“Biển người” đang dồn về sân bay Tân Sơn Nhất
Hàng ngàn người dồn đến ga quốc tế sân bay Tân Sơn Nhất đón người thân về nước ăn Tết khiến khu vực này luôn nghẹt người, bất kể ngày hay đêm.
Ghi nhận những ngày gần đây, tại ga quốc tế của sân bay Tân Sơn Nhất ( quận Tân Bình, TP HCM), luôn trong cảnh ngột ngạt bởi hàng ngàn người liên tục dồn đến chờ đón người nhà về nước đón Tết cổ truyền. Đa số đi cả gia đình, từ 5 – 6 thành viên, khiến khu vực này luôn nghẹt người, dù ngày hay đêm.
Lượng người tập trung quá đông nên các băng ghế trong nhà ga hầu như không có chỗ trống, nhiều người phải ngồi vạ vật ở hành lang, một số ngủ gục trong lúc ngồi chờ.
Ngồi vật vạ chờ đợi
Ngủ gục trong lúc ngồi chờ
Tuy không xảy ra tình trạng chen lấn, xô đẩy nhưng nhiều người do đến sớm, phải vạ vật, mệt mỏi do chờ lâu. Các nhân viên an ninh của sân bay cũng khá vất vả khi phải liên tục hướng dẫn cho hành khách và người nhà đón tiễn cũng như giữ trật tự.
Trẻ em vật vã
Video đang HOT
Những gương mặt mỏi mệt chờ
Khu vực lối ra của nhà ga đông nghẹt người đứng, ngồi cầm bảng ghi tên chờ đón người thân. Khi gặp được người nhà là hình ảnh vui mừng, hồ hởi.
Những gương mặt hồ hởi khi thấy người thân
“Xuất phát từ 3 giờ sáng tại An Giang và mất chừng 4 tiếng mới tới được TP HCM. Chờ thêm hơn 2 giờ, chuyến bay chở ông nội tôi mới về tới nên khá mệt mỏi. Biết vậy nhưng do người nhà bên Hàn Quốc nhiều năm mới về đợt này nên cả gia đình đều muốn trực tiếp đi đón” – bà Phượng (53 tuổi) chia sẻ.
Mệt mỏi
Trong khi đó, ghi nhận ở phía ngoài sân bay, các tuyến đường Trường Sơn, Bạch Đằng, vòng xoay Lăng Cha Cả…, giao thông cũng đang trở nên căng thẳng bởi mật độ phương tiện tăng cao.
Nhiều thời điểm, đường Trường Sơn đoạn trước cổng sân bay, giao thông liên tục ùn ứ.
Theo Cảng Hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, khu vực sân bay Tân Sơn Nhất đã bắt đầu vào thời gian cao điểm đi lại, với lượng khách trung bình khoảng 130.000 người mỗi ngày, tăng 10.500 khách so với cao điểm Tết Nguyên đán năm ngoái. Khách tăng cao và tần suất chuyến bay tại sân bay cũng dự kiến tăng, ở mức từ 5,68% – 6,24% so với cùng kỳ năm trước.
Ngột ngạt
Theo kế hoạch, tổ công tác liên ngành với hàng loạt cơ quan, đơn vị sẽ cùng tham gia chống kẹt xe cho khu vực này. Trong đó, các “điểm nóng” gồm khu vực vòng xoay Lăng Cha Cả; giao lộ Hoàng Văn Thụ – Nguyễn Văn Trỗi – Phan Đình Giót và nút giao Trường Sơn – sẽ được đặc biệt tập trung những ngày cao điểm.
CSGT sẽ giữ vai trò chủ lực trong việc chống ùn tắc giao thông tại khu vực sân bay và huy động các lực lượng khác tham gia hỗ trợ.
Bài và ảnh: Gia Minh
Theo Nguoilaodong
Mở thêm đường chỉ giải quyết bề nổi ùn tắc quanh sân bay Tân Sơn Nhất
Theo các chuyên gia, thực tế là ai cũng nhìn thấy việc mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất về phía Nam là một sai lầm bởi khu vực trên đã quá tải.
TP HCM dự kiến điều chỉnh tổng mức đầu tư Dự án Xây dựng đường nối Trần Quốc Hoàn - đường Cộng Hòa, quận Tân Bình từ 1.402 tỷ đồng lên thành 4.849 tỷ đồng nhằm đảm bảo đồng bộ và phù hợp với quy hoạch chi tiết Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất. Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, việc điều chỉnh này không giải quyết triệt để bài toán về giao thông ở khu vực sân bay.
Cửa ngõ sân bay TSN trên đường Trường Sơn.
Dự án Xây dựng đường nối Trần Quốc Hoàn - đường Cộng Hòa (quận Tân Bình) trước đây có tổng vốn đầu tư dự án là 1.402 tỷ đồng đã được HĐND TP quyết định chủ trương đầu tư từ 12/2016. Tuy nhiên, tháng 8/2018, Bộ Giao thông Vận tải có Quyết định số 1942/QĐ-BGTVT về phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chi tiết Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất giai đoạn đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Theo đó, Bộ sẽ triển khai thực hiện cải tạo, mở rộng nhà ga T1 và T2 hiện hữu đạt công suất 30 triệu hành khách/năm và thực hiện đầu tư xây dựng mới nhà ga T3 với công suất 20 triệu hành khách/năm.
Theo dự báo, khi đó áp lực giao thông tại khu vực này sẽ gia tăng, dẫn đến phải thực hiện điều chỉnh quy mô đầu tư, tổng mức đầu tư, thời gian thực hiện dự án nhằm đảm bảo đồng bộ và phù hợp với quy hoạch chi tiết Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất đã được Bộ GT-VT phê duyệt điều chỉnh.
Từ 4 làn xe ban đầu, dự án Xây dựng đường nối Trần Quốc Hoàn - đường Cộng Hòa dự kiến mở rộng lên 6 làn xe, từ mặt cắt ngang dài 20 - 22m sẽ nâng lên từ 29,5m, có nơi lên đến 48m, để đáp ứng lượng khách ra vào nhà ga khoảng 50 triệu người mỗi năm. Thời gian thực hiện dự án là từ 2019 - 2024.
Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia giao thông, việc điều chỉnh này chỉ là giải quyết bề nổi của vấn đề. Là người có thâm niên công tác và kiến thức về hàng không cũng như sân bay Tân Sơn Nhất, Đại tá, Anh hùng lực lượng vũ trang, cựu phi công Nguyễn Thành Trung vẫn bảo lưu quan điểm của ông là "sân bay Tân Sơn Nhất không thể mở rộng về phía Nam".
Ông Nguyễn Thành Trung cho rằng, không thể phát triển sân bay về phía Nam, bởi dù có nâng cấp hệ thống giao thông đến mấy đi chăng nữa thì chắc chắn các tuyến đường ở khu vực sân bay như Trường Sơn, Cộng Hòa, Trường Chinh... sẽ quá tải nặng nề. Mà thực tế là các tuyến đường này hằng ngày đã quá tải, không chỉ vào giờ cao điểm mà gần như bất cứ thời điểm nào trong ngày.
Theo ông Trung, mở rộng sân bay về phía Bắc thì có lợi hơn nhiều: "Tôi vẫn bảo lưu ý kiến mở phía Nam thì đến lúc mật độ sân bay tăng lên thì không thể đi được, không có đường vào. Trước khi mở nhà ga thì phải mở mấy con đường, giờ chỉ mấy con đường đó thì ăn thua gì. Ngay từ đầu tôi đã có ý kiến đất ở phía Bắc còn mênh mông, sân bay thì chật chội, phía Nam không còn đường, giờ cố tình mở nhà ga ở phía Nam thì đường đâu đi, làm mấy đường nữa cũng không đi được".
PGS-TS Nguyễn Thiện Tống, nguyên Chủ nhiệm Bộ môn Kỹ thuật hàng không (Đại học Bách khoa TP HCM) cũng cho rằng, dự án này không cải thiện là bao giao thông khu vực sân bay Tân Sơn Nhất. Bởi, Bộ GT-VT đã giao một cái đề tài "không hợp lý" cho TP HCM. Thực tế là ai cũng nhìn thấy việc mở rộng sân bay về phía Nam là một sai lầm bởi khu vực trên đã quá tải. Vì thế, ông Nguyễn Thiện Tống đề nghị Bộ GT-VT cần nghiêm túc đánh giá phương án mở rộng sân bay về hướng Bắc.
"Tôi cho là sai lầm về chiến lược, sẽ để lại hậu quả lâu dài và sẽ phải sửa sai. Thay thì phân bổ lượng khách ra hai bên Bắc - Nam, giảm áp lực cho phía Nam. Cung đường phía Bắc rất thông thoáng, khách đến sân bay từ các vùng Nam Trung bộ, Đông Nam bộ, miền Tây...đi theo Quốc lộ 1 vào mạn Bắc sân bay. Hiện nay họ bắt buộc đi ngược vào cung đường phía Nam nên hiện nay về chiến lược là sai lầm".
Cảnh ùn ứ trong sân bay vào mỗi dịp Tết.
Điều chỉnh quy hoạch chi tiết Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất giai đoạn đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 của Bộ GT-VT chỉ nâng công suất sân bay Tân Sơn Nhất lên 50 triệu lượt hành khách/năm. Trong khi đó, sân bay Long Thành (Đồng Nai) gần như vẫn chưa thể đi vào hoạt động vào năm 2025 như kế hoạch nên nếu không chuẩn bị phương án nâng công suất sân bay Tân Sơn Nhất lên cao hơn 50 triệu lượt hành khách/năm chắc chắn sẽ bị động trong tương lai, dẫn đến thiệt hại nặng nề cho kinh tế TP HCM và Việt Nam.
Vì thế, để giải quyết bài toán giảm ùn tắc khu vực sân bay Tân Sơn Nhất, rất cần có sự đồng bộ trong quy hoạch sân bay ở bên trong và giao thông ở bên ngoài. Đặc biệt, cần phải nghiêm túc nhìn bài toán quy hoạch giao thông khu vực sân bay Tân Sơn Nhất ở góc nhìn lâu dài để tránh tình trạng không đồng bộ, chắp vá và không hiệu quả trong tương lai./.
Theo Hà Khánh/VOV-TPHCM
Khách bay giữa Hà Nội - TP.HCM có lối lên máy bay riêng Chính sách mới này sẽ giúp hành khách đi lại thuận lợi, linh hoạt, tiết kiệm thời gian chờ đợi. Đại diện Vietnam Airlines cho hay từ ngày 1-1-2020, hãng sẽ bố trí quầy làm thủ tục hàng không và cửa lên máy bay riêng để phục vụ hành khách bay giữa Hà Nội và TP.HCM. Đồng thời, khách có cơ hội được...