Biển Đông như vạc dầu sôi, chống bành trướng tốt nhất là du kích dưới nước
Người Việt biết rằng không thể dựa vào bất kỳ quốc gia nào khác nếu xung đột với Trung Quốc nổ ra, đó là lý do tại sao Việt Nam mua tàu ngầm.
Tàu ngầm Kilo thứ 3 được vận chuyển về Việt Nam, ảnh: WSJ.
Ngày 31/3, tác giả Andrew Browne bình luận trên tờ The Wall Street Journal, để đánh bại đối thủ mạnh hơn mình rất nhiều lần trong chiến tranh, Việt Nam đã sử dụng chiến thuật du kích với một mạng lưới đường hầm rộng lớn chống lại sức mạnh hủy diệt của B-52. Từ sâu trong lòng đất, người Việt đã phát động cuộc tấn công bất ngờ.
Ngày nay khi phải đối mặt với mối đe dọa mới từ Trung Quốc trên Biển Đông, người Việt đang sử dụng chiến thuật tương tự, giấu mình dưới nước. Việt Nam đã mua của Nga 6 tàu ngầm Kilo 636MV, người Mỹ gọi chúng là “hổ đen”. Các tàu ngầm này là ví dụ điển hình cho chiến tranh phi đối xứng, nó cho phép lực lượng yếu hơn tạo ra sự không chắc chắn trong tâm trí đối thủ mạnh.
Thỏa thuận mua Kilo 636MV của Việt Nam minh họa cho các nước trong khu vực “không có hy vọng so bì với sức mạnh quân sự của Trung Quốc” đang tìm cách thay thế nhằm chống lại tham vọng (bành trướng) lãnh thổ của Bắc Kinh, thêm một chiều hướng mới và không thể đoán trước những căng thẳng lãnh thổ trên Biển Đông.
Mặc dù Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nói về tầm nhìn chiến lược “một cộng đồng các lợi ích chung” ở châu Á – Thái Bình Dương hay “vận mệnh chung châu Á”, ông cam kết cùng xây dựng một trật tự khu vực thuận lợi hơn với châu Á và thế giới. Nhưng Biển Đông vẫn là một vạc dầu sôi. Riêng lực lượng tàu ngầm hạt nhân của Trung Quốc đặt ở Hải Nam trực tiếp nhòm ra Biển Đông đủ để Indonesia thấy rằng Bắc Kinh ngày càng xem vùng biển này là “sân sau” của họ.
Đối với các quốc gia ven biển như Việt Nam, Malaysia hay quốc gia quần đảo như Indonesia, tàu ngầm là một trong những phương tiện hiệu quả nhất để đối phó với Trung Quốc. Tất cả các bên đều cảm thấy đang bị (Bắc Kinh) đe dọa, nhưng không đủ mạnh để đương đầu với sức mạnh quân sự Trung Quốc. Các tàu ngầm Kilo sẽ cung cấp cho Việt Nam một câu trả lời “khiêm tốn nhưng mạnh mẽ” trước sự đe dọa của hải quân Trung Quốc, giáo sư Carl Thayer từ Úc bình luận.
Video đang HOT
Tàu ngầm Kilo được vận chuyển về Việt Nam, ảnh: WSJ.
Ở các nước khác trong khu vực Đông Á, Hàn Quốc và Nhật Bản có lực lượng tàu ngầm mạnh. Úc đang có kế hoạch chi 40 tỉ USD để mua sắm tàu ngầm mới. Philippines, Thái Lan và Myanmar cũng đang nghĩ đến việc mua lại. Tất cả điều này đang làm cho đáy biển ngày càng đông đúc. Tàu ngầm là một biến số vô hình có thể thay đổi các “phương trình quân sự”.
Trong khi tìm kiếm và tiêu diệt tàu ngầm là việc khó thì các cuộc tấn công từ tàu ngầm gần như luôn có sức mạnh tàn phá. Hơn một nửa lực lượng tàu bè hàng hải của thế giới qua lại Biển Đông hàng ngày. Trong khi đó Việt Nam với đường bờ biển dài ven Biển Đông đã trở thành trung tâm của một cuộc đấu tranh địa chính trị, có lực lượng quân sự “tốp đầu” ASEAN nhưng cũng là nước dễ bị Bắc Kinh gây áp lực nhất.
Đó cũng là lý do tại sao các cường quốc đang tập hợp lại xung quanh chương trình tàu ngầm của Việt Nam, Andrew Browne bình luận. Ấn Độ đang giúp Việt Nam huấn luyện thủy thủ tàu ngầm, bác sĩ Nhật cung cấp chuyên môn về điều trị các bệnh lý có thể thủy thủ tàu ngầm gặp phải. Mỹ đã nới lỏng lệnh cấm vũ khí sát thương với Việt Nam. Tuy nhiên người Việt biết rằng không thể dựa vào bất kỳ quốc gia nào khác nếu xung đột với Trung Quốc nổ ra, đó là lý do tại sao Việt Nam mua tàu ngầm, phòng thủ tốt nhất là tàng hình và đánh lừa đối thủ.
Theo Giáo Dục
Mỹ vạch tội Trung Quốc trên Biển Đông
Trong vòng ít tháng Trung Quốc đã biến các bãi đá trên Biển Đông thành 6 căn cứ quân sự.
Tờ Washington Post mới đây cho đăng bài viết của các chuyên gia Mỹ vạch trần hành động ngang ngược của Trung Quốc trên Biển Đông. Bài viết cũng đề xuất các bước đi cụ thể của Mỹ nhằm đưa Trung Quốc vào "khuôn khổ".
Kể tội Trung Quốc
Hai tác giả Michael J. Green và Mira Rapp Hooper cho rằng chỉ trong vòng ít tháng Trung Quốc đã biến đổi một số bãi và bãi đá nhỏ trên Biển Đông thành 6 căn cứ quân sự. Đây là hành động gây đe dọa cho một số quốc gia trong khu vực như Philippines và Việt Nam.
Động thái này là diễn biến mới nhất trong một loạt hành động gây hấn của Trung Quốc.
Một xác tàu chiến từ Thế chiến II được binh sĩ Philippines sử dụng để đồn trú ở Scarborough
Hồi năm 2012, các lực lượng hàng hải Trung Quốc đã dồn ép Philippines từ bãi cạn Scarborough (Hoàng Nham) cho tới các tiền đồn ở phía Bắc quần đảo Trường Sa. Cũng trong năm 2012, Bắc Kinh tuyên bố khu vực này nằm dưới quyền quản lý của một khu vực hành chính mới được thành lập.
Tháng 5/2014, các tàu chiến Trung Quốc đã hộ tống đưa giàn khoan dầu khổng lồ "Hải Dương-981 vào vùng Đặc quyền Kinh tế (EEZ) của Việt Nam.
Việc có các vũng cạn và đường băng tại những căn cứ ở quần đảo Trường Sa sẽ cho phép lực lượng không quân và hải quân Trung Quốc duy trì sự hiện diện thường trực tại Biển Đông mà không cần phải quay về đất liền để tiếp nhiên liệu hay sửa chữa.
Giới chức Trung Quốc từng cảnh báo rằng cuối cùng khu vực này cũng sẽ được thiết lập Vùng nhận diện phòng không (ADIZ). Theo đó, mọi máy bay muốn đi qua khu vực cần phải đăng ký với chính quyền Bắc Kinh, giống như điều Trung Quốc từng làm trên Biển Hoa Đông.
Trung Quốc cũng đã thận trọng khi lựa chọn xây dựng các căn cứ quân sự trên những đảo mà tiềm lực của các nước xung quanh không đủ mạnh để thách thức Trung Quốc, cũng như không hoàn toàn nằm trong diện bảo vệ trong các hiệp ước an ninh của Mỹ. Điều này trái ngược với tình thế ở Biển Hoa Đông, nơi Bắc Kinh phải tránh đụng độ với Lực lượng Phòng vệ trên biển hùng mạnh của Nhật Bản và tránh châm ngòi cho hành động can thiệp của Mỹ liên quan tới quần đảo Senkaku/Điếu Ngư.
Ảnh chụp bãi Gaven vào tháng 3/2014 (trái) và tháng 11/2014 (phải) cho thấy hoạt động xây dựng của Trung Quốc
Đối sách với Trung Quốc
Theo hai chuyên gia Mỹ, nước này không có quyền lợi trong các tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông, song Washington có lợi ích quan trọng trong việc không để Trung Quốc sử dụng áp lực thay đổi hiện trạng.
Sẽ khó ngăn chặn Trung Quốc bồi đắp đất đá và xây dựng căn cứ trên các đảo, song có thể thực thi nhiều biện pháp khác nhằm khuyến cáo Bắc Kinh không nên đi theo xu hướng này.
Thứ nhất, Washington nên tiếp tục đầu tư giúp xây dựng năng lực cho các quốc gia trong khu vực như Philippines và Việt Nam - những nước bị đe dọa trực tiếp nhất từ sự tăng cường lực lượng nhanh chóng của Bắc Kinh. Đặc biệt, Mỹ nên ủng hộ nỗ lực của các nước Đông Nam Á cải thiện khả năng giám sát hàng hải. Nhật Bản và các đồng minh khác sẵn sàng giúp đầu tư cơ sở hạ tầng và chuyển giao thiết bị.
Thứ hai, hải quân Mỹ cần phải thể hiện rằng các hành động của Trung Quốc sẽ không ảnh hưởng tới vấn đề tự do hàng hải trong khu vực. Việc Mỹ triển khai luân phiên 4 tàu chiến tới Singapore sẽ giúp ích cho điều này, song những tàu này và các tàu chiến khác thuộc Hạm đội 7 Hải quân Mỹ cũng nên tăng cường hoạt động diễn tập với các đối tác trong khu vực. Bắc Kinh cũng nên hiểu rằng mọi tuyên bố thiết lập ADIZ trên Biển Đông là "không thể chấp nhận được".
Thứ ba, Washington cần ủng hộ các biện pháp ngoại giao và pháp lý của các nước Đông Nam Á nhằm kiềm chế tham vọng của Bắc Kinh ở Biển Đông. Mỹ lâu nay vẫn khuyến khích việc xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC) giữa Trung Quốc và Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), song Bắc Kinh dường như muốn trì hoãn tiến trình đàm phán.
Trong bối cảnh đó, Washington nên tăng cường ủng hộ các nỗ lực giải quyết tranh cãi bằng luật pháp quốc tế. Philippines đang kiện các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc ra tòa án quốc tế và Mỹ nên cung cấp những thông tin chi tiết cho thấy Trung Quốc đang thay đổi nguyên trạng quần đảo Trường Sa.
Mục tiêu chính sách của Mỹ không nhằm đánh bại Trung Quốc trên mặt trận ngoại giao ở châu Á mà là nhằm đưa Bắc Kinh đi theo một con đường ngoại giao trách nhiệm hơn. Mặc dù Washington đã có những bước đi nhỏ theo hướng này song dường như vẫn đang cân nhắc xem hiện tại đã là thời điểm thật sự thích hợp cho một mối quan hệ căng thẳng với Bắc Kinh hay không?
Việc Trung Quốc nhanh chóng tăng cường lực lượng ở Biển Đông sẽ khiến vấn đề này trở nên rõ ràng hơn. Nếu không có một sự phản ứng mạnh mẽ ngay lúc này thì gần như chắc chắn sẽ xảy ra một cuộc đối đầu nguy hiểm hơn trong tương lai.
Theo Đất Việt
Tàu ngầm Việt Nam tạo ra rào cản tâm lý cho đối phương Các tàu ngầm của Việt Nam tạo ra một rào cản tâm lý cho các đối phương vì không biết họ xuất hiện ở đâu, vào lúc nào. Tính đến hết năm 2014, Việt Nam đã nhận được 3 tàu ngầm Kilo 636. Theo tạp chí Asian Defensw của Malaysia, tàu ngầm Kilo phiên bản xuất khẩu cho Việt Nam có lượng giãn...