Biển Đông, Ukraine phủ bóng thượng đỉnh G7
Hôm nay (7.6), lãnh đạo các nước G7 sẽ nhóm họp tại Đức nhằm thảo luận tình hình Biển Đông, cuộc khủng hoảng Ukraine và các vấn đề toàn cầu nổi cộm khác.
An ninh được siết chặt trong suốt thời gian diễn ra hội nghị G7 ở bang Bavaria – Ảnh: Reuters
Hội nghị quy tụ các lãnh đạo Đức, Anh, Pháp, Ý, Canada, Nhật và Mỹ sẽ diễn ra tại khách sạn Schloss Elmau, cách thành phố Munich thuộc miền nam nước Đức khoảng 100 km. Tại đây, G7 sẽ bày tỏ mối quan ngại đối với mọi hành động đơn phương nhằm thay đổi hiện trạng ở Biển Đông và Hoa Đông, trong bối cảnh căng thẳng giữa Trung Quốc và một số nước châu Á tiếp tục leo thang.
Theo tờ Yomiuri Shimbun của Nhật ngày 6.6, vào cuối hội nghị, nhóm G7 sẽ đưa ra một tuyên bố kêu gọi duy trì trật tự quốc tế dựa trên luật pháp quốc tế ở các vùng biển. Cách đây 1 năm, G7 từng bày tỏ quan ngại về những tranh chấp lãnh thổ tại Biển Đông và Hoa Đông, đồng thời cảnh báo chống lại mọi hình thức sử dụng vũ lực tại đây. Bắc Kinh gần đây liên tục bị chỉ trích vì hoạt động xây đắp phi pháp tại những bãi đá thuộc quần đảo Trường Sa của VN.
Một chủ đề chính khác dự kiến làm nóng hội nghị G7 là cuộc khủng hoảng Ukraine và quan hệ với Nga, nước đã bị loại khỏi nhóm hồi năm ngoái sau sự kiện vùng Crimea sáp nhập vào Nga. Những ngày gần đây, giao tranh đã bùng phát trở lại tại miền đông Ukraine. Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko tố cáo Moscow đã đưa 9.000 quân vào miền đông, song Nga đã bác bỏ cáo buộc. Trong cuộc trả lời phỏng vấn báo Ý Corriere della Sera ngày 6.6, Tổng thống Vladimir Putin tuyên bố Nga không phải là mối đe dọa đối với phương Tây và không có khả năng xảy ra cuộc đụng độ lớn giữa nước này và các nước thành viên NATO.
Video đang HOT
Hội nghị G7 lần này cũng là dịp để Tổng thống Mỹ Barack Obama kêu gọi các lãnh đạo EU tiếp tục duy trì những biện pháp trừng phạt cứng rắn nhằm vào Nga, nhất là khi chúng sắp hết hạn trong vài tuần tới. Các lãnh đạo EU cần gia hạn các lệnh trừng phạt đối với Nga cho đến cuối năm nay để tăng sức ép lên Moscow.
Theo Reuters, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter cũng khẳng định Washington cần thực hiện các biện pháp mới để đối phó cuộc khủng hoảng Ukraine vì các chính sách trừng phạt kinh tế của Mỹ cùng hàng loạt biện pháp khác của phương Tây có vẻ không hiệu quả.
Hội nghị G7 kéo dài từ ngày 7 – 8.6 còn xoay quanh các vấn đề lớn khác như thúc đẩy nền kinh tế toàn cầu, đẩy mạnh cam kết giảm thiểu khí thải nhà kính, giảm nghèo và tìm giải pháp cho cuộc khủng hoảng an ninh toàn cầu…
Danh Toại
Theo Thanhnien
Chuyên gia luật quốc tế bàn cách giải quyết tranh chấp Biển Đông
Các chuyên gia luật biển nhận định việc áp dụng các cơ chế vào tranh chấp ở Biển Đông đang bế tắc do căng thẳng gia tăng, và khẳng định rằng các đảo nhân tạo không thể được hưởng quy chế như đảo tự nhiên.
Đại sứ Franz Jessen, Trưởng Phái đoàn EU tại Việt Nam, phát biểu tại hội thảo. Ảnh: eeas.europa.eu.
Hội thảo quốc tế "Các vấn đề biển và Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS): Chia sẻ cách tiếp cận của châu Âu và châu Á về tranh chấp lãnh thổ" diễn ra tại thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh trong hai ngày 4 và 5/6. Sự kiện do Học viện Ngoại giao tổ chức với sự hỗ trợ của Phái đoàn Liên minh châu Âu (EU) tại Việt Nam.
Hơn 140 đại biểu tham gia, trong đó có gần 30 chuyên gia luật quốc tế trong và ngoài nước, học giả và chuyên gia phân tích chính sách từ châu Âu, Nhật Bản, Trung Quốc và một số nước Đông Nam Á. Họ thảo luận nhiều khía cạnh liên quan đến giải thích và áp dụng UNCLOS 1982.
Các đại biểu nhấn mạnh việc giải quyết tranh chấp thông qua những biện pháp hoà bình, gồm cả đàm phán trực tiếp và thông qua toà án hoặc trọng tài. Với tranh chấp biển, các bên có thể đàm phán trực tiếp để đạt thoả thuận phù hợp nhất, đưa ra phân xử ở tòa án hay trọng tài là biện pháp cuối cùng.
Tuy nhiên, triển vọng áp dụng các cơ chế giải quyết tranh chấp vào tranh chấp Biển Đông hiện nay đang bế tắc do nguy cơ leo thang tranh chấp và xung đột vũ trang từ hàng loạt vụ việc về nghề cá, thăm dò khai thác dầu khí, sử dụng và đe doạ sử dụng vũ lực và xâm phạm đến quyền tự do hàng hải và hàng không.
Các bên một mặt cần tích cực áp dụng cơ chế giải quyết tranh chấp quốc tế, trong đó có UNCLOS, mặt khác xây dựng những quy tắc để quản lý tranh chấp, kiểm soát xung đột, trong đó có việc sớm đạt được Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC).
Hội thảo diễn giải về quy chế pháp lý đối với vùng biển và thực thể trên biển (đảo, đá, bãi cạn, đảo nhân tạo...) từ góc độ luật học và thực tiễn quốc gia. Theo đó, một thực thể chỉ được công nhận là "đảo" và có khả năng tạo ra vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa khi là đảo hình thành tự nhiên, có thể duy trì sự cư trú của con người hoặc có đời sống kinh tế riêng.
Các đại biểu đều nhấn mạnh việc xây dựng, bồi đắp mở rộng các thực thể trên biển thành đảo nhân tạo không thể giúp chúng được hưởng vùng đặc quyền. Một quốc gia chỉ được xây dựng và mở rộng biến bãi ngầm hoặc bãi cạn nửa nổi nửa chìm thành đảo nhân tạo khi nó thuộc vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của nước đó hoặc nằm ngoài quyền tài phán của tất cả các nước.
Đại sứ Franz Jessen, Trưởng Phái đoàn EU tại Việt Nam, khẳng định EU sẵn sàng phối hợp với Việt Nam tạo diễn đàn chia sẻ kinh nghiệm.
Đại sứ, Tiến sĩ Đặng Đình Quý, Giám đốc Học viện Ngoại giao Việt Nam, nhận định đây là hội thảo quốc tế đầu tiên chia sẻ sâu về luật pháp quốc tế, giúp các bên liên quan hiểu hơn về vai trò của luật quốc tế trong quản lý và giải quyết tranh chấp biển. Ông hy vọng EU tiếp tục hỗ trợ để các nước trong khu vực có nhận thức chung trong việc giải thích và vận dụng luật pháp quốc tế nhằm quản lý các xung đột và xây dựng các mô hình hợp tác biển hiệu quả tại Biển Đông.
Như Tâm
Theo VNE
Tạp chí Forbes: Tiếng trống trận đang vang lên trên Biển Đông? Trong khi Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter ở Singapore ngày 30.5 tuyên bố tàu thuyền và máy bay Mỹ sẽ tiếp tục đi trong vùng biển quốc tế, tuần dương hạm mang tên lửa USS Shiloh của hải quân nước này đã có mặt tại cảng Subic, tây bắc Philippines. Tuần dương hạm mang tên lửa USS Shiloh tiến vào Subic...