Biến rừng non giá rẻ thành “rừng vàng”
Thay vì trồng keo 4-5 năm chặt bán để băm dăm với giá trị thấp, nhiều hộ dân ở Nghệ An, Thanh Hóa đã chuyển hóa rừng trồng gỗ lớn hoặc trồng rừng thâm canh gỗ lớn đạt chứng chỉ rừng FSC để xuất khẩu vào thị trường châu Âu.
Hợp tác chuyển hóa rừng trồng gỗ lớn
Không chấp nhận giá bán rẻ 60.000 đồng/cây, ông Nguyễn Sỹ Minh – thành viên của Hợp tác xã (HTX) Lâm nghiệp và Dịch vụ tổng hợp xã Thanh Thủy (Thanh Chương, Nghệ An) đã tỉa bớt số cây trong rừng keo, để chuyển hóa thành rừng trồng kinh doanh gỗ lớn.
Từ 5ha rừng keo trồng được 4 năm với mật độ 1.600 cây/ha, ông Minh đã cắt tỉa bớt 800 cây/ha, thu được khoảng 40 tấn nguyên liệu. “Vừa rồi, tôi mới bán 30 tấn, thu được 18 triệu đồng” – ông nói. Với nguồn thu từ bán nguyên liệu gỗ cắt tỉa, ông đã hoàn đủ chi phí thuê nhân công cắt tỉa.
Chế biến gỗ tại Công ty TNHH MTV Lâm nông nghiệp Sông Hiếu (Nghệ An). Ảnh: P.V
Trồng rừng gỗ lớn, hiệu quả tăng cao
Bằng nhiều giải pháp, hiện nguyên liệu trong nước đã đáp ứng 75% nhu cầu cho ngành công nghiệp chế biến gỗ, tương đương 37 triệu m3 gỗ mỗi năm. Nhờ vậy, tổng giá trị nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam đã giảm qua từng năm.
Theo Tổng cục Lâm nghiệp, từ năm 2014 đến 2019, cả nước đã chuyển hóa rừng trồng kinh doanh gỗ lớn được gần 90.000ha; diện tích trồng rừng thâm canh gỗ lớn là hơn 234.000ha. Mô hình trồng rừng thâm canh sau 10 năm, trữ lượng đạt khoảng 170-180m3/ha (72m3 gỗ lớn, 118m3 gỗ nhỏ), tổng thu 200-240 triệu/ha, thu nhập 18-20 triệu đồng/ha/năm.
Mô hình chuyển hóa rừng trồng kinh doanh gỗ lớn sau quá trình tỉa thưa, nuôi dưỡng năng suất ngang bằng so với năng suất 2 chu kỳ trồng rừng 160-170m3/ha. Nhưng giá trị thương mại và giá trị gia tăng gỗ lớn cao hơn, giảm chi phí đầu tư trồng lại rừng.
Với rừng cây có mật độ 800 cây/ha, ông Minh cho biết sẽ cắt tỉa thêm 200 cây/ha, còn khoảng 600 cây/ha. Theo ông Minh, khi thực hiện chuyển hóa rừng trồng kinh doanh gỗ lớn ông nhận được mức hỗ trợ 2 triệu đồng/ha.
Nhưng đó không phải là lý do chính để ông quyết định chuyển hóa rừng gỗ nhỏ sang rừng gỗ lớn. Thay vì bán keo trồng 4 năm với giá 60.000 đồng/cây, ông giữ lại rừng thêm 5-6 năm có thể bán giá cao gấp 10 lần, khoảng 600.000 đồng/cây.
Khi chuyển hóa rừng gỗ lớn, ông không phải chi phí mua giống, trồng lại rừng… với mức 15 triệu đồng/ha, nhưng lại thu được lợi rất lớn. Từ mô hình làm điểm của gia đình ông Minh, nhiều thành viên trong HTX Lâm nghiệp và dịch vụ tổng hợp xã Thanh Thủy đã đến học tập và làm theo.
Ông Nguyễn Đình Đường – thành viên HĐQT HTX Lâm nghiệp và dịch vụ tổng hợp xã Thanh Thủy cho biết, tới đây, ông cũng tiến hành tỉa thưa và chuyển hóa thành rừng gỗ lớn để nâng cao giá trị gỗ rừng trồng.
Video đang HOT
Nông dân ThanhChương (Nghệ An) chuyển sang trồng rừng gỗ lớn.
Được thành lập năm 2017, HTX Lâm nghiệp và dịch vụ tổng hợp xã Thanh Thủy tập hợp được 128 xã viên của 5 xã trên địa bàn huyện Thanh Chương. Vào mô hình HTX, các xã viên không chỉ được cung cấp giống keo tốt, cách trồng và vật tư đầu vào mà còn liên kết, hợp tác với các đơn vị chế biến để đảm bảo đầu ra tiêu thụ gỗ cho các xã viên. Trước hiệu quả đem lại bước đầu, hàng trăm hộ dân trong vùng đã có đơn xin tham gia để trở thành xã viên của HTX.
Nâng giá trị gỗ lên gấp 3 lần
Để tham gia vào chuỗi cửa hàng đồ gỗ lớn nhất thế giới IKEA, từ 5 năm trước, Công ty CP Xuân Sơn (huyện Thạch Thành, Thanh Hoá) đã chủ động đảm bảo 100% nguyên liệu đến từ gỗ rừng trồng có chứng chỉ do Hội đồng quản trị rừng thế giới FSC cấp.
Từng chiếc bàn, chiếc ghế dù đang được sử dụng ở bất kỳ đâu trên thế giới, khi cần đều có thể truy xuất nguồn gốc gỗ về từng hộ trồng rừng. “Giải pháp của công ty tới đây sẽ mở rộng thêm 1-2 chứng chỉ FSC để lấy thêm nguyên liệu có nguồn gốc để đảm bảo nhu cầu sản xuất” – ông Trịnh Thái Sơn – Giám đốc Công ty CP Xuân Sơn cho biết.
Để chủ động nguồn nguyên liệu có chứng chỉ trong nước, công ty đã lập riêng 1 tổ chứng chỉ rừng bền vững, liên kết với hơn 1.000 hộ dân với 3.300ha rừng trồng, tạo nên 1 vùng nguyên liệu hợp pháp, bền vững. “Trồng rừng gỗ lớn đạt chứng chỉ FSC sản lượng tăng lên rất lớn, khoảng 180 tấn/ha trong khi trồng rừng trước đó chỉ được 120 tấn/ha” – ông Trịnh Văn Hùng – chủ rừng có 30ha trồng keo ở xã Thạch Cẩm, Thạch Thành, Thanh Hóa cho biết.
Đến thăm khu rừng rộng 30ha của ông Trịnh Văn Hùng, xã Thạch Cẩm, Thạch Thành, Thanh Hóa, ai nấy đều trầm trồ khen ngợi. Bởi, khu rừng này mới trồng được 3 năm nhưng cây nào cây nấy thân to cao như những cánh rừng trồng 5-6 năm. “Tôi rất tự hào khi sản phẩm gỗ của mình làm ra được nước ngoài tin dùng. Các hộ nhóm như chúng tôi tự nhủ phải cố gắng hơn nữa, sản phẩm của chúng tôi làm ra lúc nào cũng được thế giới tin dùng” – ông Hùng chia sẻ.
Trong khi đó, Công ty TNHH MTV Lâm nông nghiệp Sông Hiếu (Nghệ An) là một trong số ít công ty lâm nghiệp có hoạt động khép kín chuỗi sản xuất từ cây giống tới chế biến, đưa sản phẩm gỗ ra thị trường. Hiện nay, công ty đang quản lý 6 lâm trường với diện tích 30.000ha rừng, trong đó rừng tự nhiên là 21.180ha, rừng sản xuất kinh doanh khoảng 9.300ha.
Mạnh dạn đầu tư dây chuyền chế biến gỗ nhập khẩu 100% từ nước ngoài, Công ty TNHH MTV Lâm nông nghiệp Sông Hiếu đã kiếm lãi 1 triệu đồng/m3 ván ghép thanh. Với mô hình chuỗi khép kín từ sản xuất cây giống, trồng rừng và chế biến, công ty được coi là mô hình điểm về nâng cao giá trị cho ngành gỗ Việt Nam.
Ông Nguyễn Văn Khang-Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Lâm nông nghiệp Sông Hiếu cho biết, hơn 10 năm trước, Ban giám đốc Công ty đã có quyết định táo bạo là đi vay tiền để trồng rừng gỗ lớn.
“Thời điểm đó, cán bộ, nhân viên công ty lặn lội ra tận Phú Thọ để học hỏi, nắm bắt kỹ thuật làm vườn ươm giống. Đến nay, công ty có đầy đủ hệ thống vườn ươm, cho tới trồng rừng và nhà máy chế biến gỗ ván ghép thanh hiện đại” – ông Khang nói.
Do tầm nhìn xa trông rộng về việc chủ động nguồn nguyên liệu gỗ lớn, đến nay nguồn nguyên liệu gỗ do công ty sản xuất ra không chỉ đủ cung cấp cho hoạt động của Xí nghiệp chế biến nông lâm sản Sông Hiếu (đơn vị trực thuộc Công ty) và Công ty cổ phần ván nhân tạo Tân Việt Trung ở khu công nghiệp Nam Cấm (công ty liên doanh) mà còn bán cho nhà máy chế biến gỗ khác trong tỉnh đang thiếu gỗ lớn để làm ván thanh.
Ông Dương Ngọc Thành, người trực tiếp làm việc tại Xí nghiệp chế biến nông lâm sản Sông Hiếu cho biết, tháng 10/2019, công ty tiếp tục đưa dây chuyền máy ghép thanh, trị giá trên 9 tỷ đồng vào hoạt động để nâng cao năng lực chế biến và giá trị sản phẩm gỗ.
“Sản phẩm gỗ ghép thanh làm ra đến đâu, bán hết đến đó” – ông Thành nói và cho biết: Cứ 3,8m3 gỗ tròn thì làm ra 1m3 gỗ ván ghép thanh. Gỗ tròn có giá khoảng 1,1-1,2 triệu đồng trong khi giá bán 1m3 gỗ ván ghép thanh dao động từ 12-14 triệu đồng. Như vậy, thông qua chế biến giá trị gỗ nguyên liệu đã được nâng lên cao gấp 3 lần.
Theo ông Thành, quan trọng hơn công ty đã tạo công ăn việc làm cho 40 lao động ở địa phương với mức thu nhập trên 5 triệu đồng/người. Hiện nay, Xí nghiệp đang sản xuất 2 cỡ ván ghép thanh là 1,2×2,4m và 1,22×2,44m (làm hàng xuất khẩu).
50.231 tỷ đồng để đầu tư trồng, bảo vệ rừng, chế biến lâm sản
50.231 tỷ đồng là số tiền đầu tư cho chương trình bảo vệ, phát triển rừng, chế biến lâm sản giai đoạn 2016 - 2020.
Nâng cao chất lượng rừng, đầu tư mạnh cho phát triển rừng gỗ lớn, xây dựng các chuỗi liên kết trong chế biến và thương mại lâm sản là các mục tiêu ngành lâm nghiệp hướng đến trong giai đoạn tới.
Trở thành nông sản xuất khẩu chính
Theo đánh giá của các địa phương, chính sách về bảo vệ và phát triển rừng được triển khai, chỉ đạo kịp thời, việc đẩy mạnh cơ chế khuyến khích thu hút đầu tư của các doanh nghiệp vào trồng rừng và chế biến lâm sản đã giúp hầu hết diện tích đất trống, đồi núi trọc trên địa bàn được phủ xanh, góp phần giảm nhẹ thiên tai, ổn định môi trường.
Người dân Thừa Thiên - Huế phát triển rừng gỗ lớn. Ảnh: TTH
"Hiện, mức hỗ trợ 1ha trồng rừng của Nhà nước thấp hơn nhiều so với chi phí đầu tư trồng rừng (60 - 70 triệu đồng/ha) nên chưa đáp ứng được nhu cầu của người dân".
Ông Vũ Đức Hảo, Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Thái Nguyên
Nhờ triển khai hiệu quả các chính sách khoán bảo vệ rừng và khoanh nuôi tái sinh rừng, miễn giảm tiền thuê đất trồng rừng, Bình Định hiện trở thành một trung tâm chế biến lâm sản lớn của cả nước.
Theo thống kê, năm 2018, trên địa bàn tỉnh có 240 doanh nghiệp chế biến gỗ, trong đó có 28 doanh nghiệp chế biến đồ gỗ nội ngoại thất, chiếm 53,3%.
Các sản phẩm chế biến gỗ của Bình Định đã xuất khẩu đến 80 quốc gia và vùng lãnh thổ, giá trị kim ngạch xuất khẩu chiếm đến 50% tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh.
Đánh giá về việc triển khai chính sách đầu tư bảo vệ và phát triển rừng, chế biến và thương mại lâm sản, ông Hoàng Văn Hào - Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Vĩnh Phúc khẳng định, chính sách đã giúp đánh thức các tiềm năng còn ẩn giấu dưới tán rừng. Nhờ phát huy giá trị của các loại cây dược liệu, giá trị sản xuất lâm nghiệp của tỉnh đạt bình quân 103 tỷ đồng/năm.
"Hiện, trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc có 619 cơ sở sản xuất, kinh doanh chế biến lâm sản, nguồn gốc lâm sản đưa vào kinh doanh, chế biến chủ yếu là gỗ rừng trồng và gỗ nhập khẩu" - ông Hào nói.
Theo đánh giá của Tổng cục Lâm nghiệp tại hội nghị đánh giá chính sách đầu tư bảo vệ và phát triển rừng, chế biến và thương mại lâm sản tổ chức ngày 20/8, các chính sách đầu tư cho lâm nghiệp thời gian qua đã góp phần quản lý, bảo vệ tốt diện tích rừng tự nhiên, chất lượng rừng được cải thiện, nhiều diện tích rừng tự nhiên đã có trữ lượng từ trung bình đến giàu; hình thành được vùng nguyên liệu gỗ tập trung gắn với công nghiệp chế biến gỗ.
Gỗ và các sản phẩm từ gỗ đang là mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn trong nhóm các ngành hàng nông sản.
Ông Bùi Chính Nghĩa - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp, cho biết, trong giai đoạn 2016 - 2020, tổng kinh phí huy động để phát triển lâm nghiệp đạt 50.231 tỷ đồng; đã xuất cấp 38.661 tấn gạo từ nguồn dự trữ quốc gia hỗ trợ cho 91.894 hộ nghèo để bảo vệ 1,3 triệu lượt hecta rừng và trồng mới, chăm sóc 21.665ha rừng.
"Nhờ các chính sách này đã góp phần nâng tỷ lệ che phủ rừng toàn quốc tăng từ 40,84% năm 2015 lên 41,89% năm 2019; giá trị sản xuất lâm nghiệp tăng bình quân 5,73%/năm; giá trị sản xuất đồ gỗ và lâm sản tăng từ 7,1 tỷ USD năm 2015 lên 11,3 tỷ năm 2019, năm 2020 ước đạt 12 tỷ USD" - ông Nghĩa nói.
Tuy nhiên, cũng theo ông Nghĩa, hiện nay, mức đầu tư cho trồng rừng, chăm sóc, khoán bảo vệ rừng, khoanh nuôi tái sinh thấp, không phù hợp với điều kiện thực tế. Nguồn ngân sách chủ yếu ưu tiên hỗ trợ cho các hoạt động quản lý, bảo vệ và phát triển rừng đặc dụng, rừng phòng hộ mà chưa quan tâm đúng mức đến rừng sản xuất, chưa có chính sách thu hút, huy động các nhà đầu tư tư nhân vào sản xuất kinh doanh rừng, thiếu chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển rừng gỗ lớn, phát triển lâm đặc sản.
Nâng định mức đầu tư phát triển rừng
Đó là kiến nghị của hầu hết các địa phương để thực hiện hiệu quả chính sách đầu tư bảo vệ, phát triển rừng và chế biến, thương mại lâm sản.
Theo ông Vũ Đức Hảo - Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Thái Nguyên, hiện nay, định mức đầu tư phát triển rừng chưa phù hợp với thực tế, chưa khuyến khích người dân tham gia đầu tư trồng, bảo vệ rừng.
"Hiện, mức hỗ trợ 1ha trồng rừng của Nhà nước thấp hơn nhiều so với chi phí đầu tư trồng rừng (60 - 70 triệu đồng/ha) nên chưa đáp ứng được nhu cầu của người dân. Mỗi diện tích đất trồng rừng chỉ được Nhà nước hỗ trợ đầu tư 1 lần là chưa phù hợp với thực tế. Theo tôi, nên tăng mức hỗ trợ trồng rừng gỗ lớn lên 15 triệu đồng/ha; mức hỗ trợ đầu tư rừng đặc dụng, rừng phòng hộ lên 40 triệu đồng/ha/4 năm" - ông Hảo kiến nghị.
Đây cũng là kiến nghị của ông Hoàng Văn Hào - Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Vĩnh Phúc. "Đề nghị Bộ NNPTNT bổ sung cơ chế, chính sách sử dụng nguồn kinh phí thu từ trồng rừng thay thế khi chuyển mục đích sử dụng rừng sản xuất sang mục đích khác được đầu tư lại cho phát triển sản xuất lâm nghiệp tại địa phương như hỗ trợ cơ sở hạ tầng, vườn ươm, hỗ trợ trồng rừng sản xuất, xây dựng các mô hình trình diễn" - ông Hào nói.
Ông Bùi Chính Nghĩa cho biết, hiện Tổng cục Lâm nghiệp đang trong quá trình xây dựng dự thảo nghị định về chính sách đầu tư bảo vệ và phát triển rừng, chế biến và thương mại lâm sản, dự kiến đến năm 2022 sẽ trình Bộ NNPTNT xem xét, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Khi đó, các chính sách đầu tư và phát triển rừng sẽ toàn diện, hỗ trợ hơn cho các thành phần tham gia trồng, bảo vệ và phát triển rừng, chế biến lâm sản.
"Đề nghị Bộ NNPTNT xem xét, báo cáo Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành liên quan tiếp tục phân bổ nguồn lực để thực hiện các chính sách đầu tư phát triển, bảo vệ rừng, chế biến lâm sản; Bộ NNPTNT báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2021 - 2025 để có cơ sở thu hút đầu tư nhiều hơn vào lĩnh vực nông nghiệp" - ông Nghĩa nhấn mạnh.
"Lỗ hổng" trong phòng, chống cháy rừng Những ngày cuối tháng 6, cháy rừng liên tiếp xảy ra tại các huyện Yên Thành, Diễn Châu (tỉnh Nghệ An) và Can Lộc, Vũ Quang, Hương Sơn (tỉnh Hà Tĩnh) đã khiến trên 100ha rừng trồng thông, keo của các hộ dân bị thiêu rụi. Tổng cục Lâm nghiệp xác định, nắng nóng kéo dài cộng với gió phơn Tây Nam làm...