Biện pháp kỳ lạ hỗ trợ việc chống biến đổi khí hậu ở Bắc Cực
Ngoài khơi phía Bắc Canada, một nhóm nhà khoa học chăm chú theo dõi quá trình bơm nước biển lên bề mặt băng biển.
Mục tiêu của họ là nhằm giảm tốc tình trạng nóng lên toàn cầu.
Băng biển là gì?
Máy bơm nước biển lên băng biển. Ảnh: Real Ice
Theo Cơ quan khí quyển và đại dương quốc gia (NOAA), băng biển là nước đóng băng, hình thành và tan chảy trên đại dương. Nó khác với các tảng băng trôi, sông băng, tảng băng và thềm băng có nguồn gốc từ đất liền. Băng biển thường mở rộng trong những tháng mùa đông và tan chảy vào mùa hè, nhưng ở một số vùng nhất định, băng biển có thể tồn tại quanh năm. Khoảng 15% đại dương trên thế giới được bao phủ bởi băng biển trong một khoảng thời gian trong năm.
Mặc dù băng biển tồn tại chủ yếu ở các vùng cực, nhưng nó tác động đến khí hậu toàn cầu. Nhiệt độ ấm dần lên làm băng biển tan theo thời gian, khiến bề mặt đại dương tối tăm hấp thụ nhiều ánh sáng Mặt Trời hơn, kéo theo nhiệt độ đại dương tăng. Từ đây, hình thành chu kỳ nóng lên và tan chảy. Nhiệt độ nước ấm hơn làm chậm sự phát triển của băng vào mùa thu và mùa đông, đồng thời băng tan nhanh hơn vào mùa xuân năm sau, để lộ vùng nước biển sẫm màu trong thời gian dài hơn vào mùa hè năm sau.
Thay đổi về lượng băng biển có thể làm gián đoạn hải lưu, từ đó dẫn đến biến đổi khí hậu toàn cầu. Ngay cả mức tăng nhiệt độ nhỏ cũng có thể khiến các vùng cực trở thành khu vực nhạy cảm nhất với biến đổi khí hậu. Vì vậy, các nhà nghiên cứu muốn làm dày băng biển để ngăn nó tan chảy.
Kế hoạch tham vọng
Video đang HOT
Nhiều nhà khoa học đã phản đối mạnh mẽ, cảnh báo rằng phương pháp bơm nước lên bề mặt băng biển sẽ làm xao nhãng bước quan trọng là cắt giảm lượng phát thải carbon. Nhưng một số ít người ủng hộ khẳng định cách tiếp cận của họ có thể giúp ích cho hành tinh trong khi nhân loại hành động để giảm carbon.
Tiến sĩ Shaun Fitzgerald, người tham gia dự án làm dày băng biển tại Trung tâm Phục hồi Khí hậu thuộc Đại học Cambridge (Anh), cho biết mục tiêu cuối cùng của thí nghiệm ở Bắc Cực này là làm dày băng biển đủ để làm chậm hoặc thậm chí đảo ngược quá trình tan chảy. Đài BBC (Anh) cho biết đã có ý kiến cho rằng kế hoạch này là “điên rồ”.
Tiến sĩ Fitzgerald thừa nhận: “Chúng tôi thực sự không đủ dữ liệu để xác định đây là ý tưởng tuyệt vời hay ý tưởng tồi”. Các nhà nghiên cứu đã bất chấp điều kiện khắc nghiệt ở Cambridge Bay, một ngôi làng nhỏ bé của Canada ở Vòng Bắc Cực để triển khai thí nghiệm.
Anh Andrea Ceccolini – nhân viên công ty Real Ice (Anh) góp mặt trong chuyến hành trình chia sẻ: “Trời khá lạnh. Nhiệt độ khoảng -30C, gió mạnh có thể kéo nhiệt độ xuống -45C”.
Họ khoan một lỗ trên lớp băng biển hình thành tự nhiên vào mùa đông rồi bơm khoảng 1.000 lít nước biển mỗi phút lên bề mặt nó. Tiếp xúc với không khí lạnh giá của mùa đông, nước biển nhanh chóng đóng băng, giúp lớp phía trên băng biển dày lên.
Anh Ceccolini giải thích: “Ý tưởng là băng càng dày vào cuối mùa đông thì nó sẽ tồn tại càng lâu khi bước vào mùa tan chảy”.
Họ đã ghi nhận lớp băng dày lên vài chục cm trên khu vực nghiên cứu nhỏ. Băng biển sẽ được người dân địa phương theo dõi trong những tháng tới.
Nhưng vẫn còn quá sớm để đánh giá liệu cách tiếp cận của các nhà khoa học này có thực sự tạo ra khác biệt đối với tình trạng suy giảm nhanh chóng băng biển Bắc Cực. Ông Martin Siegert tại Đại học Exeter (Anh), người không tham gia vào dự án, cảnh báo: “Đại đa số các nhà khoa học vùng cực cho rằng điều này sẽ không bao giờ thành công”.
Nước biển sẽ đóng băng sau khi được bơm lên băng biển. Ảnh: Real Ice
Vấn đề nằm ở đặc điểm băng có nồng độ muối cao hơn có thể tan nhanh hơn vào mùa hè. Sau đó là thách thức lớn về mặt hậu cần trong mở rộng quy mô dự án. Ước tính rằng cần khoảng 10 triệu máy bơm chạy bằng sức gió để làm dày băng biển trên diện tích tương đương 1/10 Bắc Cực.
Giáo sư Julienne Stroeve tại Đại học College London, phân tích: “Theo quan điểm của tôi, thật là điên rồ khi điều này có thể được thực hiện trên quy mô lớn cho toàn bộ Bắc Băng Dương”.
Bà Lili Fuhr, giám đốc Chương trình Kinh tế Hóa thạch tại Trung tâm Luật Môi trường Quốc tế, giải thích: “Công nghệ địa kỹ thuật đi kèm nhiều bất ổn và tạo ra những rủi ro mới cho hệ sinh thái cũng như con người. Bắc Cực đóng vai trò quan trọng để duy trì hệ hành tinh của chúng ta. Bơm nước biển lên bề mặt băng biển trên quy mô lớn có thể thay đổi thành phần hóa học của đại dương và đe dọa mạng lưới sự sống mong manh”.
Và có mối quan tâm cơ bản hơn, phổ biến hơn với những loại dự án này. Giáo sư Siegert cảnh báo mối nguy hiểm thực sự là nó gây ra xao lãng và nhiều người sẽ lợi dụng nó như cái cớ để tiếp tục đốt nhiên liệu hóa thạch. Ông bổ sung: “Thành thật mà nói, điều đó thật điên rồ và cần phải ngăn chặn. Cách giải quyết cuộc khủng hoảng này là khử cacbon: đó là con đường tốt nhất và duy nhất của chúng ta về phía trước”.
Các nhà nghiên cứu thuộc nhóm của tiến sĩ Fitzgerald nhận thức rõ về những lo ngại này. Họ nhấn mạnh chỉ đang thử nghiệm công nghệ và sẽ không áp dụng rộng rãi hơn cho đến khi hiểu rõ hơn về các rủi ro. Tiến sĩ Fitzgerald nhấn mạnh: “Chúng tôi không quảng bá đây là giải pháp cho biến đổi khí hậu ở Bắc Cực. Chúng tôi muốn nói rằng nó có thể là một phần của giải pháp, nhưng chúng tôi phải tìm hiểu nhiều hơn nữa trước khi xã hội có thể quyết định liệu nó có hợp lý hay không”.
Họ cũng tán thành rằng địa kỹ thuật không phải là biện pháp duy nhất để giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu và việc cắt giảm mạnh nhiên liệu hóa thạch cùng khí thải carbon là quan trọng để tránh những hậu quả tồi tệ của hiện tượng Trái Đất nóng lên. Nhưng họ chỉ ra rằng ngay cả khi hành động nhanh chóng, thế giới vẫn phải đối mặt với tương lai khó khăn. Đến năm 2050, Bắc Băng Dương có thể sẽ thực sự không còn băng biển vào cuối mùa hè và thậm chí có thể sớm hơn. Nó đã trải qua sự sụt giảm mạnh băng biển kể từ những năm 1980.
Nhà nghiên cứu Jacob Pantling tại Trung tâm Phục hồi Khí hậu, lập luận: “Chúng ta cần những giải pháp khác. Cần giảm lượng khí thải, nhưng ngay cả khi chúng ta làm điều đó sớm nhất có thể, Bắc Cực vẫn sẽ tan chảy”.
Bắc Cực gần như không còn băng chỉ trong 10 năm tới
Một nghiên cứu chỉ ra rằng Bắc Cực có thể sẽ phải trải qua những ngày hè gần như không có băng trong thập kỷ tới do khí thải từ việc đốt nhiên liệu hóa thạch.
Theo trang The Guardian (Anh), các nhà khoa học cho biết kịch bản này sẽ biến đổi môi trường sống của gấu Bắc Cực, hải cẩu và hải mã từ "Bắc Cực trắng" thành "Bắc Cực xanh" trong những tháng mùa hè. Theo ước tính của các nhà khoa học, hiện tượng "không còn băng" xảy khi lượng băng chỉ dưới 1 triệu km2 mà trong trường hợp đó, Bắc Cực sẽ chủ yếu là nước.
Phát hiện mới được công bố trên Tạp chí Nature Reviews Earth & Environment. Nghiên cứu cho thấy ngày không có băng đầu tiên ở Bắc Cực có thể xảy ra sớm hơn 10 năm so với những dự đoán trước đây.
Nhóm nghiên cứu dự báo Bắc Cực sẽ trải qua tháng 9 không có băng liên tục từ năm 2035 đến năm 2067. Năm chính xác phụ thuộc vào tốc độ thế giới giảm sử dụng nhiên liệu hóa thạch.
Vào cuối thế kỷ này, Bắc Cực có khả năng trải qua tình trạng không có băng trong khoảng thời gian từ tháng 5 đến tháng 1 theo kịch bản phát thải cao, và từ tháng 8 đến tháng 10 theo kịch bản phát thải thấp.
Bà Alexandra Jahn - Phó giáo sư khoa học khí quyển và đại dương tại Đại học Colorado Boulder và là tác giả chính của nghiên cứu - cho biết: "Điều này sẽ biến Bắc Cực thành một môi trường hoàn toàn khác, từ Bắc Cực trắng xóa vào mùa hè đến Bắc Cực xanh. Vì vậy, ngay cả khi điều kiện không có băng là không thể tránh khỏi, con người vẫn cần giữ lượng khí thải ở mức thấp nhất có thể để tránh tình trạng không có băng kéo dài".
Tuy nhiên, bà cho rằng vẫn có khả năng khắc phục vấn đề này. Không giống như dải băng ở Greenland phải mất hàng nghìn năm mới hình thành, ngay cả khi toàn bộ băng ở biển Bắc Cực tan chảy, nếu sau đó con người có thể tìm ra cách đưa CO2 ra khỏi khí quyển trong tương lai để đảo ngược tình trạng nóng lên, băng biển sẽ xuất hiện trở lại trong vòng một thập kỷ.
Nếu kịch bản không băng xảy ra, không chỉ động vật hoang dã ở Bắc Cực sẽ phải chịu thiệt hại khi môi trường sống thay đổi, người dân sống ven biển cũng sẽ gặp khó khăn. Băng biển làm giảm tác động của sóng biển lên bờ biển, nghĩa là nếu băng tan, sóng sẽ mạnh hơn, lớn hơn và gây xói mòn nghiêm trọng hơn.
Các thảm họa khí hậu gây thiệt hại khủng khiếp cho nước Mỹ Theo Cơ quan khí quyển và đại dương quốc gia (NOAA), Mỹ hứng chịu số trận lụt, cháy, và các thảm họa khí hậu khác với thiệt hại trên 1 tỷ USD trong năm 2023 nhiều chưa từng có, và nhiệt độ trung bình ở nước này cao thứ năm trong lịch sử. Người dân sơ tán khỏi vùng ngập lụt do bão...