Biến thể Delta có thể gây viêm cơ tim, làm tăng nguy cơ tử vong ở người trẻ tuổi
Một nghiên cứu của các chuyên gia tại Australia cho thấy biến thể Delta của virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19 dường như có thể khiến những người trẻ, khỏe mạnh có nguy cơ bị biến chứng tim mạch và làm gia tăng tỷ lệ tử vong ở nhóm đối tượng này.
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Sydney, Australia, ngày 4/8/2021. Ảnh: THX/TTXVN
Theo phóng viên TTXVN tại Sydney, các chuyên gia thuộc Viện Nghiên cứu tim mạch Victor Chang tại Sydney đã tiến hành nghiên cứu về biến thể nguy hiểm này và kết luận một trong những tác dụng phụ mà nó gây ra cho người bệnh là chứng viêm cơ tim.
Giáo sư Jason Kovacic, Giám đốc viện trên và cũng là chủ nhiệm công trình nghiên cứu, cho biết các chuyên gia đang thu thập dữ liệu về mức độ phổ biến của tác dụng phụ này ở các bệnh nhân COVID-19. Theo ông, trong một số trường hợp nghiêm trọng, viêm cơ tim có thể dẫn đến suy tim, gây rối loạn nhịp tim hoặc đột tử. Ngoài ra, biến thể Delta cũng có thể gây ra hiện tượng cục máu đông, thường bắt đầu ở chân và sau đó di chuyển lên tim hoặc phổi. Đáng chú ý là người mắc COVID-19 không cần phải bị bệnh nặng hoặc các bệnh lý tiềm tàng về tim mới bị ảnh hưởng và một số bệnh nhân đã tử vong do những tác dụng phụ này.
Theo Giáo sư Kovacic, những biến chứng liên quan đến tim mạch là rất nghiêm trọng. Tuy nhiên, cho đến nay, chỉ có một số ít người bị biến chứng này. Ông cho biết các biến thể ban đầu của virus SARS-CoV-2 được ghi nhận có nguy cơ cao hơn đối với người lớn tuổi, nhưng những số liệu mới của nghiên cứu cho thấy biến thể Delta đang tác động nhiều hơn đến những người trẻ tuổi.
Giám đốc Y tế bang New South Wales, Australia, bà Kerry Chant đã từng khẳng định biến thể Delta là một lời cảnh tỉnh cho những người trẻ tuổi và những người khỏe mạnh vẫn tin rằng chỉ những người lớn tuổi và có bệnh nền mới có nguy cơ mắc COVID-19 thể nặng và phải nhập viện.
Trong đợt bùng phát hiện nay tại thành phố Sydney, bang New South Wales ghi nhận hầu hết các ca nhiễm là những người trong độ tuổi từ 20-39, trong đó có những người đang phải cần đến điều trị tích cực (ICU) và một thanh niên 27 tuổi đã tử vong. Nhà miễn dịch học hàng đầu của Australia Peter Doherty đã từng đưa ra nghi vấn ca tử vong này là do suy tim do trước đó người thanh niên này không hề có dấu hiệu cần phải chăm sóc y tế, không có bệnh nền và chưa tiêm vaccine phòng COVID-19.
Liên quan đến nghiên cứu của Viện Nghiên cứu tim mạch Victor Chang, một nghiên cứu tại Mỹ đã phân tích dữ liệu của hơn 14.000 người trong độ tuổi từ 12 – 17 bị nhiễm COVID-19 và phát hiện ra chứng viêm cơ tim phổ biến hơn ở nam giới, có tỷ lệ khoảng 450 người /1 triệu người mắc bệnh COVID-19.
Chứng viêm cơ tim cũng đã từng được Cơ quan Tư vấn về vaccine của Australia (ATAGI) báo cáo là một tác dụng phụ rất hiếm của vaccine bào chế theo công nghệ mRNA, bao gồm vaccine của các hãng Pfizer/BioNTech và Moderna. Tuy nhiên, tác dụng phụ này có xu hướng giảm nhanh chóng và không gây bệnh nặng, khác với biến chứng viêm cơ tim do biến thể Delta gây ra.
COVID-19 tới 6h sáng 18/7: Thế giới thêm 472.000 ca mắc; Ca mắc mới ở Anh cao nhất
Theo trang mạng worldometer.info, trong vòng 24 giờ qua, thế giới ghi nhận trên 472.000 ca bệnh COVID-19 và trên 6.800 ca tử vong. Tổng số ca bệnh từ đầu dịch tới nay đã là trên 190,7 triệu ca, trong đó trên 4,09 triệu ca tử vong.
Ba quốc gia có số ca mắc trong 24 giờ qua cao nhất thế giới là Anh (54.674 ca), Indonesia (51.952 ca) và Ấn Độ (41.222 ca).
Ba quốc gia có số ca tử vong trong 24 giờ qua cao nhất thế giới là Indonesia (1.092 ca), Nga (787 ca) và Brazil (766 ca).
Indonesia lần thứ 4 ghi nhận trên 50.000 ca mắc/ngày
Ngày 17/7, Indonesia ghi nhận thêm 51.952 ca mắc và 1.092 ca tử vong do COVID-19, nâng tổng số ca nhiễm và ca tử vong kể từ khi đại dịch bùng phát tại nước này lên lần lượt là 2.832.755 và 72.489 ca.
Đây là lần thứ 4 Indonesia ghi nhận trên 50.000 ca mắc mới trong một ngày và là lần thứ 3 số ca tử vong vượt mức 1.000 ca/ngày. Hiện quốc gia Đông Nam Á này vẫn còn 527.872 bệnh nhân đang được điều trị tại bệnh viện hoặc tự cách ly ở nhà và 239.294 ca nghi nhiễm.
Video đang HOT
Trong những tuần gần đây, số ca mắc COVID-19 tại Indonesia đã gia tăng đột biến và lập kỷ lục với 56.757 ca mắc ghi nhận ngày 15/7 và 1.205 ca tử vong thông báo ngày 16/7. Số liệu của Bộ Y tế cho thấy tính đến nay đã có 41.268.627 người tại Indonesia được tiêm ít nhất một liều vaccine ngừa COVID-19, trong đó 16.217.855 người đã được tiêm đầy đủ hai mũi.
Thái Lan cấm tập trung đông người nơi công cộng trên toàn quốc
Nhân viên y tế tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người dân tại Bangkok, Thái Lan, ngày 15/7/2021. Ảnh: THX/TTXVN
Số ca mắc mới COVID-19 gia tăng liên tục đã khiến các nhà chức trách Thái Lan cấm các cuộc tụ tập đông người trên toàn quốc, trong bối cảnh quốc gia Đông Nam Á này lần đầu tiên ghi nhận hai cột mốc quan trọng khi số ca tử vong hàng ngày do COVID-19 lên tới 3 con số và số ca nhiễm mới lần đầu tiên ở mức 5 con số.
Riêng tại vùng đô thị Bangkok mở rộng gồm thủ đô và 5 tỉnh lân cận là Nakhon Pathom, Nonthaburi, Pathum Thani, Samut Prakan và Samut Sakhon, các cuộc tụ tập hoặc hoạt động có từ 5 người trở lên đều bị cấm, trong khi tại những địa phương thuộc "vùng đỏ sẫm" trong diện kiểm soát nghiêm ngặt và tối đa gồm 24 tỉnh kể cả 6 tỉnh nói trên, người dân phải hạn chế tổ chức hội họp, ăn tiệc hoặc lễ hội, ngoại trừ các nghi lễ truyền thống đã được chuẩn bị từ trước. Hình phạt cho những người vi phạm là hai năm tù và/hoặc phạt tiền tối đa 40.000 baht (khoảng 1.200 USD).
Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha cũng đăng trên Facebook vào đêm 16/7 rằng các biện pháp phong tỏa sẽ được tăng cường tại "vùng đỏ sẫm". Những biện pháp này có thể bao gồm việc hạn chế di chuyển, đóng cửa thêm nhiều địa điểm và bắt buộc làm việc tại nhà. Hiện tại, một số biện pháp này chỉ được khuyến khích áp dụng.
Các biện pháp nghiêm ngặt, bao gồm lệnh giới nghiêm ban đêm từ 21h đến 4h sáng hôm sau, đã có hiệu lực ở Bangkok và 5 tỉnh lân cận, cũng như 4 tỉnh biên giới phía Nam bị ảnh hưởng nặng nề từ ngày 12/7. Các biện pháp này sẽ hết hiệu lực vào ngày 26/7 nhưng có thể được thắt chặt hoặc gia hạn.
Nhân viên y tế tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người dân tại Bangkok, Thái Lan, ngày 15/7/2021. Ảnh: THX/TTXVN
Ngày 17/7, Thái Lan cùng lúc ghi nhận số ca mắc với COVID-19 và số người tử vong vì dịch bệnh này ở các mức cao mới, vượt ngưỡng 10.000 ca nhiễm mới và 100 trường hợp tử vong mỗi ngày.
Số liệu do Bộ Y tế Thái Lan công bố sáng 17/7 cho thấy quốc gia Đông Nam Á này ghi nhận 10.082 ca nhiễm mới COVID-19 cùng 141 trường hợp tử vong trong 24 giờ qua. Như vậy, Thái Lan đã ghi nhận tổng cộng 391.989 ca mắc COVID-19 kể từ đầu mùa dịch, trong đó có 3.240 người không qua khỏi.
Trước việc số ca lây nhiễm gia tăng trong những ngày qua, Thủ tướng Prayut đã chỉ thị các lực lượng vũ trang và cảnh sát quốc gia chung tay với chính quyền thủ đô Bangkok để bố trí hơn 200 đội triển khai nhanh nhằm tiến hành xét nghiệm COVID-19 tận nhà dân ở những khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất của thành phố, nơi hiện là tâm điểm của làn sóng COVID-19 thứ 3 ở Thái Lan.
Nhật Bản phát hiện ca COVID-19 đầu tiên tại Làng vận động viên
Quang cảnh bên ngoài một lối vào làng Olympic ở Tokyo (Nhật Bản) ngày 13/7/2021, nơi các vận động viên cư trú, luyện tập trong thời gian diễn ra Olympics Tokyo 2020 (khai mạc ngày 23/7/2021). Ảnh: AFP/TTXVN
Ban tổ chức Olympic Tokyo 2020 thông báo đã ghi nhận trường hợp mắc COVID-19 đầu tiên tại Làng vận động viên ở thủ đô Tokyo.
Trong cuộc họp báo sáng 17/7, người phát ngôn của Ủy ban tổ chức Olympic Tokyo 2020 Masa Takaya cho biết: "Đã có một ca mắc COVID-19. Đây là trường hợp đầu tiên ghi nhận tại Làng vận động viên trong quá trình xét nghiệm sàng lọc".
Giám đốc điều hành (CEO) Olympic Tokyo 2020 - ông Toshiro Muto đã xác nhận thông tin này. Tuy nhiên, quốc tịch của bệnh nhân sẽ không được công bố do nhằm đảm bảo quyền riêng tư.
Thông tin về ca mắc COVID-19 ngay trong Làng vận động viên của Olympic Tokyo 2020 đã làm dấy lên lo ngại về virus SARS-CoV-2 có thể lây lan trong những người đang lưu trú tại đây, khi các đoàn thể thao quốc tế bắt đầu đổ về để chuẩn bị cho giải đấu khai mạc vào ngày 23/7 tới.
Do dịch bệnh COVID-19, Ban tổ chức Olympic Tokyo đã quyết định các sự kiện ở thủ đô Tokyo và 3 tỉnh lân cận là Chiba, Kanagawa và Saitama sẽ diễn ra mà không có khán giả.
Thành phố đông dân nhất Australia tiếp tục siết biện pháp hạn chế
Lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Sydney, Australia ngày 17/7/2021. Ảnh: AFP/TTXVN
Chính quyền thành phố Sydney, bang New South Wales của Australia ngày 17/7 đã yêu cầu tạm dừng tất cả các hoạt động xây dựng và sửa chữa, cấm các cửa hàng bán lẻ không thiết yếu và áp mức phạt với những chủ lao động để nhân viên đi làm tại các văn phòng trong bối cảnh số ca mắc mới COVID-19 tiếp tục tăng dù biện pháp phong tỏa đã được áp dụng trên toàn thành phố đến tuần thứ 3.
Theo đó, các cửa hàng được phép mở cửa gồm siêu thị, nhà thuốc và các cửa hàng bán dụng cụ gia đình sẽ được phép mở cửa trong khi mọi hoạt động liên quan tới xây sửa nhà cửa đều phải tạm dừng. Trong khi đó, chính quyền bang New South Wales cũng cấm hàng trăm nghìn người dân ở các vùng ngoại ô phía Tây Sydney rời khỏi khu dân cư để đi làm. Đây là vùng dịch bệnh nghiêm trọng nhất, ghi nhận 11 ca mắc mới trong 24 giờ qua. Những chủ lao động để nhân viên tới làm việc ở các văn phòng sẽ có thể bị phạt tới 7.402 USD. Cơ quan cảnh sát bang cũng sẽ tăng cường các hoạt động tuần tra giám sát việc tuân thủ các quy định trong thời gian phong tỏa.
Sydney, thành phố đông đúc nhất tại Australia với 5 triệu dân, đã bắt đầu phong tỏa từ ngày 26/6 và dự kiến sẽ dỡ bỏ phong tỏa vào ngày 30/7 sau khi xuất hiện đợt bùng phát mới trong cộng đồng liên quan biến thể của virus SARS-CoV-2 có khả năng lây lan nhanh. Đến nay, hơn 1.000 người dân thành phố và các quận huyện lân cận đã có kết quả dương tính với virus.
Trong khi đó, bang Victoria lân cận cũng đang ghi nhận số ca mắc mới hằng ngày tăng nhanh, từ mức 6 ca ngày 15/7 lên 19 ca trong ngày 16/7. Vì vậy, không loại trừ khả năng chính quyền bang sẽ gia hạn lênh phong tỏa dự kiến kết thúc vào ngày 20/7 tới.
Australia mới tiêm phòng đầy đủ cho khoảng hơn 10% trong tổng số 25 triệu dân. Hiện quốc gia này ghi nhận tổng cộng 31.500 ca bênh, trong đó có hơn 900 ca tử vong.
Pháp, Anh thắt chặt các biện pháp chống dịch
Tiêm vaccine COVID-19 tại Poissy, ngoại ô Paris, Pháp. Ảnh: AFP/TTXVN
Ngày 17/7, Pháp tuyên bố sẽ yêu cầu những người đến từ một số quốc gia châu Âu mà chưa tiêm chủng đầy đủ vaccine ngừa COVID-19 phải xuất trình giấy chứng nhận xét nghiệm âm tính được thực hiện trong vòng 24 giờ trước khi đến. Trong một tuyên bố, Thủ tướng Pháp Jean Castex cho biết quy định này áp dụng với những người đến từ Anh, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Cyprus, Hy Lạp, Hà Lan và có hiệu lực từ 0h ngày 18/7.
Theo Thủ tướng Pháp, những người được coi là tiêm chủng đầy đủ hiện nay sẽ là một tuần sau khi họ nhận được mũi tiêm thứ hai các loại vaccine của hãng Pfizer/BioNTech, Moderna và AstraZeneca, thay vì 14 ngày như hiện nay, và 28 ngày sau khi tiêm vaccine của hãng Johnson & Johnson. Pháp cũng sẽ chấp nhận vaccine của hãng Covishield, một phiên bản của hãng AstraZeneca, được sản xuất tại Ấn Độ.
Đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19 khi lưu thông trên đường phố London, Anh ngày 16/7/2021. Ảnh: THX/TTXVN
Trong khi đó, tại Anh, chính phủ nước này đã thay đổi vào phút cuối về việc kéo dài quy định cách ly đối với những người từ Pháp trở về Anh. Theo kế hoạch, Chính phủ Anh dự định từ đầu tuần tới dỡ bỏ hầu hết những biện pháp hạn chế vì dịch bệnh ở Anh và những người đã tiêm đầy đủ vaccine ngừa COVID-19 sẽ không phải thực hiện cách ly sau khi trở về từ những khu vực mà Anh cho là có nguy cơ lây nhiễm cao ở châu Âu. Tuy nhiên, đến cuối ngày 16/7, chính phủ tuyên bố do biến thể Beta phát hiện đầu tiên ở Nam Phi vẫn đang lây lan ở Pháp nên quy định cách ly 10 ngày sẽ vẫn được duy trì đối với những người trở về từ một trong những điểm đến yêu thích của người Anh này.
Các nhà khoa học lo ngại rằng biến thể Beta có khả năng kháng các loại vaccine cao hơn, đặc biệt là vaccine của hãng AstraZeneca. Theo số liệu thống kê mới nhất, số ca nhiễm biến thể Beta tại Anh không nhiều nhưng chiếm đến 11% số ca mắc COVID-19 tại Pháp. Hiện số ca nhiễm biến thể Delta mới chiếm đa số tại cả Anh và Pháp.
Cùng ngày 17/7, Bộ trưởng Y tế Anh Sajid Javid cho biết ông đã có kết quả dương tính với COVID-19 sau khi xét nghiệm nhanh nhưng các triệu chứng rất nhẹ vì ông đã tiêm đủ hai liều vaccine. Ông đang chờ kết quả xét nghiệm PCR.
Ít nhất 7 bang ở Mỹ sẽ yêu cầu học sinh đeo khẩu trang
Học sinh đeo khẩu trang tới trường ở Godley, Texas ngày 5/8/2020. Ảnh: AP
Trong bối cảnh rất nhiều học sinh đã quay trở lại trường để học trực tiếp toàn thời gian, một số bang ở Mỹ đang có kế hoạch yêu cầu tất cả học sinh phải đeo khẩu trang. Ngược lại, tại một số bang khác, các lệnh hành pháp đã được đưa ra nhằm cấm việc ban hành các yêu cầu về việc đeo khẩu trang. Với các quy định luôn thay đổi khi nhiều bang giao cho các trường học tại địa phương đưa ra những quy định riêng đang khiến cho nhiều phụ huynh, giáo viên và học sinh tại Mỹ băn khoăn.
Hiện có 7 bang tại Mỹ thông báo rằng họ sẽ yêu cầu học sinh đeo khẩu trang khi đến trường, bất kể tình trạng tiêm chủng, bao gồm Connecticut, Delaware, Hawaii, New Mexico, New York, Virginia và Washington. Theo hướng dẫn của cơ quan y tế bang Washington đưa ra vào đầu tháng này, tất cả nhân viên ở trường học, tình nguyện viên, du khách và học sinh phải đeo khăn che mặt bằng vải hoặc một vật thay thế có thể chấp nhận được, như khẩu trang y tế, ở trường bất kể tình trạng tiêm chủng. Tuy nhiên, ở bang này, khẩu trang không được yêu cầu phải đeo khi ở ngoài trời dễ dẫn đến sự nhầm lẫn về thời điểm bắt buộc và không bắt buộc đeo khẩu trang.
Trong khi đó, bang California đã nhanh chóng đảo ngược chính sách đeo khẩu trang sau khi thông báo rằng những học sinh đến trường mà không đeo khẩu trang sẽ bị từ chối tiếp nhận. Hiện tại, bang này sẽ trao quyền quyết định về vấn đề đeo khẩu trang cho từng chính quyền cấp địa hạt. Trong một thông báo trên tài khoản Twitter, cơ quan y tế của California cho biết hướng dẫn của tiểu bang này sẽ làm rõ vấn đề liên quan đến việc sử dụng khẩu trang nhằm đảm bảo điều kiện để các trường học mở cửa trở lại trực tiếp.
Đáng chú ý, ngay cả trong số các bang yêu cầu đeo khẩu trang bắt buộc, có những chính sách chỉ dẫn vẫn đang thay đổi. Bang New Mexico đang áp dụng hướng dẫn được ban hành vào tháng 4, theo đó tất cả học sinh đang đi học đều phải đeo khẩu trang. Tuy nhiên, nhà chức trách New Mexico hiện đang xem xét lại chính sách của mình sau khi Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC) của Mỹ đã cập nhật hướng dẫn mới liên quan đến vấn đề này.
Bất chấp hướng dẫn của CDC về việc sử dụng khẩu trang nhất quán và đúng cách là đặc biệt quan trọng ở trong nhà và những nơi đông người, khi không thể duy trì khoảng cách cần thiết, các bang Arizona, Georgia, Iowa, South Carolina, Texas, Utah và Vermont đã ban hành luật cấm các cơ sở đào tạo yêu cầu đeo khẩu trang trong trường học. Trong khi đó, hai bang Illinois và Michigan có các chính sách trên toàn bang quy định rằng khẩu trang chỉ được yêu cầu đối với học sinh chưa tiêm chủng.
Cuba phát triển vaccine COVID-19 có thể ngăn ngừa tử vong
Vaccine COVID-19 Abdala của Cuba được giới thiệu trong cuộc họp báo của Tập đoàn công nghệ sinh học và dược phẩm BioCubaFarma tại Havana ngày 19/3/2021. Ảnh: AFP/TTXVN
Công bố chính thức ngày 16/7 cho biết vaccine COVID-19 mang tên Abdala do Cuba sản xuất đạt hiệu quả 100% trong việc ngăn ngừa tử vong do dịch bệnh nguy hiểm này. Đây là kết quả được ghi nhận trong giai đoạn nghiên cứu lâm sàng thứ 3 của loại vaccine nêu trên.
Theo Giám đốc Trung tâm Kỹ thuật Di truyền và Công nghệ Sinh học Cuba (CIGB) - cơ sở phát triển dược phẩm này - Marta Ayala, Abdala là loại vaccine đầu tiên tự sản xuất được cấp phép sử dụng trong trường hợp khẩn cấp tại Mỹ Latinh. Abdala trước đó đã được thông báo đạt hiệu quả 92,28% trong phòng ngừa truyền nhiễm COVID-19 có triệu chứng. Bà Ayala cũng cho biết số người tình nguyện tham gia thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 của loại vaccine này ở Cuba là 300.000 người.
Cùng ngày, CIGB cũng cho hay ứng viên vaccine ngừa COVID-19 Mambisa của Cuba cũng đã được đưa vào danh sách toàn cầu các loại thuốc miễn dịch qua đường mũi tiến tới giai đoạn thử nghiệm lâm sàng. Mabisa là 1 trong 5 ứng viên vaccine, trong tổng số hơn 300 loại đăng ký trên thế giới, sử dụng qua đường mũi. Đây cũng là 1 trong 5 ứng viên vaccine ngừa COVID-19 mà Cuba phát triển, tính cả Abdala, và là ứng viên duy nhất sử dụng qua đường nhỏ mũi với một liều duy nhất.
Theo thống kê tính đến hết ngày 16/7, Cuba cho biết đã có 3,2 triệu người dân nước này được tiêm chủng ít nhất một mũi vaccine ngừa COVID-19, với tổng số 7,9 triệu liều đã được sử dụng, trong đó hơn 2 triệu người đã hoàn thành việc tiêm chủng với đủ 3 liều.
Như vậy, Cuba vẫn đang triển khai đúng tiến độ, kế hoạch đề ra là tới hết tháng 8 hoàn thành tiêm chủng từ 60 - 70% dân số với 11 triệu người, cũng như vươn tới mục tiêu trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới hoàn thành tiêm chủng ngừa COVID-19 cho toàn bộ dân số với vaccine tự sản xuất trong nước.
Đa số các ca mắc mới tại Singapore là người đã tiêm vaccine, không có ai bị nặng Những người đã được tiêm đủ liều vaccine chiếm tới 75% ca mắc mới COVID-19 trong 4 tuần gần đây tại Singapore, nhưng bệnh tình của những người này không bị diễn tiến nặng. Đây là thông báo được Chính phủ Singapore đưa ra ngày 22/7. Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 tại Singapore. Ảnh: AFP/TTXVN Thống kê cho thấy...