‘Biển Đông vạn dặm dang tay giữ’
Trong đoàn biểu tình trước Đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội để phản đối Trung Quốc đặt giàn khoan Hải Dương 981 sâu trong vùng biển Việt Nam (*), tôi đặc biệt ấn tượng với một cụ già, khi cụ giơ cao tấm biển viết tay ghi lời thơ của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm:
Đông đảo người dân trên cả 3 miền đất nước đã xuống đường tuần hành phản đối Trung Quốc trong sáng nay 11.5
Bây giờ là lúc cả dân tộc Việt Nam phải “dang tay giữ” tài sản vô giá mà cha ông để lại: biển Đông thuộc vùng đặc quyền của Việt Nam.
Trung Quốc vẫn có phần biển Đông của mình tính từ đảo Hải Nam theo đúng luật quốc tế minh định. Nhưng có vẻ họ không thỏa mãn với phần biển mà thiên luật và nhân luật dành cho mình. Họ cứ muốn cướp không của người khác về làm của mình. Nó có khác gì khi ta phải sống cạnh một ông láng giềng mà ông này chỉ suốt ngày chăm chăm lấn đất vườn nhà ta, bất chấp hàng rào phân định. Trung Quốc chính là ông láng giềng “to khỏe” nhưng xấu tính như vậy.
Tôi xem ti-vi thấy người ta dùng từ “đề nghị” khi nói “đề nghị Trung Quốc rút giàn khoan khỏi vùng biển Việt Nam”, tôi thấy chữ “đề nghị” nó thế nào ấy. Cứ như “đề nghị anh đừng ăn cướp của tôi, khổ tôi lắm” vậy. Đối với hành động ngang ngược mang tính lấn chiếm rõ rệt của Trung Quốc đối với biển Việt Nam, thì chữ dùng nhẹ nhất là “yêu cầu”, chứ không phải “đề nghị”.
Hàng chục nghìn người Việt Nam khắp ba miền Bắc Trung Nam đã xuống đường biểu tình trong buổi sáng nay 11.5, chỉ để yêu cầu Trung Quốc phải tôn trọng luật pháp quốc tế, phải rút lập tức giàn khoan “khủng” mà họ đặt trên biển Việt Nam, nằm sâu trong vùng biển đặc quyền của Việt Nam tới 81 hải lý.
Chúng ta sống hết sức hữu nghị với nhân dân Trung Quốc, nhưng chúng ta không thể im lặng chấp nhận việc nhà cầm quyền Trung Quốc lấn chiếm – hay bây giờ người ta hay gọi là “xâm lược mềm” – vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam từ bao đời nay. Khi nhà tiên tri yêu nước Nguyễn Bỉnh Khiêm đã kêu gọi tới hành động của người dân Việt “dang tay giữ” biển Đông vạn dặm của mình thì không lý gì những con dân Việt đang sống hôm nay lại có thể thờ ơ.
“Trên tất cả tình yêu-tình yêu này đi thẳng/ Đến mỗi đời ta bất chấp những ngôn từ/” – Đó là tình yêu Tổ quốc, một tình yêu vô tư cao cả nhất trong tất cả các tình yêu.
Mấy hôm trước, khi nghe tin Trung Quốc đặt giàn khoan cách đảo Lý Sơn quê hương chỉ 119 hải lý, một anh bạn của tôi – nguyên là Ủy viên Trung ương Đảng – nói với tôi: “Chắc anh em mình phải tính chuyện trở lại phục vụ trong quân đội anh à! Anh em mình đều là cựu binh cả mà”, tôi đồng ý ngay với “đề nghị” của anh bạn. Chúng tôi vốn là cựu binh, là người kháng chiến cũ đã từng trải qua chiến tranh, chúng tôi hiểu chiến tranh tàn khốc như thế nào. Nhưng nếu đó là cuộc chiến tranh vệ quốc, thì không một người Việt yêu nước nào đứng ngoài cuộc.
Thế giới ngày nay đã khác. Không thể một nước lớn có thể dùng sức mạnh của mình để cướp đoạt tài nguyên, lấn chiếm đất đai và biển đảo của một nước nhỏ hơn mà không bị cả thế giới lên án và trừng phạt. Việt Nam chúng ta, từ quá khứ tới hôm nay, và cho tới tương lai, chưa bao giờ sợ Trung Quốc, dù chúng ta luôn giữ tình hữu nghị với Trung Quốc. Nhưng nếu Trung Quốc nghĩ thiện chí của Việt Nam là sự sợ hãi, thì họ đã nhầm.
Bây giờ là lúc phải giữ vững nền hòa bình trên biển Đông, một nền hòa bình công chính, công bằng và không xâm phạm tới lợi ích của bất cứ quốc gia nào. “Nước Việt muôn năm vững trị bình” – Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm đã đặt chữ “bình” cuối câu thơ. “Bình” đây là hòa bình. Nhưng muốn có “bình” thì phải “dang tay giữ” vạn dặm biển Đông của mình.
Không thể khác!
Thanh Thảo
Theo TNO
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: Hành động 'cực kỳ nguy hiểm' của Trung Quốc đe dọa hòa bình biển Đông
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã có bài phát biểu quan trọng về tình hình biển Đông tại phiên họp toàn thể của các nhà lãnh đạo ASEAN, chính thức bắt đầu lúc 10 giờ 35 sáng nay 11.5 ở thủ đô Nay Pyi Taw (Myanmar).
Video đang HOT
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh ASEAN - Ảnh: Thục Minh
Phát biểu tại phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã đặc biệt nhấn mạnh đến vấn đề hòa bình và an ninh khu vực, cụ thể là những diễn biến phức tạp, nghiêm trọng gần đây ở biển Đông.
Ghi nhận của phóng viên Thục Minh (Báo Thanh Niên) tại Nay Pyi Taw, trong bài phát biểu của mình, Thủ tướng đã dành thời gian nhấn mạnh đến vấn đề biển Đông. Theo Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, từ ngày 1.5.2014 Trung Quốc đã ngang nhiên đưa giàn khoan nước sâu cùng hơn 80 tàu vũ trang, tàu quân sự và máy bay hộ tống đi vào vùng biển Việt Nam và đã hạ đặt giàn khoan này tại vị trí nằm sâu trên 80 hải lý trong thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam theo Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982.
"Đây là lần đầu tiên Trung Quốc ngang nhiên đưa giàn khoan vào hạ đặt tại địa điểm nằm sâu trong thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của một nước trong ASEAN, là sự vi phạm đặc biệt nghiêm trọng luật pháp quốc tế, Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 và cũng là sự vi phạm đặc biệt nghiêm trọng Tuyên bố về Ứng xử của các bên trên biển Đông (DOC) mà Trung Quốc là một bên tham gia ký kết. Hành động cực kỳ nguy hiểm này đã và đang đe dọa trực tiếp đến hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn hàng hải ở biển Đông", Thủ tướng phát biểu trước hội nghị.
Các tàu vũ trang hộ tống bảo vệ giàn khoan của Trung Quốc đã rất hung hăng bắn vòi nước có cường độ mạnh và đâm húc thẳng vào các tàu công vụ, tàu dân sự của Việt Nam, gây hư hại nhiều tàu và làm nhiều người bị thương.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ, Việt Nam đã hết sức kiềm chế, bày tỏ mọi thiện chí, sử dụng mọi kênh đối thoại, giao thiệp với các cấp khác nhau của Trung Quốc để phản đối và yêu cầu Trung Quốc rút ngay giàn khoan và các tàu vũ trang, tàu quân sự ra khỏi vùng biển của Việt Nam.
Tuy nhiên, đến nay Trung Quốc không những không đáp ứng yêu cầu chính đáng của Việt Nam mà còn vu khống, đổ lỗi cho Việt Nam và tiếp tục gia tăng các hành động vi phạm ngày càng nguy hiểm và nghiêm trọng hơn.
Việt Nam đặc biệt coi trọng và luôn làm hết sức mình để gìn giữ và tăng cường quan hệ hữu nghị tốt đẹp với Trung Quốc. Việt Nam luôn chân thành mong muốn cùng với Trung Quốc giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, bình đẳng và tôn trọng lẫn nhau vì lợi ích của nhân dân hai nước, vì hòa bình, ổn định của khu vực và thế giới.
Song Việt Nam cực lực phản đối các hành động xâm phạm và kiên quyết bảo vệ chủ quyền quốc gia và lợi ích chính đáng của mình phù hợp với luật pháp quốc tế.
"Chúng tôi trân trọng cám ơn và khẩn thiết kêu gọi các nước ASEAN, các nước trên thế giới, các cá nhân và tổ chức quốc tế tiếp tục lên tiếng phản đối hành động vi phạm nghiêm trọng nêu trên và ủng hộ yêu cầu hợp pháp, chính đáng của Việt Nam", Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng bày tỏ.
Trước tình hình đặc biệt nghiêm trọng này, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị ASEAN tăng cường đoàn kết, khẳng định lại mạnh mẽ các nguyên tắc đã được nêu tại Tuyên bố 6 điểm về biển Đông, đồng thời yêu cầu Trung Quốc tuân thủ luật pháp quốc tế, Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển 1982, phải đặc biệt tôn trọng thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của các quốc gia ven biển và thực hiện đầy đủ, nghiêm túc Tuyên bố Ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC) và cùng ASEAN thương lượng thực chất về Bộ Quy tắc ứng xử COC.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng nhấn mạnh, Việt Nam đề nghị ASEAN đưa các nội dung nêu trên về vấn đề biển Đông vào Tuyên bố của Hội nghị và Tuyên bố của Chủ tịch Hội nghị Cấp cao ASEAN lần này. Việt Nam đánh giá cao việc các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN, ngày 10.5.2014, đã nhất trí thông qua một Tuyên bố riêng về tình hình nghiêm trọng hiện nay ở biển Đông, thể hiện rõ sự đoàn kết, vai trò trung tâm, tinh thần chủ động và trách nhiệm cao của ASEAN đối với hòa bình, ổn định và an ninh của khu vực.
Toàn văn phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng
Thưa Tổng thống U Thên Sên, Chủ tịch Hội nghị Cấp cao ASEAN,
Thưa Quốc vương,
Thưa các vị đồng nghiệp!
Trước hết, Việt Nam xin cảm ơn sự đón tiếp chu đáo và xin chúc mừng Mi-an-ma trên cương vị Chủ tịch ASEAN lần đầu tiên. Việt Nam sẽ hợp tác và ủng hộ Mi-an-ma hoàn thành tốt trọng trách Chủ tịch ASEAN năm 2014. Theo chủ đề của Hội nghị, chúng tôi xin chia sẻ một số ý kiến sau:
1. Về hòa bình và an ninh khu vực
Việt Nam xin thông báo và nhấn mạnh về vấn đề Biển Đông như sau:
Hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông - mối quan tâm chung của ASEAN, của khu vực và thế giới đang bị đe dọa nghiêm trọng.
Từ ngày 01.5.2014 Trung Quốc đã ngang nhiên đưa giàn khoan nước sâu cùng hơn 80 tàu vũ trang, tàu quân sự và máy bay hộ tống đi vào vùng biển Việt Nam và đã hạ đặt giàn khoan này tại vị trí nằm sâu trên 80 hải lý trong Thềm lục địa và vùng Đặc quyền Kinh tế của Việt Nam theo Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982. Các tàu hộ tống bảo vệ giàn khoan của Trung Quốc đã rất hung hăng bắn vòi nước có cường độ mạnh và đâm húc thẳng vào các tàu công vụ, tàu dân sự của Việt Nam, gây hư hại nhiều tàu và làm nhiều người bị thương.
Đây là lần đầu tiên Trung Quốc ngang nhiên đưa giàn khoan vào hạ đặt tại địa điểm nằm sâu trong Thềm lục địa và vùng Đặc quyền Kinh tế của một nước trong ASEAN, là sự vi phạm đặc biệt nghiêm trọng Luật pháp Quốc tế, Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 và cũng là sự vi phạm đặc biệt nghiêm trọng Tuyên bố về Ứng xử của các Bên trên Biển Đông (DOC) mà Trung Quốc là một Bên tham gia ký kết. Hành động cực kỳ nguy hiểm này đã và đang đe dọa trực tiếp đến hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn hàng hải ở Biển Đông.
Việt Nam đã hết sức kiềm chế, chân thành bày tỏ mọi thiện chí, sử dụng mọi kênh đối thoại, giao thiệp với các cấp khác nhau của Trung Quốc để phản đối và yêu cầu Trung Quốc rút ngay giàn khoan và các tàu vũ trang, tàu quân sự ra khỏi vùng biển của Việt Nam. Tuy nhiên, đến nay Trung Quốc không những không đáp ứng yêu cầu chính đáng của Việt Nam mà còn vu khống, đổ lỗi cho Việt Nam và tiếp tục dùng sức mạnh, gia tăng các hành động uy hiếp, xâm phạm ngày càng nguy hiểm và nghiêm trọng hơn.
Việt Nam đặc biệt coi trọng và luôn làm hết sức mình để gìn giữ và tăng cường quan hệ hữu nghị tốt đẹp với Trung Quốc. Việt Nam cũng luôn chân thành mong muốn cùng với Trung Quốc giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, bình đẳng và tôn trọng lẫn nhau vì lợi ích của nhân dân hai nước, vì hòa bình, ổn định của Khu vực và Thế giới. Song, Việt Nam cực lực phản đối các hành động xâm phạm và kiên quyết bảo vệ chủ quyền quốc gia và lợi ích chính đáng của mình phù hợp với Luật pháp quốc tế.
Chúng tôi trân trọng cám ơn và khẩn thiết kêu gọi các nước ASEAN, các nước trên thế giới, các cá nhân và Tổ chức quốc tế tiếp tục lên tiếng phản đối hành động xâm phạm nghiêm trọng nêu trên và ủng hộ yêu cầu hợp pháp, chính đáng của Việt Nam.
Trước tình hình đặc biệt nghiêm trọng này, Việt Nam đề nghị ASEAN, chúng ta tăng cường đoàn kết, thống nhất và khẳng định lại mạnh mẽ các nguyên tắc đã được nêu tại Tuyên bố 6 điểm về Biển Đông, đồng thời yêu cầu Trung Quốc tuân thủ Luật pháp quốc tế, Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển 1982, đặc biệt phải tôn trọng thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của các quốc gia ven biển và thực hiện đầy đủ, nghiêm túc Tuyên bố Ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC). Và cùng ASEAN thương lượng thực chất về Bộ Quy tắc ứng xử COC.
Việt Nam đề nghị ASEAN đưa các nội dung nêu trên về vấn đề Biển Đông vào Tuyên bố của Hội nghị và Tuyên bố của Chủ tịch Hội nghị Cấp cao ASEAN lần này. Việt Nam đánh giá cao việc các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN, ngày 10.5.2014, đã nhất trí thông qua một Tuyên bố riêng về tình hình nghiêm trọng hiện nay ở Biển Đông, thể hiện rõ sự đoàn kết, vai trò trung tâm, tinh thần chủ động và trách nhiệm cao của ASEAN đối với hòa bình, ổn định và an ninh của khu vực.
2. Về lộ trình xây dựng Cộng đồng ASEAN
Việt Nam đánh giá cao Báo cáo của ngài Tổng Thư ký ASEAN về các hoạt động xây dựng Cộng đồng ASEAN. Chúng tôi cho rằng ASEAN chúng ta cần phải làm nhiều việc hơn nữa và tập trung vào những trọng tâm:
Trước hết, mỗi quốc gia và cả khu vực đều phải nỗ lực thực hiện đúng thời hạn Lộ trình xây dựng Cộng đồng. Cùng với việc đẩy mạnh chất lượng của gần 80% dòng hành động đã và đang được triển khai, ASEAN cần ưu tiên thực hiện 20% phần còn lại. Việt Nam ủng hộ việc thông qua Tuyên bố Nay-pi-tô về xây dựng Cộng đồng ASEAN làm văn kiện định hướng cho các hoạt động trong năm 2014.
Chúng ta cần tăng cường phát huy vai trò chủ đạo của ASEAN nhằm bảo đảm hòa bình, an ninh, ổn định và phát triển trong khu vực, cũng như ứng phó hiệu quả với những thách thức đang đặt ra.
Cùng với nỗ lực xây dựng Cộng đồng, ASEAN cần phát huy hơn nữa vai trò chủ đạo ở khu vực, nhất là trong bối cảnh có nhiều sáng kiến về khuôn khổ an ninh khu vực đang được các nước lớn đưa ra. ASEAN cần chủ động, tích cực có tiếng nói chung về các vấn đề có ảnh hưởng trực tiếp tới hòa bình, an ninh và phát triển của khu vực; đặc biệt cần đề cao các nguyên tắc giải quyết bất đồng bằng biện pháp hòa bình, kiềm chế, không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, tuân thủ các quy định của luật pháp quốc tế,...
Theo đó, ASEAN cần đẩy mạnh đối thoại xây dựng lòng tin, xây dựng và chia sẻ các chuẩn mực ứng xử chung cũng như phát huy các công cụ và cơ chế hợp tác hiện có như Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác (TAC), Tuyên bố Bali về các nguyên tắc quan hệ cùng có lợi, Hiệp ước Đông Nam Á không có vũ khí hạt nhân (SEANWFZ), Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC).
Vì các mục tiêu trên, chúng tôi nhất trí với đề xuất xây dựng một khuôn khổ các quy tắc ứng xử và hợp tác chung ở khu vực Đông Á, dựa trên các nguyên tắc của Hiệp ước TAC và các thỏa thuận đã có, cũng như các sáng kiến có liên quan được đưa ra gần đây. Đồng thời, chúng ta cần tiếp tục gắn kết mục tiêu này trong nỗ lực xây dựng Cộng đồng và Tầm nhìn ASEAN sau 2015.
Để làm được điều đó, ASEAN cần tiếp tục giữ vững đoàn kết và thống nhất, đề cao trách nhiệm vì lợi ích chung của khu vực trên cơ sở các nguyên tắc và phương cách đã thỏa thuận, góp phần bảo đảm tốt hơn môi trường hòa bình, an ninh và ổn định, tạo điều kiện thuận lợi để ASEAN tiếp tục phát triển vững mạnh trong giai đoạn tiếp theo.
ASEAN chúng ta cũng cần đẩy mạnh các nỗ lực nhằm ứng phó hiệu quả đối với các thách thức an ninh phi truyền thống đang nổi lên, bao gồm các thách thức môi trường, nguồn nước, thiên tai, biến đổi khí hậu, dịch bệnh... Trước những thiên tai, thảm họa xảy ra liên tiếp gần đây, tôi đề nghị các cơ quan chức năng của ASEAN cần phải rà soát và đưa ra các kiến nghị về việc tăng cường khả năng hợp tác, ứng phó kịp thời và hiệu quả của ASEAN trong lĩnh vực này.
Nhân dịp này, một lần nữa, tôi xin gửi lời chia sẻ sâu sắc tới nhân dân Phi-líp-pin về những hậu quả nặng nề do cơn bão Hải Yến gây ra và tới gia đình các nạn nhân của thảm họa máy bay MH370. Những thảm họa này càng đòi hỏi chúng ta phải quan tâm hơn nữa việc tăng cường năng lực ứng phó, hợp tác của ASEAN. Chúng tôi đề nghị sớm tổ chức tổng kết kinh nghiệm về sự phối hợp của khu vực trong công việc quan trọng này.
3. Về tương lai Cộng đồng ASEAN
Việt Nam đánh giá cao thỏa thuận Cấp cao ASEAN về xây dựng Tầm nhìn ASEAN sau 2015.
Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN sau 2015 phải là sự tiếp nối và phát huy các thành tựu đã đạt được trong Lộ trình xây dựng Cộng đồng ASEAN 2009-2015. Sau khi trở thành Cộng đồng, ASEAN cần hướng tới những mục tiêu liên kết cao hơn trên cả ba trụ cột. Đồng thời phát huy mạnh mẽ vai trò chủ đạo trong cấu trúc khu vực, chủ động thúc đẩy và mở rộng liên kết ở khu vực Đông Á. Tầm nhìn sau 2015 phải giúp đưa Cộng đồng ASEAN vì phúc lợi người dân, khơi gợi ý thức cộng đồng và khuyến khích sự tham gia tự nguyện, tích cực của người dân vào tiến trình này. ASEAN cần chú trọng củng cố và tăng cường hơn nữa các cơ chế hợp tác nhằm ứng phó kịp thời, hiệu quả với những rủi ro, bao gồm cả thiên tai, dịch bệnh, tai nạn. Chúng tôi đề nghị giao Hội đồng Điều phối ASEAN xây dựng kế hoạch kỷ niệm thiết thực về sự kiện Cộng đồng ASEAN ra đời.
4. Về kiểm điểm và định hướng quan hệ đối ngoại của ASEAN
Việt Nam đề nghị ASEAN gia tăng vai trò và hợp tác với các đối tác tại các diễn đàn khu vực; phát huy vai trò chủ đạo trong diễn đàn Đông Á; xây dựng một khuôn khổ các quy tắc ứng xử và hợp tác tương tự như Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác (TAC) mở rộng ra phạm vi toàn Đông Á.
Là điều phối viên quan hệ ASEAN-EU, Việt Nam đề nghị Hội nghị Bộ trưởng ASEAN-EU lần thứ 20 sắp tới cần bàn kỹ việc tăng cường quan hệ đối tác ASEAN-EU, trong đó có đề xuất của EU về tổ chức các cuộc gặp cấp cao giữa Lãnh đạo hai Bên. Chúng tôi cũng ủng hộ đề xuất rà soát và đề ra những định hướng chỉ đạo về việc tăng cường quan hệ đối ngoại của ASEAN.
Thưa quý vị,
Việt Nam trân trọng cảm ơn và đánh giá cao sự đóng góp quan trọng của Tổng thống In-đô-nê-xi-a Xu-xi-lô Bam-bang Giu-đô-giô-nô vào quá trình xây dựng Cộng đồng ASEAN. Xin chúc Ngài Tổng thống mọi điều tốt đẹp.
Xin cám ơn./.
Theo TNO
Tuyên bố chung ASEAN kêu gọi chấm dứt hành động làm gia tăng căng thẳng trên biển Đông Thượng đỉnh ASEAN lần thứ 24 tại thủ đô của Myanmar hôm nay 11.5 ra Tuyên bố Naypyitaw kêu gọi chấm dứt hành động làm gia tăng căng thẳng trên biển Đông. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh ASEAN - Ảnh: Thục Minh Lãnh đạo 10 quốc gia ASEAN hôm nay đã họp một phiên toàn thể...