Biển Đông: Luận điệu phi lý của Trung Quốc bị ‘đập tan’ thế nào?
Bài viết này chỉ ra sự phi lý trong những quan điểm của TQ và các học giả thân TQ phản đối Toà Trọng tài.
Kể từ khi Tòa Trọng tài phụ lục VII Công ước Luật Biển 1982 (sau đây gọi là “Tòa Trọng tài”) chính thức được thành lập[1] theo đơn kiện của Philippines, cho đến khi ra phán quyết cuối cùng ngày 12/7/2016, TQ không dưới 5 lần tuyên bố bác bỏ thẩm quyền của Tòa Trọng tài và hiệu lực pháp lý của các phán quyết.
Bài viết này thảo luận những quan điểm của TQ và các học giả thân TQ phản đối phiên Toà; và chỉ ra tại sao những quan điểm này đều không có cơ sở trong UNCLOS nói riêng, luật pháp quốc tế nói chung.
Lập luận 1: Ngoại lệ về quyền lịch sử
Philippines yêu cầu Tòa Trọng tài ra phán quyết về giá trị pháp lý của Đường 9 đoạn và quyền lịch sử của TQ tại Biển Đông[2]. TQ cho rằng yêu cầu này liên quan trực tiếp đến quyền lịch sử của nước này tại Biển Đông, nằm trong ngoại lệ được nêu tại Công ước Luật Biển 1982 (sau đây gọi là “UNCLOS”). Do đó, Tòa Trọng tài không có thẩm quyền giải quyết các vấn đề được Philippines nêu trong đơn kiện.
Tại Phán quyết về thẩm quyền ngày 29/10/2015, Tòa Trọng tài đã bảo lưu, chưa đưa ra quyết định về thẩm quyền của Tòa đối với 2 điểm này[3]. Đến ngày 12/7/2016, trong Phán quyết cuối cùng, Tòa Trọng tài không những tuyên bố có thẩm quyền xem xét vấn đề này mà còn bác bỏ toàn bộ yêu sách về quyền lịch sử của TQ tại Biển Đông, khẳng định sự vô giá trị về mặt pháp lý của Đường 9 đoạn[4].
Trung Quốc liên tục phủ nhận Tòa Trọng tài. Ảnh: Pca-cpa.org
Theo Tòa Trọng tài, ngoại lệ được quy định tại Điều 298 của UNCLOS nhằm loại trừ thẩm quyền của Tòa đối với các tranh chấp liên quan đến “vịnh lịch sử” hay “danh nghĩa lịch sử”, và yêu cầu của Philippines không nằm trong phạm vi của ngoại lệ này.
Thứ nhất, Biển Đông không phải là một vịnh dù là về mặt địa lý hay pháp lý[5]. Thứ hai, từ những hành vi của TQ tại Biển Đông (như ban hành lệnh cấm đánh cá, phân lô khai thác dầu khí và những tuyên bố tôn trọng tự do hàng hải và tự do hàng không), Toà kết luận bản chất yêu sách Đường 9 đoạn của TQ tại Biển Đông là quyền lịch sử đối với tài nguyên khoáng sản tại đây[6].
Video đang HOT
Khái niệm “quyền lịch sử” không đồng nghĩa với “danh nghĩa lịch sử” được quy định tại Điều 298. Danh nghĩa lịch sử gắn liền với chủ quyền của một quốc gia đối với những vùng biển nhất định trong suốt một thời gian dài và phải được thể hiện qua sự kiểm soát độc quyền của quốc gia đó. Bên cạnh đó, Tòa Trọng tài cũng nhấn mạnh việc tuyên bố danh nghĩa lịch sử của các quốc gia phải không bị phản đối từ các quốc gia khác.
Do vậy, từ các hành vi của TQ tại Biển Đông, Toà kết luận yêu sách của TQ thông qua đường 9 đoạn chỉ được xem là tuyên bố về quyền lịch sử và không thể xem là TQ tuyên bố danh nghĩa lịch sử tại đây. Vì vậy, yêu sách này của TQ không phải là một ngoại lệ được quy định tại Điều 298 của UNCLOS[7].
Đi vào vấn đề nội dung về giá trị pháp lý của tuyên bố về quyền lịch sử thông qua yêu sách Đường 9 đoạn, Tòa nhận thấy quyền lịch sử về khai thác tài nguyên sinh vật và khoáng sản đã được nêu ra trong quá trình xây dựng UNCLOS.
Vì vậy, tuy khái niệm “quyền lịch sử” tồn tại trong luật biển quốc tế, nhưng khi trở thành thành viên của UNCLOS, các quốc gia đã từ bỏ quyền lịch sử đối với các vùng biển để chấp nhận các quyền của quốc gia ven biển đối với tài nguyên trong Vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) và thềm lục địa được thiết lập theo quy định của Công ước.
Đồng thời, Tòa cũng phân tích các quy định của UNCLOS về quyền chủ quyền và quyền tài phán của quốc gia ven biển tại EEZ và thềm lục địa và khẳng định các quyền này không đồng nghĩa với khái niệm “quyền lịch sử” hình thành từ trước khi Công ước có hiệu lực[9].
Trên cơ sở đó, Tòa khẳng định UNCLOS chỉ cho phép các quốc gia thành viên có quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với tài nguyên nằm trong EEZ và thềm lục địa của mình. Do đó, cái gọi là “quyền lịch sử” mà TQ tuyên bố là hoàntoàn không phù hợp với UNCLOS. Từ đó, Tòa khẳng định yêu sách Đường 9 đoạn của TQ tại Biển Đông hoàn toàn không có giá trị pháp lý[10].
Lập luận 2: TQ có ngoại lệ về chủ quyền đối với các thực thể tại Trường Sa
Trong đơn kiện gửi đến Tòa Trọng tài, Philippines yêu cầu Tòa làm rõ bản chất pháp lý của tám thực thể tại quần đảo Trường Sa là đảo, đá hay những thực thể lúc nổi lúc chìm. Theo TQ, vấn đề này liên quan đến việc xác định chủ quyền đối với các thực thể và liên quan đến việc phân định các vùng biển tại khu vực Trường Sa.
Ảnh chụp từ vệ tinh về hiện trạng bãi Đá Chữ Thập ở Trường Sa. Nguồn: Guardian/ VietnamPlus
TQ cho rằng theo quy định của UNCLOS, Tòa không có thẩm quyền giải quyết cả hai vấn đề này. Tuy nhiên, trong Phán quyết về thẩm quyền, Tòa Trọng tài đã khẳng định một tranh chấp có thể bao gồm nhiều vấn đề pháp lý khác nhau, việc một hoặc một số vấn đề nằm ngoài thẩm quyền giải quyết của Tòa, không làm mất đi thẩm quyền của Tòa đối với các vấn đề còn lại[11]. Quan điểm này đã nhiều lần được các Tòa án quốc tế khẳng định trong các án lệ trước đây[12].
Vì việc xác định bản chất pháp lý của các thực thể tại Trường Sa chính là giải thích và áp dụng các điều 13 và điều 121 của UNCLOS nên Tòa Trọng tài hoàn toàn có thẩm quyền giải quyết vấn đề này.
Trong Phán quyết ngày 12/7/2016, Tòa Trọng tài đã có quyết định cực kỳ quan trọng về bản chất pháp lý của không chỉ với tám thực thể Philippines yêu cầu. Theo đó, sau khi xem xét các bằng chứng xác thực và đáng tin cậy nhất về địa lý, địa chất và địa mạo, Tòa đã khẳng định không một thực thể nào tại Trường Sa hội đủ các yếu tố để được coi là “đảo” theo quy định tại Điều 121 của UNCLOS[13].
Kết luận này của Tòa đồng nghĩa với việc khẳng định không một đảo nào thuộc quần đảo Trường Sa tạo cho Trung Quốc quyền có vùng đặc quyền kinh tế. Từ đó, gián tiếp loại bỏ yêu sách chủ quyền của TQ tại các thực thể mà Philippines nêu trong hồ sơ kiện.
Theo Vietnamnet
Thế trận Biển Đông sau phán quyết của PCA
3 năm xem xét đơn kiện với 4.000 trang tài liệu chứng cứ và 2 lần phân xử, phán quyết ngày 12/07 của Tòa trọng tài Quốc tế công bố tại Lahay đã chấm dứt nhiều thập kỷ tranh chấp chủ quyền không dựa trên bất kỳ ràng buộc pháp lý nào trên Biển Đông.
Dù tất cả các nước có tuyên bố chủ quyền trong vùng biển này đều là thành viên của Công ước quốc tế về Luật biển UNCLOS 1982, nhưng việc diễn giải và áp dụng công ước lại được thực hiện tuỳ tiện bởi Trung Quốc, khi ngang ngược lợi dụng sức mạnh và quyền lực, hung hăng trong các hành động đơn phương trên biển.Phán quyết ngày 12/07 của Toà trọng tài thường trực (PCA) về đường chín đoạn và một loạt các vấn đề liên quan đến cách diễn giải công ước quốc tế về Biển Đông đã mở ra một giai đoạn lịch sử mới đối với vùng biển vốn đông đúc và đầy rẫy tranh chấp này.
Tòa Trọng tài bác bỏ yêu sách &'đường lưỡi bò' của Trung Quốc
Tất nhiên, Trung Quốc phản đối dữ dội khi hầu hết các đòi hỏi quan trọng nhất của họ đã bị PCA bác bỏ. Nước này đã tốn vài năm trời với nhiều thủ đoạn để tìm cách bác bỏ vai trò của phiên toà và hậu quả pháp lý của nó nhưng đều thất bại.
Phán quyết của PCA đã đặt Trung Quốc trước một tình huống cực kỳ bất lợi: Bất cứ động thái leo thang nào của họ nhằm vi phạm phán quyết và gia tăng căng thẳng ở Biển Đông đều sẽ là trái với luật pháp quốc tế. Đây là thất bại nặng nề không chỉ về mặt ngoại giao, mà còn để lại những hậu quả hết sức lâu dài đối với chiến lược bành trướng xuyên suốt nhiều thập kỷ của Trung Quốc.
Phán quyết pháp lý quan trọng nhất và có tác động lớn nhất đối với Biển Đông của PCA là bác bỏ hoàn toàn đường lưỡi bò, vốn là một tuyên bố chủ quyền phi lý và hoang đường nhất trong các tranh chấp biển hiện hữu trên thế giới. Chính phán quyết này sẽ củng cố những chứng lý quan trọng nhất để đàm phán ranh giới biển giữa các nước có tuyên bố chủ quyền trên Biển Đông, như Việt Nam, Philipines, Indonesia, Malaysia, Bruney trước các đòi hỏi vô lý của Trung Quốc. Đồng thời, mở đường cho các quốc gia lưu thông dễ dàng qua khu vực này khi phán quyết mở ra những ranh giới rất rõ về các vùng biển lưu thông tự do.
Tuy nhiên, phán quyết thứ hai về các đảo và bãi đá tại Trường Sa mới là phần bổ sung quan trọng nhất để giải quyết các tranh chấp trong phiên toà lịch sử này: PCA tuyên bố xét cả về hoàn cảnh lịch sử lẫn điều kiện tự nhiên, các đảo và đá tại Trường Sa đều thiếu vắng sự hiện diện thường xuyên, liên tục của đời sống kinh tế dân sự thông thường. Việc hiện diện của các lực lượng công vụ của các quốc gia tranh chấp trên các hòn đảo tại đây không phải là căn cứ và không tạo cơ sở cho sự hiện diện kinh tế đơn thuần. Do đó, các đảo này không tạo ra yêu sách về lãnh hải và vùng đặc quyền kinh tế.
Đây là một nội dung hết sức quan trọng của phán quyết, tạo cơ sở cho việc đàm phán chồng lấn vùng đặc quyền kinh tế của tất cả các quốc gia đang có tranh chấp ở Trường Sa. Quyền chiếm hữu các đảo và đá của mỗi nước có thể tiếp tục duy trì, nhưng quyền về vùng đặc quyền kinh tế thì không còn phụ thuộc vào cơ sở này nữa. Đây là lối thoát cho tất cả các nước trong hoà bình.
Thông cáo báo chí về kết quả vụ kiện giữa Philippines và Trung Quốc của PCA
Với Việt Nam, nội dung phán quyết này cũng mở ra cơ hội cho việc giải quyết các tranh chấp tại quần đảo Hoàng Sa. Khi hiện nay trên một số đảo có kích thước lớn tại vùng biển Hoàng Sa, Trung Quốc ngang ngược dùng vũ lực chiếm đóng trái phép, tự ý tôn tạo và đưa phương tiện gây chiến nhằm thách thức Việt Nam và thế giới tiếp cận khu vực này. Phán quyết của PCA khiến những tuyên bố, hành động ngang ngược của Trung Quốc trên vùng biển này trở thành hành động vi phạm phán quyết và có thể nhận lãnh những trừng phạt nặng nề.
Chắc chắn sau phán quyết của PCA, Trung Quốc là nước chịu nhiều bất lợi nhất. Tuy nhiên, phán quyết có lẽ sẽ không làm giảm sự hung hăng của Trung Quốc trong ngắn hạn, thậm chí trung hạn, nhưng nó đánh dấu sự thất bại chiến lược của Trung Quốc và nước này sớm muộn sẽ phải tái định hình lại chính sách của mình. Mỹ và phương Tây sẽ có những bước tiến dài trên Biển Đông vì hành lang pháp lý giờ đây đã rõ ràng hơn cho các hoạt động của họ.
Thất bại của Trung Quốc trên Biển Đông mang tính chiến lược, chưa rõ nước này sẽ hành xử tiếp theo thế nào? Nhưng bài học nước Nga tại Crimea cho thấy phát động một cuộc chiến xâm lăng thì dễ, thậm chí là đạt được quyền chiếm hữu cũng không phải quá khó khăn với các cường quốc, nhưng rút chân ra khỏi nó và khắc phục các hậu quả lâu dài là điều không hề dễ dàng.
Lan Anh
Theo PLO
Biển Đông: Trung Quốc vô lối sẽ đe dọa hòa bình khu vực Cách hành xử bất tuân luật pháp của TQ sẽ đẩy tranh chấp Biển Đông ngày càng xa khỏi một con đường giải quyết hòa bình. Bản tuyên bố chung Mỹ - Nhật - Úc về Biển Đông được đưa ra sau cuộc họp tay ba, bên lề các hội nghị ASEAN tại Lào vừa qua, bị ngoại trưởng TQ chỉ trích kịch...