Biển Đông: Mỹ – Trung Quốc ngày càng căng thẳng?
Các động thái quân sự gần đây của Trung Quốc đang hé lộ những toan tính của họ đối với khu vực quan trọng này.
Mới đây, ít nhất bốn chiến đấu cơ J-10 của Trung Quốc (TQ) bị phát hiện triển khai đến đảo Phú Lâm, thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam mà nước này chiếm đóng phi pháp, theo ảnh vệ tinh được đài CNN công bố. Động thái này của TQ diễn ra cùng thời điểm một số cuộc tập trận của hải quân các nước Mỹ, Nhật Bản, Việt Nam, Ấn Độ và trong bối cảnh Chủ tịch Tập Cận Bình và Tổng thống Donald Trump sắp gặp nhau bên lề Hội nghị thượng đỉnh nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) diễn ra tại Osaka, Nhật Bản. Ông Ben Ho, chuyên gia phân tích thuộc Trường Quốc tế học S. Rajaratnam tại Singapore, nhận định “có thể còn nhiều chiếc nữa nằm trong nhà chứa” và rằng dựa vào việc các máy bay không trang bị bình nhiên liệu bổ sung, nhiều khả năng số J-10 nói trên “đã được lên kế hoạch để lưu lại dài ngày trên đảo”. Đây là lần đầu tiên dòng chiến đấu cơ này được triển khai đến biển Đông.
Chiến lược của Trung Quốc
Trả lời Hoàn Cầu Thời Báo, chuyên gia về lĩnh vực phòng không Fu Qianshao lớn tiếng cho rằng hành động triển khai chiến đấu cơ của Bắc Kinh “hoàn toàn đầy đủ pháp lý” và “nằm trong lãnh thổ” nước này. “Quân đội TQ cần triển khai chiến đấu cơ đến các sân bay quân sự để bảo vệ chủ quyền biển đảo và không phận. Đây là điều bình thường… TQ cần chiến đấu cơ để giữ hòa bình và ổn định khu vực biển Đông” – ông Fu nói.
Theo cựu sĩ quan không quân hoàng gia Úc Peter Layton, số J-10 được triển khai nhiều khả năng là đang nằm trong giai đoạn diễn tập bước đầu để chuẩn bị cho “sự hình thành vùng nhận diện phòng không (ADIZ)” mà nước này tuyên bố từ năm 2016. Nếu được thiết lập, các máy bay đều phải khai báo trước với chính quyền Bắc Kinh nếu muốn bay qua biển Đông. “Họ đang muốn cả thế giới nhìn thấy chúng. Nếu không, họ đã đưa chúng vào nhà chứa rồi. Họ đang muốn chúng ta nhận thấy thông điệp gì?” – ông Layton nói.
Trong bài bình luận trên tạp chí Defense Connect, chuyên gia Stephen Kuper lưu ý TQ lâu nay luôn tìm cách chống lại sự hiện diện quân sự của Mỹ và đồng minh cả ở biển Đông lẫn khu vực rộng hơn là Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Những nỗ lực này bao gồm việc xây dựng các nhóm tác chiến tàu sân bay nhằm “biểu dương sức mạnh”, phát triển các hạm đội tàu ngầm trang bị đạn đạo bao gồm những chiếc chạy bằng năng lượng hạt nhân và sử dụng năng lượng truyền thống. Không quân TQ thời gian gần đây cũng chú trọng nâng cấp các máy bay ném bom chiến thuật, chiến đấu cơ và hệ thống tên lửa hành trình.
Video đang HOT
Đường băng kéo dài trên đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam mà Trung Quốc chiếm đóng trái phép. Ảnh: TIMES
Ông cho biết tất cả điều trên cộng lại sẽ tạo thành khung xương cho chiến lược phòng thủ chống xâm nhập/chống tiếp cận mà Bắc Kinh đang theo đuổi ở biển Đông. Được các chuyên gia quân sự TQ đề ra sau khi chứng kiến quân đội Iraq thất thủ trong chiến tranh vùng Vịnh năm 1991, chiến lược này tập trung chủ yếu vào việc vô hiệu hóa sức mạnh quân sự của Mỹ bằng cách hình thành nhiều lớp phòng thủ và ngăn chặn, phong tỏa đường không, đường biển thông qua sự kết hợp giữa hệ thống tên lửa phòng thủ hiệu quả và các đợt tấn công linh hoạt các cơ sở hậu cần của Mỹ trong khu vực nằm dưới tầm kiểm soát của các hệ thống trên. Đây cũng là lý do vì sao TQ đang đẩy nhanh tiến độ quân sự hóa và bồi đắp các đảo nhân tạo trên biển Đông nhằm biến chúng thành các căn cứ quân sự.
“Việc triển khai các chiến đấu cơ J-10 của TQ đến đảo Phú Lâm sẽ cho phép nước này mở rộng hơn quyền kiểm soát của họ đối với không phận biển Đông. Vì (nếu không giữ được) Phú Lâm, vốn cho phép kiểm soát phòng không đối với các máy bay từ đảo Hải Nam (nơi đặt căn cứ của Hạm đội Nam Hải), TQ sẽ không thể tiến hành chiếm quần đảo Trường Sa và thách thức lợi ích của Việt Nam” – ông Kuper nói.
Những hành động của Mỹ
“Nếu thật sự nổ ra một cuộc chiến giữa Mỹ và Iran, tôi cho rằng những quốc gia như TQ sẽ có những hành động lợi dụng một nước Mỹ đang mất tập trung và hành động của TQ sẽ bắt đầu từ biển Đông” – chuyên gia Malcolm Davis thuộc Viện Nghiên cứu chính sách chiến lược Úc dự đoán.
Bắt đầu từ nhiệm kỳ của Tổng thống Donald Trump, hải quân Mỹ đã tổ chức 11 cuộc tuần tra ở khu vực biển Đông nhằm thực thi các chiến dịch tự do hàng hải (FONOP). Các chiến dịch này được đánh giá là nhằm đương đầu với cái mà Mỹ gọi là hoạt động ngăn cản tự do di chuyển ở khu vực này của TQ. Dưới thời Tổng thống tiền nhiệm Barack Obama, các tàu chiến Mỹ chỉ di chuyển đến biển Đông sáu lần trong suốt tám năm cầm quyền của ông.
Tờ South China Morning Post dẫn lời Thiếu tá Tim Gorman thuộc Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ khẳng định những chiến dịch này là nhằm “thách thức những tuyên bố chủ quyền hàng hải phi lý và duy trì hoạt động tiếp cận các vùng biển được luật pháp quốc tế quy định. Tất cả hoạt động của hải quân Mỹ đều tuân thủ luật pháp quốc tế cũng như khẳng định Mỹ sẽ bay, đi qua và hoạt động ở bất cứ đâu mà luật pháp quốc tế cho phép” và cho biết hải quân Mỹ vẫn sẽ tiếp tục thực thi FONOP thường xuyên trong tương lai.
Trung Quốc kỳ vọng gì ở J-10?
Theo tạp chí National Interest, chiến đấu cơ J-10 là nỗ lực đầu tiên của TQ nhằm phát triển tiêm kích thế hệ thứ tư nhằm đối trọng với các máy bay F-15C Eagle và F-16 Falcon của Mỹ, máy bay Su-27 Flanker và MiG-29 Fulcrum của Nga. Kể từ khi được biên chế, tiêm kích này luôn có tên trong danh mục chiến đấu của không quân TQ, giúp nước này có được phi đội tiêm kích thế hệ thứ tư đa năng với chi phí sản xuất và vận hành thấp. Phiên bản mới nhất của dòng chiến đấu cơ này là J-10C được đưa vào sử dụng năm 2017. Hiện chưa rõ phiên bản J-10 nào đã được triển khai ra đảo Phú Lâm.
PHẠM KỲ
Theo SGGP
Malaysia: ASEAN nên cùng thống nhất đàm phán về Biển Đông với Trung Quốc
Lời kêu gọi được nhấn mạnh sau khi có "một, hai" thành viên ASEAN đàm phán riêng với Trung Quốc về Biển Đông.
Ngoại trưởng Malaysia Saifuddin Abdullah
Theo tờ The Star, Ngoại trưởng Malaysia Saifuddin Abdullah kêu gọi các nước ASEAN cùng nhau soạn thảo Bộ quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC) nhằm giải quyết tranh chấp một cách ổn thỏa.
Ông Saifuddin nhấn mạnh quan điểm của Malaysia về việc không nên thảo luận riêng giữa các nước có tuyên bố chủ quyền. Thay vào đó, thảo luận về việc lập COC tại Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 34 ở Bangkok nên do cả khối ASEAN tiến hành với Trung Quốc.
"Cuộc thương thảo về COC vào cuối năm nay phải được thực hiện bởi ASEAN với vai trò là một khối. Chúng tôi sẽ nhấn mạnh vấn đề này vì đã có một, hai nước ASEAN cố thảo luận với tư cách cá nhân", ông phát biểu với báo giới sau khi dự Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN vào ngày 22.6.
Trong khi đó, Thái Lan nhận định các quốc gia Đông Nam Á đã có bước tiến đáng kể trong đàm phán về dự thảo COC.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Thái Lan Busadee Santipitaks cho hay ngoại trưởng các nước ASEAN đã thảo luận về các điều khoản còn chưa thống nhất tại cuộc họp ngày 22.6.
"Bản dự thảo đang được thảo luận và đàm phán giữa ASEAN và Trung Quốc và dự kiến sẽ được hoàn tất vào cuối năm nay", theo bà Busadee.
Phát biểu được đưa ra giữa nhiều thắc mắc về tiến trình đàm phán COC. Bà Busadee khẳng định các cuộc đàm phán giữa ASEAN và Trung Quốc về bộ quy tắc trên vẫn đang tiếp diễn.
Theo Thanhnien
Tổng thống Philippines cảnh báo kết cục xấu khi TQ tuyên bố chủ quyền phi lý trên biển Đông Trước thềm hội nghị thượng đỉnh Asean vào cuối tuần này, Tổng thống Rodrigo Duterte cho rằng tuyên bố chủ quyền phi lý của Trung Quốc đang tạo tiền lệ xấu. Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte Trả lời phỏng vấn báo chí hôm 21/6, Tổng thống Philippines cho biết ông đã lên kế hoạch để trao đổi kỹ lưỡng về vấn đề tranh...