“Biển người” dầm mưa làm lễ giải sao Thái Bạch
Tối qua 5.3 (tức 15 tháng Giêng), tại khóa lễ giải sao Thái Bạch ở chùa Phúc Khánh (Đống Đa, Hà Nội), cả một “biển người” ngồi, đứng giữa lòng đường, tay chắp lạy Phật, miệng lẩm bẩm… dưới cơn mưa nặng hạt.
Theo quan niệm, có 9 ngôi sao chiếu bản mệnh con người, trong đó có 3 sao xấu nhất là La Hầu, Kế Đô và Thái Bạch. Đặc biệt sao Thái Bạch được cho là “xấu nhất trong các sao xấu”, gắn liền với câu “Thái Bạch quét sạch của nhà”. Nếu người nào bị sao Thái Bạch chiếu, trong năm sẽ gặp hạn về sức khỏe, tiền của, không làm ăn được…
Ngày 15 tháng Giêng hằng năm, những nơi cúng giải hạn sao Thái Bạch luôn có rất đông người tham dự. Người Hà Nội thường quen với cảnh hàng vạn người đến chùa Phúc Khánh (Quận Đống Đa) cầu an, giải hạn. Thậm chí, không kiếm được chỗ trong chùa, nhiều người ngồi tràn ra cả lòng đường, vỉa hè khiến giao thông ùn tắc nghiêm trọng.
Hàng nghìn người đứng kín cả lòng đường trước cửa chùa Phúc Khánh trên đường Tây Sơn (Hà Nội) dự khóa lễ giải sao Thái Bạch
“Nặng lắm!”, bà Lê Thị Yến (Giáp Bát, Hà Nội) vừa chắp tay lạy Phật vừa than vãn. Bà noi: “Năm nay nhà tôi có 3 người bị sao Thái Bạch chiếu nên phải đến đây giải sao, mong làm ăn thuận lợi, không mất mát gì”.
Với tâm lý bất an khi bị sao Thái Bạch chiếu, nhiều người đã đặt sớ trong chùa Phúc Khánh nhưng vẫn không an tâm, muốn đến chùa thực hành khóa lễ.
Chị Nguyễn Hồng Hạnh (Trung Kính) cho biết nếu làm lễ ở nhà rất tốn kém, có khi mất cả chục triệu. Nhưng nếu làm ở đây, mỗi người chỉ mất 1.00.000 đồng.
Tuy nhiên, bà Phạm Thị Oanh thì khác. Bà cho biết: “Tôi làm lễ cầu an cho cả gia đình thôi, nếu bị hạn thì có tránh cũng không được, cốt là tại tâm mình. Nhiều người sống lương thiện vẫn gặp nhiều tai ương đó…”
Với quan niệm “Thái Bạch quét sạch cửa nhà”, nhiều người phải tới bằng được chùa Phúc Khánh giải hạn, cầu an, bất chấp trời mưa gió hay phải đứng, ngồi trên thành cầu vượt
Cả một “biển người” hướng vào phía trong chùa
Video đang HOT
Hàng trăm chiếc ô được người dân mang theo khi dự khóa lễ
Có những người không chen vào được hay đi làm qua đành đứng ngay sát thành cầu làm lễ
Nhiều người cầu an, giải hạn dưới ô, tuy nhiên có những người đầu trần hay chỉ dùng túi nilon che qua dưới cơn mưa nặng hạt.
Một lòng thành kính lễ ngay sát thành cầu
Ngồi dưới lòng đường hàng giờ đồng hồ để cầu mong điều xấu không đến
Học theo người lớn, nhiều em nhỏ cũng tay chắp, mặt hướng vào chùa
Phía trong chùa không còn một chỗ trống
Người dân ngồi cổng sau của chùa Phúc Khánh làm lễ
Khóa lễ giải sao La Hầu bắt đầu từ 19h, kết thúc lúc 20h
Sau buổi lễ, nhà chùa phát lộc cho người dân gồm chuối, oản
Theo Thượng tọa Thích Thiện Tâm – Phó Chủ tịch Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, dâng sao giải hạn là tập quán xuất phát từ Trung Quốc. Đạo Phật không có quan niệm dâng sao giải hạn và cũng không có quan niệm sao chiếu mệnh nào tốt, sao nào xấu.
Do vậy, người nào bị “sao xấu” chiếu mệnh không cần phải lo lắng, người nào có sao chiếu mệnh tốt không được chủ quan mà thiếu cẩn trọng trong hành động suy nghĩ. Cũng như vậy, không có ngày tốt, ngày xấu, tháng tốt, tháng xấu. Ví dụ, trong ngày tốt mà con người ta làm việc xấu thì lại chính là ngày xấu với người đó.
“Họa phúc của con người không phải do sao tốt hay sao xấu chiếu mà do chính hành động, lời nói, suy nghĩ của mình gây ra”, Phó Chủ tịch Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam bày tỏ.
Hiện tại, các chùa làm lễ ngày 15 Âm lịch cho người dân đến dâng sao giải hạn thực chất là Lễ cầu an của Phật giáo. Cầu an ở đây không phải là cầu xin, van xin để được bình an, mà là nhắc lại lời Phật dạy, hướng mọi người làm theo lời Phật để đạt được mong muốn bình an, an lạc.
Công Thọ
Theo Danviet
Dâng sao giải hạn biến tướng: Làm "xấu" một nghi lễ đẹp
Như thường lệ, cứ đầu năm là người dân, đặc biệt ở các thành phố lớn lại đổ đến các chùa để đăng ký cầu an, giải hạn với mong muốn cầu bình an, và xóa tan vận rủi nếu chẳng may có sao xấu chiếu mạng.
Mong ước điều tốt đẹp, bình an là chính đáng. Tuy nhiên việc đổ xô đến những ngôi chùa nổi tiếng, chi ra mấy trăm nghìn đồng để nhà chùa làm lễ, chen chúc nhau tham dự và nghĩ rằng nhờ vậy thần linh sẽ che chở cho mình, dường như người dân và nhiều cơ sở thờ tự đang làm xấu đi nghi lễ này.
Chen chúc đăng kýdâng sao giải hạn
Có mặt tại chùa Phúc Khánh (Hà Nội) vào ngày 26-2, tức ngày mùng 8 tháng Giêng Âm lịch, mặc dù đã sát thời điểm làm lễ dâng sao giải hạn, nhưng trong sân chùa vẫn đông nghịt người đứng ngồi, đối chiếu bảng sao, ghi ghi chép chép để đăng ký cầu an, giải hạn. Để tiện cho người dân đến đăng ký, Ban quản lý chùa Phúc Khánh đã dán các bảng tính sao cho năm Ất Mùi trên các cột trong khuôn viên chùa, và bố trí nhiều bàn phục vụ việc đăng ký của phật tử. Người dân đến đăng ký dâng sao giải hạn chỉ cần ghi cụ thể tên tuổi của người cần giải hạn vào tờ hướng dẫn nhà chùa đã bày sẵn trên bàn, sau đó nộp phí 100 nghìn đồng/người đối với lễ giải hạn và 80 nghìn đồng/người đối với lễ cầu an.
Bà Ngô Thị Hòa (Dịch Vọng, Cầu Giấy, Hà Nội) vừa ghi đầy đủ tên tuổi các thành viên trong gia đình, vừa đối chiếu xem năm nay sao gì chiếu mạng các thành viên. Bà Hòa chia sẻ: "Nói chung là có thờ có thiêng, có kiêng có lành, mình cứ làm cho nó yên tâm. Năm nào tôi cũng đăng ký cho cả gia đình, ai bị sao xấu chiếu mệnh thì làm lễ dâng sao giải hạn, ai không thì làm lễ cầu an. Năm nay vợ chồng tôi cùng tuổi Mậu Thìn, chồng La Hầu, vợ Kế Đô, nên càng phải làm cẩn thận. Ra chùa làm thì đơn giản hơn, chỉ nộp tiền là chùa làm giúp, chứ làm ở nhà thì mình không biết nghi lễ thế nào, làm sai chả bõ thần linh trách phạt". Còn chị Vi Thị Hoa ở đường Giải Phóng thì cho biết năm nay nhà mình không ai bị sao xấu chiếu mệnh nhưng chị vẫn ra chùa làm lễ cầu an cho cả gia đình. Đó là một thói quen mà năm nào gia đình chị cũng làm.
Tương tự, tại các chùa lớn khác, người dân cũng tấp nập đăng ký dâng sao. Chi phí lễ cầu an trung bình khoảng 200-500 nghìn đồng/gia đình, thậm chí có nơi giá thành lên đến 1 triệu đồng. Dù vậy, chi phí dâng sao cầu an, giải hạn ở các chùa vẫn là rẻ nhất. Nhiều gia đình cầu kỳ còn mời sư thầy đến lập đàn giải hạn tại nhà, chi phí từ hàng chục đến cả trăm triệu đồng. Một số gia đình lại tìm đến các điện thờ của các ông đồng, bà cốt để nhờ làm lễ, chi phí tuy thấp hơn nhưng cũng dao động từ vài triệu đến cả chục triệu đồng cho một gia đình.
Theo lịch các khóa lễ đầu năm của chùa Phúc Khánh, các lễ giải sao hạn La Hầu, Thái Bạch, Kế Đô được tổ chức lần lượt vào các ngày mùng 8, 15, 18 và lễ cầu an vào ngày 14 tháng Giêng. Tại chùa Quán Sứ và nhiều chùa khác, từ nay đến hết tháng Giêng cũng sẽ tiến hành các buổi lễ dâng sao giải hạn và cầu an cho các phật tử. Số người có nhu cầu dâng sao giải hạn đông đến nỗi có những ngôi chùa mỗi khóa lễ cầu an, giải hạn, khuôn viên chùa không đủ chỗ cho phật tử ngồi, người dân phải đứng tràn hết ra lề đường, lòng đường, ngồi cả lên lan can cầu để được tham dự buổi lễ dâng sao, nhà chùa phải bắc cả loa sang bên kia đường để những người đứng ngoài có thể nghe được nhà chùa hành lễ.
Đừng làm xấu một nghi lễ đẹp
Thật ra, tập quán dâng sao giải hạn xuất phát từ Trung Quốc và được các pháp sư phái Mật Tông thu nạp và soạn ra "Nhương tinh" để đưa dẫn người vào đạo. Theo quan niệm của người Á Đông, căn cứ vòng quay của sao Thái Tuế, mỗi người sinh ra đều có một vì sao chiếu mệnh tùy theo mỗi năm. Có tất cả 24 vì sao quy tụ thành 9 chòm: La Hầu, Thổ Tú, Thủy Diệu, Thái Bạch, Thái Dương, Vân Hớn, Kế Đô, Thái Âm, Mộc Đức. Trong 9 ngôi sao này, có sao tốt, có sao xấu. Người ta cho rằng năm nào bị sao xấu chiếu mệnh, con người sẽ gặp phải chuyện không may, ốm đau, bệnh tật... gọi là vận hạn. Nặng nhất là "nam La hầu, nữ Kế đô". Còn nếu năm đó được sao tốt chiếu mệnh thì sẽ làm lễ dâng sao nghinh đón. Để giảm nhẹ vận hạn người xưa thường làm lễ cúng vào đầu năm (tốt nhất là hàng tháng) tại nhà ở ngoài trời với mục đích cầu xin thần sao phù hộ cho bản thân, con cháu, gia đình.
Ngày nay, cuộc sống ngày càng có nhiều bất an xảy đến, khiến nhiều người không còn tin vào bản thân mình, họ nghĩ rằng có một thế lực siêu nhiên nào đó tác động đến cuộc sống, đến những vận hạn của mình, vì vậy để an ủi mình, ngày càng nhiều người tìm đến những khóa lễ giải hạn, cầu bình an. Điều đáng nói là không ít người đã thái quá nghi lễ này, sẵn sàng bỏ hàng triệu, thậm chí hàng chục triệu để thuê thầy cúng về làm lễ cho gia đình. Thậm chí nhiều người nghèo khó không có điều kiện cũng vay mượn, bán cả tài sản để làm lễ. Cộng với tác động của kinh tế thị trường, những nghi lễ này đã trở thành một loại hình dịch vụ ở nhiều cơ sở thờ tự.
Tiến sĩ Lê Tâm Đắc, Trưởng phòng nghiên cứu Phật giáo, Viện nghiên cứu Tôn giáo cũng khẳng định dâng sao giải hạn không phải là một nghi lễ của Phật giáo. Kinh sách của Phật giáo không đề cập đến việc ngôi sao chiếu mạng vào con người mà nhờ đó được hưởng phúc lợi hay mang tai họa. Trong kinh sách Phật giáo cũng không nói đến nghi lễ cúng sao giải hạn cho Phật tử. Bởi vì, đối với Phật giáo, không có ngày xấu, không có ngày tốt, mà cũng không có sao hạn xấu tốt. Theo kinh điển Phật giáo, tất cả phúc lộc hay tai hoạ, thành công hay thất bại mà con người có được hay gặp phải đều do nhân quả của chính người ấy làm nên chứ không phải do ai ban phát cho. Tuy nhiên, khi vào Việt Nam, hình thức tín ngưỡng này, bên cạnh sự tồn tại một cách độc lập trong dân chúng, thì gần như ngay lập tức đã được Phật giáo Việt Nam (Mật Tông và Tịnh Độ Tông) tiếp nhận và sử dụng như một trong những phương tiện để hoá độ chúng sinh.
Như vậy, việc dâng sao giải hạn trong Phật giáo đã diễn ra hàng nghìn năm, đó cũng là điều bình thường. Tuy nhiên trước đây các chùa làm là để giúp người mong cầu, tin tưởng vào những điều tốt đẹp, người dân chỉ cần một chút lễ đèn nhang cho nhà chùa. Còn ngày nay, tại một số nơi đặt nặng vấn đề chi phí, vì vậy không phải ai cũng có điều kiện làm lễ cầu an, giải hạn tại chùa. Thậm chí một số nơi còn coi đó là phương tiện để có thêm thu nhập cho nhà chùa, dẫn đến những nhìn nhận không tốt về nghi lễ này.
Vận hạn là do mình tạo nên
Thượng tọa Thích Đức Thiện (Phó Tổng thư ký Giáo hội Phật giáo Việt Nam) cũng cho rằng nghi lễ dâng sao giải hạn không có nguồn gốc từ Phật giáo mà nó xuất phát từ Lão giáo. Tuy nhiên trong lịch sử phát triển, Phật giáo, Lão giáo và Nho giáo hòa vào nhau (tam giáo đồng nguyên) nên các nghi lễ này đã được thực hiện trong các nhà chùa. Đó là điều không sai, vì các nhà chùa tiến hành các nghi lễ này trước hết là để thỏa mãn nhu cầu xã hội, an ủi chúng sinh.
Về việc một số chùa thu kinh phí làm lễ, Thượng tọa Thích Đức Thiện cho rằng không nên nhìn nhận sự việc một cách tiêu cực: Thực ra bản thân các chùa không phải nghĩ đến việc kinh tế, mà thực hiện nghi lễ này đáp ứng nhu cầu chúng sinh. Nhưng vì làm lễ thì phải sắm lễ, vì vậy nhà chùa cũng cần thu những khoản phí nhất định. Tuy nhiên, khi tiến hành nghi lễ, trách nhiệm của các sư là không phủ nhận nhưng phải giảng giải cho phật tử biết bản chất sự việc, rằng không phải có ngôi sao nào tạo nên vận hạn con người, nhân quả là do chính mình tạo nên, vì vậy khi đến cửa chùa quan trọng là thành tâm. Dù người ta có dâng sao giải hạn, có đi chùa cầu cúng mà khi tham gia giao thông không tuân thủ luật, rồi làm những điều xấu thì cũng không có thần thánh nào cứu được. Dâng sao giải hạn hay cầu bình an mà ngồi ra cả đường, ngồi lên cả lan can cầu thì đó đã là điều bất an rồi. Vì vậy không phải cứ kéo đến chùa linh thiêng làm là tốt, quan trọng là do sự thành tâm của con người. "Tôi tin là khi các nhà chùa giải thích thì dần dần chúng sinh sẽ hiểu, cũng như việc đốt hương hay rải tiền lẻ tràn lan, những năm trước rất bức xúc nhưng những năm gần đây, người dân đã thay đổi rất nhiều" - Thượng tọa Thích ĐứcThiện nói.
Theo Trâm Anh
An ninh Thủ đô
Câu chuyện kỳ lạ xung quanh "cây khế thần" trong phế tích thành cổ Người dân Thị trấn Phố Ràng (Bảo Yên, Lào Cai) quen gọi cây khế trong phế tích thành cổ trước kia là "cây khế thần". Nhìn bề ngoài nó chẳng khác gì một cây khế bình thường với tán lá rậm rạp và thân cây cổ thụ, thế nhưng điều kỳ lạ là "cây khế thần" mỗi năm kết trái một lần và...