Biển Đông: Chớ mắc mưu ‘cùng có lợi’
Quan điểm của TQ xưa nay luôn như thế. Đây là cái cách mà tôi tạm gọi là “mưu mô” của TQ, tức là biến vùng không tranh chấp trở thành vùng có tranh chấp.
LTS:Tuần Việt Nam giới thiệu phần 3 cuộc trò chuyện với TS. Ngô Hữu Phước, trưởng bộ môn Luật quốc tế, trường ĐH Luật TP.HCM.
Kiện thế nào, ở đâu?
Nếu chọn lựa đưa vụ việc ra tòa trọng tài quốc tế về luật biển, chúng ta cần phải có các bước đi như thế nào? Quy trình ra sao?
Ở thời điểm nay, ta phải cân nhắc, không nóng vội. Để mà đưa vụ này ra tòa trọng tài quốc tế, chúng ta cần chuẩn bị một bộ hồ sơ để chúng ta khởi kiện do Chính phủ hoặc Bộ Ngoại giao xây dựng một cách bài bản, chặt chẽ về cả chính trị, cả pháp lý, cả chứng cứ pháp lý, chứng cứ lịch sử gọi là Thông báo và tuyên bố khởi kiện. Sau đó, chúng ta gửi bộ hồ sơ này cho phía TQ. Nếu họ chấp nhận thì họ lại phải có những phản hồi theo quy trình của phụ lục số 7 của Công ước quốc tế về luật Biển 1982.
Bộ hồ sơ này chúng ta phải dày công nghiên cứu, chứ không phải chỉ đơn thuần hôm nay thích mai đi kiện. Đi kiện như thế tôi cho là không hiệu quả. Mà để đi kiện chúng ta phải có một đội ngũ cán bộ chuyên gia pháp lý nghiên cứu, am hiểu luật pháp quốc tế nói chung và luật biển quốc tế nói riêng và đặc biệt là phải nghiên cứu các qui định rất chi tiết ở trong công ước 1982 thì chúng ta mới có cơ sở vững chắc, có niềm tin rằng, chúng ta kiện chúng ta sẽ thắng.
Nhiều ý kiến cho rằng, nhân dịp này cũng nên đưa tranh chấp Hoàng Sa, Trường Sa, có nghĩa là tranh chấp về chủ quyền lãnh thổ để giải quyết theo Công ước 1982?
Tôi nhấn mạnh lần nữa, Công ước 1982 không phải là cơ sở pháp lý quốc tế để áp dụng ,mà giải quyết việc tranh chấp này mà Công ước 1982 chỉ giải quyết các tranh chấp phát sinh trong quá trình giải thích và thực hiện Công ước.
Ví dụ, TQ có một đường cơ sở như vậy nhưng TQ đã vạch đường cơ sở không đúng cho nên nó lấn sang biển thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của VN. Chúng ta kiện hành vi đó, bởi vì TQ đã giải thích và thực hiện Công ước không đúng.
Cụ thể, vụ giàn khoan. TQ nói rằng, họ đang đặt giàn khoan trong lãnh thổ của họ, trong vùng đặc quyền kinh tế của họ theo Công ước 1982 thì họ giải thích sai. Bởi vì, theo Công ước đó là vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của VN. Ta kiện họ ở điểm họ giải thích và vận dụng Công ước không đúng.
Còn tòa trọng tài quốc tế về luật Biển không có thẩm quyền giải quyết: lãnh thổ này là của ai, đảo này thuộc chủ quyền nước nào, quần đảo này thuộc chủ quyền nước nào mà tòa trọng tài chỉ có thẩm quyền trong việc giải thích và thực hiện Công ước trái Công ước.
Muốn lấy lại Hoàng Sa, VN kiện ở đâu?
Hiện nay chúng ta đi tìm một giải pháp để đòi lại chủ quyền của VN, lấy lại Hoàng Sa và một số đảo Trường Sa (trên thực tế đó vẫn là lãnh thổ muôn đời của VN nhưng bị TQ xâm chiếm trái phép từ năm 1974 và năm 1988). Là một dân tộc hòa bình, chúng ta không mang quân đi đánh lấy lại, vậy thì chúng ta tìm đến giải pháp pháp lý, chúng ta lại tính toán để khởi kiện.
Lúc này, cơ quan nên trao gửi niềm tin là cơ quan Tòa án công lý quốc tế. Bởi vì Tòa án này giải quyết mọi tranh chấp giữa các quốc gia. Điều này có nghĩa là chúng ta phải chấp nhận một xác xuất rủi ro như đã nói ở phần trên là nếu VN thắng kiện thì khó cưỡng chế TQ thực hiện, còn VN thua kiện thì đành phải chấp nhận!
Mặt khác, VN chúng ta muốn khởi kiện để đòi lại Hoàng Sa mà TQ đã xâm lược thì việc đầu tiên VN phải tuyên bố chấp nhận thẩm quyền giải quyết tranh chấp của Tòa án công lý quốc tế của LHQ cái đã. Tức là VN muốn kiện quốc gia nào ra Tòa án Công lý quốc tế thì VN phải chấp nhận Tòa án Công lý quốc tế, chứ VN không chấp nhận Tòa án mà lại yêu cầu Tòa án giải quyết thì Tòa án sẽ không giải quyết.
Và tôi nói luôn, từ trước đến nay chúng ta chưa một lần tuyên bố chấp nhận thẩm quyền của Tòa án công lý quốc tế để giải quyết tranh chấp mà VN là thành viên và từ trước tới nay VN cũng chưa ký, chưa gia nhập, chưa phê chuẩn một điều ước quốc tế nào có quy định rằng, nếu có tranh chấp thì giải quyết tranh chấp đó tại Tòa án Công lý quốc tế. Trên thực tế, khi phê chuẩn, gia nhập điều ước nào có quy định như vậy Việt Nam đều bảo lưu.
Video đang HOT
Đảo Sinh Tồn thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
TQ thường dùng “mưu mô”
Tức là cả 2 bên nguyên đơn và bị đơn đều phải chấp nhận tòa công lý quốc tế thì tòa này mới thụ lý và giải quyết?
Đúng vậy! Tranh chấp bùng phát rồi, trước đó các nước VN và TQ chưa có bất kỳ thỏa thuận nào về giải quyết tranh chấp tại Tòa án công lý quốc tế nay nếu muốn đưa các vụ tranh chấp ra giải quyết tại Tòa án công lý quốc tế thì các quốc gia phải ký kết một điều ước quốc tế có tên gọi là “thỏa thuận đồng thỉnh cầu” để yêu cầu Tòa giải quyết, lúc đó Tòa mới giải quyết.
Giải quyết tranh chấp trước Tòa án công lý quốc tế phải là một cơ chế đồng thuận, có nghĩa là bên đi kiện muốn giải quyết trước Tòa, bên bị kiện cũng muốn giải quyết trước Tòa thì Tòa mới thụ lý và giải quyết được. Do vậy, nếu chỉ một mình VN đi kiện mà Trung Quốc không đồng ý giải quyết tại Tòa án công lý quốc tế thì Tòa này không giải quyết được.
Những tranh chấp về lãnh thổ, biên giới trên biển giữa VN với TQ và các nước khác thì quan điểm của tôi là nên chọn Tòa công lý quốc tế mà giải quyết. Nhưng không dễ, bởi nó là một cơ chế giải quyết tranh chấp rất phức tạp, trong đó những quốc gia yếu thế, những quốc gia thiếu chứng cứ lịch sử như TQ thì họ không dại gì mà lại đi chấp nhận cơ chế này. Bởi vì, họ chắc rằng, nếu tham gia họ sẽ thua. Mà nếu TQ không chấp nhận thì Tòa không thể đơn phương giải quyết được. Đó là mấu chốt của vấn đề.
Trung Quốc thường hay dùng phương pháp lúc đầu đối đâu, sau lại chuyển sang đàm phán song phương? Mục đích của họ là gì, thưa ông?
Quan điểm của TQ xưa nay luôn như thế. Đây là cái cách mà tôi tạm gọi là “mưu mô” của TQ, tức là biến vùng không tranh chấp trở thành vùng có tranh chấp. Và khi tranh chấp thì họ to tiếng, họ sử dụng rất nhiều công cụ, phương tiện, biện pháp và rất nhiều mưu mô, để rồi họ “hạ nhiệt xuống” và khi họ hạ nhiệt, nếu mình không tỉnh táo, mình lại cho rằng, à TQ đã suy nghĩ lại rồi và họ đề nghị chúng ta đàm phán.
Tôi hoàn toàn thống nhất với một số học giả nói rằng, đừng bao giờ mắc lừa TQ cái việc này. Cái gì là của chúng ta thì bảo vệ trước sau như một là của chúng ta. Chúng ta không nhận cái đang là của chúng ta, thì họ vào họ giành, họ chiếm rồi sau đó khi chúng ta thực hiện hành vi bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của mình thì họ đề xuất đàm phán trên cơ sở “các bên cùng có lợi”. Nếu thế thì chúng ta đã mắc mưu thâm độc của TQ. Cái bổn soạn lại rất cũ, chúng ta phải sáng suốt nhận ra điều này.
Theo NTD
Trung Quốc phá vỡ thỏa thuận mà lãnh đạo 2 bên đã ký
H ành động của TQ đã phá vỡ hoàn toàn Thỏa thuận về nguyên tắc giải quyết các vấn đề trên biển giữa VN và TQ mà lãnh đạo cao cấp nhất của 2 bên đã ký năm 2011.
LTS: Trong cuộc trò chuyện với Tuần Việt Nam, TS. Ngô Hữu Phước, trưởng bộ môn Luật quốc tế, trường ĐH Luật TP.HCM khẳng định việc Trung Quốc (TQ) kéo giàn khoan Hải Dương 981 xâm lấn vùng biển của Việt Nam vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế. Việt Nam có thể kiện TQ ra tòa.
Những vi phạm rõ như ban ngày
Thưa tiến sĩ Phước, việc TQ kéo dàn khoan vào vùng biển của VN, lại còn dùng đội tàu khổng lồ bao vây, phun vòi rồng làm hư hỏng tàu của cảnh sát biển VN đang làm nhiệm vụ, làm bị thương người trên tàu nên được nhìn nhận thế nào?
Hành vi này của Trung Quốc đã vi phạm Công ước của Liên Hợp quốc về luật biển năm 1982 (Công ước 1982) và các nguyên tắc cơ bản của luật quốc tế điều chỉnh mối quan hệ hữu nghị giữa các quốc gia đã được quy định trong Hiến chương Liên Hợp quốc và pháp điển hóa trong Tuyên bố của Đại hội đồng Liên Hợp quốc ngày 24/10/1970.
Theo quy định của Công ước 1982, quốc gia ven biển có quyền thiết lập vùng đặc quyền kinh tế rộng không quá 200 hải lý tính từ đường cơ sở. Trong vùng biển này, quốc gia ven biển có các quyền thuộc chủ quyền về kinh tế như thăm dò, khai thác, bảo tồn và quản lý các tài nguyên thiên nhiên, sinh vật và không sinh vật ở vùng nước bên trên và đáy biển, lòng đất dưới đáy biển. Đồng thời, quốc gia ven biển có quyền tài phán (cho phép hoặc không cho phép, kiểm tra, giám sát, xử lý, xét xử) đối với các hoạt động lắp đặt các đảo và công trình thiết bị nhân tạo như cáp ngầm, ồng dẫn ngầm, nhà giàn, giàn khoan...; nghiên cứu khoa học về biển và bảo vệ, giữ gìn môi trường biển trong vùng đặc quyền kinh tế của mình.
Để thực hiện quyền chủ quyền và quyền tài phán của quốc gia trong vùng đặc quyền kinh tế của mình, Công ước cho phép các quốc gia ven biển "Thi hành mọi biện pháp cần thiết, kể cả khám xét, kiểm tra, bắt giữ và khởi tố tư pháp để đảm bảo việc tôn trọng các luật và quy định mà quốc gia đã ban hành theo đúng Công ước (điều 73).
Đối với đáy biển và lòng đất dưới đáy biển, Công ước cho phép quốc gia ven biển thiết lập một vùng thềm lục địa có chiều rộng tính từ đường cơ sở đến rìa lụa địa hẹp nhất là 200 hải lý và rộng nhất là 350 hải lý hoặc cách đường đẳng sâu 2.500m (là đường có độ sâu trung bình 2.500m) không quá 100 hải lý. Mọi tài nguyên thiên nhiên có trong thềm lục địa được coi là "tài sản" của quốc gia ven biển.
Đây là quyền có tính chất đặc quyền, nghĩa là nếu quốc gia ven biển không thăm dò, không khai thác thì không ai có quyền khai thác khi không có sự đồng ý, thỏa thuận của quốc gia đó (điều 77). Đồng thời, quốc gia ven biển có quyền tài phán đối với các lĩnh vực lắp đặt, sử dụng các đảo, công trình, thiết bị nhân tạo; khoan, thăm dò; nghiên cứu khoa học về biển; giữ gìn và bảo vệ môi trường biển trong thềm lục địa của mình.
Tuy nhiên, khi các cơ quan thực thi luật pháp của VN yêu cầu phía TQ chấm dứt việc hạ đặt bất hợp pháp giàn khoan Hải Dương 981 thì TQ đã huy động hơn 80 tàu, kể cả tàu quân sự và máy bay để yểm trợ và uy hiếp, tấn công tàu cảnh sát biển và kiểm ngư của VN, làm thiệt hại nặng nề tàu, tài sản và làm 9 kiểm ngư viên của VN bị thương.
Đây là hành động vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế nói chung, Hiến chương LHQ, Công ước 1982 và các nguyên tắc cơ bản của Luật quốc tế, đặc biệt là nguyên tắc bình đẳng chủ quyền giữa các quốc gia; nguyên tắc cấm sử dụng và đe dọa sử dụng vũ lực; nguyên tắc hòa bình giải quyết các tranh chấp quốc tế; nguyên tắc các quốc gia có nghĩa vụ hợp tác với nhau; nguyên tắc quyền dân tộc tự quyết và nguyên tắc tận tâm thực hiện các cam kết quốc tế- Pacta Sunt servanda mà lẽ ra TQ, với tư cách và trọng trách của quốc gia thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an LHQ, có vai trò quan trọng trong việc xây dựng, bảo vệ luật pháp quốc tế, và là một cường quốc về kinh tế, quân sự và văn hóa (trong đó có văn hóa pháp lý) TQ phải gương mẫu và tuân thủ.
Tham chiếu pháp luật Việt Nam thì Trung Quốc đã vi phạm những gì?
Việc đặt giàn khoan trong vùng biển của VN đã vi phạm nghiêm trọng pháp luật của VN, đặc biển là Luật biển 2012. Luật này được ban hành trên cơ sở kế thừa các văn bản pháp luật về biển mà nước ta đã ban hành trước đó như Tuyên bố của Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam về các vùng biển của Việt Nam ngày 12/5/1977; Tuyên bố của Chính phủ nước CHXHCNVN về đường cơ sở của Việt Nam ngày 12/11/1982, Luật Biên giới quốc gia năm 2003 và các văn bản quy phạm pháp luật khác.
Đây là đạo luật có giá trị pháp lý cao nhất về biển của Việt Nam, là cơ sở pháp lý quốc gia quan trọng nhất để Nhà nước và mọi cơ quan, tổ chức, công dân VN quản lý, khai thác và bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của VN trên các vùng biển là nội thủy, lãnh hải, tiếp giáp lãnh hải, đặc quyền KT và thềm lục địa của VN.
Về nội dung, Luật biển Việt Nam năm 2012 hoàn toàn phù hợp với Công ước 1982. Theo đạo luật này, Việt Nam có hai vùng biển Nội thủy và Lãnh hải là lãnh thổ trên biển của Việt Nam. Nội thủy là vùng biển có chiều rộng từ bờ biển đến đường cơ sở dùng để tính chiều rộng của lãnh hải Việt Nam. Lãnh hải là vùng biển rộng 12 hải lý tính từ đường cơ sở. Đồng thời, Việt Nam có 03 vùng biển thuộc quyền chủ quyền và quyền tài phán đó là vùng tiếp giáp lãnh hải; vùng đặc quyền kinh tế và thêm lục địa.
Trong đó, vùng tiếp giáp lãnh hải có chiều rộng hợp với lãnh hải bằng 24 hải lý; vùng đặc quyền kinh tế có chiều rộng hợp với lãnh hải bằng 200 hải lý và thềm lục địa là đáy biển và lòng đất dưới đáy biển nằm ngoài lãnh hải có chiều rộng được xác định, trong trường hợp mép ngoài của rìa lục địa cách đường cơ sở chưa đủ 200 hải lý thì thềm lục địa nơi đó được kéo dài đến 200 hải lý tính từ đường cơ sở.
Trong trường hợp mép ngoài của rìa lục địa vượt quá 200 hải lý tính từ đường cơ sở thì thềm lục địa nơi đó được kéo dài không quá 350 hải lý tính từ đường cơ sở hoặc không quá 100 hải lý tính từ đường đẳng sâu 2.500m (đường nối các điểm có độ sâu trung bình là 2.500m).
Tàu TQ đâm tàu VN tại khu vực đặt giàn khoan trái phép.
Phá vỡ những thỏa thuận
Những hành động của TQ khiến dư luận có cảm tưởng như họ đã "quên" mất trách nhiệm của mình với những tuyên bố, cam kết đã ký. Có lẽ chúng ta cũng cần nhắc lại những gì TQ đã tuyên bố và cam kết với ASEAN và VN?
Về phương diện chính trị và ngoại giao quốc tế, hành vi của TQ đã vi phạm nghiêm trọng Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC) mà TQ và các nước Asean đã thỏa thuận năm 2002 tại Phnompênh, Campuchia và vi phạm Thỏa thuận về những nguyên tắc chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển giữa VN và TQ do lãnh đạo 2 nước đã ký năm 2011.
Có thể nêu ra đây một số nội dung mà TQ và Asean đã thỏa thuận ký kết trong DOC:
Điều 1: Các bên tái khẳng định cam kết của mình đối với các mục tiêu và các nguyên tắc của Hiến chương LHQ, Công ước của LHQ về Luật biển năm 1982 (UNCLOS), Hiệp ước hữu nghị và Hợp tác khu vực Đông Nam á (TAC), Năm nguyên tắc cùng tồn tại hòa bình (của TQ) và những nguyên tắc được thừa nhận phổ biến khác của luật pháp quốc tế được coi là quy tắc căn bản điều chỉnh mối quan hệ giửa Nhà nước và Nhà nước ...
TS. Ngô Hữu Phước.
Điều 2: Các bên cam kết tìm kiếm những cách thức xây dựng lòng tin và sự tín nhiệm lẫn nhau, hài hòa với những nguyên tắc nêu trên và trên tinh thần bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau.
Điều 3: Các bên tái khẳng định sự tôn trọng và cam kết của mình với quyền tự do hoạt động hàng hải và bay trên vùng trời biển Đông như đã được minh thị bởi các nguyên tắc đã được thừa nhận phổ biến trong luật pháp quốc tế, kể cả công ước LHQ về Luật biển năm 1982
Điều 4: Các bên liên quan chịu trách nhiệm giải quyết các tranh chấp về lãnh thổ và về quyền thực thi luật pháp bằng các phương tiện hòa bình mà không viện đến sự đe dọa hoặc sử dụng vũ lực, thông qua các cuộc tham vấn thân thiện và những cuộc đàm phán bởi các quốc gia có chủ quyền có liên quan trực tiếp, phù hợp với những nguyên tắc được thừa nhận phổ quát của luật pháp quốc tế, kể cả Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển năm 1982
Điều 5: Các bên chịu trách nhiệm thực hiện sự tự kiềm chế trong việc thi hành các hoạt động có thể gây phức tạp hoặc leo thang tranh chấp, ảnh hưởng tới hòa bình và sự ổn định....
Điều 6: Trong khi chờ đợi một sự dàn xếp tòan diện và bền vững những tranh chấp, các bên liên quan có thể tìm kiếm hoặc tiến hành các hoạt động hợp tác....
Điều 7: Các bên liên quan sẵn sàng tiếp tục các cuộc đối thoại và tham vấn về những vấn đề liên quan, thông qua các thể thức được các bên đồng ý, kể cả các cuộc tham vấn thường xuyên theo quy định của Tuyên bố này, vì mục tiêu khuyến khích sự minh bạch và láng giềng tốt, thiếp lập sự hợp tác và hiểu biết lẫn nhau một cách hài hòa, và tạo điều kiện thuận lợi cho một giải pháp hòa bình và tranh chấp giữa các bên.
Điều 8: Các bên có trách nhiệm tôn trọng những điều khoản của Tuyên bố này và hành động phù hợp với sự tôn trọng đó.
Điều 9: Các bên khuyến khích các nước khác tôn trọng các nguyên tắc bao hàm trong Tuyên bố này.
Điều 10: Các bên liên quan khẳng định rằng việc tiếp thu một bộ quy tắc về ứng xử trên Biển Nam Trung Hoa sẽ thúc đẩy mạnh mẽ hơn hòa bình và ổn định trong khu vực và nhất trí làm việc trên căn bản đồng thuận để tiến tới hoàn thành mục tiêu này.
Đặc biệt, với VN, hành động của TQ đã phá vỡ hoàn toàn Thỏa thuận về nguyên tắc giải quyết các vấn đề trên biển giữa VN và TQ mà lãnh đạo cao cấp nhất của 2 bên đã ký năm 2011.
Theo đó, lãnh đạo hai nước đã đặc biệt nhấn mạnh, lấy đại cục quan hệ hai nước làm trọng, xuất phát từ tầm cao chiến lược và toàn cục, dưới sự chỉ đạo của phương châm "Láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai" và tinh thần " Láng giềng tốt, bạn bè tốt, đồng chí tốt, đối tác tốt".
Kiên trì thông qua hiệp thương hữu nghị, xử lý và giải quyết thỏa đáng các vấn đề trên biển, làm cho biển Đông trở thành vùng biển hòa bình, hữu nghị, hợp tác, đóng góp vào việc phát triển quan hệ đối tác chiến lược toàn diện VN - TQ, góp phần duy trì hòa bình và ổn định khu vực; trên tinh thần tôn trọng đầy đủ chứng cứ pháp lý và xem xét các yếu tố liên quan khác như lịch sử..., đồng thời chiếu cố đến quan ngại hợp lý của nhau, với thái độ xây dựng, cố gắng mở rộng nhận thức chung, thu hẹp bất đồng, không ngừng thúc đẩy tiến trình đàm phán.
Căn cứ chế độ pháp lý và nguyên tắc được xác định bởi luật pháp quốc tế trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, nỗ lực tìm kiếm giải pháp cơ bản và lâu dài mà hai bên đều có thể chấp nhận được cho các vấn đề tranh chấp trên Biển; Trong tiến trình đàm phán vấn đề trên biển, hai bên nghiêm chỉnh tuân thủ thỏa thuận và nhận thức chung mà Lãnh đạo cấp cao hai nước đã đạt được, thực hiện nghiêm túc nguyên tắc và tinh thần của "Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông" (DOC); Đối với tranh chấp trên biển giữa Việt Nam-Trung Quốc, hai bên giải quyết thông qua đàm phán và hiệp thương hữu nghị. Nếu tranh chấp liên quan đến các nước khác, thì sẽ hiệp thương với các bên tranh chấp khác; 4. Trong tiến trình tìm kiếm giải pháp cơ bản và lâu dài cho vấn đề trên biển, trên tinh thần tôn trọng lẫn nhau, đối xử bình đẳng, cùng có lợi...
Theo ANTD
Chân mình còn... Ở đâu, ở đất nước nào cũng có người tốt, kẻ xấu. Ở đâu, đất nước nào cũng có pháp luật và pháp luật phải được thượng tôn - Quốc tế cũng có luật pháp mà các nước tham gia ký kết các văn bản luật pháp quốc tế - mặc nhiên phải tuân thủ. Tất nhiên trong đời sống xã hội, nhiều...