Biển Đông lại dậy sóng, quan hệ Mỹ – Trung thêm căng thẳng
Bất chấp Mỹ-Trung gắn bó với nhau ở nhiều lĩnh vực (từ trao đổi sinh viên đến thương mại) một cuộc chiến tranh lạnh đang ngấm ngầm diễn ra giữa 2 nước.
Những cái “gật đầu chung” là chưa đủ
Vào tháng 11/2014, trước khi hội nghị APEC diễn ra, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã có chuyến thăm chính thức Trung Quốc và gặp gỡ với Chủ tịch Tập Cận Bình. Đây là chuyến thăm thứ 2 của ông Obama đến Trung Quốc kể từ khi nhậm chức (lần đầu tiên là vào năm 2009).
Trong chuyến thăm, ông Obama và ông Tập Cận Bình đều nhấn mạnh đến sự hợp tác song phương giữa 2 nước trong tương lai. Kết quả của chuyến thăm, theo một vài tờ báo nhận định, đã có những cái “gật đầu” chung giữa 2 nhà lãnh đạo.
Những cái “bắt tay” này có làm giảm căng thẳng quan hệ Mỹ- Trung
Trước hết, Mỹ và Trung Quốc đã nhất trí với nhau về thỏa thuận thị thực nhập cảnh mới mà theo đó, các doanh nhân sẽ được gia hạn nhập cảnh là 10 năm, sinh viên là 5 năm.
Thỏa thuận này là một bước tiến trong quá trình thúc đẩy việc trao đổi người giữa 2 Chính phủ. Việc giao lưu nhân dân vẫn được 2 Chính phủ thường xuyên duy trì như là một chìa khóa để cải thiện sự tin tưởng lẫn nhau giữa Mỹ và Trung Quốc.
Tiếp đó, hai bên cũng đã ký thỏa thuận về vấn đề biến đổi khí hậu bao gồm cam kết của các bên nhằm giảm lượng khí thải.
Video đang HOT
The Diplomat dẫn lời một nhà chuyên gia về Trung Quốc nhận định, mục tiêu giảm lượng khí thải carbon dioxide của Trung Quốc muộn nhất vào năm 2030 không phải là mục tiêu mới nhưng việc Trung Quốc chính thức cam kết cắt giảm là dấu hiệu lạc quan về Hội nghị biến đổi khí hậu năm 2015 tại Paris.
Mặc dù giữa 2 bên có những cái “gật đầu” hợp tác, nhưng có thể thấy những cái “gật đầu” này vẫn còn chưa đủ. Vấn đề vướng mắc nhất giữa Mỹ và Trung Quốc-”tương lai của khu vực châu Á- Thái Bình Dương” chưa được 2 nhà lãnh đạo bàn đến.
Biển Đông nổi sóng, Mỹ – Trung lại đối đầu
Tuần vừa rồi, tuần san Quốc phòng IHS Jane’s đã cho đăng tải thông tin, Trung Quốc đã tạo một hòn đảo rộng 200-300m, dài khoảng 3.000m trên khu vực đảo đá Chữ Thập.
Theo HS Jane’s, việc xây đảo nhân tạo tại Đá Chữ Thập là dự án thứ 4 thực hiện ở Trường Sa của Trung Quốc trong vòng 12-18 tháng qua, nhưng là dự án quy mô lớn nhất.
Động thái này được cho là để các nước láng giềng từ bỏ việc tuyên bố chủ quyền đối với khu vực đang tranh chấp này, đồng thời để tạo lợi thế cho Bắc Kinh trên bàn thương lượng.
Hình ảnh vệ tinh hôm 14/11 cho thấy Trung Quốc đang cải tạo đất trên bãi đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Công trình bằng bê tông sẵn có ở tây nam bãi đá là nơi đồn trú của một đơn vị hải quân Trung Quốc (PLAN). Công trình này gồm một bến tàu, hệ thống phòng không, hệ thống chống người nhái, thiết bị thông tin liên lạc và một nhà kính. Ảnh: IHS Jane’s.
Ngay sau đó, phía Bộ Ngoại giao Mỹ đã có phản ứng về vấn đề này. Ông Jeff Rathke, Giám đốc Văn phòng báo chí Bộ Ngoại giao Mỹ nêu rõ hoạt động xây dựng quy mô lớn tại các khu vực tranh chấp trên Biển Đông có thể sẽ làm phức tạp tình hình và gây gia tăng căng thẳng.
Ông Rathke nêu rõ, tuyên bố về ứng xử của các bên tại Biển Đông đã nêu rõ những điều các bên cần tuân thủ đối với các hoạt động tại khu vực này.
Tuy nhiên, bất chấp lời phản đối trên, Trung Quốc cho rằng “các hoạt động liên quan đến xây dựng do Trung Quốc thực hiện trên các đảo chủ yếu là để cải thiện điều kiện sống của nhân viên tại đó”.
Bà Hoa Xuân Doanh, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc cũng đã nhắc lại lập trường “Trung Quốc có chủ quyền không tranh cãi” tại các hòn đảo mà nước này đang san lấp trái phép ở Biển Đông, đồng thời yêu cầu “các nước bên ngoài” không được đưa ra nhận xét về hoạt động liên quan của Trung Quốc.
Trước đó, hôm 21/11, Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ vừa thông qua nghị quyết kêu gọi giải quyết một cách hòa bình các tranh chấp hiện nay tại Biển Đông và Hoa Đông.
Nghị quyết của Hạ viện Mỹ tái khẳng định sự cần thiết phải giải quyết các tranh chấp biển và quyền tài phán tại Biển Đông và Hoa Đông thông qua các biện pháp hòa bình.
Nghị quyết nhấn mạnh sự ủng hộ của chính phủ Mỹ đối với tự do hàng hải và việc sử dụng hợp pháp vùng trời và vùng biển tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Tuy Mỹ và Trung Quốc gắn bó với nhau chặt chẽ trong nhiều lĩnh vực từ trao đổi sinh viên đến kinh doanh, thương mại, một cuộc chiến tranh lạnh đang ngấm ngầm diễn ra trong quan hệ 2 nước, The Diplomat nhận định.
Bất đồng quan điểm, Mỹ- Trung khó đi chung đường
Không chỉ trên mặt trận chính trị, mặt trận kinh tế khu vực châu Á- Thái Bình Dương cũng “dậy sóng” căng thẳng trong quan hệ Mỹ- Trung.
Tháng 11/2014 cũng là thời điểm diễn ra Hội nghị Thượng đỉnh APEC. Hội nghị Thượng đỉnh APEC được Trung Quốc xem là cơ hội để nâng cao sức ảnh hưởng của mình về kinh tế, chính trị trong khu vực.
Bất đồng quan điểm, Mỹ- Trung khó đi chung đường
Bởi thế, ngay từ bài phát biểu khai mạc Hội nghị Thượng đỉnh APEC, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã thúc giục các nền kinh tế APEC cần phải đẩy mạnh các cuộc đàm phán về khuôn khổ tự do hóa thương mại mang tên Khu vực thương mại tự do Châu Á-Thái Bình Dương (FTAAP) do Trung Quốc đề xuất nhằm thúc đẩy tăng trưởng.
FTAAP được xem là “con bài chiến lược” của ông Tập Cận Bình nhằm đối trọng với Hiệp định Đối tác Chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) của Mỹ. Mỹ đã vận động 11 quốc gia trong đó có Nhật Bản (và không có tên Trung Quốc) tham gia vào TPP. Theo Reuters, điều này khiến Trung Quốc không vừa lòng và nước này cho rằng, Mỹ đang sử dụng TPP để gây ảnh hưởng tới các nền kinh tế khác trong khu vực.
FTAAP và TPP đặt các nước trong khu vực châu Á- Thái Bình Dương đứng trước đầy khó khăn. Liệu các nước này sẽ ngả vào “vòng tay” Bắc Kinh hay đi theo lời hứa hẹn của Mỹ?
Theo The Diplomat, điểm nóng châu Á- Thái Bình Dương chính là nơi thể hiện rõ ràng nhất sự cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc./.
Theo Phương Chi/VOV.VN