Biển Đông và mặt trận thứ hai
Ngoại giao công chúng là “mặt trận thứ hai”, là công cụ bổ trợ cho ngoại giao chính trị và ngoại giao pháp lý trong công cuộc đấu tranh trên biển Đông.
Bảo vệ chủ quyền biển đảo là một cuộc chiến lâu dài, và đấu tranh Biển Đông là một trong những thách thức lớn nhất về mặt an ninh cũng như đối ngoại của VN. Do đó, đưa ra được một chiến lược Ngoại giao công chúng (NGCC) hoàn chỉnh cho Biển Đông cả trong ngắn hạn lẫn dài hạn dường như là đòi hỏi bắt buộc.
Mặt trận thứ hai
NGCC là thuật ngữ được bắt đầu được nhắc đến vào thập niên 1960, với cách hiểu “những hành động của chính phủ nhằm thông tin và gây ảnh hưởng đối với công chúng nước ngoài”. Tác dụng của nó là cung cấp trung thực nội dung chính sách, khuyến khích sự thấu hiểu từ người tiếp nhận thông tin, từ đó phổ biến cho cộng đồng cùng hiểu.
NGCC đóng vai trò là “mặt trận thứ hai” trong đấu tranh trên biển Đông, bên cạnh ngoại giao kênh I. Đó là công cụ bổ trợ cho ngoại giao chính trị và ngoại giao pháp lý trong công cuộc đấu tranh bảo vệ biển đảo với Trung Quốc. Không chỉ đơn thuần là tạo hình ảnh cho quốc gia, NGCC còn góp phần giành được sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế, tăng cường tính chính đáng cho chủ quyền biển đảo của Việt Nam.
Chủ thể xúc tiến NGCC bao gồm không chỉ các nhà lãnh đạo, giới học giả mà còn là mỗi người dân.
Một là, nó đòi hỏi các kênh chính thức, với vai trò của các nhà lãnh đạo cấp cao, cần cởi mở trong việc nêu quan điểm, lập trường của đất nước trên các phương tiện truyền thông cả trong nước lẫn quốc tế. Chẳng hạn, trong cuộc đấu tranh phản đối việc Trung Quốc đưa giàn khoan vào EEZ và thềm lục địa của Việt Nam, các bài viết của Đại sứ Việt Nam trên các báo nước ngoài đều đã tạo sức vang lớn trong truyền thông và cộng đồng quốc tế. Tiêu biểu có bài viết của Đại sứ Việt Nam tại Bỉ, Phạm Sanh Châu đăng trên tờ The Europe phản bác lại lập luận của Đại sứ Trung Quốc. Hay bài viết Đại sứ VN tại Úc Lương Thanh Nghị đăng trên tờ The Australia, lên án hành động của phía Trung Quốc.
Hai là, mặt trận đấu tranh học thuật của các học giả. Học giả không đơn thuần chỉ là người mang những lý lẽ thuyết phục về lập trường của Việt Nam trình bày ở các hội thảo quốc tế, mà còn trở thành mạng lưới kết nối với nhiều học giả quốc tế khác, và qua đó có thể tranh thủ vận động quan điểm khách quan có lợi cho Việt Nam. Đó là các bước đi mang lại hiệu quả trong dài hạn và trung hạn.
Còn đối với những hành động hung hăng bất ngờ của Trung Quốc, các học giả cũng có thể tham gia vào công tác NGCC mang tính ngắn hạn và xử lý tình huống tức thời. Như trong khủng hoảng giàn khoan, cùng với đấu tranh trên thực địa, mặt trận đấu tranh giữa các học giả cũng rất nóng. Khi trên truyền thông xuất hiện những bài viết, lập luận thiếu khách quan, bất lợi cho VN, thì việc phản biện kịp thời, sắc bén của học giả VN sẽ rất hiệu quả, giúp công chúng nhận thức chính xác vấn đề.
Ba là, mỗi người dân đều có thể tham gia vào NGCC thông qua các công cụ hữu ích của Internet. Khả năng khuếch tán thông tin của Internet nói chung và mạng xã hội nói riêng là không thể phủ nhận và đó là cách tiếp cận hiện đại. Ngoài ra, một biện pháp truyền thống hơn là thực hiện ngoại giao nhân dân thông qua hoạt động trao đổi công dân, các học bổng hỗ trợ, văn hóa, du lịch…
NGCC là một mặt trận quan trọng trong đấu tranh biển Đông. Ảnh: Hoàng Sang
Video đang HOT
Về đối tượng của NGCC trong tranh chấp biển Đông, đối tượng chính chắc chắn là truyền thông quốc tế và cộng đồng quốc tế nói chung. Bên cạnh đó là cộng đồng người Việt Nam sinh sống, học tập, làm việc tại nước ngoài và kiều bào. Ở đây, NGCC sẽ kết hợp với các ban công tác người Việt Nam ở nước ngoài, truyền đạt những thông tin đầy đủ và chính xác đến các cộng đồng này. Và thông qua họ, truyền tải những thông điệp quan trọng của Việt Nam trong đấu tranh biển đảo đến người dân nước sở tại.
Một đối tượng quan trọng mà NGCC cần nhắm đến là người dân Trung Quốc. Không phải người dân Trung Quốc nào cũng có đồng quan điểm với nhà nước. Hoặc giả, nhiều người dân Trung Quốc cũng bị bưng bít thông tin và nhiệm vụ của NGCC Việt Nam là phải thực hiện “cuộc tấn công hấp dẫn” nhắm đến đối tượng này.
Một khả năng ba thời điểm
Điểm đặc biệt nhất của NGCC là vừa có tác động nhất thời, vừa có tác động trong tương lai gần, lại vừa tạo được ảnh hưởng về lâu về dài. Do đó, áp dụng NGCC thành nhóm các biện pháp ngắn hạn, trung hạn và dài hạn là một tham khảo rất đáng lưu tâm.
Một là, về các biện pháp ngắn hạn, cách ứng phó của NGCC đòi hỏi sự nhạy bén và linh hoạt. Vì thế, đối với một Trung Quốc khó đoán và lời nói thường không đi đôi với việc làm, cần xây dựng khung các bước đi cụ thể để triển khai NGCC trong ngắn hạn. Ví dụ, khi có sự cố giữa Việt Nam và Trung Quốc, Bộ Ngoại giao tổ chức ngay họp báo quốc tế nêu rõ quan điểm và nếu cần trình chiếu những video clip như trong vụ giàn khoan vừa qua.
Hai là, nhóm các biện pháp trung hạn cũng góp phần giải quyết xung động như trong ngắn hạn, nhưng mang tính chất chủ động hơn là phản ứng lại một động thái nào đó. Các biện pháp trung hạn bao gồm việc chú trọng truyền bá quan điểm của VN cho công chúng các nước khác, bao gồm cả các nước lớn có lợi ích tự do hàng hải và thông thương ở Biển Đông.
Trong nhóm biện pháp này, có thể kể đến việc thường xuyên tổ chức các cuộc hội thảo quốc tế về Biển Đông, các cuộc triển lãm quốc tế về chứng cứ lịch sử và pháp lý về chủ quyền Hoàng Sa và Trường Sa ngay tại VN và tại các sứ quán Việt Nam ở nước ngoài, nhằm để thúc đẩy sự hiểu biết của cộng đồng quốc tế.
Ba là, trên căn bản, nhóm các biện pháp dài hạn không nhất thiết phải liên quan trực tiếp đến tranh chấp biển đảo mà hướng đến xây dựng mối quan hệ lâu dài với công chúng một quốc gia hoặc công chúng quốc tế. Chẳng hạn, VN có thể xúc tiến các biện pháp NGCC trong dài hạn kết hợp với các hoạt động ngoại giao văn hóa, cụ thể đó sẽ là các hoạt động trao đổi văn hóa và giáo dục, trao đổi công dân và các hoạt động khác nhằm truyền bá tên tuổi quốc gia.
Sự nhạy bén của NGCC góp phần giúp truyền thông quốc tế hiểu đúng về bản chất sự việc. Về lâu dài, NGCC góp phần giải quyết những khúc mắc trong đàm phán ở kênh chính thức và có thể tạo thế đứng có lợi hơn cho đất nước.
Theo Minh Trường – An Nhiên
Vietnamnet
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: 'Vừa hợp tác, vừa đấu tranh' với Trung Quốc
"Vừa hợp tác, vừa đấu tranh", Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định quan điểm của Chính phủ trước Quốc hội (QH) về mối quan hệ giữa Việt Nam với Trung Quốc sau sự việc Trung Quốc kéo và rút giàn khoan Hải Dương-981 trên vùng biển Việt Nam.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trả lời chất vấn - Ảnh: Ngọc Thắng
Trong phần chất vấn Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chiều nay 19.11, nhiều đại biểu (ĐB) QH đã đặt vấn đề liên quan đến kinh tế, chủ quyền biển đảo.
ĐB Thích Thanh Quyết (Quảng Ninh) hỏi Thủ tướng quan điểm của Nhà nước ta về chủ quyền trên biển Đông và quan hệ với Trung Quốc sau sự việc Trung Quốc kéo và rút giàn khoan Hải Dương-981 trên vùng biển Việt Nam?
Thủ tướng khẳng định đối với Trung Quốc hay tất cả các nước trên thế giới, về đối ngoại, nước ta đều phải thực hiện kiên trì đường lối độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác phát triển, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ. Chủ động, tích cực hợp tác quốc tế trên cơ sở là tôn trọng độc lập chủ quyền, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau; bình đẳng cùng có lợi vì lợi ích quốc gia, dân tộc; tuân thủ Hiến chương Liên Hiệp Quốc, thực hiện đúng các cam kết, công ước quốc tế.
"Đối với ta thì Trung Quốc là láng giềng. Chúng ta hết sức và mãi mãi mong muốn Việt Nam và Trung Quốc chân thành hợp tác để gìn giữ hòa bình ổn định, cùng phát triển, để thực hiện một cách thực chất, thật sự 16 chữ vàng, 4 tốt; để đem lại lợi ích cho cả hai nước cùng phát triển. Chúng ta mong muốn hai nước chân thành và hợp tác để giải quyết những bất đồng của hai nước về biên giới lãnh thổ trên biển đảo theo luật pháp quốc tế. Chúng ta mong muốn như thế, làm hết sức mình như thế và mong muốn cùng với Trung Quốc thực hiện như thế", Thủ tướng phát biểu.
"Vừa hợp tác, vừa đấu tranh", Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tóm gọn quan điểm của Chính phủ về quan hệ giữa Việt Nam với Trung Quốc sau sự việc Trung Quốc kéo và rút giàn khoan Hải Dương-981 trên vùng biển Việt Nam.
Theo Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, không chỉ với Trung Quốc mà với bất cứ nước nào trên thế giới, chúng ta cũng phải "vừa hợp tác, vừa đấu tranh" để có hòa bình ổn định, để có hữu nghị, tin cậy lẫn nhau, hợp tác cùng phát triển, đồng thời bảo vệ độc lập chủ quyền đất nước.
ĐB Lê Nam (Thanh Hóa) đặt câu hỏi: "Ngay khi giàn khoan Hải Dương-981 chưa rút, Trung Quốc đã xây dựng trên các đảo Gạc Ma và một số đảo thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Xin hỏi Thủ tướng kế sách của Chính phủ để bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc?".
Trả lời câu hỏi này, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định tất cả mọi người ở đây đều biết đảo Gạc Ma và một số đảo gần Trường Sa bị Trung Quốc cưỡng chiếm 1988. Lúc đó vì tình hình Việt Nam và các nước ASEAN đã ký với Trung Quốc về Tuyên bố ứng xử của các bên liên quan về biển Đông (DOC). Ở tuyên bố này, các bên cam kết giữ nguyên hiện trạng không làm phức tạp thêm tình hình biển Đông, mọi tranh chấp giải quyết hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế, không dùng hay đe dọa vũ lực.
Thủ tướng xác định, còn việc Trung Quốc bồi lấp biển thì như thông tin báo chí đã nêu, Trung Quốc bồi lấp lớn nhất là ở đảo Chữ Thập (thuộc quần đảo Trường Sa), khoảng 49 hecta, lớn hơn đảo Ba Bình.
"Thưa các vị ĐB, lập trường chúng ta phản đối điều này. Việc làm Trung Quốc vi phạm điều 5 của DOC. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam đã nhiều lần nêu rõ lập trường phản đối này. Tại nhiều hội nghị cấp cao ASEAN, Đông Á và quốc tế, tôi đã phát biểu lập trường này của Việt Nam. Chúng ta bày tỏ công khai, rõ ràng lập trường này của chúng ta", Thủ tướng nhấn mạnh.
Đề xuất thành lập Bộ Kinh tế biển
ĐB Đỗ Văn Đương chất vấn về đầu tư để phát triển kinh tế và giữ biển đảo - Ảnh: Ngọc Thắng
ĐB Đỗ Văn Đương (TP.HCM) có ý kiến: Nước ta có "biển vàng" giàu tài nguyên. Hơn 500 năm trước, Trạng Trình căn dặn phải ráng giữ. Vậy trong những năm gần đây chúng ta đã có những đầu tư gì để giữ biển đảo?
Theo ĐB Đương, cần bớt đầu tư công trong bờ để đầu tư kinh tế biển, cần thành lập Bộ Kinh tế biển để có bộ chuyên tâm tham mưu cho Chính phủ về biển đảo.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định: Biển quan trọng như thế nào thì tất cả chúng ta ở đây đều biết. Đảng ta đã có Nghị quyết chuyên về chiến lược biển đồng bộ. Chính phủ cũng đã có chương trình, kế hoạch, triển khai hành động.
Thủ tướng cho biết căn cứ vào khả năng ngân sách Quốc gia, Chính phủ đã đang và tiếp tục có đầu tư để vừa phát triển kinh tế biển vừa bảo vệ an ninh, chủ quyền Quốc gia trên biển.
Còn về vấn đề bớt đầu tư trên bộ mà chuyển qua đầu tư trên biển thì theo Thủ tướng khó mà có sự phân định rạch ròi vì nhiều khi đầu tư trên bộ mà cho biển.
"Chúng ta đầu tư với tinh thần chung là khai thác tốt nhất, hiệu quả cao nhất kinh tế biển, gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh, bảo vệ chủ quyền Quốc gia", Thủ tướng nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng ghi nhận ý kiến của ĐB về việc thành lập Bộ Biển sẽ nghiên cứu tiếp. Tuy nhiên, Thủ tướng đánh giá, bây giờ lập Bộ Biển để quản lý, làm tất cả các nhiệm vụ trên biển thì một bộ khó làm được. Vì trên biển liên quan đến rất nhiều lĩnh vực về: kinh tế, vận tải, du lịch, khai thác thủy hải sản, dầu khí, an ninh quốc phòng, bảo vệ chủ quyền Quốc gia... nên hiện nay quản lý của Chính phủ trên biển có sự phân công, phối hợp của nhiều bộ, theo từng lĩnh vực chuyên môn.
Nguyên Mi - Trung Hiếu
Theo Thanhnien
Người dân Hà Nội chấm điểm công chức qua mạng Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc vừa đưa ra kế hoạch ứng dụng công nghê thông tin đánh giá sự hài lòng của tổ chức, công dân về cung cấp dịch vụ hành chính công của các cơ quan nhà nước. Trong năm 2014, Hà Nội sẽ triển khai thí điểm hệ thống đánh giá sự hài...