Biển Đông: Trung Quốc có thể “mặc cả ngầm” với Philippines?
Theo nhận định của Trung tâm An ninh mới CNAS của Mỹ, các nhà lãnh đạo Trung Quốc có thể quyết định âm thầm thương thuyết với Philippines để nước này rút quyết định đưa vấn đề tranh chấp tại Biển Đông ra trước Tòa án Trọng tài Liên hợp quốc.
Tuy nhiên theo nhà phân tích Peter Dutton của trung tâm, để đổi lại có thể Bắc Kinh phải cho Manila tiếp cận với bãi cạn Scarborough, Philippines gọi là Panataq, cam kết không quấy nhiễu việc thăm dò đầu khí của Philippines và thương thuyết với thiện chí.
Hồi tháng 1, tờ The Inquirer dẫn lời Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario cũng đã tiết lộ nước này đang xem xét cẩn trọng việc Đại sứ Trung Quốc tại Manila Mã Khắc Khanh tuyên bố Bắc Kinh sẵn sàng hợp tác thăm dò dầu khí ở Biển Đông.
Video đang HOT
Vào giữa năm 2012, Philippines mất quyền tiếp cận các nguồn lợi chung quanh Panataq sau khi Trung Quốc đưa lực lượng hải quân hùng hậu và nhiều tàu đánh cá đến vùng này áp đảo đội thuyền đánh cá nhỏ bé của Philippines.
Bãi cạn chỉ cách tỉnh Zambales của Philippines 124 hải lý, nằm trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý và thềm lục địa của Philippines, nhưng Trung Quốc khẳng định chủ quyền của họ trong vùng này.
Nếu việc xét xử của tòa án trọng tài quốc tế vẫn tiếp tục, mặc dù Trung Quốc đã bác bỏ tiến trình này, nhưng chắc chắn vẫn gặp nhiều bất lợi vì việc Trung Quốc đòi hỏi chủ quyền gần như toàn bộ Biển Đông không được luật quốc tế hậu thuẩn.
Trong khi đó tại Manila, đại sứ Trung Quốc Mã Khắc Khanh kêu gọi kiên nhẫn trong việc giải quyết tranh chấp lãnh thổ giữa Trung Quốc và Philippinesvà yêu cầu có đối thoại nhiều hơn nữa về vấn đề này.
Bà nhấn mạnh là việc giải quyết hòa bình các tranh chấp là “cam kết mạnh mẽ” của các nhà lãnh đạo mới của Trung Quốc, Chủ tịch Tập Cận Bình và Thủ tướng Lý Quốc Cường.
Theo Dantri
Biển Đông: Trung Quốc đang xuống nước?
Giới lãnh đạo Trung Quốc có thể đã quyết định sẽ tiến hành đàm phán lặng lẽ với Philippines nhằm thuyết phục nước láng giềng nhỏ hơn của họ rút đơn kiện về tranh chấp Biển Đông lên tòa án quốc tế. Lý do Bắc Kinh làm thế là để tránh những nguy cơ gây ra từ vụ kiện này. Đây là nhận định vừa được Trung tâm An ninh Mỹ mới (CNAS) đưa ra.
Bãi cạn Scarborough - tâm điểm nằm trong cuộc tranh chấp lãnh thổ trên Biển Đông trong thời gian vừa qua giữa Trung Quốc và Philippines.
Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu trên đòi hỏi Bắc Kinh phải "đổi" cho Manila một vài thứ có ý nghĩa như việc mở lại con đường ra vào bãi cạn Scarborough cho Philippines, đảm bảo rằng các dự án dầu mỏ - khí đốt của Philippines ở Biển Đông có thể được tiến hành mà không bị quấy rối đồng thời đưa ra cam kết rằng những cuộc đàm phán về tranh chấp Biển Đông sẽ tiếp tục diễn ra trên tinh thần thiện chí, nhà phân tích Peter Dutton của CNAS cho biết.
Những cuộc đàm phán như vậy chỉ có thể thành công nếu Philippines hành động như một đối tác đàm phán thận trọng và hợp lý. Nếu Bắc Kinh lựa chọn phương pháp tiếp cận nói trên và nếu Manila chấp nhận tham gia vào một tiến trình ngoại giao lặng lẽ thì sẽ có hy vọng về một kết quả sắp xếp mà hai nước chấp nhận được. Đây là một trong 4 lựa chọn mà Bắc Kinh đang xem xét kể từ sau khi bác bỏ đề nghị của Manila về việc đưa tranh chấp Biển Đông giữa hai nước lên giải quyết tại tòa án quốc tế.
3 lựa chọn khác mà Bắc Kinh tính đến bao gồm, đảo ngược tiến trình và tự mình đưa vụ kiện lên toàn (điều này dường như là không thể) tiếp tục không tham gia vào vụ kiện mà Philippines khởi động nhưng hy vọng kết quả sẽ có lợi nhất cho họ (nếu Trung Quốc thua kiện, nước này sẽ tuyên bố phán quyết của tòa là vô giá trị và sẽ phớt lờ kết quả) cô lập và dọa dẫm Philippines để nước này buộc phải từ bỏ vụ kiện - lựa chọn này có thể gây phản tác dụng vì nó khiến Trung Quốc bị cộng đồng quốc tế phản đối nhiều hơn.
Philippines hiện tại đã mất quyền kiểm soát bãi cạn Scarborough và mất quyền tiếp cận các nguồn lực ở đây từ giữa năm 2012 sau khi Trung Quốc dùng sức mạnh hàng hải vượt trội của mình để đưa một hạm đội tàu thực thi pháp luật và số lượng lớn tàu cá đến lấn át tàu thuyền Philippines trong khu vực tranh chấp.
Trung Quốc và Philippines đang tranh chấp chủ quyền đối với bãi cạn Scarborough (còn được Manila gọi là bãi cạn Panatag hay đảo Hoàng Nham theo cách gọi của Bắc Kinh). Bãi cạn này nằm cách đảo Luzon của Philippines chỉ khoảng 230km. Trong khi đó, khu vực đất liền gần nhất của Trung Quốc là tỉnh Hải Nam cũng cách bãi cạn Scarborough đến 1.200km.
Tình hình tranh chấp Biển Đông và biển Hoa Đông ngày càng xấu đi
Trong một bài báo đề cập đến tình hình tranh chấp ở Châu Á được đưa ra ngày 28/3, ông Patrick Cronin, Giám đốc cấp cao của Chương trình An ninh Châu Á-Thái Bình Dương CNAS, cho rằng, tình hình an ninh ở Biển Đông và biển Hoa Đông đang ngày một xấu đi trong 16 tháng qua trong bối cảnh Mỹ thực hiện chiến lược hướng trọng tâm trở lại Châu Á-Thái Bình Dương.
Sự hung hăng của Trung Quốc ngày càng tăng lên, căng thẳng ở các khu vực biển đang lan ra và tạo sự nghi ngờ lẫn nhau giữa các nước.
Mặc dù các cuộc tranh chấp có thể kiểm soát được và không thể gây ra một cuộc chiến tranh trừ khi có sự tính toán sai lầm hoặc một tình huống bất ngờ xảy ra nhưng những cuộc tranh chấp này vẫn đang đi theo xu hướng không thuận lợi.
Cuộc tranh chấp ở Biển Đông đã gây chia rẽ trong ASEAN, giữa những nước có tranh chấp và không có tranh chấp. Những nước thành viên ASEAN không có tranh chấp có mức độ phản đối Trung Quốc khác nhau dựa trên mối quan hệ của họ với Trung Quốc và Mỹ, nhà phân tích Cronin cho biết.
Chính sách của Washington đối với khu vực hiện nay tập trung vào việc thiết lập một hệ thống quốc tế dựa trên luật pháp nhưng nước này lại không có cơ sở về mặt đạo đức để làm thế khi Thượng viện Mỹ vẫn chưa phê chuẩn được Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS).
Mỹ cần phải tham gia toàn diện vào việc hình thành các thể chế hiệu quả để giải quyết các vấn đề toàn cầu. Vấn đề ở Biển Đông và biển Hoa Đông không chỉ đơn giản là vấn đề địa phương để cho cường quốc địa phương lớn nhất giải quyết.
Quan trọng hơn, Mỹ không thể đứng ở vị trí thuyết phục nếu chỉ trích các nước khác không giải quyết tranh chấp bằng cơ chế của UNCLOS khi mà chính nước này lại không phê chuẩn công ước đó.
Hiện tại, ở thủ đô Manila, Đại sứ Trung Quốc Ma Keqing đang kêu gọi "sự kiên nhẫn" trong việc giải quyết các cuộc tranh chấp lãnh thổ giữa Trung Quốc và Philippines.
"Chúng ta tôn trọng lẫn nhau và cũng nên có lòng kiên nhẫn cũng như sự thiện chí khi chúng ta tiến hành các cuộc đàm phán thân thiện với nhau", nữ Đại sứ Ma đã phát biểu như vậy tại một diễn đàn hồi tuần trước. Bà này còn nói thêm rằng, các nước khác như Mỹ, Canada và Thái Lan cũng từng mất nhiều năm mới có thể giải quyết được các tranh chấp lãnh thổ với các nước láng giềng.
"Tôi nghĩ, chúng ta phải kiên nhẫn khi đàm phán về các vấn đề chủ quyền và lãnh thổ bởi đó là những vấn đề rất nhạy cảm. Tuy nhiên, tôi lạc quan tin tưởng rằng, với tình hữu nghị sâu sắc giữa nhân dân hai nước cũng như sự phát triển trong mối quan hệ song phương, chúng ta có thể giải quyết vấn đề một cách hợp lý", Đại sứ Trung Quốc phát biểu.
Theo vietbao
Tân lãnh đạo Trung Quốc sẽ càng cứng rắn trong vấn đề chủ quyền? Những tuyên bố của tân Chủ tịch và Thủ tướng Trung Quốc không khỏi khiến giới quan sát đặt câu hỏi: phải chăng, giới lãnh đạo mới của Bắc Kinh sẽ đẩy mạnh việc theo đuổi chính sách ngoại giao cứng rắn, đặc biệt trong tranh chấp chủ quyền biển? Tân Chủ tịch CHND Trung Hoa Tập Cận Bình Mặc dù tân Chủ...