Biển Đông chuyển động trái chiều
Trong khi các nhà lãnh đạo Chính phủ cùng quan chức và giới học giả về quốc phòng và an ninh khu vực đang tề tựu về Singapore tham dự Đối thoại Shangri-La 2013 nhằm tìm tiếng nói chung duy trì ổn định, an ninh thì cũng lại xuất hiện nhiều tàu chiến trên Biển Đông.
Tàu sân bay Nimitz với dãy máy bay chiến đấu khi thực hiện cuộc diễn tập trên Biển Đông
Tàu USS Blue Ridge, soái hạm của Hạm đội 7 Mỹ cùng tàu khu trục tên lửa USS Chung-Hoon ngày 29-5 đã cùng nhau tiến vào khu vực Biển Đông. Biên đội tàu chiến này của Mỹ tiến hành tuần tra các vùng biển thuộc Biển Đông như biển Philippines, biển Java và eo biển Malacca; đồng thời trao đổi hải quân và huấn luyện với hải quân Indonesia, Campuchia và các nước khác trong khu vực.
Với vai trò tàu chỉ huy của Hạm đội 7 hoạt động trên Thái Bình Dương, USS Blue Ridge hiện là tàu chỉ huy lớn nhất thế giới kể từ sau Chiến tranh Thế giới thứ hai của hải quân Mỹ và thế giới. Trong khi đó, tàu khu trục USS Chung-Hoon, thuộc lớp Arleigh Burke với hệ thống điều khiển tác chiến trên biển có trang bị tên lửa dẫn đường Aegis, là lớp tàu khu trục có sức mạnh nhất của hải quân Mỹ hiện nay.
Biên đội tàu chiến hùng mạnh của Mỹ bắt đầu tuần tra ở Biển Đông ngay sau khi biên đội tàu sân bay nguyên tử USS Nimitz, cũng thuộc Hạm đội 7, vừa kết thúc cuộc diễn tập cất cánh hạ cánh cho máy bay, diễn tập tiếp liệu và ngắm bắn trên khu vực Biển Đông. Biên đội tàu sân bay USS Nimitz đã diễn tập bảo vệ an ninh biển và phối hợp bảo vệ trước các đe dọa an ninh hàng hải từ ngày 21 đến 23-5 trên Biển Đông.
Tàu chiến Mỹ gia tăng tuần tra, diễn tập trên Biển Đông giữa lúc hải quân Trung Quốc cũng đang tăng cường các hoạt động và sự hiện diện trong khu vực biển chiến lược quan trọng này. Trong đó, rất đáng chú ý là cả 3 Hạm đội Bắc Hải, Hạm đội Đông Hải và Hạm đội Nam Hải của Trung Quốc đã tiến hành cuộc tập trận chung hiếm thấy trên Biển Đông.
Với sự tham gia của tàu chiến, tàu ngầm, máy bay chiến đấu… của cả 3 hạm đội, lực lượng hải quân Trung Quốc phân thành 2 nhóm xanh và đỏ, tiến hành chiến tranh giả định. Theo đó, đội không kích của nhóm xanh tổ chức bay gần mặt nước, tấn công vào những điểm trọng yếu của nhóm đỏ; nhóm đỏ sử dụng radar và binh lực đối kháng điện tử, tiến hành trinh sát và phản trinh sát, gây nhiễu và chống gây nhiễu, hướng dẫn đội cơ động trên biển tác chiến… chống trả vào các đảo và bãi đá để tiếp cận mục tiêu và phóng tên lửa đạn đạo và đánh chìm tàu của đội xanh.
Sự gia tăng hoạt động tàu chiến của hai cường quốc Mỹ và Trung Quốc ngay trước thềm Hội nghị Thượng đỉnh An ninh châu Á hay còn được gọi là Đối thoại Shangri-La, diễn ra từ 30-5 đến 2-6 tại Singapore, đã làm nóng bầu không khí của diễn đàn chuyên bàn về đối thoại, xây dựng lòng tin và thúc đẩy hợp tác an ninh khu vực. Ông Le Miere, một chuyên gia của Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS) có trụ sở tại London (Anh) cảnh báo, “Ngoại giao pháo hạm” đã được áp dụng để tạo sức mạnh răn đe ngay tại vùng biển quốc tế và đó là một diễn biến rất nguy hiểm.
Trong bối cảnh đó, Hội nghị Shangri-La 13, với sự tham gia của đại diện 31 quốc gia, trong đó có nhiều bộ trưởng quốc phòng cùng các quan chức an ninh, ngoại giao và học giả, được kỳ vọng sẽ giúp tăng cường đối thoại, giải quyết hoà bình các vấn đề nhằm đảm bảo hoà bình và ổn định khu vực.
Theo ANTD