Biển Đông nóng bỏng tại hội nghị ASEAN
Ngoại trưởng các nước ASEAN nhất trí cần tăng cường đoàn kết, trách nhiệm và vai trò của hiệp hội trong việc xử lý vấn đề Biển Đông.
Đại diện các nước ASEAN và Tổng thư ký Lê Lương Minh chụp hình lưu niệm tại AMM 48 – Ảnh: AFP
Bất chấp phản đối của Trung Quốc về việc đưa tranh chấp Biển Đông vào chương trình nghị sự, Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN (AMM) lần thứ 48 đã “thảo luận một cách bao quát” vấn đề này tại phiên họp hôm qua 4.8, theo Ngoại trưởng nước chủ nhà Malaysia Anifah Aman.
“Chúng tôi cũng thảo luận cách giải quyết sự xói mòn lòng tin giữa các bên liên quan sau những diễn biến gần đây ở Biển Đông, bao gồm hoạt động bồi đắp cũng như leo thang căng thẳng trên thực địa”, ông Anifah nói với các phóng viên tại cuộc họp báo sau khi kết thúc phiên họp.
Tại hội nghị, Ngoại trưởng Philippines, Albert del Rosario đã lên án điều mà ông gọi là “hoạt động bồi đắp khổng lồ” của Bắc Kinh, vốn “hủy hoại hòa bình, an ninh và ổn định”. “Ngay lúc này, chúng ta không hề thấy sự hạ nhiệt từ các hoạt động đơn phương và gây hấn của nước láng giềng phương Bắc ở Biển Đông”, ông Del Rosario ám chỉ đến Trung Quốc.
Các ngoại trưởng ASEAN cho rằng tình hình Biển Đông ngày càng nghiêm trọng và diễn biến phức tạp. Vì vậy, các nước nhất trí tăng cường đoàn kết, trách nhiệm và vai trò của ASEAN trong việc xử lý vấn đề Biển Đông.
Video đang HOT
Phát biểu tại hội nghị, Phó thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đề nghị ASEAN cần phát huy sự chủ động và vai trò chủ đạo của hiệp hội, thúc đẩy các bên tuân thủ nguyên tắc về kiềm chế, không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Liên Hiệp Quốc về luật Biển (UNCLOS) 1982; thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), đi vào thảo luận thực chất để sớm đạt được Bộ quy tắc ửng xử ở Biển Đông (COC) có hiệu quả.
Trả lời báo chí bên lề hội nghị, Ngoại trưởng Campuchia Hor Namhong cũng nêu ý kiến về vấn đề Biển Đông: “Các bên cần thực hiện đầy đủ DOC. Đối với COC, nhóm làm việc của các quan chức cấp cao đã có bản dự thảo. Tuy nhiên, khó trả lời khi nào có văn bản chính thức vì nó phụ thuộc vào sự quan tâm của các bên có thực sự muốn giải quyết vấn đề đó không”.
Cũng tại hội nghị, Ngoại trưởng Malaysia Anifah cho biết, năm 2014 đầu tư trong khu vực ASEAN đã đạt 136 tỉ USD, tăng trưởng hằng năm xấp xỉ 15,7%. Thương mại đạt được 2,5 tỉ USD, dự đoán sẽ tăng trưởng hơn 4,9% trong năm nay. “Với tốc độ này, ASEAN sẽ phát triển trên mọi lĩnh vực và trở thành nền kinh tế đứng thứ 4 trên thế giới trong năm 2050″, ông khẳng định.
Các ngoại trưởng cũng nhất trí trao cho Na Uy quy chế nước đối tác của ASEAN, đồng thời nhất trí xem xét đề nghị trở thành đối tác ASEAN của một số nước khác.
Dự kiến trong năm nay, hoạch định tầm nhìn sau 2015 và lộ trình của ASEAN trong vòng 10 năm tới sẽ được thông qua. Theo chương trình, hôm nay 5.8 sẽ tiếp tục diễn ra các Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN với các nước đối tác của ASEAN.
Lam Yên
(từ Kuala Lumpur)
Theo Thanhnien
Đường dây nóng là biện pháp giảm thiểu xung đột trên biển
Sau một loạt cuộc họp trù bị, Hội nghị Bộ trưởng ngoại giao ASEAN lần 48 (AMM 48) sẽ chính thức khai mạc vào hôm nay 4.8 tại thủ đô Kuala Lumpur của Malaysia.
Hội nghị Bộ trưởng ngoại giao ASEAN lần 48 (AMM 48) sẽ chính thức khai mạc vào hôm nay 4.8 tại thủ đô Kuala Lumpur của Malaysia - Ảnh: Reuters
Sau đó sẽ tiếp tục diễn ra các hội nghị quan trọng khác giữa các ngoại trưởng ASEAN với các đối tác cũng như Diễn đàn An ninh khu vực ARF. Tổng cộng có 27 nước tham gia đợt hội nghị lần này gồm 10 thành viên ASEAN cùng Ấn Độ, Hàn Quốc, Mỹ, New Zealand, Nga, Nhật Bản, Trung Quốc, Úc và một số đối tác khác.
Phát biểu với các phóng viên tại Kuala Lumpur vào hôm qua 3.8, Thứ trưởng Ngoại giao Việt Nam Lê Hoài Trung cho biết an ninh khu vực, trong đó có tình hình Biển Đông, là một trong những quan tâm lớn của ASEAN và các đối tác. Theo Thứ trưởng, Việt Nam và các nước ASEAN hoan nghênh những biện pháp tạm thời giúp giảm thiểu khả năng hiểu lầm và xảy ra xung đột trên biển. Một trong những biện pháp đó là xây dựng đường dây nóng giữa ASEAN và Trung Quốc.
"Thực ra, trên cơ sở song phương cũng đã có những đường dây nóng, ngay cả giữa ta và Trung Quốc, để hợp tác xử lý những sự cố có thể xảy ra, trong đó có sự cố trên biển. Việc vận hành về mặt kỹ thuật, sự phối hợp, quy định hoạt động ra sao... Đó là điều còn phải trao đổi trong thời gian tới giữa ASEAN và Trung Quốc. Tuy nhiên, điều quan trọng đằng sau việc xây dựng đường dây nóng là ý chí chính trị làm sao sớm có những thỏa thuận để tăng cường hòa bình, hợp tác và giải quyết tranh chấp", ông nói.
Đợt hội nghị cũng sẽ thảo luận về thực hiện Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và xây dựng Bộ quy tắc ứng xử (COC).
Cũng tại hội nghị, tình trạng buôn người và di cư trái phép tại Đông Nam Á cũng sẽ được ưu tiên thảo luận. Ngoại trưởng Malaysia, Chủ tịch ASEAN năm 2015, Anifah Aman cho biết nước này rất quan tâm đến vấn đề trên khi có hơn 1.150 người Bangladesh và sắc tộc Rohingya nhập cư trái phép vào đảo Langkawi của Malaysia chỉ trong tháng 5.
Theo nguồn tin chính thức, sau đợt hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sẽ có chuyến thăm chính thức đến Malaysia trong hai ngày 7 và 8.8.
Lam Yên
(từ Kuala Lumpur)
Theo Thanhnien
Mỹ, Philippines, Trung Quốc 'đấu khẩu' về Biển Đông Philippines sẽ ủng hộ Mỹ sử dụng hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN để kêu gọi ngưng xây đảo nhân tạo và các hành động gây hấn ở Biển Đông, trong khi đó Trung Quốc ngang ngược tuyên bố các đề nghị ngưng xây đảo trên Biển Đông là "không hợp lý". Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN bắt đầu từ...