Biển Đông, Hong Kong và Kashmir trước thềm cuộc gặp Tập-Modi
Cuộc gặp giữa ông Tập và ông Modi sẽ diễn ra cuối tuần này, trong bối cảnh Ấn Độ đang rất bất mãn việc Trung Quốc đứng về phía Pakistan trong tranh chấp khu vực Kashmir.
Hai ngày cuối tuần này, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ có chuyến thăm Ấn Độ và dự kiến sẽ có “cuộc gặp thượng đỉnh không chính thức” với Thủ tướng Ấn Độ Narenda Modi. Đây là lần gặp không chính thức lần thứ hai giữa hai lãnh đạo Trung-Ấn, và cuộc gặp dự kiến diễn ra tại TP duyên hải Mamallapuram ở Tamil Nadu phía nam Ấn Độ.
Cuộc gặp diễn ra trong bối cảnh Ấn Độ đang rất bất mãn về việc Trung Quốc đứng về phía Pakistan trong tranh chấp vùng Kashmir. Quan hệ giữa Ấn Độ và Pakistan nhiều tháng nay căng thẳng nghiêm trọng có nguy cơ leo thang thành một cuộc chiến tranh toàn diện sau vụ đụng độ ở biên giới hồi cuối tháng 2, và đặc biệt sau khi Ấn Độ hồi tháng 8 thu hồi quy chế tự trị của bang Jammu and Kashmir, trong khi Pakistan xem Kashmir là khu vực tranh chấp.
Ngày 9-10, ông Tập có cuộc gặp với Thủ tướng Pakistan Imran Khan. Trong cuộc gặp này, ông Tập có nói với ông Khan rằng Trung Quốc – một đồng minh chính của Pakistan – ủng hộ Pakistan bảo vệ các quyền hợp pháp của mình, theo Tân Hoa xã.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (phải) gặp Thủ tướng Pakistan Imran Khan (trái) ngày 9-10. Ảnh: REUTERS
Trung Quốc gần đây từng kêu gọi tổ chức một cuộc họp trong khuôn khổ Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc (HĐBA LHQ) về vấn đề Pakistan. Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị từng đến thủ đô Islamabad (Pakistan) và từng hội đàm với Thủ tướng, Tổng tư lệnh quân đội và Tổng thống Pakistan.
Ông Vương đã thảo luận về mối quan hệ Ấn Độ-Pakistan với vấn đề Kashmir và đảm bảo Trung Quốc sẽ ủng hộ Pakistan. Hồi tháng 8, Trung Quốc và Pakistan từng có cuộc tập trận không quân chung mang tên Shaheen – VIII với quy mô lớn nhất giữa hai nước trước nay.
Về phần mình, Ấn Độ thể hiện sự cứng rắn về vấn đề Kashmir. Đầu tháng này, Bộ Ngoại giao Ấn Độ lên tiếng phản đối khi ông Vương Nghị nói trước Đại Hội đồng LHQ rằng tranh chấp Kashmir nên được “giải quyết một cách thích đáng phù hợp với Hiến chương LHQ, với các nghị quyết HĐBA và thỏa thuận song phương”.
Video đang HOT
Bộ Ngoại giao Ấn Độ cũng yêu cầu Malaysia kiềm chế phát ngôn sau khi Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad nói trước Đại hội đồng LHQ rằng Kashmir đã bị “xâm lược và chiếm đóng” và Ấn Độ đã hành động sai.
Không lâu trước khi hai nước thông báo chuyến thăm Ấn Độ của ông Tập, Bộ Ngoại giao Trung Quốc ra một tuyên bố hòa giải rằng Kashmir là vấn đề song phương giữa Ấn Độ và Pakistan, và hai bên nên giải quyết thông qua đối thoại. Tuy nhiên, nhiều nhà quan sát không lạc quan về kết quả cuộc gặp.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (trái) và Thủ tướng Ấn Độ Narenda Modi dự kiến sẽ bàn các vấn đề biên giới, du lịch và thương mại trong lần gặp sắp tới. Ảnh: AFP
SCMP đưa tin, trả lời phỏng vấn trên truyền hình ngày 9-10, sau cuộc gặp của ông Tập với Thủ tướng Pakistan Khan, một chính trị gia đối lập cấp cao ở Ấn Độ đã yêu cầu ông Modi nêu các vấn đề nhạy cảm ra với ông Tập trong cuộc gặp tới, chẳng hạn vấn đề biển Đông và biểu tình ở Hong Kong.
“Nếu ông Tập Cận Bình nói “chúng tôi đang quan sát Kashmir”, vậy thì điều gì ngăn Thủ tướng Narenda Modi nói chúng tôi đang quan sát phong trào dân chủ ở Hong Kong?” – nghị sĩ Manish Tewari thuộc đảng Quốc Đại đặt câu hỏi, đồng thời nói Ấn Độ nên “nghĩ về chính sách Trung Quốc một cách hết sức cẩn thận”.
Viết trên Twitter sau đó, ông Tewari đặt câu hỏi tại sao Văn phòng Thủ tướng và Bộ Ngoại giao Ấn Độ không lên tiếng rằng mình đang quan sát vấn đề Tân Cương, Tây Tạng và biển Đông.
Theo ông Tewari, ông Modi phải hỏi ông Tập về vùng Aksai Chin – một vùng sa mạc nằm giữa Kashmir và Tân Cương. Aksai Chin là một trong hai khu vực tranh chấp giữa Trung Quốc và Ấn Độ, bên cạnh Arunachal Pradesh. Trung Quốc kiểm soát Aksai Chin, còn Ấn Độ kiểm soát bang Arunachal Pradesh. Quan hệ hai bên lâu nay vẫn căng thẳng vì các tranh chấp này.
Phát ngôn của ông Tewari được truyền thông Ấn Độ đưa rộng rãi. Theo nhiều nhà phân tích, đây là một bước đi chính trị nhằm làm áp lực lên đảng cầm quyền Bharatiya Janata của ông Modi.
THIÊN ÂN
Theo PLO
Tiết lộ bất ngờ của TT Duterte về cuộc họp bàn Biển Đông với ông Tập Cận Bình
Hôm 4/9, Tổng thống Philippines thừa nhận ông "không hài lòng" với tuyên bố của nhà lãnh đạo Tập Cận Bình về việc Trung Quốc có chủ quyền trên toàn bộ Biển Đông.
"Theo phép lịch sự, tôi nói với ông Tập Cận Bình rằng tôi không thúc giục cần có ngay câu trả lời. Và tôi không hài lòng với câu trả lời của ông ấy, nhưng tôi sẽ không hỏi thêm câu hỏi này lần nào nữa. Tôi chỉ nói, tôi vẫn giữ nguyên quan điểm ban đầu bởi tôi biết ông Tập cũng đang chịu áp lực lớn từ những diễn biến ở Hong Kong", tờ Inquirer dẫn chia sẻ của Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte trong chuyến thăm tới Trung Quốc hồi cuối tháng Tám và gặp gỡ nhà lãnh đạo Tập Cận Bình.
Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte và nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình. (Ảnh: SCMP)
Cũng theo Tổng thống Duterte, nhà lãnh đạo Tập Cận Bình nhất quyết không thay đổi quan điểm về tuyên bố chủ quyền "đường chín đoạn" ở Biển Đông.
"Ông biết đấy, tuyên bố của chúng tôi là không thay đổi quan điểm. Chúng tôi không muốn nói về điều này nữa. Chúng tôi sở hữu tài sản ở đó, tại sao tôi phải nói chuyện này với ông", ông Duterte nhớ lại lời ông Tập nói.
Hôm 29/8, ông Duterte và ông Tập đã có cuộc gặp song phương tại Bắc Kinh để thảo luận về những tranh chấp chủ quyền lâu nay ở Biển Đông.
Ông Duterte cũng lý giải vì sao ông không thể làm căng với Trung Quốc là bởi việc tạo ra "bất đồng, tranh cãi với nước láng giềng mạnh hơn" là điều bất lợi.
"Tôi không thể gây chiến. Philippines quá bé nhỏ. Đó là sự thật, do đó tôi không muốn gây chiến bởi điều đó là không thể. Tôi phải nói thẳng với người dân Philippines như vậy. Chiến tranh cũng không là điều tốt đẹp gì", ông Duterte chia sẻ.
Một lần nữa, ông Duterte cũng lên tiếng thách thức về việc Mỹ có dám bảo vệ Philippines trước cuộc tấn công của Trung Quốc.
"Nói thực thi đảm bảo tự do hàng hải thì dễ. Nhưng Trung Quốc đã đưa ra các tuyên bố chủ quyền và kiểm soát những thực thể này. Liệu Mỹ có dám cứu chúng ta? Mỹ có sẵn sàng tham chiến", ông Duterte nói.
Trước đó, Inquirer đưa tin hôm 30/8, phát ngôn viên của Tổng thống Philippines Salvador Panelo cho hay, nhà lãnh đạo Trung Quốc kiên quyết giữ quan điểm không công nhận phán quyết trên Biển Đông của Tòa trọng tài quốc tế ở The Huage, Hà Lan hồi năm 2016. Tuy nhiên, ông Tập hứa với Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte rằng Trung Quốc sẽ tránh "những hành động khiêu khích" trên Biển Đông.
Phán quyết của Tòa trọng tài quốc tế ở The Huage, Hà Lan vào ngày 12/7/2016 nhắc tới việc Trung Quốc vi phạm quyền chủ quyền của Philippines khi can thiệp vào hoạt động đánh cá và khai thác dầu khí trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Philippines trên biển Tây Philippines, cách Manila gọi một phần phía đông của Biển Đông. Phán quyết đồng thời lên án hành động Trung Quốc xây dựng trái phép các hòn đảo nhân tạo ở Biển Đông.
Về phần mình, Trung Quốc lên tiếng chỉ trích và khẳng định không thực thi phán quyết của Tòa trọng tài quốc tế.
Căng thẳng giữa Trung Quốc và Philippines bùng phát sau vụ việc hôm 9/6, một tàu Trung Quốc được cho đã tấn công tàu cá FB Gimver 1 của Philippines khiến tàu này bị chìm trên khu vực Biển Đông. Đáng nói, sau vụ tấn công, tàu Trung Quốc nhanh chóng rời khỏi hiện trường để mặc 22 ngư dân Philippines chơi vơi trên biển. Rất may, một tàu của Việt Nam hoạt động gần đó đã cứu toàn bộ ngư dân Philippines.
Chuyến thăm của ông Duterte tới Bắc Kinh diễn ra trong bối cảnh dư luận Philippines tỏ ra vô cùng tức giận về việc chính quyền Philippines quá mềm mỏng trước những hành động ngang ngược và hoạt động bành trướng của Trung Quốc ở Biển Đông.
Minh Thu (lược dịch)
Theo infonet
Giới chức Hong Kong kêu gọi người dân chấm dứt bạo lực, công khai đối thoại Theo phóng viên TTXVN tại Hong Kong, chiều 10/10, Tổng thư ký chính quyền Khu hành chính đặc biệt Hong Kong (Trung Quốc) Trương Kiến Tông . Cùng một số quan chức đầu ngành như Cục trưởng Cục dân chính Lưu Giang Hoa, Cục trưởng Cục Dịch vụ Dân sự La Trí Quang, Cục trưởng Cục vận tải và nhà ở Trần Phàn,...