‘Biển người’ chen chân xem ngôi mộ cổ ở ngoại thành Hà Nội
Hàng ngàn người dân ùn ùn đổ về cánh đồng Chằm thôn Phú Mỹ (xã Ngọc Mỹ, huyên Quốc Oai, Hà Nội) trong vài ngày qua để chiêm bái, thắp hương ngôi mộ cổ vừa được phát hiện.
Lượng người càng đông hơn khi chiều 10/12, PGS. TS Nguyễn Lân Cường, Tổng Thư ký Hội khảo cổ học Việt Nam cùng các chuyên gia khảo Viện Khảo cổ học và Bảo tàng Hà Nội tiến hành mở nắp chiếc quan tài cổ.
Trước đó, ngày 7/12, trong lúc thi công công trình thủy lợi, một chiếc máy xúc đã gạt trúng ngôi mộ mất nấm dưới một gò ruộng, lộ ra chiếc quan tài khá kiên cố. Lớp ngoài chiếc quan tài được trám bắng một loại hợp chất dày khoảng 3 – 5 cm, tiếp đó là các tấm gỗ dày loại tốt; tấm ván thiên được cố định bằng 4 chốt gỗ khá chắc chắn.
Đúng 15h30 ngày 10/12, TS Nguyễn Lân Cường và các chuyên gia bắt đầu cho mở nắp áo quan. Lớp hợp chất bên ngoài được những phu mộ dùng thuổng đẽo dần cho đến lớp gỗ, thì tỏa ra mùi hương thơm (giống như trầm). Khi tấm ván thiên được bật ra, mặt trên quan tài còn có thêm một tấm ván mỏng hơn nằm dưới ván thiên. Bật nốt tấm ván này, mùi hương càng nhiều; phía trong quan tài được sơn màu đỏ, vẫn tươi mới, hầu như khô ráo.
Thi hài người quá cố được bó chặt bằng nhiều lớp vải và chèn bằng những cuộn giấy bản.
Thi hài được chèn, kê bằng nhiều cuộn giấy bản còn nguyên vẹn và gối bông. Các chuyên gia phải mất khá nhiều thời gian để tháo những nút thắt của nhiều lớp vải buộc thi hài. Sau khoảng 10 lớp vải (có thể là đũi, gấm vẫn còn rất chắc chắn), là hình hài một cụ bà, thân hình chỉ bị teo lại như một xác khô “da bọc xương”, bộ tóc dài còn nguyên vẹn; khuôn mặt còn rõ hình, miệng mở; hàm răng dưới vẫn còn đủ, hàm trên còn một số răng đều được nhuộm đen… Chiều dài của thi thể từ đầu đến chân đo được 165 cm. Không thấy đồ tùy táng có giá trị.
Trao đổi với PV, PGS.TS Nguyễn Lân Cường cho biết: “Nhiều khả năng đây là ngôi mộ thuộc thời Hậu Lê, có niên đại trên dưới 300 năm. Người quá cố là một phụ nữ, khoảng 60 tuổi. Trong quan tài không thấy dung dịch, có thể đã bị chảy ra ngoài qua kẽ hở. Trước đây, một số ngôi mộ cổ đã được phát hiện, đều có dung dịch (chưa rõ là chất gì) để bảo quản, giữ nguyên xác trong hàng trăm năm… Trong miệng của cụ bà này, chúng tôi tìm được một đồng tiền cổ”.
Ngôi mộ cổ được phát hiện tại cánh đồng Chằm thôn Phú Mỹ (xã Ngọc Mỹ, huyên Quốc Oai, Hà Nội) trong khi làm thủy lợi nội đồng.
Bên ngoài chiên quan tài cổ là một loại hợp chất bền chắc, khi tách ra khỏi lớp gỗ thì tỏa hương thơm.
Video đang HOT
Nắp ván thiên được chốt bởi 4 khóa gỗ giống hình chữ X; khi được bật ra, bên dưới là một tấm ván khác; lớp gỗ quan tài vẫn còn rất chắc chắn tươi mới.
Phải mất khá nhiều thời gian để tháo lớp thắt của một lớp vải bó thi hài.
Lực lượng Công an cũng phải khá vất vả để giữ trật tự.
Đôi bàn chân của người quá cố còn nguyên, rõ từng ngón và móng chân.
Theo CAND
Lộ xác ướp phụ nữ trong mộ cổ lạ ở Hà Nội
Thi thể của người phụ nữ trong quan tài còn rất nguyên vẹn. Bộ tóc và xương trên cơ thể vẫn còn y nguyên.
Mấy ngày nay, người dân thôn Phú Mỹ (xã Ngọc Mỹ, huyện Quốc Oai, TP Hà Nội) xôn xao về ngôi mộ cổ được phát hiện ở cánh đồng bà chúa. Mỗi ngày có hàng nghìn người dân hiếu kỳ đến ngắm nhìn ngôi mộ. Nhiều người cho rằng đây là ngôi mộ cổ có niên đại vài trăm năm, trong mộ có thể chứa đựng rất nhiều vàng bạc...
Sự kỳ lạ của chất liệu quan tài
Ông Doãn Văn Lợi, Bí thư Chi bộ thôn Phú Mỹ cho biết: "Chiều 7/12, trong lúc tôi đang chỉ đạo cho bộ phận máy xúc múc đất hạ đường để làm giao thông thủy lợi nội đồng thì bất ngờ múc phải chiếc quan tài. Qua kiểm tra, chúng tôi phát hiện có tới ba chiếc quan tài, hai chiếc được chôn cất bằng quan tài gỗ bình thường còn một chiếc thì được bao bọc trong quan ngoài quách".
Sáng 9/12, PV đã mặt tại cánh đồng bà chúa để mục sở thị ngôi mộ cổ này. Chiếc quan tài đã được đưa lên trên mặt đất, dài 1,58m, chiều rộng 60cm, chiều cao 65cm. Nó được bao bọc bởi 3 lớp rất dày, lớp ngoài là gỗ, lớp thứ hai là hợp chất trong đó có thành phần của nhựa thông và lớp thứ ba là một loại gỗ rất thơm.
Một người dân hiếu kỳ đã cạy lớp vỏ bên ngoài của quan tài để xem.
"Khi chúng tôi đào quan tài lên đã ngửi thấy mùi một loại gỗ rất thơm, người thì đoán đây là gỗ trầm hương, người thì đoán là gỗ lũa. Đến giờ chúng tôi chưa biết quan tài được làm bằng chất liệu gì, đến chiếc máy xúc múc vào quan tài cũng chỉ bị bong tróc nhẹ trên bề mặt", anh Đỗ Văn Hạnh, người sống trong vùng cho biết.
"Ngay sau khi phát hiện được ngôi mộ, chúng tôi đã báo cáo với lãnh đạo xã và lập biên bản báo cáo với Phòng VH-TT huyện Quốc Oai và thông báo đến Sở Văn hóa - Thể thao & Du lịch TP Hà Nội. Sáng 8/12, họ đã cho người về để khảo sát ngôi mộ. Qua nghiên cứu ban đầu họ đánh giá đây là một ngôi mộ cổ, có thể tồn tại từ cuối thời Hậu Lê với trên 300 năm tuổi. Vì thế, Sở Văn hóa - Thể thao & Du lịch đã phải làm tờ trình nhờ Bộ Văn hóa - Thể thao & Du lịch về nghiên cứu", ông Lợi cho biết.
Đo đạc cẩn thận trước khi mở quan tài.
Ngôi mộ cổ của dòng họ Doãn?
Trong khi người dân trong thôn chờ đợi cơ quan chức năng về để kiểm nghiệm ngôi mộ thì dòng họ Doãn đã ra nhận ngôi mộ cổ đó chính là của dòng họ mình. Từ khi khai quật được ngôi mộ, những người trong dòng họ ra đóng cọc căng bạt ngủ tại đây để trông coi mộ.
Ông Doãn Mạnh Hà, Trưởng dòng họ Doãn cho biết: "Tôi là đời thứ 15 của dòng họ, buổi chiều trước khi đào thấy mộ, khi đi ngang đường tôi bảo những người lái máy xúc đừng đào đất khu vực này nữa, dưới đó là mồ mả của gia đình chúng tôi. Tôi nói lúc đầu giờ chiều thì chiều tối họ đã đào vào mộ. Sau đó, tôi đã về hỏi cụ Doãn Thị Chuyển (94 tuổi) và Đỗ Thị Chùm là hai người cao niên nhất dòng họ. Các cụ đều khẳng định rằng đó là mộ của gia tộc. Các cụ bảo khu ruộng đó có hai mộ dài, một mộ ngắn thì máy xúc đã đào đúng như thế. Gia đình chúng tôi đã mang hai mộ đi chôn cất, còn ngôi mộ cổ thì chính quyền giữ lại. Tối hôm qua tôi đã mời các cụ đến nhà để họp, các cụ trong họ đưa gia phả ra đọc lại thì biết từ đời thứ 3 đến đời thứ 6 có rất nhiều người làm quan trong triều nhà Lê. Tuy nhiên, trong gia phả không ghi rõ họ mất và chôn cất ở đâu".
Chiếc dây vải buộc vào thi thể.
Theo như ông Hà thì điều đó đã trùng khớp với nhận định của Sở Văn hóa - Thể thao & Du lịch Hà Nội là ngôi mộ này có từ đời nhà Lê, khoảng thế kỷ XVII. Và một điều mà dòng họ Doãn tin đó là mộ của dòng họ mình vì vị trí tìm thấy ngôi mộ trên đất đai của cha ông họ khi xưa.
Cuối giờ chiều 9/12, ông Lợi cho hay, hiện không chỉ dòng họ Doãn nhận đó là ngôi mộ của dòng họ mình mà có một số người ở thôn khác cũng đến nhận đó là mộ của dòng họ. Hiện nay, để xác định ngôi mộ này thuộc dòng họ, gia đình nào cũng khó. Bởi nó đã tồn tại mấy thế kỷ, không có sử sách gia đình nào xác định đó là mộ của họ. Vì thế, phải chờ Bộ Văn hóa - Thể thao & Du lịch vào cuộc sau đó mới xác định rõ mộ này của ai, có từ thời gian nào.
Ngôi mộ của người phụ nữ giàu có
Chiều 10/12, PGS.TS Nguyễn Lân Cường đã về khai quật ngôi mộ. Lực lượng bảo vệ phải dùng đến xà beng hạng lớn mới có thể phá đựợc lớp quách bên ngoài ngôi mộ. Những lớp quách này bung ra đến đâu đều tỏa một mùi hương thơm đến lạ kỳ. Lực lượng bảo vệ phải mất hơn nửa giờ đồng hồ mới loại bỏ được lớp quách của ngôi mộ. Tấm ván cuối cùng được mở, TS Cường nhặt từng tờ giấy rất cẩn thận trên thi thể cho vào túi nilon.
Có mặt tại hiện trường, chúng tôi quan sát lớp vải cuối cùng được TS Cường lấy ra ngoài, thi thể của người phụ nữ hiện ra. Đặc biệt, thi thể của người trong quan tài còn rất nguyên vẹn. Bộ tóc và xương trên cơ thể vẫn còn y nguyên.
TS Lân Cường bên thi thể của người phụ nữ còn nguyên vẹn.
PGS.TS Nguyễn Lân Cường cho biết: Đây là mộ cổ được làm bằng hợp chất, ở Việt Nam phát hiện hàng trăm ngôi mộ như thế này. Hợp chất này được người xưa làm theo kiểu trong quan ngoài quách thường có thời Hậu Lê, ở miền Bắc có niên đại khoảng 300 năm, miền Nam thì có vào thời Nguyễn khoảng 200 năm. Bình thường các mộ khác thường chèn gối xung quanh. Nhưng ở mộ này người ta lại dùng giấy bạc để chèn.
Mộ táng này có điều đặc biệt là không có dung dịch trong quan tài, phải chăng nó đã hở và bị chảy ra ngoài? Cho đến nay chưa nghiên cứu được thành phần loại dung dịch đó là gì. Có người bảo dầu thông, nhưng đến nay khoa học vẫn chưa thể kết luận chính xác.
Theo PGS.TS Nguyễn Lân Cường, lớp quách bên ngoài làm bằng gạo trộn vôi vữa và mật. Nguyên tắc làm mộ này là làm quách trước, đặt quan tài sau. Sau khi đặt quan tài vào, họ sẽ trát lớp bồi vào kẽ cho kín. Cuối cùng làm tấm ở trên. Khi phá quách thì mới có thể tìm thấy quan tài. Các mộ cổ khác thường đóng đinh ngang để cố định quan tài, nhưng mộ này họ lại dùng chốt hai bên. Đây là xác bà cụ, nhuộm răng đen, có gãy răng phía trên.
Hiện nay, tại địa phương đang có một số dòng họ nhận ngôi mộ đó là của dòng họ mình. Nếu họ muốn biết cụ thể cụ bà trong mộ có phải là người của gia đình mình không, chúng tôi sẽ tạo điều kiện cho gia đình lấy mẫu tóc đi giám định ADN sẽ biết chính xác.
"Thường thường mộ như thế này là của người Phật giáo vì trong mộ có cuốn sách Phạn, có biểu hiện tôn giáo, nhưng không có hiện vật chôn theo. Đây không phải người nghèo, phải là người giàu mới có điều kiện an táng như thế này. Kết quả khai quật chính xác phải 4 - 5 tháng mới có", PGS.TS Nguyễn Lân Cường cho biết.
Theo Kiến thức
Xôn xao mộ cổ lạ ở Hà Nội Ngôi mộ cổ lạ vừa được phát hiện ở cánh đồng Chằm, huyện Quốc Oai (Hà Nội) đang thu hút sự quan tâm của dư luận... Chiều 7/12, tại cánh đồng Chằm, thôn Phú Mỹ (xã Ngọc Mỹ, huyện Quốc Oai, Hà Nội), người dân đã phát hiện một ngôi mộ cổ, kích thước dài khoảng 2m rộng khoảng 70 cm, được kết...