Biển Đông: Nga im lặng, Trung “lườm nguýt”?
“Nga hợp tác với Trung Quốc khi có cùng lợi ích, phần “đối thủ” nhiều hơn “đồng minh”, Nga còn hợp tác dầu khí với Việt Nam, im lặng trong tranh chấp biển Đông” là bình luận của tờ Thời báo Hoàn Cầu.
Hình ảnh trong cuộc tập trận Nga-Trung Quốc gần đây nhất.
Ngày 12 tháng 7, tờ Thời báo Hoàn Cầu, Trung Quốc có trích dẫn một số thông tin trên tờ “International Herald Tribune” Mỹ đăng bài viết nhan đề “ Quan hệ đối tác hết sức thận trọng giữa Trung-Nga” của tác giả Jefferey Mankoff.
Theo bài viết, những năm gần đây, Trung-Nga cải thiện quan hệ, thương mại giữa hai nước mở rộng, gặp gỡ lãnh đạo tăng lên… Nhưng, hợp tác đã che đậy sự bất đồng. Moscow và Bắc Kinh cho rằng, hai nước là quan hệ đối tác chiến lược toàn diện, thực ra hợp tác của họ về cơ bản là mang tính chiến thuật. Hai nước thiếu mục tiêu chung, hợp tác giới hạn ở những điểm trùng lặp lợi ích (như tăng thương mại). Ở những điểm quan trọng nhất của hai nước, phần “đối thủ” giữa Nga-Trung nhiều hơn phần “đồng minh”.
Chẳng hạn ở Đông Nam Á, yêu cầu lãnh thổ mạnh mẽ của Bắc Kinh đối với Biển Đông thúc đẩy Washington đưa hợp tác an ninh với các quốc gia khu vực đi vào chiều sâu.
Thời báo Hoàn Cầu nói rằng: “Điều gây thất vọng cho Bắc Kinh là, Moscow vẫn giữ thái độ lặng im đối với tranh chấp trên, Công ty Năng lượng Nga thậm chí ký kết thỏa thuận với Việt Nam, khai thác tài nguyên dầu khí ở Biển Đông” – nơi Trung Quốc tham lam tuyên bố hầu hết chủ quyền, tự cho Biển Đông là ao nhà của mình.
Ở Trung Á, sức mạnh kinh tế của Trung Quốc dần đẩy Nga sang một bên. Trung Quốc đầu tư xây dựng đường ô tô, đường sắt và đường ống mới, làm cho Trung Á càng rơi sâu vào vòng tay của Trung Quốc. Năm 2012, ngoài Uzbekistan, thương mại với Trung Quốc của các nước Trung Á đều nhiều hơn thương mại với Nga. Động thái kêu gọi xây dựng đồng minh Âu-Á của Moscow chủ yếu là ngăn chặn kinh tế các nước Trung Á nghiêng về Bắc Kinh.
Hợp tác giữa quân đội hai nước Nga-Trung chỉ có thể nói là ngẫu nhiên, loại hợp tác này không thể làm thay đổi sự thực là sự tự tin của Trung Quốc khiến cho Nga lo ngại không kém gì sự lo ngại của Mỹ. Các tướng lĩnh quân đội Nga thừa nhận coi Trung Quốc là đối thủ tiềm tàng, tuy chính thức tiếp tục nhấn mạnh đến mối đe dọa của Mỹ và NATO.
Điều duy nhất làm cho Nga-Trung cảm thấy thực sự đứng cùng nhau là hai nước đều cho rằng trật tự quốc tế sau Chiến tranh Lạnh là do Mỹ thiết kế, ngăn cản hai nước được hưởng vị thế, đồng thời làm cho Washington làm mưa làm gió. Nga-Trung cảm thấy mình bị gạt ra ngoài, cảm giác này thúc đẩy họ ủng hộ các cơ chế mới như Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO), BRIC.
Người Nga và người Trung Quốc yêu cầu mối quan tâm của họ được quan tâm xem xét. Bài học đối với Mỹ là, càng không hiểu yêu cầu này, sự lo ngại của trục Nga-Trung sẽ càng trở thành hiện thực. Ở những chỗ liên quan đến lợi ích thực sự của Moscow hoặc Bắc Kinh, Washington cần chuẩn bị lắng nghe, tiến hành thỏa hiệp trước khi hành động. Đối với các tổ chức mới – đặt Nga và Trung Quốc ở vị thế bình đẳng với đối tác Mỹ truyền thống, như G20.
Video đang HOT
Dành thị phần quản lý thế giới nhiều hơn cho Bắc Kinh và Moscow có lẽ sẽ không thoải mái, nhưng kết quả ngoài điều đó chính là trục chống Mỹ giữa Trung-Nga như lo ngại của các nhà hoạch định chính sách Mỹ tiếp tục đến gần với hiện thực.
Theo VnMedia
Báo Nhật:Trung-Nga giả vờ mật ngọt, rốt cuộc vẫn là đối thủ của nhau
Về góc độ địa-chính trị, Trung-Nga luôn là một mối quan hệ đối lập. Trung Quốc sử dụng SCO thò vào "bụng" Nga và có tham vọng lãnh thổ, tài nguyên.
Lính tuần tra biên phòng Trung Quốc ở khu vực biên giới Trung-Nga.
Tờ nguyệt san "Choice" Nhật Bản số tháng 7 có bài viêt nhan đề "Trung-Nga giả vờ tuần trăng mật".
Theo bài viết, giống như muốn chống lại việc Mỹ từng bước chuyển trung tâm chiến lược tới châu Á, gần đây Trung Quốc và Nga hô hào đưa "quan hệ đối tác hợp tác chiến lược song phương" đi vào chiều sâu. Hai nước tích cực giả vờ tăng cường một mối quan hệ đối tác bình đẳng, nhưng trò diễn này rất dễ bị phát hiện.
Ngày 8/6, tờ "International Herald Tribune" Mỹ đã đăng bài viết của Bobo Lo, chuyên gia quan hệ Trung-Nga. Bobo Lo viết: "Trung Quốc đang phát triển mạnh, còn các bước hiện đại hóa của Nga đình trệ, về chính trị đã xơ cứng. Mối đe dọa lớn nhất của hai bên chính là khoảng cách giữa hai nước ngày càng lớn".
Xuất phát từ mục đích chống Mỹ quay trở lại châu Á, Trung Quốc thực sự tìm cách khéo léo tận dụng Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) - tổ chức duy nhất được nước này đóng vai trò chủ đạo. Nga rõ ràng cũng tính toán đón lấy "gió đông" Trung Quốc để tăng cường khả năng đàm phán với Mỹ và NATO.
Nhưng Tổng thống Nga Putin ôm mộng nước lớn, tuyên bố Nga sẽ tiếp tục trở thành người tham gia vào các vấn đề toàn cầu, thai đô này rất rõ đối với Trung Quốc và SCO.
Tháng 2/2012, hãng RIA Novosti đã có một chương trình về vấn đề ngoại giao của Tổng thống Putin, ông tuyên bố "vai trò của Trung Quốc ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương ngày càng tăng cường". Putin công khai cho rằng: "Sức mạnh tổng thể của Trung Quốc ngày càng tăng cường, trong đó có khả năng lan tỏa tới các khu vực. Đứng trước yếu tố Trung Quốc được tăng cường nhanh chóng, chúng ta nên làm thế nào?".
Ngày 25/4/2012, Trung-Nga diễn tập bảo vệ tuyến đường hàng hải ở biển Hoàng Hải.
Trung Quốc rõ ràng đang gây ra "mối đe dọa" cho Nga. SCO trên thực tế bị Trung Quốc kiểm soát, các thành viên bao gồm các nước Trung Á là Kyrgyzstan, Tajikistan, Kazakhstan va Uzbekistan. Lý do Nga cảnh giác với việc Trung Quốc tăng cường quyền phát ngôn rất rõ ràng. Bốn nước Trung Á là thành viên Cộng đồng các quốc gia độc lập (SNG), vì vậy Nga chắc chắn có cảm giác Trung Quốc thò tay vào "bụng" của họ.
Học giả chính trị quốc tế nổi tiếng Ấn Độ, Brahma Chellaney luôn nhấn mạnh, về địa-chính trị học, Trung-Nga là một mối quan hệ đối lập. Về lý do Trung-Nga tại sao không xóa bỏ sự ngờ vực về địa-chính trị học, Chellaney chỉ ra: "Trung-Nga tuyệt đối sẽ không liên minh. Hai bên có sự ngờ vực lẫn nhau, đặc biệt là sự hoài nghi của Nga đối với Trung Quốc rất lớn.
Dân số Nga có mật độ thấp, còn Trung Quốc tương đối cao. Nga có tài nguyên thiên nhiên phong phú, còn Trung Quốc lại có lòng tham không đáy đối với tài nguyên nhiên nhiên. Đất đai Nga quá rộng lớn, còn Trung Quốc đang tranh đoạt lãnh thổ. Bất kể nhìn ở góc độ nào, Trung Quốc và Nga đều thuộc đối thủ cạnh tranh.
Nga rất lo ngại đối với Trung Quốc là do hiện trạng phân bố trái ngược về diện tích lãnh thổ và dân số của nước này. Phần châu Á chiếm 72% diện tích lãnh thổ Nga, phần châu Âu chỉ chiếm 28%, nhưng 75% người Nga sống ở châu Âu, phần châu Á chỉ chiếm 25%.
Chính vì vậy, Nga thông qua kênh chính thức nhập khẩu lao động Trung Quốc khai thác các dự án của Siberia, đồng thời còn có không ít lao động bất hợp pháp từ Trung Quốc tràn vào lãnh thổ Nga.
Binh sĩ tàu tuần dương Varyag Hạm đội Thái Bình Dương Nga tham quan tàu khu trục tên lửa Thẩm Dương, Hải quân Trung Quốc.
Nga lo ngại rằng, sau 50 năm, khu vực Viễn Đông mặc dù về chính trị vẫn do Nga kiểm soát, nhưng về kinh tế có thể đã bị Trung Quốc kiểm soát thực tế".
Do kinh tế liên tục tăng trưởng, Trung Quốc vẫn không ngừng tìm kiếm tài nguyên ở các nước láng giềng, trên biển, Trung Đông, châu Phi và châu Nam Mỹ. Người Trung Quốc không thể không tràn vào nước láng giềng theo kiểu thủy triều lên, tìm kiếm các tài nguyên như dầu mỏ, khí đốt, gỗ, kim cương và vàng.
Sự xâm lấn bí mật về con người và vốn này bắt đầu từ thập niên 1990, khiến cho khu vực Viễn Đông dần dần nằm trong sự kiểm soát thực tế của Trung Quốc - điều này thống nhất với phân tích của Chellaney.
Nếu Nga bắt tay khai thác khu vực Viễn Đông thị chắc chắn phải nhập khẩu lao động của Trung Quốc. Nga dựa vào giá dầu tăng lên, thương mại với Trung Quốc ngày càng tăng, nhưng một bên cung cấp nguyên liệu, một bên xuất khẩu sản phẩm có giá trị gia tăng cao, hai bên từng bước hình thành một mối quan hệ tương tự với mô hình giữa nước phát triển và nước đang phát triển trước đây.
Về kinh tế, Trung Quốc tăng cường chi phối thực tế đối với khu vực Viễn Đông, họ liệu có tính toán thôn tính khu vực phía bắc sông Amour (Trung Quốc gọi là Hắc Long Giang) và phía đông hai tỉnh Cát Lâm và Hắc Long Giang hay không?
Trung Quốc bỏ ra 20 triệu USD để sở hữu tàu sân bay của Nga.
Putin nhiều lần yêu cầu Trung Quốc có sự hợp tác trong chương trình đường ống khí đốt. Bên ngoài cho rằng, trong hội đàm giữa các nhà lãnh đạo Trung-Nga năm nay, hai nước sẽ đạt được đồng thuận, nhưng do chưa thể thống nhất về vấn đề giá cả, các cuộc đàm phán tiếp tục bị kéo dài. Đối với một nước sản xuất khí đốt lớn thứ hai thế giới, thị trường Trung Quốc chắc chắn rất hấp dẫn.
Nhưng, Trung Quốc không chịu nhượng bộ về giá khí đốt. Trung Quốc biết rất rõ thủ đoạn sử dụng dầu khí làm con bài ngoại giao của Nga, cho nên 6 năm trước họ lần lượt ký hợp đồng mua khí đốt với Trung Đông, Australia và các nước Trung Á.
Ngày 5/6, tờ "Thời báo New York" cho rằng, Trung-Nga tồn tại mối quan hệ lợi hại tương đồng, nhưng rốt cuộc vẫn là quan hệ đối đầu mang tính lịch sử bắt đầu từ thời kỳ Chiến tranh Lạnh. Moscow cho rằng, kinh tế Trung Quốc đã vượt toàn diện Nga, cân bằng sức mạnh giữa hai bên đã có sự thay đổi kịch tính.
Trung Quốc nhập khẩu rất nhiều máy bay chiến đấu Su-27/30 của Nga, số lượng những máy bay chiến đấu này của Trung Quốc hiện đã vượt Nga.
Theo GDVN
Tổ chức hợp tác Thượng Hải - SCO tập trận chung tại Tajikistan Tổng tham mưu trưởng Quân đội Giải phóng nhân dân Trung Quốc Trần Bỉnh Đức đã tới Dushanbe, Tajikistan. Các quan chức quân sự cấp cao của Nga và Trung Quốc đã bay tới Tajikistan tham gia chỉ huy một cuộc diễn tập chung của các nước thành viên Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO). SCO tập trận chống khủng bố năm...