Biển Đông “nóng” ở Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN, Trung Quốc “vừa đấm vừa xoa”
Tại Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN ở Bangkok hôm 31/7, Trung Quốc đã lên tiếng phản đối sự can thiệp của nước ngoài vào các vấn đề tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông đồng thời có tuyên bố nhằm xoa dịu căng thẳng.
Hôm 31/7, phát biểu tại Bangkok, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị cảnh báo các quốc gia ngoài khu vực cần tránh những hành động làm gia tăng thêm căng thẳng liên quan tới tranh chấp chủ quyền ở khu vực.
Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị.
“Chúng tôi cho rằng các nước không phải trong khu vực không nên cố tình thổi phồng những khác biệt từ quá khứ”, Reuters dẫn lời ông Vương.
“Các nước bên ngoài cũng không được lợi dụng những khác biệt này để gieo rắc sự ngờ vực giữa Trung Quốc và các nước ASEAN”, ông Vương nói thêm.
Trong hôm nay (1/8), ông Vương có kế hoạch gặp mặt Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo.
Trong cuộc gặp với Bộ trưởng Ngoại giao Thái Lan hôm 31/7, ông Vương bày tỏ hy vọng Mỹ – Trung có thể nói chuyện thẳng thắn và mang tính xây dựng.
Cũng theo ông Vương, Trung Quốc đang thảo luận nhằm mở rộng và “tối ưu hóa” các cuộc tập trận chung với các nước ASEAN.
Video đang HOT
Tình hình Biển Đông trở thành nội dung chính trong Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) ở Bangkok hôm 31/7.
Thông cáo chung sau hội nghị cũng nhấn mạnh, “một số Bộ trưởng đã bày tỏ mối quan ngại về hoạt động cải tạo, hành động và những vụ tai nạn nghiêm trọng xảy ra ở Biển Đông”.
Cụm từ “những tai nạn nghiêm trọng” trong thông cáo năm nay được đánh giá là phản ứng mạnh mẽ hơn của ASEAN đối với Trung Quốc so với bản thông cáo hồi năm ngoái, đồng thời cho thấy tình hình căng thẳng ở Biển Đông đang ngày càng gia tăng.
Trong những năm gần đây, Trung Quốc không ngừng cải tạo, xây dựng các hòn đảo nhân tạo và tiến hành quân sự hóa trái phép trên các thực thể này để bảo vệ những tuyên bố chủ quyền phi lý ở Biển Đông.
Căng thẳng ở Biển Đông trong thời gian gần đây có dấu hiệu gia tăng sau vụ việc một tàu cá của Philippines bị Trung Quốc tấn công và đâm chìm cũng như vụ việc tàu khảo sát Hải Dương 8 của Trung Quốc vi phạm vùng biển của Việt Nam.
Tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN – Trung Quốc ngày 31/7, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh cũng đã bày tỏ quan ngại sâu sắc về những diễn biến trên thực địa ở Biển Đông, trong đó có hoạt động của tàu khảo sát HD-08 của Trung Quốc trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam.
Theo Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh, các hành động như vậy đe dọa nghiêm trọng đến quyền và lợi ích hợp pháp của các quốc gia ven biển, làm xói mòn lòng tin, gia tăng căng thẳng, không có lợi cho hòa bình và ổn định ở khu vực. Phó Thủ tướng khẳng định lại lập trường nguyên tắc của ASEAN về tầm quan trọng của tăng cường lòng tin, không quân sự hóa, kiềm chế, không có hoạt động làm gia tăng căng thẳng và phức tạp tình hình; tuân thủ nghiêm túc luật pháp quốc tế trong đó có Công ước Liên Hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982, sớm hoàn tất Bộ Quy tắc ứng xử trên biển Đông (COC) hiệu quả, thực chất, phù hợp với luật pháp quốc tế.
Trong một động thái nhằm xoa dịu căng thẳng ở Biển Đông, hôm 31/7, Bắc Kinh cho hay ASEAN và Trung Quốc đã hoàn tất quá trình đọc bản nháp đầu tiên đàm phán về văn bản của Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC).
“Đây là một thành tựu mới và quan trọng trong quá trình tham vấn COC và đánh dấu bước tiến quan trọng hướng tới mục tiêu hoàn thành quá trình tham vấn trong khoảng thời gian 3 năm”, Straits Times dẫn lời Bộ trưởng Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị.
Các Bộ trưởng Ngoại giao tham dự Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) diễn ra ở Thái Lan hôm 31/7.
Cũng theo ông Vương, dựa trên văn bản nháp, các quốc gia tham gia đàm phán COC hy vọng có thể xóa bỏ bớt những bất đồng quan điểm.
Trong buổi họp báo vào cuối ngày 31/7, Bộ trưởng Vương Nghị còn nhấn mạnh sự ủng hộ đối với quyết định của các nhà lãnh đạo ASEAN khi thông qua “Tầm nhìn ASEAN về khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương” hồi tháng Sáu với mục tiêu giúp cả khối đối phó tốt hơn với các thách thức trong tương lai.
Theo ông Vương, “nhiều điều khoản và ý tưởng nằm trong ‘Tầm nhìn ASEAN về khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương’ trùng khớp với quan điểm của Trung Quốc mà điển hình là cam kết về sự đoàn kết, mở cửa, minh bạch trong khối ASEAN”.
Ông Vương khẳng định, Bắc Kinh sẵn sàng hợp tác chặt chẽ với ASEAN để “định hướng và thúc đẩy mối quan hệ hợp tác tăng trưởng tích cực giữa hai bên”.
Thông cáo chung được công bố vào cuối phiên họp toàn thể của Hội nghị Bộ trưởng ASEAN hôm 31/7 cũng cho hay, các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN đã nhấn mạnh sự cần thiết của việc duy trì và thúc đẩy một môi trường thuận lợi cho các cuộc đàm phán COC. Theo đó, các Bộ trưởng hoan nghênh những biện pháp thiết thực có thể giúp giảm căng thẳng và rủi ro tai nạn, hiểu lầm và tính toán sai.
Các Bộ trưởng cũng khẳng định tầm quan trọng của việc duy trì luật pháp quốc tế bao gồm Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982. Bởi đây từng là một trong những văn bản được Tòa trọng tài quốc tế The Hauge, Hà Lan sử dụng hồi năm 2016 để đưa ra phán quyết phủ nhận tuyên bố chủ quyền phí lý “đường chín đoạn” của Trung Quốc ở Biển Đông.
Minh Thu (lược dịch)
Theo infonet
Nga, Thổ Nhĩ Kỳ bàn cách tăng cường phối hợp hành động ở Syria
Ngoại trưởng nước này Serge Lavrov đã gặp người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu để thảo luận về các biện pháp phối hợp hành động tốt hơn ở Syria.
Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ tại Syria. (Nguồn: Sputnik)
Bộ Ngoại giao Nga ngày 31/7 cho biết Ngoại trưởng nước này Sergei Lavrov đã gặp người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu để thảo luận về các biện pháp phối hợp hành động tốt hơn ở Syria. Cuộc họp này diễn ra bên lề các sự kiện cấp bộ trưởng Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) tại Bangkok.
Tuyên bố cho biết: "Các bên đã thảo luận chi tiết các biện pháp để tăng cường phối hợp hành động ở Syria, đặc biệt là các biện pháp liên quan đến cuộc chiến chống khủng bố, tiến trình giải quyết chính trị dựa trên Nghị quyết 2254 của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và các quyết định của Đại hội Đối thoại Dân tộc Syria." Hai bộ trưởng đã bày tỏ hy vọng rằng ủy ban hiến pháp Syria sẽ sớm bắt đầu hoạt động.
Ngoài ra, ông Lavrov và ông Cavusoglu đã khẳng định cam kết phát triển hơn nữa quan hệ Nga-Thổ Nhĩ Kỳ và thảo luận về triển vọng hợp tác song phương.
Tiến trình giải quyết cuộc xung đột Syria đã được thảo luận ở một số diễn đàn quốc tế, chẳng hạn như các diễn đàn ở Geneva và thủ đô Nur-Sultan của Kazakhstan, cũng như tại Đại hội Đối thoại Dân tộc Syria ở Sochi của Nga. Thỏa thuận thành lập ủy ban hiến pháp, sẽ được giao nhiệm vụ soạn thảo hiến pháp của đất nước, đã đạt được trong Đại hội Đối thoại Dân tộc Syria hồi tháng 1/2018. Hội đồng dự kiến sẽ bao gồm các đại diện của chính phủ và phe đối lập, các chuyên gia, thành viên xã hội dân sự Syria, các thủ lĩnh bộ lạc và phụ nữ./.
Theo (Vietnam )
ASEAN ra tuyên bố chung, bày tỏ quan ngại về Biển Đông Tuyên bố của Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN ngày 31/7 kêu gọi các bên tránh làm tăng căng thẳng ở Biển Đông bằng việc cải tạo đất hay các sự cố nghiêm trọng Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-O-Cha tại lễ khai mạc Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN ở Bangkok ngày 31/7. Ảnh: AFP. "Chúng tôi đã thảo luận về tình hình ở...