Biến số quyết định triển vọng kinh tế Mỹ trong năm 2022
Kinh tế Mỹ tiến vào năm 2022 với đà phục hồi mạnh mẽ. Kết thúc năm 2021, nền kinh tế lớn nhất thế giới được cho là sẽ đạt tốc độ tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) nhanh nhất kể từ năm 1984.
Các chuyên gia kinh tế kỳ vọng xu hướng phục hồi mạnh mẽ này sẽ tiếp tục vào năm 2022, cho phép nước Mỹ “chữa lành” hầu hết những “vết thương kinh tế” do đại dịch COVID-19 gây ra. Cùng với đó, thị trường việc làm có thể trở lại trạng thái toàn dụng vào cuối năm 2022. Tình trạng lạm phát tăng cao dự kiến sẽ hạ nhiệt và quay trở về mức lành mạnh hơn.
Quang cảnh tại quảng trường Herald ở New York. Ảnh: AFP/TTXVN
Mặc dù vậy, những gì đã xảy ra trong hai năm qua đã cho thấy cách mà những sự kiện bất ngờ có thể làm thay đổi mọi dự báo. Điều này có nghĩa là triển vọng kinh tế Mỹ trong năm 2022 vẫn đối mặt với những rủi ro nhất định, bắt nguồn từ một tác nhân vốn vẫn đang làm chao đảo cuộc sống hàng ngày, đó là COVID-19.
COVID-19 vẫn hiện hữu
Người ta vẫn hy vọng rằng biến thể Omicron của virus SARS-CoV-2 sẽ biến mất và những tác động của biến thể này chỉ tồn tại trong thời gian ngắn.
Tuy nhiên, điều gì sẽ xảy ra nếu làn sóng lây nhiễm mới nhất này tồn tại đủ lâu để làm giảm nhu cầu của người tiêu dùng, đặc biệt là trong các lĩnh vực nhạy cảm với COVID-19 như du lịch và nhà hàng?
Joe Brusuelas, nhà kinh tế trưởng tại công ty đa quốc gia RSM, cho biết: “Đại dịch vẫn là tác nhân tiềm ẩn lớn nhất gây xáo trộn nền kinh tế trong nước Mỹ và toàn cầu”.
Một nguy cơ cũng nghiêm trọng không kém là sự xuất hiện của một biến thể thậm chí còn mang tính đe dọa hơn với các triệu chứng nghiêm trọng hơn cùng khả năng chống lại vaccine ngừa COVID-19 và các mũi nhắc lại.
Tuy nhiên, điều tích cực là cho đến nay Phố Wall dường như vẫn “miễn nhiễm” với hai rủi ro này. Các mức cao kỷ lục trên thị trường chứng khoán được xác lập trong năm 2021 cho thấy giới đầu tư đang đặt cược rằng Omicron hay một biến thể khác sẽ không phải là vấn đề.
Chuỗi cung ứng sẽ tiếp tục “lộn xộn”
Biến thể Omicron xuất hiện vào đúng thời điểm chuỗi cung ứng toàn cầu đang gặp nhiều khó khăn phát đi những tia hy vọng le lói về khả năng phục hổi. Gián đoạn chuỗi cung ứng là một trong những nguyên nhân lớn nhất gây ra tình trạng lạm phát.
Video đang HOT
Hồi đầu năm nay, sự xuất hiện của biến thể Delta, kéo theo đó là hàng loạt biện pháp phong toả, hạn chế, đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến chuỗi cung ứng.
Do đó, các chuyên gia cho rằng hiện còn quá sớm để đánh giá liệu những điều tương tự có xảy ra tại các nhà máy, cảng và các công ty vận tải đường bộ với biến thể Omicron hay không.
Vincent Reinhart, cựu quan chức Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed), hiện là chuyên gia kinh tế trưởng tại ngân hàng BNY Mellon, cảnh báo: “Có khả năng biến thể Omicron sẽ làm gián đoạn chuỗi cung ứng nhiều hơn và sẽ là lực cản đối với tăng trưởng và đầu tư”.
Mặc dù vậy, tin tốt là làn sóng Omicron đang ập đến vào thời điểm mà nhu cầu đang “nguội” đi. Điều này sẽ tạo ra thêm dư địa để các chuỗi cung ứng đối phó với biến thể mới.
Lạm phạt vẫn sẽ nóng
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tại Mỹ đã tăng trong tháng 11/2021 với tốc độ nhanh nhất trong 39 năm, khiến chi phí sinh hoạt của các gia đình tăng lên. Ngân hàng Goldman Sachs dự kiến lạm phát sẽ tiếp tục tăng trong những tháng tới trước khi hạ nhiệt đáng kể vào cuối năm 2022.
Một rủi ro là các nút thắt cổ chai mới liên quan đến đại dịch COVID-19 sẽ làm hạn chế nguồn cung, khiến giá tăng cao hơn.
Một lo ngại khác là lạm phát tiếp tục lan rộng và ăn sâu hơn vào tâm lý của người tiêu dùng và chủ doanh nghiệp, từ đó gây ra một vòng phản ứng tiêu cực khiến lạm phát tăng cao hơn nữa.
Giá năng lượng cao là nguyên nhân khiến lạm phát tăng đột biến và một rủi ro khác là sự xuất hiện của một đợt tăng giá dầu khác sẽ làm cho bức tranh lạm phát trở nên u ám hơn.
Sự rút lui của “chú Sam” và rủi ro Fed mắc sai lầm chính sách
Sau khi “bơm” ra thị trường số tiền hỗ trợ lên tới 6.000 tỷ USD trong hai năm đầu tiên của đại dịch COVID-19, sự hậu thuẫn của chính phủ đối với nền kinh tế dự kiến sẽ giảm mạnh vào năm 2022.
Sau gần hai năm tung ra các biện pháp hỗ trợ chưa từng có, Fed cuối cùng cũng đã “nhấc chân ra khỏi bàn đạp ga” và chuẩn bị nhấn phanh.
Trong một nỗ lực chống lạm phát, thể chế quyền lực này dự kiến sẽ kết thúc chương trình mua trái phiếu vào khoảng tháng Ba tới và sẽ thực hiện ba đợt tăng lãi suất trong năm 2022.
Với sức mạnh phục hồi kinh tế như hiện nay, kinh tế Mỹ được cho là sẽ có thể hấp thụ những đợt tăng lãi suất này mà không bị ảnh hưởng tiêu cực. Chi phí đi vay sẽ vẫn ở mức thấp trong lịch sử.
“Cảm nhận của tôi là nền kinh tế hiện đang ở một vị trí khá tốt. Fed có rất nhiều công cụ để làm việc”, chuyên gia Brusuelas của RSM nhận định.
Các nhà đầu tư có xu hướng đồng ý với quan điểm của chuyên gia Brusuelas. Điều này được thể hiện thông qua cách các thị trường đang vận động với niềm tin rằng Fed sẽ khéo léo “rút chân” mà không gây ra bất cứ tác động phụ tiêu cực nào đối với nền kinh tế.
Mặc dù vậy, vẫn có khả năng Fed sẽ phạm sai lầm bằng cách tăng lãi suất nhanh hơn mức mà nền kinh tế, hoặc thị trường tài chính, có thể chịu đựng. Và điều này có thể làm chậm lại nghiêm trọng hoặc thậm chí kết thúc quá trình phục hồi.
Những yếu tố bất ngờ khác
Khi đánh giá rủi ro đối với nền kinh tế các chuyên gia kinh tế không thể không tính đến những sự kiện mà ít người mong đợi nhưng vẫn có thể gây ra những tác động lớn.
Ví dụ như một cuộc tấn công mạng lớn gây ra tình trạng hỗn loạn trong nền kinh tế thực hoặc thị trường tài chính, hoặc cả hai.
Năm 2021, việc nhóm tin tặc DarkSide tấn công mạng vào đường ống olonial Pipeline và làm gián đoạn nguồn cung cấp nhiên liệu cho Bờ Đông nước Mỹ đã cho thấy các nền tảng hạ tầng quan trọng dễ bị tổn thương như thế nào trước mối đe dọa an ninh mạng.
Một báo cáo gần đây của Hội đồng Quốc tế JPMorgan cảnh báo rằng không gian mạng là “vũ khí nguy hiểm nhất trên thế giới, về mặt chính trị, kinh tế và quân sự”.
Chủ tịch Fed Jerome Powell hồi đầu tháng 12 đã công khai bày tỏ lo ngại về việc một cuộc xâm nhập mạng trái phép có thể “hạ gục” một ngân hàng lớn hoặc một “bánh răng” quan trọng trong hệ thống tài chính.
Ngoài ra, bên cạnh yếu tố không gian mạng là vô số rủi ro khác như chiến tranh, thảm họa thiên nhiên hay thậm chí là một sự cố trên thị trường tiền điện tử.
Thế giới đã ghi nhận trên 288,68 triệu ca mắc COVID-19
Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 22h ngày 1/1 (giờ Việt Nam), trên thế giới có tổng cộng 288.680.388 ca mắc COVID-19, trong đó có 5.455.377 ca tử vong.
Số ca hồi phục là trên 253,8 triệu ca. Hiện số ca đang phải điều trị là trên 29,35 triệu ca, trong đó 88.703 ca nguy kịch.
Nhân viên y tế chuyển bệnh nhân COVID-19 tới bệnh viện tại New York, Mỹ, ngày 13/12/2021. Ảnh: THX/TTXVN
Mỹ hiện vẫn là quốc gia chịu tác động nghiêm trọng nhất với 55.696.500 ca nhiễm, trong đó 846.905 ca tử vong. Do sự bùng phát của dịch COVID-19, nhất là biến thể mới Omicron của virus SARS-CoV-2, trong ngày cuối cùng của năm 2021, Mỹ tiếp tục phải hủy hơn 1.400 chuyến bay trên toàn quốc. Theo số liệu thống kê trên trang FlightAware, tổng cộng 1.417 chuyến bay ở Mỹ đã bị hủy vào đêm Giao thừa. Ngoài những chuyến bay bị hủy, gần 2.000 chuyến bay bổ sung ở Mỹ cũng đã bị hoãn. Tính trong cả tuần nghỉ lễ, hơn 7.000 chuyến bay ở Mỹ đã bị hủy, khiến hàng nghìn du khách bị mắc kẹt khi cố gắng trở về nhà. Hầu hết các hãng hàng không cho biết lý do phải hủy chuyến bay là do có nhiều nhân viên và người lao động bị mắc COVID-19 hoặc đang phải cách ly. Trong khi đó, trên phạm vi toàn cầu, hơn 6.500 chuyến bay đã bị hoãn và gần 3.000 chuyến bị hủy.
Người dân tới trung tâm xét nghiệm COVID-19 tại Toronto, Canada ngày 28/12/2021. Ảnh: THX/TTXVN
Tại quốc gia láng giềng Canada, nhiều tỉnh của nước này đã rút ngắn thời gian cách ly đối với những người đã tiêm đủ liều cơ bản. Hai tỉnh miền Tây Canada là Alberta và British Columbia thông báo giảm một nửa thời gian tự cách ly bắt buộc khi mắc COVID-19 xuống còn 5 ngày đối với những người đã tiêm đủ liều vaccine ngừa COVID-19 cơ bản. Quyết định trên được đưa ra trong bối cảnh Canada đang phải vật lộn với tình trạng thiếu hụt lao động và những thách thức khác do diến thể Omicron gây ra. Trước đó, Ontario, tỉnh đông dân nhất cả nước, cũng đã có quyết định tương tự. Còn tại tỉnh Quebec, chính quyền cấm mọi cuộc tụ tập riêng tư và áp lệnh giới nghiêm ban đêm để chặn đà lây lan của dịch bệnh trên địa bàn. Dịch bệnh tăng mạnh cùng các biện pháp siết chặt phòng ngừa đã khiến nhiều người dân Canada phải gác lại kế hoạch đêm Giao thừa.
Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) sẽ cấm những công dân chưa tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 đi du lịch nước ngoài từ ngày 10/1 tới. Bộ Ngoại giao cùng Cơ quan Quản lý thảm họa và khủng hoảng khẩn cấp quốc gia UAE đã đưa ra thông báo trên ngày 1/1 và cho biết những người đã tiêm đủ liều cơ bản cũng sẽ phải tiêm liều tăng cường mới được đi du lịch nước ngoài. Tuy nhiên, quy định này không áp dụng với những người được miễn trừ y tế và nhân đạo.
Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Lào đã bổ sung danh sách công dân các quốc gia được phép nhập cảnh nước này theo Chương trình "Vùng xanh du lịch". Theo đó, sẽ có thêm công dân từ 14 nước được phép nhập cảnh vào Lào theo chương trình du lịch nói trên, gồm Brunei, Indonesia, Philippines, Na Uy, Thụy Sĩ, Phần Lan, Israel, Ireland, Hungary, Áo, New Zealand, Ba Lan, Đan Mạch và Bỉ. Trước đó, Lào đã công bố danh sách công dân 17 quốc gia được nhập cảnh nước này từ đầu năm 2022, trong đó có Việt Nam.
Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Manila, Philippines. Ảnh: AFP/TTXVN
Ngày 1/1, Philippines ghi nhận 3.617 ca nhiễm mới và 43 ca tử vong, nâng tổng số ca bệnh trên cả nước lên 2.847.486 ca, trong đó 51.545 người không qua khỏi. Nhà phân tích Guido David thuộc Nhóm Nghiên cứu OCTA cho biết với số ca nhiễm mới tiếp tục gia tăng như hiện nay, hệ số lây nhiễm ở Philippines hiện tăng lên mức 3,19, điều này có nghĩa là một người mắc COVID-19 có thể lây lan cho trên 3 người khác.
Tại Anh, Bộ trưởng Y tế Sajid Javid cho rằng những biện pháp hạn chế mới ở nước này nhằm kìm hãm tốc độ lây lan dịch bệnh COVID-19 sẽ là lựa chọn cuối cùng, khi không còn biện pháp nào khác. Ông cho rằng mỗi người cần thích nghi với virus và hạn chế áp dụng các biện pháp nghiêm ngặt trong tương lai. Với tốc độ lây lan nhanh chóng, biến thể Omicron đang hoành hành tại Anh với số ca mắc mới mỗi ngày lên mức cao kỷ lục. Trong ngày 31/12, toàn nước Anh ghi nhận gần 190.000 ca nhiễm mới.
Biến thể Omicron không chỉ trở thành biến thể chủ đạo tại vùng England và Scotland mà còn đang lây lan với tốc độ nhanh tại Bắc Ireland và xứ Wales. Tuy nhiên, Anh vẫn chưa áp đặt các quy định mới đối với vùng England vốn chiếm hơn 80% dân số cả nước. Trong khi đó, xứ Wales, Scotland và Bắc Ireland đều đã áp đặt các biện pháp như hạn chế tụ tập đông người, đóng cửa các câu lạc bộ đêm và duy trì giãn cách xã hội tại các quán bar.
Mặc dù dịch bệnh vẫn tiếp tục lây lan ở nhiều nước trên thế giới, nhưng Tổng giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Ghebreyesus lạc quan rằng đại dịch COVID-19 có thể kết thúc trong năm 2022 nếu tỷ lệ tiêm chủng vaccine toàn cầu tăng và các nước cùng hợp tác để kiềm chế dịch bệnh lây lan.
Thế giới đón mừng Năm mới trong lạc quan và thận trọng Sau khi trải qua thêm một năm bất ổn do dịch COVID-19 với nhiều biện pháp hạn chế mới và số ca nhiễm tăng vọt, thế giới đang bước sang năm 2022 với niềm hy vọng về một khoảng thời gian tốt đẹp hơn phía trước. Người dân chờ lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 tại New York, Mỹ ngày 29/12/2021. Ảnh: THX/TTXVN Trong...