Biến động nhân dân tệ năm 2016 không đáng lo
Năm qua, biến động của nhân dân tệ ( CNY) gây sốc cho thị trường tài chính toàn cầu. Song các nhà phân tích cho hay thế giới không cần phải quá lo ngại về một đợt phá giá mạnh CNY từ Trung Quốc trong năm 2016.
Ảnh: AFP
Theo trang Channel NewsAsia, biến động của nhân dân tệ (CNY) đã gây sốc cho thị trường tài chính toàn cầu trong năm qua, song các nhà phân tích gần đây cho hay trong năm 2016, phản ứng của thị trường trước diễn biến của nhân dân tệ có thể sẽ không còn quá mạnh.
Hôm 11.8.2015, thị trường toàn cầu lần đầu tiên rơi vào trạng thái lộn xộn khi Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc ( PBOC) bất ngờ phá giá CNY gần 2%, làm dấy lên lo ngại rằng Đại lục có khả năng tham gia vào cuộc cạnh tranh phá giá nội tệ giữa lúc diễn biến kinh tế giảm sút.
Tháng 12.2015, Bắc Kinh công bố một chỉ số tỷ giá mới, qua đó giá trị nhân dân tệ sẽ bớt phụ thuộc vào USD để được định giá thông qua giỏ tiền tệ gồm 13 đồng tiền quốc tế. Quyết định này đến sau khi Quỹ Tiền tệ Quốc tế ( IMF) chấp thuận đưa CNY vào giỏ tiền quyền rút vốn đặc biệt (SDR). PBOC cũng liên tục thiết lập tỷ giá tham chiếu hằng ngày như một tỷ giá hướng dẫn chính thức, khiến giá trị nhân dân tệ ở mức thấp trong nhiều năm và có khả năng sẽ còn xuống thấp hơn nữa.
Dù đã chứng kiến năm 2015 nhiều “sóng gió”, nhà kinh tế Vishnu Varathan, tại ngân hàng Mizuho cho hay bất kỳ lo ngại nào đặt ra về việc CNY giảm giá sẽ kích thích biến động thị trường đều sẽ là “quá sớm hoặc sai lầm”. Chuyên gia tại Singapore nói thêm rằng thị trường đã phản ứng mạnh trong năm 2015 vì họ “hiểu sai” động thái của PBOC.
“PBOC đã cố gắng làm chao đảo tâm lý tin rằng CNY sẽ luôn ổn định so với USD dù bất cứ chuyện gì xảy ra. Tính đến nay, động thái của Trung Quốc củng cố ý tưởng cho rằng nhân dân tệ sẽ phụ thuộc nhiều hơn vào thị trường và rất phù hợp với ý định đưa đồng tiền này vào giỏ SDR”, ông Varathan cho biết.
Video đang HOT
Giới phân tích cũng lưu ý rằng trong thời gian tới, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc có thể sẽ tìm cách tránh các hỗn loạn từng xảy ra vào hồi đầu tháng 8 năm ngoái, chọn cách tiếp cận ổn định hơn cho việc phá giá nội tệ.
“Tôi nghi ngờ về chuyện PBOC sẽ làm điều gì đó mạnh mẽ trong năm 2016. Họ đã khá bối rối vì những phản ứng trước đợt phá giá hồi tháng 8 và tôi nghĩ rằng họ sẽ rất cẩn trọng với các động thái trong tương lai”, nhà kinh tế Tony Nash tại hãng Complete Intelligence ở Singapore nói.
Vasu Menon, Phó chủ tịch quản lý tài sản tại OCBC ở Singapore cho hay nếu giá trị CNY giảm từ tốn, tác động sẽ là tối thiểu vì thị trường có thời gian để phản ứng. “Tốc độ giảm giá nhân dân tệ sẽ ảnh hưởng đến sự biến động của thị trường toàn cầu. Nếu Trung Quốc gây bất ngờ cho thị trường và phá giá nội tệ một lần nữa, với mức độ lớn hơn so với khi họ đã từng làm hồi tháng 8, thì sẽ gây sợ hãi cho các nhà đầu tư và phản ứng mạnh từ các thị trường mới nổi và tiền tệ những nước này. Đây là điều sẽ lần lượt tác động đến các thị trường khác trên toàn cầu”, ông Menon nhận định.
Dù vậy, rủi ro vẫn còn đó và yếu tố quan trọng có thể gây ảnh hưởng đến nhân dân tệ trong năm 2016 là chu kỳ tăng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed).
Theo chuyên gia phân tích thị trường Angus Nicholson của hãng IG tại Úc, biến động mạnh của CNY năm qua xảy ra ở các thời điểm mà Fed được cho là sẽ tăng lãi suất lần đầu sau một thập kỷ. “Nhìn vào nhân dân tệ trong năm 2016, chúng ta còn phải quan sát dự định tăng lãi suất ở Mỹ. Các thị trường đang tin rằng có hơn 50% cơ hội cho chuyện Fed nâng lãi suất vào tháng 3 hoặc tháng 4 và giới đầu tư nên cẩn trọng hơn ở các thời điểm trên”, Nicholson nói. CNY đã mất 6% giá trị trong năm 2015.
Nếu CNY được giảm giá trị mạnh hơn dự báo, các nhà xuất khẩu lớn khác ở châu Á có thể sẽ tiến hành các đợt phá giá nội tệ tương tự để duy trì sức cạnh tranh với hàng xuất khẩu từ Đại lục. Rupiah Indonesia, ringgit Malaysia hay đô la Úc là các đồng tiền có khả năng hạ giá trị cao nhất. Song đến hiện tại, ít nhất, một cuộc chiến tranh tiền tệ chính thức dường như khó xảy ra.
Thu Thảo
Theo Thanhnien
Trung Quốc chịu thiệt khi USD mạnh lên
Nước chịu thiệt lớn nhất khi USD tăng giá không phải là Mỹ. Thông tin này sẽ khiến nhiều người, chẳng hạn như tỉ phú tranh cử Tổng thống Mỹ Donald Trump - người "tặng" danh hiệu quốc gia thao túng tiền tệ cho Trung Quốc, phải bất ngờ.
Ảnh: Shutterstock
Theo Bloomberg, lý do cho việc này là vì Trung Quốc đã cột chặt đồng nhân dân tệ (CNY) vào đồng bạc xanh để tăng cường sự ổn định tài chính. Khi USD tăng giá so với hầu hết các đồng tiền khác trên thế giới vì kỳ vọng Mỹ tăng lãi suất trong năm nay, bản tệ Trung Quốc cũng tăng giá. Đại lục chịu thiệt, vì nền kinh tế đang tăng trưởng chậm lại của nước này phụ thuộc nhiều vào thương mại.
"Đó là vấn đề. Đánh giá cao quá mức tại thời điểm mà nền kinh tế đang đi xuống là một chuyện không hay", chuyên gia Yukon Huang thuộc Quỹ Carnegie vì Hòa bình Quốc tế ở Washington (Mỹ) kiêm cựu giám đốc ở Trung Quốc của Ngân hàng Thế giới (WB) cho biết.
Đây là lý do vì sao ông Huang cùng nhiều nhà kinh tế khác, trong đó có cựu Bộ trưởng Tài chính Mỹ Lawrence Summers, hy vọng rằng nỗ lực nới lỏng sự gắn bó của CNY với USD sẽ giúp bản tệ Trung Quốc sụt giá. Tuy nhiên động thái trên sẽ làm dấy lên các chỉ trích chính trị trong lúc cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ sẽ diễn ra trong vòng 1 năm tới.
"Họ đang mắc kẹt. Nếu họ phá giá nội tệ, họ sẽ bị tấn công. Tuy nhiên họ cần phải làm điều đó", ông Huang giải thích.
Cách đây không lâu, tỉ phú Donald Trump, ứng cử viên thuộc đảng Cộng hòa cho chiếc ghế Tổng thống Mỹ, đã gọi Trung Quốc là "kẻ ngược đãi số 1" của nước Mỹ và cáo buộc nước bạn "thao túng bừa bãi" đồng bản tệ.
Nền kinh tế Mỹ chắc chắn đã và đang bị tổn thương vì USD mạnh lên kể từ giữa năm 2014. Đô la Mỹ tăng giá hơn 20% so với các đồng tiền chính nói chung nhưng chỉ tăng 3% so với CNY trong thời gian qua. Đồng bạc xanh mạnh lên khiến các doanh nghiệp Mỹ trở nên kém cạnh tranh trên thị trường thế giới, làm giảm 4,3% xuất khẩu của nước này trong 10 tháng đầu năm nay.
Song Trung Quốc lại phải đối đầu với những khó khăn lớn hơn. Thương mại chiếm đến 42% trong GDP của Đại lục vào năm ngoái, trong khi con số này ở Mỹ chỉ là 23%. Việc USD bất ngờ tăng 10% sẽ làm tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc giảm khoảng 1 điểm phần trăm, gần như gấp đôi so với tác động vào thị trường Mỹ, theo các nhà kinh tế thuộc ngân hàng Goldman Sachs ở New York (Mỹ).
"Trung Quốc cởi mở hơn với thương mại. Vì vậy các diễn biến tỷ giá để lại tác động lớn hơn đối với GDP", chuyên gia Jan Hatzius thuộc ngân hàng Goldman Sachs nhận định.
Từ giữa năm ngoái, CNY đã tăng giá gần 15% so với các đồng tiền chính. Sự gia tăng đồng bản tệ đến cùng lúc với chuyện Trung Quốc đang mất dần khả năng cạnh tranh với các nước khác như Thái Lan và Việt Nam vì chi phí lao động cao.
Trong 10 năm qua, CNY tăng giá 26% so với USD, chỉ đứng thứ nhì sau đồng franc Thụy Sĩ, đồng tiền tăng 31% so với USD. Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) hôm 8.12 đặt tỷ giá tham chiếu nhân dân tệ là 6,4078 CNY đổi 1 USD.
GDP của Trung Quốc đang tăng trưởng với mức 6,9% trong quý 3/2015, thấp hơn so với cùng kỳ năm ngoái và là mức tăng tệ nhất kể từ năm 2009. Một đồng tiền mạnh lên cũng cản trở các nỗ lực thoát khỏi tình trạng giảm phát của Trung Quốc vì nó tạo áp lực đi xuống lên giá nhập khẩu. Giá sản xuất của Đại lục giảm 5,9% trong tháng 10 so với một năm trước và đây là tháng giảm thứ 44 liên tiếp.
Dù chịu nhiều tác động tiêu cực, Trung Quốc ít nhiều cũng phải neo CNY vào USD. Giáo sư Xiao Geng thuộc Đại học Hồng Kông hy vọng rằng Trung Quốc sẽ tránh chuyện phá giá nội tệ vì ông cho rằng động thái như trên sẽ làm đảo lộn thị trường tài chính mong manh trong nước.
Một lý do khác để giữ CNY ổn định so với USD là khối nợ bằng đồng đô la Mỹ gia tăng của các doanh nghiệp Trung Quốc. Nhân dân tệ rẻ hơn sẽ khiến các công ty này khó trả nợ.
Thu Thảo
Theo Thanhnien
Vốn thoái khỏi Trung Quốc lên mức kỷ lục Dự trữ ngoại hối Trung Quốc vừa hạ xuống mức thấp nhất kể từ đầu năm 2013. Vốn thoái khỏi nước này được cho là đã lên đến mức kỷ lục trong tháng 11 vừa qua. Vốn thoái khỏi Trung Quốc lên đến mức kỷ lục trong tháng 11 - Ảnh: AFP Theo CNN, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) vừa báo...