Biển Đông: Đằng sau ‘nước cờ’ đăng ký di sản của Trung Quốc
“Nếu được UNESCO công nhận và phê chuẩn là “ Con đường tơ lụa trên biển” là của TQ, thì mặc nhiên vùng lãnh thổ biển Đông sẽ bị thay đổi, tức chủ quyền Việt Nam trong vùng sẽ bị ảnh hưởng” – GS.TS Nguyễn Tấn Anh phân tích.
LTS: Mới đây, TQ đã có một động thái mới đầy toan tính trên Biển Đông, là tích cực đẩy nhanh tiến độ thăm dò khảo cổ nhằm đăng ký di sản “Con đường tơ lụa trên biển” vào danh sách Di sản thế giới để UNESCO công nhận.
Tuần Việt Nam có cuộc trao đổi với GS.TS Nguyễn Tấn Anh*, chuyên gia về UNESCO, hiện đang là Giám đốc Trung tâm UNESCO Khoa học, Công nghệ và Tư vấn đầu tư phát triển. TS Tấn Anh nguyên là Trợ lý Chủ tịch BCH Liên hiệp các Hội UNESCO Việt Nam, Trưởng đại diện Văn phòng đại diện Liên hiệp các Hội UNESCO Việt Nam tại Tp.HCM.
Theo GS.TS Nguyễn Tấn Anh, hành động lần này của TQ là “nước cờ khá hiểm mà tôi đã dự đoán từ lâu, trước khi họ đưa giàn khoan 981 vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam”.
GS.TS Nguyễn Tấn Anh.
Thưa TS. Tấn Anh, căn cứ vào đâu để ông dự đoán TQ sẽ sử dụng “chiêu” đăng ký di sản văn hóa lên Ủy ban di sản của UNESCO?
GS.TS Nguyễn Tấn Anh: Trên thế giới đã có tiền lệ như thế này. Ví dụ, vụ tranh chấp biên giới và ngôi đền Preah Vihear giữa Thái Lan và Campuchia vốn kéo dài từ lâu. Mãi đến năm 2007, Campuchia đã làm hồ sơ đệ trình lên Ủy ban di sản thế giới của UNESCO đề nghị công nhận di sản thế giới cho đền Preah Vihear. Ngày 7/6/2008, Ủy ban di sản thế giới của UNESCO đã tiến hành họp tại Canada và thông qua công nhận ngôi đền này là di sản văn hóa thế giới. Mặc nhiên đây được xem là di sản thế giới thứ ba của Campuchia.
Theo điều 4 của Công ước quốc tế về di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới của UNESCO, quốc gia nào trình hồ sơ lên UNESCO phê chuẩn thì di sản đó thuộc quốc gia làm hồ sơ trình. Vì Campuchia đã làm hồ sơ gửi lên UNESCO nên ngôi đền đã thuộc về Campuchia, quân đội Thái Lan phải lập tức rút ra khỏi vùng đó. Tất nhiên chủ quyền lãnh thổ vùng có ngôi đền cũng mặc nhiên được công nhận cho Campuchia.
Với TQ, hiện nay thế và lực của họ đang rất mạnh. Tầm ảnh hưởng của TQ trên thế giới rất lớn, họ sẽ dễ dàng thông qua UNESCO bởi nguyên tắc và cơ chế hoạt động của UNESCO khác xa Hội đồng bảo an Liên hiệp quốc. Nguyên tắc thông qua của UNESCO là “đa số thắng thiểu số”, các quốc gia đều bình đẳng “one vote – one country” (mỗi phiếu cho mỗi nước). Kể cả Hoa Kỳ nếu có can thiệp cũng chỉ có giá trị 1 phiếu.
Minh chứng gần đây nhất là vào ngày 31/10/2011, UNESCO đã bỏ phiếu công nhận Palestine là thành viên đầy đủ của UNESCO, mở đường cho việc xem xét công nhận độc lập cho Palestine của Liên hiệp quốc. Mặc dù trước đó, một số nước mà đặc biệt là Hoa Kỳ và Israel có phản đối UNESCO, nhưng với kết quả 107 phiếu thuận, 14 phiếu chống và 52 phiếu trắng, Palestine đã chính thức trở thành thành viên đầy đủ thứ 195 của UNESCO.
Để “chống” công việc đó của UNESCO, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ tuyên bố cắt kinh phí đóng góp cho UNESCO (Hoa Kỳ đóng góp 22% trên tổng kinh phí hàng năm của UNESCO). Và đã có một số nước tuyên bố sẵn sàng đóng góp khoản kinh phí này thay cho Hoa Kỳ (khoảng 80 triệu USD/năm) trong đó có cả Trung Quốc và Nhật Bản, vì cả hai nước này cũng đều muốn “dùng” UNESCO để giải quyết tranh chấp một cách “dân chủ nhất, hòa bình nhất và tiến bộ nhất”. Vì 3 cái “Nhất” đó là tính ưu việt của tổ chức UNESCO mà thế giới tôn trọng.
TQ đã nhanh nhảu trình hồ sơ
Thưa TS. Tấn Anh, hiện nay lộ trình thực hiện kế hoạch này của TQ tới đâu rồi? Các thông tin công bố cho thấy họ đang tích cực chuẩn bị, bắt đầu từ thành phố Tam Sa thành lập bất hợp pháp trên đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa?
Video đang HOT
GS.TS Nguyễn Tấn Anh: Theo thông tin báo chí trong và ngoài nước, kể cả của TQ mà tôi biết được, thì TQ đã chính thức đăng ký với Ủy ban Di sản thế giới của UNESCO để xem xét. Những gì họ đang làm hiện nay là củng cố hồ sơ mà thôi! Họ đã đi trước khá nhiều và nay mới công bố công khai một cách rất chừng mực, ít ỏi…
Hiện tại Việt Nam vẫn còn rất ít chuyên gia, nhà nghiên cứu quan tâm tới việc này. Một số ý kiến phát biểu gần đây có vẻ chủ quan khi cho rằng khả năng UNESCO công nhận “Con đường tơ lụa trên biển” là không có.
Tôi đánh giá đây thực sự là “nước cờ mới trên biển Đông” kế tiếp vụ giàn khoan Hải Dương 981!
Theo ông, khả năng UNESCO sẽ công nhận cao không? Vì Việt Nam có rất nhiều bằng chứng và chứng cứ lịch sử, pháp lý về chủ quyền với Hoàng Sa từ thế kỷ 16 – 17 cho đến nay?
Tất nhiên TQ trình hồ sơ di sản thì họ đã chuẩn bị và họ sẽ tận dụng tối đa điều này. Như tôi đã nói, với thế và lực cũng như tầm ảnh hưởng hiện nay, TQ sẽ thuận lợi hơn rất nhiều ở UNESCO so với Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc.
Sau giàn khoan 981, TQ đang đi một nước cờ mới?.
Vì sao vậy thưa ông ?
Vì UNESCO là một tổ chức mang tính dân chủ rất cao. Ra đời trước Liên hiệp quốc, Tiền thân của UNESCO là Ủy ban quốc tế về hợp tác trí tuệ (ICIC – International Committee on Intellectual Cooperatinon, 1922 – 1946), xuất hiện ngay sau Chiến tranh thế giới lần thứ nhất với nhiều thành viên là các nhà khoa học, văn nghệ sĩ, nhà báo, nhà giáo dục nổi tiếng. Mục đích của tổ chức này là củng cố hòa bình thông qua con đường “hợp tác trí tuệ” là Văn hóa, Khoa học và Giáo dục, nhằm đẩy mạnh “Giáo dục hiểu biết quốc tế, hợp tác và hòa bình” để “Xây dựng hòa bình trong đầu óc của con người”. Bởi vì họ cho rằng “Chiến tranh xảy ra trong đầu óc của con người nên con người cần phải xây thành trì của hòa bình” . Đây cũng là Lời mở đầu của Công ước thành lập UNESCO sau này.
Đặc biệt, 7 nguyên tắc trong các mục tiêu, nội dung và tiêu chuẩn của “Giáo dục hiểu biết quốc tế, hợp tác và hòa bình” của UNESCO [1] là phải đảm bảo về sự bình đẳng giữa các dân tộc và giữa các quốc gia. Dù dân tộc đó là đa số hay thiểu số, da trắng hay da màu; quốc gia đó nghèo hay giàu, tôn giáo hay không tôn giáo,… đều có quyền bình đẳng như nhau. Chính vì thế, nguyên tắc dân chủ, công bằng và đa số là nguyên tắc hàng đầu trong hoạt động của UNESCO. Nước lớn như siêu cường Hoa Kỳ cũng chỉ 1 phiếu, nhỏ như Lào hoặc Brunei cũng mỗi nước 1 phiếu.
Tầm ảnh hưởng của TQ hiện nay trên khắp thế giới là rất lớn. Ở châu Phi, TQ gần như là nhà đầu tư nắm chặt huyết mạch của các nền kinh tế. Ở châu Á, TQ không ngừng ra sức gây ảnh hưởng, tạo quyền lực mềm. Một số nước châu Âu cũng bị phụ thuộc và ảnh hưởng của TQ. Ngay tại các nước ASEAN, theo điều tra của Viện nghiên cứu Pew Washington (Hoa Kỳ), có tới 7/11 nước ủng hộ TQ!
Qua các diễn đàn, sự kiện lớn của quốc tế cho thấy TQ đầu tư cho vận động hành lang (lobby) rất mạnh mẽ để đạt được mục tiêu của mình. Thậm chí ngay tại lưỡng viện của Hoa Kỳ, TQ cũng lobby rất quyết liệt, dữ dội.
Ngay trong tổ chức UNESCO, tầm ảnh hưởng của TQ ngày càng mạnh mẽ hơn nhiều cường quốc khác. Tại Đại hội Liên hiệp các Hội UNESCO thế giới lần thứ 8 vừa qua do Việt Nam đăng cai tổ chức, TQ chỉ còn thiếu 1 phiếu nữa là trúng cử làm Chủ tịch Liên hiệp các Hội UNESCO thế giới. Đây là một tổ chức phi chính phủ bên cạnh UNESCO, tập hợp rộng rãi các nhà ngoại giao, nhà giáo, nhà khoa học, nhà văn hóa, nhà báo,… có tên tuổi trên thế giới.
Với nguyên tắc dân chủ “one vote – on country”, TQ rất dễ dàng vận động, tạo ảnh hưởng để được công nhận di sản văn hóa do họ trình lên.
Hành động cấp thiết của VN
Có nghĩa là TQ đang cố tình tận dụng tổ chức UNESCO để thông qua công nhận “Con đường tơ lụa trên biển”, từ đó gián tiếp khẳng định chủ quyền?
Rõ ràng là như vậy! Khi chưa có bằng chứng pháp lý đầy đủ về chủ quyền hoặc chưa xác định về mặt chủ quyền lãnh thổ, thì UNESCO phải quan tâm tới di sản văn hóa cần được bảo vệ. Nhà nước TQ trình hồ sơ di sản tất nhiên cũng không cần đề cập đến chủ quyền hoặc đưa ra các chứng cứ pháp lý “ngụy tạo” mà người ta nói là theo kiểu TQ, vì TQ là “bậc thầy” về chuyện này. UNESCO chỉ chú ý khía cạnh văn hóa của di sản mà xem xét và căn cứ theo điều 4 của công ước mà cả Trung Quốc và Việt Nam đã ký để thực thi.
Nếu được UNESCO công nhận và phê chuẩn là “Con đường tơ lụa trên biển” là của TQ, thì mặc nhiên vùng lãnh thổ biển Đông sẽ bị thay đổi, tức chủ quyền Việt Nam trong vùng sẽ bị ảnh hưởng.
Thưa TS. Tấn Anh, với thủ thuật này của TQ, Việt Nam cần phải có biện pháp nào để bảo vệ chủ quyền và ngăn chặn ý đồ thâm độc này của TQ?
Việt Nam không còn con đường nào khác khả thi, có hiệu quả hơn là nên cùng sử dụng các giải pháp chính trị, ngoại giao và cuối cùng là pháp lý. Kinh nghiệm từ vụ tranh chấp đền Preah Vihear, Campuchia đã chủ động kiện ra tòa. Dù phán quyết của Tòa án công lý quốc tế không mang tính ràng buộc, song nó là cơ sở pháp lý để UNESCO công nhận di sản này thuộc về Campuchia.
Đây là giải pháp khôn ngoan và cần thiết nhất trong tình hình hiện nay để bảo vệ chủ quyền của Tổ quốc. Và suy cho cùng, con đường này vừa văn minh, tiến bộ, vừa được cộng đồng quốc tế ủng hộ, cổ vũ. Việc này vô cùng cấp thiết, nếu chậm trễ hậu quả sẽ rất lớn!
Cảm ơn ông về buổi trò chuyện
*GS.TS Nguyễn Tấn Anh là người đã bảo vệ thành công Luận ánThạc sĩ và Tiến sĩ về UNESCO ở Việt Nam và Hoa Kỳ và có nhiều công trình nghiên cứu có giá trị liên quan đến UNESCO về lĩnh vực Phát triển bền vững.
Theo thông tin của Tân Hoa xã, “thành phố Tam Sa” mà Trung Quốc lập trái phép từ năm 2012 ở đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa đã đưa ra các chương trình bảo tồn trên đảo Hữu Nhật và đảo Đá Bắc thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam từ đầu năm 2014. Ngoài ra, Trung Quốc thường xuyên có các hoạt động thăm dò khảo cổ xung quanh quần đảo Hoàng Sa và hiện nay kéo dài đến cả quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Theo thông tin này, Cơ quan di sản văn hóa Trung Quốc đã xác định 136 địa điểm dưới lòng biển Đông kể từ khi họ triển khai sáng kiến bảo vệ năm 1990 và nhiều địa điểm nằm trong danh sách bảo vệ quốc gia của Trung Quốc.
Chú thích:
[1] Bảy nguyên tắc đó là: Đảm bảo duy trì anh ninh hòa bình chống chiến tranh xâm lược và giải quyết xung đột bằng vũ lực; Đảm bảo sự bình đẳng giữa các dân tộc và giữa các quốc gia; Đảm bảo quyền con người; Đảm bảo phát triển bền vững; Đảm bảo môi trường; Đảm bảo bảo vệ di sản văn hóa nhân loại; Đảm bảo hiểu biết về cơ cấu tổ chức hoạt động của các tổ chức quốc tế – Liên hiệp quốc.
Theo Vietnamnet
Vạch rõ Trung Quốc 2 lần dùng vũ lực chiếm Hoàng Sa
Đại sứ Lê Hoài Trung, Trưởng Phái đoàn đại diện thường trực của Việt Nam tại Liên hợp quốc vừa tiếp tục gửi thư lên Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon đề nghị lưu hành hai văn bản nêu rõ lập trường của Việt Nam về việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam.
Tài liệu cũng nêu rõ Trung Quốc đã sử dụng vũ lực 2 lần xâm chiếm trái phép Hoàng Sa. Việc chiếm đóng bằng vũ lực lãnh thổ của một quốc gia có chủ quyền là hành vi bất hợp pháp và không thể là cơ sở cho đòi hỏi chủ quyền.
Tàu Trung Quốc (trái) hung hăng đâm tàu Việt Nam trên Hoàng Sa - vùng biển mà mọi chứng cứ lịch sử đều khẳng định thuộc chủ quyền của Việt Nam
Tại văn bản thứ nhất, Việt Nam cho rằng Trung Quốc đang làm gia tăng căng thẳng ở Biển Đông bằng các hành động vi phạm luật pháp quốc tế do hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương-981 trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam mà tại đó Việt Nam được hưởng các quyền của một quốc gia ven biển theo qui định của Công ước LHQ về Luật Biển năm 1982. Ngoài ra, để bảo vệ hoạt động bất hợp pháp của giàn khoan trên, Trung Quốc đã đưa hơn 100 tàu hộ tống, trong đó có tàu quân sự vào vùng biển của Việt Nam. Các tàu Hải cảnh của Trung Quốc liên tục chủ động đâm húc, bắn vòi rồng vào các tàu thực thi pháp luật của Việt Nam, thậm chí còn đâm chìm một tàu cá của ngư dân Việt Nam.
Văn bản trên cho biết tất cả các nỗ lực và thiện chí của Việt Nam để giải quyết tình hình căng thẳng thông qua đối thoại và các biện pháp hòa bình khác đã liên tục bị Trung Quốc khước từ.
Văn bản thứ hai đề cập tới chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa và hoàn toàn bác bỏ cả trên thực tế cũng như pháp lý yêu sách không có cơ sở pháp lý và lịch sử về chủ quyền của Trung Quốc đối với quần đảo Hoàng Sa (mà Trung Quốc gọi là Tây Sa) nêu trong văn bản của Đại biện Phái đoàn đại diện thường trực nước CHND Trung Hoa gửi Tổng thư ký LHQ ngày 22-5 và 9-6.
Trong văn bản thứ hai này, Bộ Ngoại giao nước ta đã chỉ rõ các tư liệu lịch sử không thống nhất với tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc đối với quần đảo Hoàng Sa; khẳng định những tài liệu Trung Quốc dẫn chiếu nhằm chứng minh cho cái gọi là "chủ quyền" của họ đối với quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam là không có nguồn gốc rõ ràng, không chính xác và được Trung Quốc diễn giải một cách tùy tiện. Các tài liệu này không chứng tỏ rằng Trung Quốc đã thiết lập chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa khi quần đảo còn là lãnh thổ vô chủ. Ngược lại, các ghi chép lịch sử cho thấy chủ quyền của Trung Quốc chưa bao giờ có quần đảo Hoàng Sa.
Trong khi đó, Việt Nam đã cung cấp công khai các tài liệu lịch sử xác thực cho thấy Việt Nam đã thiết lập chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa từ khi quần đảo là lãnh thổ vô chủ. Tài liệu cũng nêu rõ Trung Quốc đã sử dụng vũ lực hai lần xâm chiếm trái phép Hoàng Sa. Cu thê, năm 1956, lợi dụng lúc Pháp rút khỏi Việt Nam, Trung Quốc đã xâm chiếm nhóm đảo phía Đông của Hoàng Sa va bi chính quyền Việt Nam Cộng hòa phản đối mạnh mẽ. Sau đo, năm 1974, lợi dụng tình hình chiến tranh ở Việt Nam, Trung Quốc đã tấn công và giành quyền kiểm soát Hoàng Sa từ chính quyền Việt Nam Cộng hòa. Đây là lần đầu tiên Trung Quốc chiếm đóng bằng vũ lực toàn bộ quần đảo Hoàng Sa.
Từ góc độ luật pháp quốc tế, việc chiếm đóng bằng vũ lực lãnh thổ của một quốc gia có chủ quyền là hành vi bất hợp pháp và không thể là cơ sở cho đòi hỏi chủ quyền. Vì vậy, chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa vẫn được duy trì và không bị thay thế bởi sự chiếm đóng bằng vũ lực của Trung Quốc. Bị vong lục ngày 12-5-1988 của Trung Quốc - một văn bản chính thức của Bộ Ngoại giao Trung Quốc cũng khẳng định rõ một nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế là "xâm lược không thể sinh ra chủ quyền" đối với một vùng lãnh thổ. Không có quốc gia nào trên thế giới công nhận chủ quyền của Trung Quốc đối với quần đảo Hoàng Sa.
Văn bản thứ hai còn khẳng định Việt Nam chưa bao giờ công nhận chủ quyền của Trung Quốc đối với Hoàng Sa, vạch rõ việc Trung Quốc đã cố tình xuyên tạc lịch sử và diễn giải sai lịch sử khi viện dẫn Công thư của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng năm 1958 và một số tài liệu, ấn phẩm được xuất bản ở Việt Nam trước năm 1975 để củng cố yêu sách của Trung Quốc đối với quần đảo Hoàng Sa. Công thư của cố
Thủ tướng Phạm Văn Đồng hoàn toàn không nhắc gì đến chủ quyền của Trung Quốc đối với quần đảo Hoàng Sa hay Trường Sa.
Việt Nam yêu cầu Trung Quốc tôn trọng sự thật lịch sử đó và nghiêm túc đàm phán với Việt Nam về vấn đề quần đảo Hoàng Sa. Như vây, đây là lần thứ tư Việt Nam gửi thư đề nghị Tổng thư ký LHQ lưu hành các tài liệu của Việt Nam khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa và liên quan đến việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hai Dương-981 trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam.
Theo An Ninh Thu Đô
Đã có phương án đối phó với giàn khoan Nam Hải 9 Tối qua 19.6, thiếu tướng Nguyễn Quang Đạm, Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam, cho hay theo thông tin mà Cục Hải sự Trung Quốc công bố thì giàn khoan mới mà nước này đang kéo ra biển Đông sẽ hạ đặt tại thềm lục địa của Trung Quốc. Tọa độ dự kiến hạ đặt giàn khoan này là 17 độ 14,1...