Biển Đông vẫn vô định sau hàng loạt tuyên bố ‘ngoại giao’
Dù đã kết thúc, nhưng những dư âm của Hội nghị Cấp cao ASEAN cùng các hội nghị liên quan tại Brunei từ ngày 8-10/10 vừa qua vẫn còn đọng lại. Trung Quốc một mực giữ quan điểm đàm phán song phương về vấn đề Biển Đông với ASEAN và muốn gạt bên thứ ba ra khỏi tiến trình giải quyết các tranh chấp. Trong khi đó, Mỹ-Nhật đồng loạt kêu gọi Bắc Kinh hãy tuân thủ luật pháp quốc tế.
Hãng thông tấn Kyodo News ngày 11/10 đã đưa tin thêm về các quan điểm cũng như các tuyên bố của các quan chức cấp cao Mỹ, Nhật Bản, và Trung Quốc về các giải pháp “tháo ngòi nổ” trên Biển Đông.
Theo đó, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường như thường lệ đã có những phát ngôn mạnh mẽ khi cảnh báo bên thứ ba can thiệp vào vấn đề Biển Đông: “Tranh chấp cần được giải quyết thông qua đối thoại trực tiếp giữa Trung Quốc và các nước Đông Nam Á có chủ quyền trên Biển Đông, các nước khác không nên can dự”. Điều này một lần nữa cho thấy Bắc Kinh vẫn chưa thực sự tìm cách “xuống thang” trong vấn đề Biển Đông như những tuyên bố mang màu sắc “thiện chí” trước đó.
Toàn cảnh Hội nghị cấp cao ASEAN tại Brunei. Ảnh: Reuters
Không đồng tình với quan điểm này, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe nhấn mạnh: “Các bên liên quan phải tuân thủ luật pháp quốc tế và không được hành động đơn phương cũng như sử dụng vũ lực.” Ông cho rằng Biển Đông là một vùng biển quốc tế, vậy nên, nguyên tắc cơ bản để giải quyết các tranh chấp là các giải pháp hòa bình theo đúng UNCLOS nhằm tránh các xung đột và duy trì sự tự do hàng hải trên khu vực.
Lặp lại các tuyên bố trước đó, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry hối thúc Trung Quốc cùng ASEAN phải đẩy nhanh tiến trình đàm phán về Bộ Quy tắc Ứng xử trên Biển Đông (COC): “Đối thoại là cần thiết nhưng đó không phải là một biện pháp thay thế cho một hành động cụ thể. Nếu không có sự tiến bộ thực sự thì chúng ta không thể giảm thiểu rủi ro, những tính toán sai lầm cũng như những cách giải thích sai lầm”.
Ngay lập tức, ngày 11/10, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh đã lên tiếng “trách” Washington và nhắc lại quan điểm của Bắc Kinh về việc phản đối phiên tòa này. Có thể tự tin một mình một hướng, “bẻ cong” các quy tắc hành xử quốc tế cho thấy Trung Quốc đã “bài binh bố trận” xong xuôi cho cục diện Biển Đông khi tạo nên vòng cung lợi ích xung quanh bãi cạn Scarborough và các nhóm đảo trong khu vực.
Video đang HOT
Theo Japan Times, trong khi Bắc Kinh đang “vận động” một số thành viên ASEAN, thì Washington khuyến khích các nước trong khu vực duy trì sự thống nhất và gắn kết nhằm củng cố vị thế trong các cuộc đàm phán về COC trong tương lai. Song tiếng nói của Mỹ năm nay đã không còn được như gần một năm về trước. Khi ấy, chuyến xuất ngoại đầu tiên của một Tổng thống mới đắc cử mang tính chất khẳng định tính quan trọng chiến lược ngoại giao của Mỹ trong vòng 4 năm tới. Bất chấp căng thẳng Trung Đông khi ấy đang leo thang từng ngày, các chuyến công du dày đặc đến với châu Á của các quan chức cấp cao Washington đã cho thấy “sức nặng” của khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Trong khi hiện nay, Syria đã không còn “cầm chân” Mỹ, song Tổng thống Obama vẫn hờ hững với trục chiến lược chính mình đã đặt ra hồi năm 2011. Dẫu sao với người Mỹ, dù có làm chính trị gia, thì câu chuyện làm ăn mới là “trục chiến lược” số một, kim chỉ nam cho toàn bộ nước Mỹ, như Alexis de Tocqueville trong cuốn “Nền dân trị Mỹ” đã chỉ ra rằng “không một quốc gia nào trên thế giới yêu tài sản và lo lắng cho khối tài sản đó hơn người Mỹ”.
Dẫu Reuters có nhận định rằng phát ngôn của ông John Kerry khi nói các bên tranh chấp Biển Đông đều có thể tìm tới Tòa án Quốc tế về Luật biển (ITLOS) chính là một sự ủng hộ ngầm đối với Philippines, vì nước này đang quyết tâm đưa Trung Quốc ra ITLOS vì đường lưỡi bò phi pháp. Song đã là “ngầm” tức là phi chính thức. Mà Philippines thì không thể dựa vào điều đó để chiến thắng trên bàn đàm phán cũng như tại tòa án quốc tế được.
Theo Sông mơi
Mỹ, Trung dùng "đòn" tranh giành ASEAN?
Mỹ và Trung Quốc đang có cuộc đấu tranh giành ảnh hưởng quyết liệt ở Đông Nam Á khi các nhà lãnh đạo của khu vực này đang tụ họp tại một hội nghị thượng đỉnh hàng năm được chính thức khai màn ngày hôm 9/10 ở Brunei. Trung Quốc đang tận dụng cơ hội từ sự vắng mặt của Tổng thống Mỹ Barack Obama để thể hiện sức ảnh hưởng ngày càng gia tăng của nước này trên thế giới.
Vắng Tổng thống Obama, Ngoại trưởng Kerry sẽ khó khăn hơn trong việc thuyết phục ASEAN.
Trong cuộc họp ở đất nước Brunei nhỏ bé nhưng giàu dầu mỏ, lãnh đạo của 10 nước thành viên Hiệp hội Các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đã gặp nhau trước khi họ có cuộc họp với một loạt đối tác không phải là thành viên gồm những nước lớn như Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và Ấn Độ. Tất cả những nước này đều đang tìm kiếm một sự hiện diện lớn hơn ở khu vực Đông Nam Á giàu tiềm năng nhưng Mỹ và Trung Quốc là hai đối thủ nặng ký nhất. Hai nước này từ lâu đã tranh giành "miếng bánh" ASEAN dù cho họ công khai phủ nhận cuộc cạnh tranh, đối đầu này.
Mỹ dùng "vũ khí" Biển Đông
ASEAN và 10 nước thành viên của hiệp hội được xem là một "chiến lợi phẩm quý giá" cả về mặt chính trị lẫn kinh tế trong cuộc tranh giành giữa cường quốc Mỹ và đối thủ đang mạnh lên - Trung Quốc. Cả hai nước này đều khao khát có được vị trí thống trị ở ASEAN. Trung Quốc muốn "lên ngôi" trong khi Mỹ muốn tái xác lập vị trí thống trị trong khu vực có hơn nửa tỉ dân này.
Thay thế cho Tổng thống Obama đến tham gia hội nghị ASEAN cũng như hội nghị APEC diễn ra trước đó ở Indonesia, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry được cho là có nhiệm vụ phải nhấn mạnh đến mối quan hệ đối tác lâu bền kéo dài nhiều thập kỷ giữa Mỹ với khu vực đồng thời kêu gọi các nước thành viên ASEAN thống nhất, đoàn kết trong nỗ lực ngăn chặn sự hiếu chiến ngày càng tăng của Trung Quốc trong các cuộc tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông. Một số quốc gia trong ASEAN như Philippines đang trông chờ vào sự hậu thuẫn, giúp đỡ của Mỹ để đối phó với Trung Quốc trong cuộc tranh chấp ở Biển Đông.
Khi cuộc họp ASEAN-Mỹ bắt đầu, cũng giống như ở Indonesia, Ngoại trưởng Kerry buộc phải mở màn bài phát biểu của mình bằng việc gửi lời xin lỗi vì sự vắng mặt của Tổng thống Obama và đưa ra cam kết rằng Mỹ vẫn quan tâm và can dự sâu sắc vào khu vực Châu Á-Thái Bình Dương.
"Tôi đảm bảo với các bạn rằng, những sự kiện ở Washington hiện nay mang tính chính trị và không có gì ngoài điều đó. Mối quan hệ đối tác mà chúng tôi chia sẻ với ASEAN vẫn là một ưu tiên hàng đầu của chính quyền Tổng thống Obama", ông Kerry nhấn mạnh.
"Tăng cường các mối quan hệ về vấn đề an ninh, kinh tế và nhiều hơn thế là một phần sống còn trong chiến lược tái cân bằng của Tổng thống Obama ở Châu Á. Chiến lược này vẫn còn đó và sẽ được tiếp tục đến tương lai", ông Kerry nhấn mạnh thêm.
Trung Quốc đưa "miếng mồi" kinh tế để "ve vãn" ASEAN
Trong khi đó, về phần mình, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường lại tìm cách "ve vãn" các nước ASEAN bằng cách tập trung vào những sáng kiến phát triển và đầu tư mới của Trung Quốc trong khu vực và hạn chế nói về vấn đề Biển Đông,. Khi đề cập đến Biển Đông, ông Lý Khắc Cường chủ yếu nói với các nhà lãnh đạo ASEAN rằng, Mỹ nên tránh xa vấn đề này.
"Tất cả chúng ta đều nhất trí về việc, các cuộc tranh chấp ở Biển Đông nêu được giải quyết thông qua các cuộc đàm phán, tham vấn với các bên có liên quan trực tiếp", Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đã nói như vậy ngay trong bài phát biểu mở màn cuộc họp giữa Trung Quốc và ASEAN. Cuộc họp đó diễn ra ngay trước cuộc họp giữa Mỹ-ASEAN và nó đã kéo dài quá thời gian dự kiến, khiến Ngoại trưởng Mỹ John Kerry phải chờ đợi tại nhà khách của chính phủ Brunei gần nửa giờ đồng hồ.
Cả Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường và Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đều nói về vấn đề thương mại trong bài phát biểu của mình trước các nhà lãnh đạo ASEAN - hiệp hội đang muốn xây dựng một cộng đồng tự do hàng hóa, dịch vụ và thương mại giống như Liên minh Châu Âu trước năm 2015.
Tuy nhiên, trong khi thương mại được đặt lên hàng ưu tiên trong chương trình nghị sự của ASEAN thì cuộc tranh chấp kéo dài ở khu vực Biển Đông chiến lược và giàu tài nguyên lại một lần nữa gây ra những căng thẳng.
ASEAN đang nỗ lực để quản lý, kiểm soát các cuộc tranh chấp nóng bỏng có nguy cơ leo thang thành xung đột vũ trang này. Trung Quốc đang có tranh chấp ở Biển Đông với 4 quốc gia Đông Nam Á gồm Philippines, Việt Nam, Malaysia và nước chủ nhà Brunei.
Theo hai nhà ngoại giao giấu tên của Philippinese cho biết, Trung Quốc và Philippines lại tranh cãi nhau gay gắt về những từ ngữ trong đoạn viết về tranh chấp lãnh thổ trong bản tuyên bố chung giữa lãnh đạo ASEAN-Trung Quốc.
Khi được giới phóng viên Đông Nam Á đề nghị bình luận về những lo ngại cho rằng Trung Quốc đang tìm vị trí bá chủ trong khu vực với sức mạnh quân sự ngày càng gia tăng, Thủ tướng Lý Khắc Cường đã miêu tả đất nước của ông này là một "người khổng lồ hiền dịu" - một đất nước không có lịch sử bành trướng ở Châu Á, không giống như các cường quốc phương Tây.
Tuy nhiên, trong khi Trung Quốc cam kết chắc chắn về sự nổi lên hòa bình của nước này thì Thủ tướng Lý Khắc Cường vẫn nhấn mạnh, Bắc Kinh "quyết không thay đổi trong quyết tâm duy trì chủ quyền quốc gia và sự toàn vẹn lãnh thổ".
Kiệt Linh - (tổng hợp)
Theo_VnMedia
Thủ tướng dự Hội nghị Cấp cao ASEAN+3 và Cấp cao Đông Á lần thứ 8 Tiếp tục các Hội nghị Cấp cao ASEAN liên quan, sáng 10/10/2013, tại Ban-đa Sê-ri Bê-ga-oan, Bru-nây, đã diễn ra Hội nghị Cấp cao ASEAN 3 và Cấp cao Đông Á lần thứ 8. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng tham dự và đã có các phát biểu quan trọng tại các Hội nghị. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng Tại...