Biển Đông nóng, chuyện gì xảy ra sau phán quyết của Tòa PCA?
Xét về mọi mặt, Manila giành được chiến thắng lớn trong giai đoạn xét xử và được cho là sẽ chiến thắng một lần nữa trong giai đoạn đưa ra phán quyết của thách thức pháp lý nhằm mục tiêu giảm bớt thái độ quyết đoán và chủ nghĩa đơn phương của Bắc Kinh ở Biển Đông.
Một góc Đá Subi ở quần đảo Trường Sa bị Trung Quốc bồi lấp, xây đảo nhân tạo phi pháp
Phán quyết sau cùng được chờ đợi từ lâu của Tòa Trọng tài sẽ sớm được đưa ra. Nhưng điều gì sẽ xảy ra sau đó?
Trong phần đầu, tác giả đã xem xét những quan điểm pháp lý của Trung Quốc về vụ kiện lên Tòa Trọng tài do Philippines khởi xướng nhằm vào tuyên bố “đường 9 đoạn” mở rộng của Trung Quốc ở Biển Đông. Tóm lại, ý định của vặn kiện lập trường pháp lý của Bắc Kinh về vụ kiện của Philippnies tại Tòa Trọng tài thường trực (PCA) là nhằm đảm bảo rằng các thẩm phán của Tòa sẽ hỏi những câu hỏi “đúng đắn” (nghĩa là “có lợi”) trong những suy tính của họ. Mục tiêu của Bắc Kinh là gián tiếp thách thức giá trị của vụ kiện mà không chính thức làm vậy – điều sẽ ngụ ý công nhận quyền thực thi pháp lý của PCA.
Mặc dù văn kiện lập trường tháng 12/2014 là một lập luận pháp lý không chính thức để một nhà nước đưa ra tuyên bố chủ quyền đối với một bãi cạn nửa chìm nửa nổi, bất chấp việc thừa nhận rằng Tòa án Công lý Quốc tế đã ra phán quyết vào năm 2012 rằng một tuyên bố như vậy là không thể chấp nhận được theo Công ước Liên hợp quốc về Luật biển (UNCLOS), nhưng kỳ lạ là Bắc Kinh đã không đề cập đến vị thế pháp lý của bãi cạn Scarborough và Bãi Cỏ Mây (Second Thomas Shoals) bị tranh chấp, cũng như không bảo vệ tuyên bố “đường 9 đoạn” bị thách thức của nước này như là một tuyên bố chủ quyền biển tuân thủ UNCLOS.
Sự thiếu sót rõ ràng này có lẽ là ngầm thừa nhận sự mong manh của những lập trường pháp lý của nước này đối với hai điểm đó và một triển vọng bi quan về phán quyết về quyền hạn xét xử và phán quyết sau cùng của Tòa Trọng tài. Hơn nữa, văn kiện này đã lờ đi tố cáo của Manila rằng Bắc Kinh đã can thiệp bất hợp pháp vào việc Philippines được hưởng và thực thi các quyền chủ quyền của mình trong Vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa đã được tuyên bố chủ quyền của nước này.
Nói chung, thay vì trực tiếp giải quyết những thực tế gây ra sự bất bình, Trung Quốc đơn giản là khẳng định rằng họ được miễn phân xử đối với những chủ đề nào đó, bao gồm việc phân định ranh giới trên biển các vùng biển bị tranh chấp cũng như im lặng một cách đáng ngạc nhiên đối với việc họ diễn giải lại có giới hạn UNCLOS và những khuôn khổ pháp lý quốc tế khác mà cho phép một nhà nước thách thức quyền thực hiện các hoạt động hàng hải của những nước khác bên trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của họ.
Nói chung, văn kiện này củng cố quan điểm mở rộng chủ quyền lãnh thổ của Bắc Kinh, các tuyên bố chủ quyền biển chồng lấn với các nước láng giềng và các quyền lợi mập mờ để khai thác các nguồn tài nguyên thiên nhiên ở biển bên trong các vùng biển tranh chấp đó, kể cả EEZ đã được tuyên bố chủ quyền của nước này. Nhất quán với quan điểm này, Trung Quốc phản đối các chuyến bay tình báo, giám sát và do thám (ISR), các hoạt động khảo sát biển (SURVOPS) và các cuộc diễn tập quân sự trong EEZ của họ và các khu vực biển khác đã được tuyên bố chủ quyền. Bắc Kinh coi những hành động này là sự xâm phạm chủ quyền lãnh thổ không thể chấp nhận được, bất hợp pháp theo luật pháp quốc tế, và là mối đe dọa an ninh quốc gia.
Với bối cảnh như trên, tác giả giờ đây hướng sự chú ý tới điều mà người ta có thể sớm mong đợi từ phán quyết được chờ đợi từ lâu của PCA, và quan trọng hơn là, điều mà Mỹ có thể và cần phải làm sau phán quyết này.
Video đang HOT
Phản ứng của Trung Quốc
Những dự đoán luôn mang tính thách thức và đôi khi ngẫu nhiên, tuy nhiên, Giáo sư Luật James Kraska đáng kính thuộc trường Đại học Chiến tranh Hải quân Mỹ đã đăng 2 bài viết sâu sắc về điều được chờ đợi từ Tòa án. Trong bài báo của mình có tựa đề “Phân tích pháp lý về phán quyết của Tòa Trọng tài trong vụ kiện Philippines-Trung Quốc” và “Dự đoán phán quyết của Tòa Trọng tài về Biển Đông”, ông đã dự đoán rằng Tòa Trọng tài sẽ không quyết định nước nào cuối cùng có chủ quyền đối với bất kỳ cấu trúc địa lý nào bị tranh chấp, nhưng có khả năng sẽ công nhận rằng các cấu trúc được đề cập đến không hoặc có lẽ được quyền có vùng lãnh hải rất nhỏ và không có EEZ hay thềm lục địa – làm suy yếu đáng kể tuyên bố “đường 9 đoạn” của Bắc Kinh và rất có lợi cho Manila và các nước tuyên bố chủ quyền khác.
Nhân tố duy nhất không thể đoán được là đảo Ba Bình (thuộc chủ quyền của Việt Nam) hiện do Đài Loan chiếm đóng trái phép. Nếu Tòa Trọng tài nhận thấy rằng Ba Bình quả thực là một hòn đảo được quyền có EEZ, thì Bắc Kinh sẽ tiếp tục có lý do để tiếp tục yêu sách chủ quyền đối với một phần rộng lớn của Biển Đông – mặc dù thông qua Đài Bắc.
Điều được trông đợi rộng rãi là Tòa Trọng tài quốc tế phần lớn sẽ phán quyết có lợi cho Manila. Có khả năng nhất là Bắc Kinh đơn giản là sẽ phớt lờ phán quyết pháp lý này, như được nhắc lại trong Đối thoại Shangri-La năm nay, và có lẽ thậm chí còn đẩy nhanh quân sự hóa đang tiếp diễn ở Biển Đông nhằm tạo ra những “sự đã rồi” hơn nữa để cuối cùng thiết lập một vùng nhận dạng phòng không, một khi họ có đủ phương tiện để thực thi nó. Nếu vậy, sẽ có rất ít điều mà Tòa Trọng tài có thể làm nhằm thực thi phán quyết này.
Tuy nhiên, điều đó sẽ làm suy yếu uy tín của nhà nước từ chối tuân thủ khi nước này viện đến hoặc dựa vào luật pháp quốc tế trong tương lai. Bằng cách đó, việc một nhà nước không tuân thủ pháp luật đối với một tranh chấp được xét xử sẽ trở thành điểm có ảnh hưởng đòn bẩy trong hoạt động chính trị quốc tế, chứ không phải trong luật pháp quốc tế. Trong trường hợp của Trung Quốc, việc từ chối tuân thủ có thể có những tổn hại lớn về danh tiếng cho một cường quốc mới nổi tìm cách trở thành một cường quốc thế giới, đặc biệt là khi mối quan hệ hữu hảo với các nước láng giềng và uy tín quốc tế là cần thiết cho sự trỗi dậy tiếp tục của nước đó như là một nhà lãnh đạo toàn cầu.
Thay vào đó, Bắc Kinh có thể phớt lờ phán quyết của PCA và chờ một cơ hội tốt, ít nhất là cho đến sau Hội nghị thượng đỉnh G-20 dự định được tổ chức tại Hàng Châu, Trung Quốc vào tháng 9 tới. Các nhà lãnh đạo Trung Quốc có lẽ đã có tính toán hợp lý rằng họ vốn đã đạt được những lợi ích đáng kể và giờ đây chỉ cần phải sử dụng sự kiên nhẫn chiến lược để củng cố những lợi ích đó. Việc Trung Quốc cải tạo đất và quân sự hóa nhiều cấu trúc địa lý đã đem lại cho nước này khả năng và năng lực nhằm giám sát và kiểm soát phần lớn Biển Đông.
Do vậy, trong khi Trung Quốc giành được một vị thế có lợi thế và sức mạnh khu vực, họ phải thận trọng không mạo hiểm những lợi thế của mình bằng những hành động gây hấn không cần thiết. Nếu không, điều đó gây ra sự xói mòn những lập trường chiến lược và làm trì hoãn hơn nữa thời gian biểu chiến lược của họ. Tất cả những gì Bắc Kinh thực sự cần phải làm là duy trì thái độ quyết đoán kín đáo và vững chắc (bên dưới radar quốc tế) nhằm bảo vệ các lợi ích chiến lược của nước này mà không chìm đắm trong những hành động “quá đà” có thể khuyến khích sự kiềm chế hơn nữa từ Washington và các đồng minh và đối tác của nước này trong khu vực và/hoặc những hành động tập thể của các nước tuyên bố chủ quyền khác ở Biển Đông.
Đá Chữ Thập sau khi được cải tạo thành đảo nhân tạo có diện tích lớn nhất Trường Sa với một đường băng dài 3km
Cũng hãy xem xét sự hiện diện và các hoạt động ngày càng gia tăng của Hải quân Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLAN) trong EEZ của những nước khác, điều mâu thuẫn với lập trường pháp lý của Trung Quốc về các hoạt động quân sự của nước ngoài trong EEZ của chính nước này. Khi PLAN tiếp tục hoạt động ở các vùng biển xa và gần với đường bờ biển của các quốc gia khác, thì Bắc Kinh sẽ không có lựa chọn nào khác ngoài việc cuối cùng phải giải quyết tính không nhất quán giữa chính sách và các hoạt động.
Trung Quốc hoặc là phải điều chỉnh thực tế chính sách hiện có của mình, hoặc là tiếp tục khẳng định thẩm quyền không được ủng hộ nhằm điều chỉnh các hoạt động quân sự trong EEZ của họ. Vế đầu tiên có nhiều khả năng hơn, trong khi vế thứ hai có nhiều rủi ro hơn xét về mặt giá trị pháp lý của các tuyên bố chủ quyền biển, uy tín quốc tế và vị thế trên thế giới của chính nước này.
Trên thực tế, Bắc Kinh vốn đã bắt đầu tiết chế (hoặc phát triển dần) hơn nữa và khó nhận ra những lập trường pháp lý của họ. Giờ đây Trung Quốc tỏ ra không nhất thiết phải phản đối các chuyến bay tình báo, do thám và giám sát, hoạt động khảo sát biển, các cuộc diễn tập quân sự trong EEZ của họ; thay vào đó họ phản đối quy mô, phạm vi và tần suất của các hoạt động đã nói ở trên trong EEZ. Dường như họ cũng không còn coi các hoạt động như vậy về thực chất là bất hợp pháp theo luật pháp quốc tế, nhưng vẫn coi những hoạt động đó là gây đe dọa đến hòa bình và an ninh của họ cũng như gây bất ổn cho khu vực và tại sao những hoạt động đó cần phải chấm dứt.
Các cơ hội chiến lược của Mỹ
Đưa ra phản ứng hậu phán quyết. Trung Quốc dự đoán một phán quyết sau cùng không có lợi và đã có những bước đi nhằm duy trì các tuyên bố chủ quyền trên biển của mình, duy trì những lập trường chiến lược và giảm bớt tác động đến những lợi ích quốc gia. Các đề tài được thảo luận trong bài xã luận của Nhân dân nhật báo ngày 15/12/2015 cho thấy rằng tiến trình chính sách nhằm phản ứng trước phán quyết sau cùng vốn đang diễn ra tại Bắc Kinh, như được nhấn mạnh bởi sự gia tăng các tuyên bố chính thức và những bình luận trên phương tiện truyền thông đại chúng đáng tin cậy nhiều tuần trước khi có phán quyết của Tòa Trọng tài theo dự kiến. Nói chung, Bắc Kinh chỉ thành công bằng cách từ chối công nhận tính hợp pháp của phán quyết và cho Manila, khu vực này và Washington thấy rằng họ không thể thực thi nó.
Do đó, điều khôn ngoan là Mỹ cần phải có phản ứng sẵn sàng của riêng mình trước phán quyết này. Một số câu hỏi quan trọng cần cân nhắc: Kết quả mong đợi sau phán quyết là gì và làm thế nào để đạt được điều đó? Điều gì được đề cập đến nếu phán quyết có lợi cho Manila và Philippines công khai yêu cầu Mỹ giúp thực thi nó? Phải làm gì tiếp theo nếu Tòa Trọng tài phán quyết có lợi cho Manila (có khả năng nhất) hay có lợi cho Bắc Kinh (nguy hiểm nhất)? Tác động chính sách và chính trị tiềm năng là gì đối với Tổng thống Philippines mới được bầu Duterte, người chủ trương – bất chấp việc đang trong chiến dịch tranh cử – duy trì các cuộc đàm phán song phương với Trung Quốc nếu chiến lược hiện tại kiện tranh chấp giữa Manila với Bắc Kinh và tìm kiếm giải pháp đa phương không tạo ra kết quả rõ ràng trong vòng 2 năm tới?
Khuyến khích và ủng hộ nhiều thách thức pháp lý hơn. Một phán quyết sau cùng không có lợi cho Trung Quốc có thể gây ra nhiều thách thức pháp lý hơn nữa, có khả năng là có phối hợp, từ các bên tuyên bố chủ quyền đối thủ khác như Việt Nam, Malaysia và Brunei. Washington khi đó cần phải khích lệ và ủng hộ Hà Nội, Kuala Lumpur, Bandar Seri Begawan và các nước ASEAN khác càng nhiều càng tốt (thay cho ASEAN với tư cách là một tổ chức), trong việc gây thêm áp lực buộc Bắc Kinh phải kiềm chế thái độ quyết đoán của họ, ngừng các hoạt động cải tạo đất và quân sự hóa, và đi đến bàn đàm phán “đa phương” để có một giải pháp hòa bình và lâu dài cho các tuyên bố chủ quyền cạnh tranh một cách thiện chí.
Sáng kiến hòa bình Biển Đông do Đài Loan đề xuất (tương tự như Sáng kiến hòa bình biển Hoa Đông năm 2012), sáng kiến kêu gọi tất cả các bên gác lại các tranh chấp biển, tôn trọng UNCLOS, và thăm dò việc cùng nhau phát triển các nguồn tài nguyên, đem lại một điểm khởi đầu đầy hứa hẹn xét về mặt một thỏa thuận đa phương tiềm năng mà tất cả có thể nhất trí.
Thách thức sự diễn giải lại luật pháp quốc tế của Trung Quốc. Các lập trường pháp lý của Trung Quốc đã thay đổi trong những năm qua khi nước này phát triển một hải quân vùng biển khơi phù hợp với một cường quốc biển mới nổi và cường quốc thế giới đang trỗi dậy. Các lập trường của Trung Quốc đã trở nên dễ thay đổi hơn, nhiều sắc thái hơn, tinh vi hơn và trong một số trường hợp được tiết chế. Washington cần tiếp tục thách thức sự diễn giải lại luật pháp quốc tế của Bắc Kinh nằm ngoài các chuẩn mực được chấp nhận. Sự im lặng và không hành động gì ám chỉ việc thừa nhận và đồng thuận với Trung Quốc. Giờ đây tốt hơn hết là khuyên can và ngăn cản thái độ quyết đoán và chủ nghĩa đơn phương của Trung Quốc chứ không phải là chờ tới sau này, khi điều đó có thể trở thành sự đã rồi.
Hãy xem xét phán quyết sau cùng được chờ đợi của Tòa Trọng tài. Điều khá rõ ràng là tuyên bố chính thức mang tính “chặn trước” của Bắc Kinh về không tuân thủ vào ngày 30/10/2015 gần như không có cơ sở gì trong luật pháp quốc tế. Bất chấp mọi điều khoa trương của Trung Quốc về quyền của nước này theo UNCLOS và luật pháp quốc tế, Bắc Kinh đang coi nhẹ một số điều khoản trong đó và tìm cách phủ nhận một phán quyết mà là sản phẩm của tiến trình pháp lý quốc tế tương tự. Điều này là sai trái, và cần phải bị bác bỏ.
Nếu Bắc Kinh muốn trở thành một bên tham gia chính được tôn trọng trong đấu trường toàn cầu, thì nước này phải tuân thủ và duy trì pháp trị. Trung Quốc không thể hành động theo bộ quy tắc của riêng mình, hay tồi tệ hơn là khoe khoang chủ nghĩa ngoại lệ của mình trên chính trường thế giới để tất cả cùng thấy. Bắc Kinh cần cộng đồng quốc tế tin rằng các cam kết của họ theo luật pháp quốc tế là chân thành và đáng tin, đặc biệt là trong lĩnh vực thương mại trên biển, điều mà nền kinh tế đang tăng trưởng của nước này phụ thuộc vào. Vì lẽ đó, thế giới cần một Trung Quốc đang trỗi dậy là một nhà lãnh đạo toàn cầu có trách nhiệm biết tôn trọng pháp trị.
Mặc dù vậy, Trung Quốc tuy là một nước thành viên UNCLOS nhưng thường xuyên vi phạm các điều khoản của công ước này, trong khi đó Mỹ không phê chuẩn UNCLOS nhưng là nước ủng hộ trước hết công ước đó vì quyền tự do hàng hải, thương mại toàn cầu và pháp trị quốc tế. Do đó, Washington cần phê chuẩn UNCLOS nếu những thách thức của nó sẽ có sức nặng và được coi trọng. Nếu không, nguyên trạng đơn giản là sẽ tăng cường sự nghi ngờ của Bắc Kinh về sự chân thành của Washington với việc duy trì các chuẩn mực quốc tế.
Nêu bật tác động đến môi trường. Trong bối cảnh mối quan ngại trong nước ngày càng tăng về ô nhiễm không khí tồi tệ hơn và một sự thay đổi chính sách quốc tế rõ ràng tại Hội nghị Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu năm 2015 tại Paris (với sự đối lập rất rõ ràng với Hội nghị Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu năm 2009 tại Copenhagen), Bắc Kinh dường như ngày càng nhạy cảm với vấn đề môi trường. Tin tức đưa về sự phá hủy rặng san hô ở Biển Đông do các hoạt động cải tạo đất của Trung Quốc gây ra có vẻ đã gây ra sự tức giận với Bắc Kinh. Bộ Ngoại giao Trung Quốc phải bỏ nhiều công sức và sự thận trọng để phản hồi một cách nhanh chóng và chính thức trước những tin tức đó.
Do vậy, lường trước về một ý kiến pháp lý có khả năng của Tòa Trọng tài rằng Trung Quốc cần phải tham vấn trước với những nước bị ảnh hưởng gần đó và thực hiện một nghiên cứu về tác động của môi trường trước khi bắt tay vào các hoạt động cải tạo đất mở rộng của mình, giờ đây Washington cần đặt nền móng để đưa ra một đánh giá sau phán quyết, độc lập về môi trường và được khu vực đi đầu và bảo trợ nêu chi tiết và đưa ra dẫn chứng cho tác động sinh thái học đối với các hệ sinh thái biển dễ bị tổn thương. Kết quả có thể tạo thêm áp lực quốc tế (và có khả năng là cả trong nước) buộc Bắc Kinh phải giảm bớt các hoạt động gây hủy hoại của họ ở Biển Đông, và thậm chí có thể khuyến khích các quốc gia khu vực (và có thể là ASEAN) thực hiện những hành động quyết đoán hơn chống lại Trung Quốc.
Việc xác định thời điểm có thể là điều đúng đắn cho điều nói đến sau. Tất cả các bên tuyên bố chủ quyền đã có mặt tại Paris, và thậm chí nếu họ bất đồng về ranh giới hàng hải, thì họ cũng đều thừa nhận thực tế của tình trạng biến đổi khí hậu và tác động của nó lên nhiều hòn đảo khác nhau của họ ở quần đảo Trường Sa, cũng như các đường bờ biển tương ứng của họ. Các nhà môi trường cũng đang bắt đầu chú ý đến tác động về sinh vật học và môi trường, và quan trọng hơn là kêu gọi các hành động quốc tế.
Duy trì và mở rộng Sáng kiến an ninh biển (MSI). MSI của Mỹ là tác nhân quan trọng tạo điều kiện cho những hành động tập thể nhằm tiết chế thái độ quyết đoán của Trung Quốc xét về mặt tăng cường nhận thức lĩnh vực biển trong khu vực và hướng tới một bức tranh hoạt động chung ở Biển Đông. Nói đơn giản, Washington đang làm việc với các quốc gia Đông Nam Á (và đặc biệt là các nước tuyên bố chủ quyền) nhằm cải thiện khả năng của họ phát hiện, hiểu biết, ứng phó và chia sẻ thông tin về hoạt động trên không và trên biển ở Biển Đông. Người ta không thể hành động cùng nhau mà trước hết không có hiểu biết để xác định phải làm gì, làm như thế nào, ở đâu và khi nào.
Xét về mọi mặt, Manila giành được chiến thắng lớn trong giai đoạn xét xử và được cho là sẽ chiến thắng một lần nữa trong giai đoạn đưa ra phán quyết của thách thức pháp lý nhằm mục tiêu giảm bớt thái độ quyết đoán và chủ nghĩa đơn phương của Bắc Kinh ở Biển Đông. Mặc dù chiến thắng về quyền tài phán tạm thời không gây ảnh hưởng đến phán quyết đang được chờ đợi, nhưng những câu chuyện kể chính của Trung Quốc về những thỏa thuận song phương bị phá vỡ, sự không thể thừa nhận pháp lý và không có quyền tài phán đã bị suy yếu và nhạt nhòa.
Đương đầu với điều này, Trung Quốc vẫn sẽ chọn cách phớt lờ phán quyết cuối cùng của Tòa Trọng tài bất chấp những tổn hại lớn về danh tiếng phải gánh chịu như là một cường quốc “tử tế” đang trỗi dậy, tôn trọng luật pháp quốc tế, nhưng Bắc Kinh cũng có thể tránh né và sau đó tìm kiếm kiểu thỏa hiệp nào đó trong tương lai trong khi vẫn giữ được “thể diện”. Lúc này, điều sau có thể là một cây cầu quá xa cho các nhà lãnh đạo Trung Quốc, những người là con tin cho chính giọng điệu của họ. Xét cho cùng, năm này qua năm khác, họ đã nhiều lần nói với người dân Trung Quốc rằng Trung Quốc có “chủ quyền không thể phủ nhận” đối với toàn bộ Biển Đông, được tổ tiên để lại “kể từ thời xưa”.
Bài viết đăng trên The Diplomat của tác giả, đại tá Tuan N. Pham là sĩ quan hải quân chuyên nghiệp của Mỹ.
Theo Viettimes