Biển sạch phải là khi cá tôm trở lại
Đó là lời đau đáu của hầu hết ngư dân Quảng Bình, Hà Tĩnh và Quảng Trị mà chúng tôi gặp ngay sau công bố biển đã sạch trở lại. Theo ngư dân, việc “sạch” – “bẩn” của biển họ không có khả năng kiểm chứng, nhưng sự thật thì cá tôm gần bờ hầu như vắng bóng.
Ảnh dưới đáy biển mà anh em Hiền, Hùng chụp được sau thời điểm cá chết 1 tháng cho thấy hệ sinh thái của rạn san hô đã bị hủy diệt.
Nỗi niềm của ngư dân
Theo lão ngư Nguyễn Trường Sơn, xã Bảo Ninh, TP Đồng Hới, thiên nhiên đã ban tặng cho Quảng Bình một bờ biển dài và rộng lớn. Hiếm địa phương nào cách bờ chừng 1 hải lí là rạn san hô chạy dọc từ Bắc vào Nam như Quảng Bình. Nơi đây được ví như “vựa cá”, sản sinh muôn loài thủy hải sản nuôi sống ngư dân bao đời. Những năm lại đây, lớp trẻ có sức đua nhau vươn khơi, vươn xa làm giàu, còn lớp già như ông vẫn sống tốt nhờ vào rạn san hô gần bờ.
Sau gần 4 tháng nghỉ biển, “đói thì đầu gối phải bò”, mới đây lớp già như ông Sơn sửa sang lại thuyền bè ra biển với hy vọng “nối” lại nghề xưa, duy trì cuộc sống. Thuyền của ông có 3 bạn già đều trên 65 tuổi, chập tối là rời bến ra rạn san hô câu mực.
Ngày trước, mỗi đêm ra biển trở về, trừ chi phí, người cũng được dăm ba trăm nghìn đến một triệu, có hôm trúng đậm đến vài ba triệu đồng. Cả một tháng nay, hơn chục lần ra biển, cũng kinh nghiệm đó, cũng phương thức đó nhưng mực không cắn câu. Ba ông bạn già thức trắng đêm, có hôm chỉ được 1kg, hôm nhiều nhất được 5kg mực. Giá bán lại rẻ, chưa bằng một nửa ngày xưa nên không đủ bù chi phí dầu đèn.
“Chúng tôi không hiểu về cách thức đo đếm của khoa học kỹ thuật, nhưng thước đo biển sạch hay bẩn của ngư dân chúng tôi là dựa vào lượng cá tôm có trong lòng biển” – ông Sơn nói.
Video đang HOT
Ngược ra xã Quang Phú, TP Đồng Hới, gặp lại hai anh em Lê Hiền và Lê Hùng, những ngư dân đã cùng PV Tiền Phong lặn thám sát đáy biển sau thời điểm cá chết chừng 1 tháng. Mới đây cũng vì kế sinh nhai mà hai anh quay lại biển. Theo anh em Hiền, Hùng: Đáy biển đã đỡ hơn so với thời điểm cùng PV Tiền Phong lặn thám sát đáy biển. Chất cặn màu vàng đục chỉ còn lại ở một số vùng trũng trong rạn san hô. Tuy nhiên cá tôm thì vẫn biệt tăm. Những loài như cá mú, cá hồng, tôm hùm, nhím, nghêu, sò… họa hoằn lắm mới bắt gặp.
“Đặc biệt là rạn san hô, hơn 90% bị chết, chưa thấy phục hồi trở lại. Anh em bọn tui bữa ni ra biển là phải mang theo vàng lưới, thả xuống bắt cá trên mặt nước di cư từ nơi khác về, chứ cá bản địa không còn”, anh Hùng nói và cho biết có gia đình trong xã không trụ nổi phải vào miền Nam lặn thuê kiếm sống.
Bao giờ công bố cá, mực không bị nhiễm độc?
Ngư dân 67 tuổi Trần Quang Triển ở làng biển Cát Sơn (xã Trung Giang, huyện Gio Linh, Quảng Trị) cho hay: “Kinh nghiệm mấy chục năm lăn lốc nghề biển giã cho tui thấy, dù có cá nhỏ xuất hiện nhưng vẫn chưa thấy cá kinh tế, chỉ khi mô có các loại cá kinh tế mới đủ để khẳng định khu vực biển đó đã an toàn”.
“Mấy tháng trời cá đánh về không bán được. Cuộc sống người dân bị đảo lộn, nhiều người phải bỏ biển lên bờ kiếm kế sinh nhai. Người dân chỉ có một mong mỏi các cơ quan chức năng công bố cá biển đánh về có an toàn hay không”. Ông Nguyễn Văn Thanh
Chủ tịch Nghiệp đoàn nghề cá Cẩm Nhượng, Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh)
Còn theo ngư dân Lê Quang ở thôn Phú Hội (xã Triệu An, huyện Triệu Phong), hiện đang là vụ cá nam, ngoài những chuyến tàu xa bờ trúng đậm các loại cá có giá trị, ngư dân đánh bắt gần bờ cũng thu được sản lượng cá nục khá lớn. Như nhà ông Quang, ngày đánh trúng thì 2 tạ, ngày ít cũng hơn 1 tạ.
“Nhưng giá thì vẫn rớt tận đáy, mỗi ký cá nục suôn đưa vào bờ chỉ bán được chục ngàn là cao, chưa bằng nửa giá trước đây. Người mua cầm chừng, thậm chí không mua nữa do chưa đả thông tư tưởng “cá bẩn”. Cho nên khi cơ quan chức năng chưa có câu trả lời dứt khoát cá biển đã ăn được chưa thì ngư dân càng khốn khó điêu đứng nữa”, ngư dân Quang cho hay.
Theo quan sát của PV Tiền Phong tại các chợ cá tại các huyện Nghi Xuân, Lộc Hà, Cẩm Xuyên bắt đầu buôn bán tấp nập trở lại. Sáng qua, 22/8, tại chợ cá Cương Gián, Nghi Xuân, giá 1kg cá trích hơn 60 nghìn đồng, cá bạc má giá trên 70 nghìn đồng/kg.
“Cá được đánh trực tiếp ngoài biển, còn tươi sống nên người dân tin tưởng mua về ăn. Còn các hộ kinh doanh mua cá ở nơi khác về bán người dân vẫn chưa có niềm tin. Giá cá đang tăng lên”, chị Nguyễn Thị Loan, bán cá tại xã Cương Gián, Nghi Xuân cho biết.
Ông Trần Đình Nam, GĐ Cty CP XNK Thủy sản Nam Hà Tĩnh (địa chỉ Khu kinh tế Vũng Áng, TX Kỳ Anh) cho biết, trước khi hội nghị diễn ra, ông hy vọng sẽ công bố thông tin “ăn hải sản ở biển 4 tỉnh miền Trung đã an toàn”. Thế nhưng, tại hội nghị, kết quả vẫn chưa công bố nên ông khá hụt hẫng. Thời gian qua, với ông Nam, hải sản chết hàng loạt đã khiến hoạt động kinh doanh của Cty quá khó khăn, hơn 300 công nhân công việc bất ổn, nhiều người phải nghỉ việc.
Theo Hoàng Nam-Hữu Thành-Minh Thùy (Tiền Phong)
Ngư dân Quảng Bình kiến nghị được khám sức khỏe sau sự cố môi trường biển
Hơn 100 ngư dân xã Cảnh Dương (huyện Quảng Trạch, Quảng Bình) kiến nghị sớm khôi phục môi trường biển, được hỗ trợ thu nhập, lãi vay, khám sức khỏe... sau sự cố môi trường biển.
Ngư dân băn khoăn chuyển đổi nghề nghiệp khi môi trường biển vẫn chưa an toàn. Ảnh: Hoàng Táo
Sáng 8/7, ông Phan Xuân Linh, Chánh văn phòng UBND huyện Quảng Trạch cho hay huyện này đã nhận được bản kiến nghị hỗ trợ sau sự cố môi trường biển ở 4 tỉnh miền Trung của nhân dân xã Cảnh Dương.
Trước đó, hơn 100 ngư dân xã này có mặt ở trụ sở UBND xã Cảnh Dương để đối thoại với lãnh đạo xã và nêu ra các nguyện vọng.
Ngư dân bày tỏ phấn khởi trước sự vào cuộc và chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ để tìm ra nguyên nhân và thủ phạm gây cá chết hàng loạt vừa qua. Trước ảnh hưởng nghiêm trọng của sự cố này, người dân mong muốn được khám sức khỏe để an tâm sản xuất, sinh sống.
Là một xã độc canh về ngư nghiệp, ngư dân mong muốn Chính phủ sớm khôi phục môi trường biển và trả lời thời gian bao lâu biển trở lại bình thường để ngư dân yên tâm đánh bắt.
Người dân mong muốn nhận được các khoản hỗ trợ về thu nhập, lãi vay để góp phần giải quyết khó khăn trước mắt. Trong đó, băn khoăn nhất của người dân vẫn là chuyển đổi ngành nghề trong thời gian không thể ra biển đánh bắt.
Ông Linh cho hay những kiến nghị này vượt ngoài tầm giải quyết của huyện nên phải chuyển xin ý kiến chỉ đạo của cấp trên. "Chúng tôi cũng thành lập nhiều tổ tiếp dân ở các xã khác để lắng nghe ý kiến, tâm tư của người dân, tập hợp báo cáo UBND tỉnh. Đồng thời, huyện cũng giải thích những chính sách trước mắt để ổn định tình hình trật tự và tư tưởng người dân", ông Linh nói.
Cảnh Dương là xã ở phía bắc của tỉnh Quảng Bình, tiếp giáp với Hà Tĩnh. Đây là xã độc canh nghề biển, có 2.100 hộ dân với 8.600 khẩu, 90% lao động làm nghề biển. Toàn xã hiện có khoảng 400 tàu đánh cá gần bờ, công suất dưới 90 CV.
Hoàng Táo
Theo VNE
Sắp công bố biển miền Trung an toàn hay chưa Sáng 22/8, Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng các đơn vị sẽ công bố hiện trạng môi trưởng biển các tỉnh miền Trung, sau sự cố cá chết hàng loạt cách đây 4 tháng. Hội nghị "Công bố kết quả đánh giá hiện trạng môi trường biển các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên - Huế" sẽ diễn ra tại TP...