Biển Đông sắp đón bão số 4 với đường đi phức tạp hơn siêu bão Yagi
Áp thấp nhiệt đới hình thành cùng vị trí với bão Yagi, khả năng vào Biển Đông mạnh lên thành bão số 4; dự báo, đường đi sẽ rất phức tạp so với cơn bão Yagi.
Theo Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, hiện là thời kỳ sôi động và khốc liệt nhất mùa bão ở Tây Bắc Thái Bình Dương. Sáng nay (16/9), cơn bão có tên quốc tế Bebinca đã đổ bộ vào Thượng Hải ( Trung Quốc) với cường độ cấp 14, mạnh nhất ghi nhận trong 72 năm qua ở đây.
Cũng trong hôm nay, cơn bão mới có tên quốc tế là Pulasan đang hoạt động ở Tây Bắc Thái Bình Dương được dự báo trong những ngày tới sẽ đi theo con đường mà bão Bebinca đã đi.
Không dừng ở đó, cùng thời điểm sáng nay thêm một cơn áp thấp nhiệt đới hình thành ngay trên vùng biển phía Đông của Philippines, dự báo sẽ đi vào Biển Đông và trở thành cơn bão mới của năm.
Cơn bão này sẽ phát triển như thế nào? Có khả năng tác động ra sao đến nước ta? Có mạnh bằng cơn bão Yagi vừa qua hay không?…
Ông Nguyễn Văn Hưởng, Trưởng phòng Dự báo thời tiết, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia vừa có phân tích và nhận định ban đầu về cơn áp thấp nhiệt đới, sau khả năng mạnh lên thành bão số 4.
Theo đó, hồi 13h chiều nay, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới trên vùng biển phía Đông của quần đảo Lu Dông (Philippines) với cường độ mạnh cấp 6. Trong 24 giờ tới, áp thấp nhiệt đới di chuyển chủ yếu theo hướng Tây với tốc độ khoảng 15-20km/h.
Ông Nguyễn Văn Hưởng nhận định, đường đi của áp thấp nhiệt đới sau là cơn bão số 4 sẽ rất phức tạp so với bão số 3 Yagi
Ông Hưởng cho biết, vị trí áp thấp nhiệt đới này hình thành tương đối giống với vị trí hình thành của cơn bão số 3 Yagi, tức là cùng ở phía Đông của đảo Lu Dông.
Tuy nhiên, ông Hưởng nhận định, điều kiện môi trường hiện nay không thuận lợi như bão số 3, mà áp thấp nhiệt đới này phải chia sẻ năng lượng, lượng ẩm với cơn bão Pulasan đang hoạt động ở phía Tây Bắc Thái Bình Dương. Vì thế, khi vào Biển Đông, áp thấp nhiệt đới không mạnh ngay, mà phải mất 1-2 ngày hoàn thành cấu trúc để phát triển thành bão.
Ngoài sự tương tác với cơn bão Pulasan, khi vào Biển Đông, áp thấp nhiệt đới này còn chịu tác động của dòng dẫn đường quy mô lớn từ áp cao cận nhiệt đới có biến động nhiều.
Đồng thời, thêm một hình thế thời tiết không thuận lợi nữa, là khối không khí lạnh có thể ảnh hưởng đến nước ta vào giai đoạn sau ngày 19/9.
“Với tất cả những điều kiện khí quyển hiện tại và tương lai cho thấy, đường đi của áp thấp nhiệt đới sau là cơn bão số 4 sẽ rất phức tạp so với cơn bão Yagi”, ông Hưởng lưu ý.
Ông Hưởng thông tin thêm, nhận định ban đầu, khoảng sáng 17/9 khi đi vào Biển Đông áp thấp nhiệt đới sẽ có xu hướng mạnh dần; nhưng đến khoảng 18/9, mới có khả năng mạnh lên thành bão. Sau đó, khi di chuyển đến Giữa Biển Đông ở khu vực quần đảo Hoàng Sa, đường đi của bão khả năng có 2 kịch bản.
Thứ nhất là, áp thấp nhiệt đới khi mạnh lên thành bão sẽ di chuyển thẳng vào Trung Trung Bộ; thứ hai là khả năng đổi hướng di chuyển Tây Tây Bắc và ảnh hưởng đến Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ.
“Tất cả những mô hình dự báo của Việt Nam và quốc tế đều nhận định, cường độ của áp thấp nhiệt đới sau khi mạnh lên thành bão không thể mạnh như bão số 3″, ông Hưởng nói.
Trước mắt, với diễn biến của áp thấp nhiệt đới và sau khả năng cao thành bão số 4, ông Hưởng đưa ra một số lưu ý. Đầu tiên là gió mạnh, sóng lớn trên biển.
Riêng tác động trên đất liền cần theo dõi tiếp, vì khả năng khi vào Biển Đông, bão sẽ có nhiều thay đổi. Đặc biệt, khi di chuyển đến khu vực Giữa Biển Đông, nếu theo kịch bản số 2, bão sẽ ảnh hưởng đất liền vào cuối tuần này; còn theo kịch bản số 1, tức là di chuyển vào khu vực Trung Trung Bộ, tác động có thể sớm hơn so với kịch bản số 1 từ 1-2 ngày.
Cảnh báo đêm 17 và ngày 18/9: Khu vực Bắc Biển Đông (bao gồm vùng biển quần đảo Hoàng Sa) và vùng biển phía Bắc khu vực Giữa Biển Đông có gió mạnh cấp 6-7, vùng gần tâm bão đi qua mạnh cấp 8, giật cấp 10; biển động mạnh; sóng biển cao 3-5m. Vùng biển từ Ninh Thuận đến Cà Mau, vùng biển phía Nam của khu vực Giữa Biển Đông và khu vực Nam Biển Đông (bao gồm vùng biển quần đảo Trường Sa) có gió Tây Nam mạnh cấp 6, có lúc cấp 7, giật cấp 8-9; biển động mạnh; sóng biển cao 3-5m. Vùng biển từ Cà Mau đến Kiên Giang và Vịnh Thái Lan có gió tây nam cấp 5, có lúc cấp 6, giật cấp 7-8; biển động; sóng biển cao từ 2-3m. |
Siêu bão Yagi tàn phá miền Bắc như thế nào?
Bão Yagi, cơn bão mạnh nhất 30 năm qua, cùng nhiều điểm bất thường đã gây ra mưa lũ tàn phá miền Bắc, khiến hàng trăm người chết, mất tích, bị thương, thiệt hại tài sản ước tính 40.000 tỉ đồng.
Ngày 3.9, bão Yagi, cơn bão số 3, đi vào Biển Đông, nhưng chỉ trong 48 giờ sau đó, bão tăng từ cấp 8 lên cấp 16 - cấp siêu bão. Khi đi vào Vịnh Bắc bộ, bão giảm xuống cấp 14, giật cấp 17.
Chiều ngày 7.9, bão số 3 đổ bộ vào khu vực Quảng Ninh và Hải Phòng với cường độ cấp 10 - 12, vùng gần tâm bão cấp 13 - 14, giật cấp 16 - 17. Đến khoảng 4 giờ sáng ngày 8.9, bão số 3 đã suy yếu thành áp thấp nhiệt đới trên khu vực phía tây Bắc bộ.
Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cho biết, bão Yagi có 4 đặc điểm bất thường: là cơn bão mạnh nhất trong 30 năm trên khu vực Biển Đông; cường độ tăng rất nhanh; duy trì cấp siêu bão trong thời gian dài; mức độ giảm cấp trên đường đi không theo quy luật thông thường; thời gian hoạt động trên đất liền kéo dài (12 giờ).
Những đặc điểm bất thường của bão Yagi đã dẫn tới sự bất thường của cơn mưa lớn diện rộng do hoàn lưu bão gây ra.
Ngập lụt nghiêm trọng 20/25 tỉnh, thành miền Bắc
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia, bão Yagi đã gây ra trận mưa lớn nhất trong vòng nhiều chục năm qua tại miền Bắc, gây ngập lụt cho 20/25 tỉnh, thành.
Cơn mưa lớn do hoàn lưu bão Yagi cũng dị thường. Theo các chuyên gia, trong khi hầu hết các cơn bão có quỹ đạo tương tự trước đây thường gây mưa lớn ở phía tây dãy núi Hoàng Liên Sơn, mưa lớn nhất do hoàn lưu bão Yagi chủ yếu ở phía đông dãy núi Hoàng Liên Sơn, dù không nằm trên đường đi của bão, không chịu tác động trực tiếp của gió bão.
Mưa rất lớn trên diện rộng gồm nhiều tỉnh thuộc lưu vực sông Thao, sông Chảy, sông Lô, sông Gâm với cường suất cao, trên 200 mm/ngày và kéo dài nhiều ngày sau khi bão tan. Trong đó có những khu vực mưa trên 200 mm chỉ trong 2 giờ, như tại TP.Yên Bái đêm 9.9.
Mưa lớn trên diện rộng với cường suất cao bất thường là nguyên nhân chính gây ra lũ và ngập lụt ở hầu hết các tỉnh miền Bắc sau khi bão Yagi đi qua.
Từ ngày 8.9 mực nước trên nhiều sông, suối ở Bắc bộ lên nhanh. Trong đó, mực nước trên sông Thao, sông Lô, sông Thương, sông Gâm, sông Thái Bình, vùng hạ lưu sông Hồng, sông Lục Nam, sông Hoàng Long... đều vượt báo động 3, một số sông vượt báo động 3 từ 3 - 4 m.
Lũ trên sông Thao tại Lào Cai, Yên Bái đã vượt đỉnh lũ lịch sử tồn tại 53 năm. Riêng đỉnh lũ tại Yên Bái lên mức 35,73 m vào 16 giờ ngày 10.9, trên mức báo động 3 3,73 m và vượt mức lũ lịch sử năm 1968 là 1,31 m.
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia, hồ thủy điện Thác Bà được khảo sát, thiết kế từ năm 1959 - 1961, số liệu thủy văn đo đạc lưu lượng thời đó còn có hạn chế nên thiết kế đập tràn có khả năng xả lớn nhất chỉ 3.230 m 3/s.
Trong khi, thực tế lưu lượng lớn nhất về hồ Thác Bà là 5.620 m 3/s vào lúc 9 giờ ngày 10.9, vượt đỉnh lũ thiết kế 0,01% (5.100 m 3/s) và vượt xa khả năng xả lớn nhất đến 74%.
Theo quy trình vận hành, khi mực nước hồ Thác Bà lên mức 59,60 m sẽ chuyển sang chế độ vận hành đặc biệt để đảm bảo an toàn đập. Thực tế từ 17 giờ ngày 10.9, mực nước hồ Thác Bà đã đạt mức 59,62 m và chuyển sang chế độ vận hành đặc biệt, sau đó đạt mức cao nhất là 59,84 m vào hồi 5 giờ ngày 11.9.
Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia cho hay, theo lý thuyết mực nước kiểm tra của hồ Thác Bà là 61,0 m và nếu mực nước thực tế đạt đến ngưỡng này sẽ phải thực hiện các phương án để đảm bảo an toàn đập.
Tại Hà Nội, mực nước sông Hồng cũng ghi nhận mức cao nhất trong 20 năm. Các sông thuộc lưu vực sông Hồng, Thái Bình - hệ thống sông lớn nhất miền Bắc, cũng xảy ra lũ, gây ngập lụt trên quy mô rộng lớn với nhiều mức vượt ngưỡng.
Khoảng 10 giờ ngày 9.9, do nước sông Thao (sông Hồng) dâng cao sau mưa lớn, cầu Phong Châu (kết nối 2 huyện Tam Nông và Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ) bị sập, cuốn trôi trụ T7 và 2 nhịp dàn chính (nhịp 6 và nhịp 7 phía bờ hữu sông Thao, thuộc địa bàn H.Tam Nông).
Tại thời điểm xảy ra sự cố, có 10 phương tiện đang di chuyển trên cầu (trong đó có 1 xe ô tô tải, 2 xe ô tô đầu kéo, 6 xe mô tô, 1 xe máy điện). Sự cố sập cầu Phong Châu đã 8 người mất tích, 3 người bị thương. Tới nay, lực lượng chức năng mới tìm thấy 1 người, hiện vẫn còn 7 người mất tích.
Sạt lở đất, lũ ống, lũ quét tại nhiều địa phương
Mưa lớn cũng gây sạt lở đất, lũ ống, lũ quét xảy ra tại nhiều địa phương, như Cao Bằng, Hòa Bình, Lào Cai, Yên Bái, Quảng Ninh... gây thiệt hại rất nặng nề về người và tài sản.
Lào Cai xảy ra lũ quét, mảng sạt lở quy mô lớn, Yên Bái có quy mô mảng sạt lở nhỏ hơn nhưng xảy ra ở nhiều nơi (riêng tại TP.Yên Bái đã thống kê được trên 1.000 điểm sạt lở đất).
Đặc biệt là vụ sạt lở tại thôn Làng Nủ, xã Phúc Khánh, H.Bảo Yên, tỉnh Lào Cai đã gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng về người.
Rạng sáng 10.9, một trận lũ quét bất ngờ ập xuống thôn Làng Nủ, xóa sổ ngôi làng của 33 hộ dân với 168 người. Sau cơn lũ bất ngờ, hơn 100 người chết và mất tích.
Trong gần 1 tuần qua, hơn 650 người thuộc Quân khu 2, công an, bộ đội biên phòng, lực lượng tại chỗ của địa phương, chó nghiệp vụ cùng các phương tiện đã nỗ lực ngày đêm để tìm kiếm những người mất tích.
Tới nay, các cơ quan chức năng xác định, đã có 52 người chết, 16 người bị thương, hiện 14 người vẫn đang mất tích. Thủ tướng đã tới kiểm tra hiện trường cứu nạn tại Làng Nủ hôm 12.9. Làng Nủ mới cũng được quyết định xây dựng cách nơi cũ 3 km.
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia, nguyên nhân chính của sạt lở, lũ ống, lũ quét tại nhiều địa phương là do khu vực miền núi phía bắc trong 3 tháng qua đã có mưa rất nhiều, cao hơn 40 - 60% so với trung bình nhiều năm.
Ở Lào Cai trong tháng 8 có đến 23/31 ngày mưa và ở Yên Bái là 21/31 ngày cũng là điều hiếm gặp. Hầu hết các khu vực, đất đã ngậm no nước, ở trạng bão hòa nên khi có đợt mưa rất lớn, kéo dài nhiều ngày với cường suất cao như vừa qua thì hiện tượng sạt lở đã xảy ra tại nhiều nơi.
Cập nhật từ Làng Nủ: Thêm 18 người mất tích được xác minh còn sống
Gây thiệt hại 40.000 tỉ đồng, hàng trăm người chết, mất tích
Tính tới sáng 16.9, có 348 người chết, mất tích (281 người chết, 67 người mất tích); 1.921 người bị thương.
Khoảng 257.000 căn nhà, 1.300 trường học và nhiều công trình hạ tầng bị sập đổ, hư hại tập trung tại Quảng Ninh, Hải Phòng (nơi bão quét qua) và Lào Cai, Lạng Sơn, Bắc Ninh, Bắc Giang, Yên Bái...; 305 sự cố đê điều, chủ yếu là các tuyến đê lớn.
Cùng đó, 200.248 ha lúa, 50.612 ha hoa màu, 31.745 ha cây ăn quả bị thiệt hại; 3.269 lồng bè nuôi trồng thủy sản bị hư hỏng, cuốn trôi; 21.786 con gia súc, 2.621.106 con gia cầm bị chết.
Theo báo cáo của Bộ KH-ĐT tại phiên họp của Chính phủ chiều 15.9, ngoài thiệt hại về người, bão Yagi đã gây thiệt hại khoảng 40.000 tỉ đồng tài sản của người dân và Nhà nước.
Trong đó TP.Hải Phòng chịu thiệt hại 10.820 tỉ đồng, bằng 1/10 tổng thu ngân sách toàn thành phố năm 2023; tỉnh Quảng Ninh thiệt hại khoảng 23.770 tỉ đồng.
Bộ KH-ĐT cũng dự báo, hậu quả của cơn bão Yagi khiến GDP năm nay thấp hơn 0,15% so với kịch bản trước đó.
Hướng đi và thời điểm áp thấp nhiệt đới trở thành bão số 4 trên Biển Đông Sau khi trở thành bão số 4 trong năm 2024, cơn bão này sẽ di chuyển theo hướng tây tây bắc và hướng thẳng quần đảo Hoàng Sa. Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cho biết, một áp thấp nhiệt đới đang hoạt động trên vùng biển phía đông đảo Luzon (Philippines). Bản đồ dự báo đường đi của...