID-19 ở trường học sau khi nhiều học sinh xét nghiệm cho kết quả dương tính. Những ổ dịch này đều liên quan tới người Israel trở về từ nước ngoài. Bộ Y tế Israel đã yêu cầu thực hiện việc đeo khẩu trang khi đến trường tại hai địa điểm này.
Sau chiến dịch tiêm phòng hiệu quả, dịch COVID-19 tại Israel cơ bản đã được kiểm soát. Hầu hết các biện pháp giãn cách xã hội được dỡ bỏ, hoạt động kinh tế xã hội trở lại bình thường. Tuy nhiên, chiến dịch tiêm vaccine cho trẻ em dưới 16 tuổi vẫn chưa thu hút được sự tham gia đầy đủ của các phụ huynh.
Một số nguồn tin cho rằng có thể Bộ Y tế Israel sẽ áp dụng trở lại một số quy định phòng chống COVID-19, như đeo khẩu trang bắt buộc trong trường học, sân bay và các điểm công cộng khác.
Mối liên hệ giữa thói quen ngủ ít và nguy cơ bệnh COVID-19 tiến triển nặng
Thói quen ngủ ít có thể làm tăng nguy cơ bệnh tiến triển nặng hơn ở những người mắc COVID-19.
Nữ nhân viên công sở ngủ trong giờ làm. Ảnh minh họa: Newsmax.com/TTXVN
Để đưa ra kết luận trên, các nhà nghiên cứu tại Đại học Harvard (Mỹ) đã tiến hành phân tích kết quả trả lời khảo sát liên quan đến giấc ngủ của hơn 46.000 người. Những người này đã tham gia cuộc nghiên cứu dài hạn giai đoạn 2006-2010 do hãng Biobank của Anh thực hiện, và trong số này có 8.422 người gần đây có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2.
Trong cuộc khảo sát cũ, những người tham gia nghiên cứu đã trả lời các câu hỏi về thời gian ngủ, tình trạng mất ngủ và buồn ngủ vào ban ngày cũng như đồng hồ sinh học của cơ thể. Dựa trên các dữ liệu này, các nhà khoa học đã tiến hành một nghiên cứu mới trong đó đưa ra thang điểm đánh giá từ 0-6. Theo đó, ở những người mắc COVID-19, điểm số càng thấp thì nguy cơ tử vong càng cao. Kết quả này không thay đổi kể cả khi các nhà nghiên cứu tính đến các yếu tố rủi ro khiến bệnh nhân mắc COVID-19 chuyển biến nặng như ngưng thở khi ngủ, béo phì và hút thuốc.
Theo các nhà nghiên cứu, ngủ không đủ giấc có thể ảnh hưởng đến hệ miễn dịch và cơ chế đông máu, vốn là "lá chắn" của cơ thể trước sự xâm nhập của virus SARS-CoV-2. Việc theo dõi giấc ngủ có vai trò quan trọng trong việc xác định những người có nguy cơ cao phải nhập viện hoặc tử vong do COVID-19.
Công trình nghiên cứu trên được công bố trên tạp chí Clinical Infectious Diseases cuối tuần qua.
Mới tiêm vaccine cho 13% dân số, Nga đứng trước nguy cơ bị biến thể Delta nhấn chìm Nga mới chỉ tiêm vaccine COVID-19 cho 13% dân số. Khi triển vọng miễn dịch cộng đồng còn xa vời, Nga đang đối mặt với thách thức lớn là ngăn chặn biến thể Delta dễ lây lan. Điều trị cho bệnh nhân mắc COVID-19 tại bệnh viện ở Moskva, Nga. Ảnh: AFP/TTXVN Theo tờ The Moscow Times, hai tuần sau khi ông Kirill...