Biến nguyên liệu trôi nổi thành sữa ong chúa chính hiệu
Không màng đến lợi ích của người tiêu dùng, Liên đều đặn nhập khẩu các nguyên liệu trôi nổi từ Trung Quốc, rồi đóng gói thành thực phẩm chức năng chính hiệu đem bán. Tuy nhiên, hành vi của đối tượng đã bị lực lượng CATP Hà Nội nhanh chóng phát giác.
Ngày 22-4, TAND TP Hà Nội đã quyết định tuyên phạt Hoàng Thị Hồng Liên (SN 1982, trú ở thị trấn Hưng Nguyên, huyện Hưng Nguyên, Nghệ An) 36 tháng tù về tội “Buôn bán hàng giả là thực phẩm”, theo Điều 157-BLHS.
Cũng với tội danh này, Nguyễn Tuấn Linh (1984, ở TP Vinh, Nghệ An), Nguyễn Công Việt (SN 1986, trú tại thị trấn Lim, huyện Tiên Du, Bắc Ninh) lần lượt phải nhận 30 tháng tù và 24 tháng tù, nhưng được hưởng án treo.
Quá trình xét xử làm rõ, trưa 24-1-2015, tại phố Trần Khát Chân (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội), lực lượng chống hàng giả của CATP Hà Nội phối hợp với một số đơn vị liên quan kiểm tra xe ôtô BKS 29A-768.38 do Nguyễn Tuấn Linh điều khiển, phát hiện trên xe chở 6 thùng carton chứa tổng cộng 170 hộp (bên trong đựng viên dạng con nhộng) nghi vấn.
Từ những nguyên liệu trôi nổi, Hoàng Thị Hồng Liên đã biến thành TPCN chính hiệu
Toàn bộ số hàng hóa này sau đó được làm rõ là thực phẩm chức năng (TPCN) giả gồm sữa ong chúa nhãn hiệu Royal Jelly Costar, Collagen nhưng được dán nhãn mác do nước ngoài sản xuất cùng hàng trăm đề can tiếng Việt ghi thành phần, công dụng, liều dùng…
Mở rộng vụ án, ngay trong ngày bắt giữ ô tô chở hàng giả nêu trên, CQĐT cũng đã đồng loạt khám xét khẩn cấp 6 kho chứa hàng của Hoàng Thị Hồng Liên ở tỉnh Bắc Ninh. Qua kiểm tra, cơ quan công an thu giữ thêm một số lượng lớn là TPCN giả các loại gồm: sữa ong chúa Royal Jelly Costar 1.450mg, nhau thai cừu Placentra Essence, Glucosamin, Collagen A, E, C cùng máy móc, nguyên liệu phục vụ sản xuất hàng giả.
Trong số hàng hóa mà Liên bị thu giữ, có tới gần 10.000 hộp TPCN giả đã được đóng gói cẩn thận, giống y hàng thật của một doanh nghiệp chuyên độc quyền phân phối loại sản phẩm này trên thị trường Việt Nam. Toàn bộ số lượng TPCN giả đó đang được Liên chờ cơ hội tuồn ra thị trường tiêu thụ.
Tại tòa, nữ chủ nhân của các lô hàng TPCN giả nêu trên thừa nhận, đối tượng kinh doanh TPCN từ cuối năm 2013. Sau đó, Liên nhận thấy việc buôn bán quá dễ nên tự nhập khẩu các nguyên liệu không rõ nguồn gốc từ Trung Quốc về đóng gói thành các hộp TPCN bán ra thị trường để kiếm lời cao.
Video đang HOT
Để tránh bị phát hiện, quá trình buôn bán TPCN giả, Liên thuê Nguyễn Tuấn Linh cùng Nguyễn Công Việc trực tiếp đóng gói và vận chuyển hàng giả đi tiêu thụ. Cũng theo lời khai của bị cáo này, sau một thời gian làm thuê và biết rõ hàng hóa đóng gói là hàng giả nhưng Linh cùng Việt vẫn hưởng ứng tích cực.
Trước khi áp dụng các mức án đối với Hoàng Thị Hồng Liên và đồng phạm, HĐXX sơ thẩm khẳng định hành vi của các bị cáo là nguy hiểm cho xã hội, song chưa gây ra hậu quả gì lớn. Quá trình điều tra, xét xử, các bị cáo đều thành khẩn khai nhận hành vi phạm tội như cáo trạng truy tố. Do đó, cần giảm nhẹ một phần trách nhiệm hình sự cho các bị cáo.
Ngoài áp dụng hình phạt tù giam và cho hưởng án treo đối với các bị cáo, Tòa án Hà Nội cũng tuyên bố tiêu hủy toàn bộ hàng nghìn hộp TPCN giả cùng nhiều tấn nguyên liệu không rõ nguồn gốc, xuất xứ, đồng thời phạt bổ sung Hoàng Thị Hồng Liên 10 triệu đồng, xung công quỹ Nhà nước.
Theo_An ninh thủ đô
Bột ngọt A-one của công ty Saigon Ve Wong mác Việt ruột Trung Quốc
Kiểm tra quá trình sản xuất của Công ty TNHH Saigon Ve Wong, cơ quan quản lý thị trường đã phát hiện công nhân đang "sản xuất" bột ngọt mang thương hiệu A-one theo kiểu chia nhỏ, đóng gói bột ngọt từ bao bột ngọt xá loại 25 kg có ghi rõ xuất xứ từ Trung Quốc và Thái Lan thành những gói nhỏ 100 gr, 350 gr, 400 gr, 1 kg...
Báo Tuổi trẻ đưa tin, ngày 22/1, Chi cục Quản lý thị trường TP HCM tiếp tục có buổi làm việc với đại diện Công ty TNHH Saigon Ve Wong (1707 quốc lộ 1, phường An Phú Đông, quận 12) để làm rõ các dấu hiệu vi phạm trong việc sản xuất, kinh doanh sản phẩm bột ngọt thương hiệu A-one.
Cũng trong buổi sáng, các thùng bột ngọt thành phẩm được cơ quan chức năng niêm phong, đưa lên ba container 40 feet (khoảng 400.000 sản phẩm các loại) chở về kho để tạm giữ.
"Hàng hóa bị tạm giữ do công ty có dấu hiệu sản xuất, kinh doanh bột ngọt giả mạo xuất xứ, vi phạm nhãn mác bao bì" - một cán bộ quản lý thị trường cho hay.
Trước đó chiều 21/1, khi kiểm tra quá trình sản xuất của Công ty TNHH Saigon Ve Wong, cơ quan quản lý thị trường đã phát hiện công nhân đang "sản xuất" bột ngọt mang thương hiệu A-one theo kiểu chia nhỏ, đóng gói bột ngọt từ bao bột ngọt xá loại 25 kg có ghi rõ xuất xứ từ Trung Quốc và Thái Lan thành những gói nhỏ 100 gr, 350 gr, 400 gr, 1 kg...
Sau khi hoàn tất quy trình "sản xuất", số bột ngọt này được đưa ra thị trường tiêu thụ trên bao bì ghi nội dung đóng gói tại địa chỉ công ty và "nguồn nguyên liệu nhập khẩu: Thái Lan, Indonesia và sản xuất tại VN".
Bột ngọt A-one được gắn mác sản xuất tại VN nhưng thực chất chỉ đóng gói nguyên liệu nhập khẩu từ Trung Quốc.
Theo tìm hiểu, đây là bao bì mới được công ty sử dụng từ đầu năm 2016. Trước đó, các sản phẩm bột ngọt A-one của công ty đều ghi thông tin "sản xuất tại VN".
Ngoài khu vực sản xuất, theo quan sát của chúng tôi, hàng trăm tấn nguyên liệu bột ngọt được phủ kín bạt chờ đưa vào đóng gói sản xuất.
Đại diện công ty cho biết bột ngọt nguyên liệu được sử dụng với nhiều mục đích như: sản xuất bột ngọt, bột nêm, phụ gia các sản phẩm đóng gói, ăn liền...
"Tỷ lệ chính xác phải chờ phòng sản xuất kiểm kê, nhưng phần lớn bột ngọt nguyên liệu dùng để chế biến, đóng gói sản phẩm bột ngọt" - một nhân viên công ty cho biết.
Theo tìm hiểu, chỉ với công đoạn nhập khẩu nguyên liệu rồi đóng gói đưa ra thị trường tiêu thụ, công ty đã thu lợi nhuận hàng tỉ đồng mỗi tháng.
Đối chiếu với số liệu thống kê nguyên liệu nhập khẩu qua cảng Cát Lái (Quận 2) cùng với báo cáo của công ty, trong năm 2015 có gần 15.000 tấn nguyên liệu bột ngọt được nhập về. Trong đó, số lượng nhập từ Trung Quốc hơn 8.000 tấn. Riêng trong tháng 1-2016 đã có 1.200 tấn bột ngọt nguyên liệu được công ty nhập về.
Theo tính toán, mỗi bao bột ngọt xá (loại 25kg) nhập khẩu từ Trung Quốc, Thái Lan có giá dao động khoảng 30-33 USD/bao tùy thời điểm, tương đương 28.000-30.000 đồng/kg.
Trong khi đó, giá bột ngọt thành phẩm của công ty bán lẻ phổ biến trên thị trường ở mức 45.000-50.000 đồng, xấp xỉ với các sản phẩm cùng loại của một số thương hiệu bột ngọt đang bán trên thị trường hiện nay. Như vậy, chỉ với động tác đơn giản đóng gói bao bì nhằm chuyển đổi xuất xứ, công ty đã bỏ túi lợi nhuận khủng.
Ngoài việc phân phối cho hệ thống bán lẻ tại nhiều tỉnh thành trong cả nước, phần lớn được tiêu thụ tại các tỉnh miền Trung và miền Bắc, sản phẩm này cũng bước đầu được đưa vào các siêu thị.
"Chúng tôi đã yêu cầu công ty cung cấp các hóa đơn đầu vào và ra của sản phẩm để làm rõ việc khoản lợi nhuận thu được từ hành vi gian lận này của công ty trong thời gian qua" - một cán bộ quản lý thị trường cho biết.
Báo Kinh tế Đô thị thông tin thêm, từ đầu tháng 1/2016 đến nay, Saigon Ve Wong đã nhập 1.200 tấn nguyên liệu bột ngọt từ Trung Quốc để phục vụ việc đóng gói, sản xuất bột ngọt, bột nêm, phụ gia mì ăn liền.
Năm 1990, Công ty Ve Wong (Đài Loan) và Công ty Lương thực TP Hồ Chí Minh hợp tác thành lập Xí nghiệp liên doanh Saigon Ve Wong tại Việt Nam. Năm 2007, Saigon Ve Wong chuyển đổi thành Công ty TNHH Saigon Ve Wong, 100% vốn nước ngoài, hoạt động trong lĩnh vực sản xuất bột ngọt, thực phẩm ăn liền, rau quả sấy khô...
Saigon Ve Wong hiện sản xuất nhều sản phẩm khác như là: Mì ăn liền Aone hương vị truyền thống, Kungfu hương vị độc đáo, Sức Sống hương vị hiện đại; phở gói, phở tô, hủ tiếu Aone; mì chay, phở chay, hủ tiếu chay Nhãn hiệu Hương Sen; và các loại chế phẩm gia vị như bột canh, bột súp, bột nêm.
Theo thông tin trên báo Tuổi trẻ, Công ty TNHH Saigon Ve Wong từng liên doanh với một doanh nghiệp VN đầu tư dây chuyền sản xuất nguyên liệu bột ngọt từ mía, bột mì...
Tuy nhiên, theo người của công ty làm việc với cơ quan chức năng thì từ năm 2010, công ty không duy trì hoạt động sản xuất này nữa, thay vào đó là nhập nguyên liệu từ nước ngoài rồi đóng gói, tung ra thị trường sản phẩm bột ngọt "sản xuất tại VN".
Trong khi đó, theo nghị định 19/CP quy định chi tiết Luật thương mại về xuất xứ hàng hóa, việc thay đổi bao bì, đóng gói và tháo dỡ hay lắp ghép các lô hàng... chỉ được xem là hàng gia công, chế biến đơn giản.
Ngọc Anh (Tổng hợp)
Theo_Đời Sống Pháp Luật
Bột ngọt bao bì Việt Nam, ruột Trung Quốc Công ty TNHH Saigon Ve Wong (1707 quốc lộ 1A, P.An Phú Đông, Q.12) có những dấu hiệu sản xuất, kinh doanh sản phẩm bột ngọt vi phạm nhãn hàng hóa. Quản lý thị trường TP.HCM kiểm tra và xác minh vi phạm của sản phẩm bột ngọt A-One tại trụ sở công ty ở Q.12 - Ảnh: Lê Sơn Chiều 21-1, khi...