Biển Đông: ASEAN không thể cứ “cò cưa” mãi với Trung Quốc được
Theo chuyên gia Bonnie Glaser thuộc viện nghiên cứu chiến lược CSIS, nếu Trung Quốc tiếp tục cố ý trì hoãn, ASEAN cần chủ động tự thiết lập Bộ Quy tắc Ứng xử (CoC) trên Biển Đông.
Biển Đông: ASEAN không thể cứ “cò cưa” mãi với Trung Quốc được
Ngưng cải tạo, nhưng vẫn quân sự hóa
Tại hội nghị khu vực diễn ra tại Kuala Lumpur tuần trước, Trung Quốc đã nhiều lần đề cập đến cái gọi là “mục đích hòa bình” của mình để trấn an các quốc gia trong khu vực, qua đó đánh lạc hướng dư luận khỏi những hành vi gây bất ổn của Bắc Kinh trên Biển Đông.
Trả lời phỏng vấn báo chí trong khuôn khổ hội nghị, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị cho biết Bắc Kinh đã chấm dứt các hoạt động xây đảo nhân tạo (phi pháp – PV).
“Trung Quốc đã ngưng các hoạt động này. Các ông có thể bay qua để kiểm chứng” – ông Vương phát biểu.
Tuy nhiên, trong bài phân tích đăng trên website của viện nghiên cứu CSIS được tạp chí National Interest dẫn lại, bà Glaser chỉ ra rằng, phát biểu của Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc đã lờ đi hoàn toàn các hoạt động quân sự hóa đảo đá phi pháp của Bắc Kinh.
Theo chuyên gia này, một đường băng dài 3 km đã gần hoàn thiện trên Đá Chữ Thập (chủ quyền Việt Nam, Trung Quốc chiếm đóng trái phép). Ngoài ra, theo Tư lệnh Bộ Chỉ huy Thái Bình Dương Mỹ Harry Harris, Bắc Kinh cũng đang xây hangar phục vụ máy bay chiến thuật.
Nhìn vào những bức ảnh vệ tinh gần đây, có thể thấy các trạm radar, doanh trại quân đội, sân bay trực thăng, và đài quan sát cũng đã và đang xuất hiện ngày một nhiều trên các đảo đá Trung Quốc chiếm đóng trái phép.
Trung Quốc đã cảm nhận được áp lực, nhưng chưa đủ
Video đang HOT
Theo bà Glaser, phát biểu mang tính trấn an của ông Vương Nghị đã được tính toán trước về mặt thời điểm, tại hội nghị với sự có mặt của cả ASEAN và Mỹ, trong bối cảnh Trung Quốc đang chịu áp lực phải kiềm chế và tham gia vào đối thoại giảm thiểu căng thẳng trên Biển Đông.
Trước đó, tại Đối thoại Shangri-La hồi tháng 6, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter đã kêu gọi các bên liên quan lập tức chấm dứt cải tạo và quân sự hóa các khu vực tranh chấp.
Tổng thư kí ASEAN Lê Lương Minh
Bắc Kinh đã phá hỏng sự tin cậy lẫn nhau giữa các quốc gia ASEAN và Trung Quốc với các hành vi cải tạo và áp đặt lệnh cấm đánh bắt cá phi pháp trên Biển Đông. Bắc Kinh cần sớm tham gia vào “một giai đoạn thương nghị thiết thực” với ASEAN để giảm thiểu căng thẳng đang leo thang, cũng như giúp Trung Quốc giành lại niềm tin của các nước trong khu vực.
Cảm nhận được mối quan ngại ngày càng gia tăng của các nước trong khu vực về các hoạt động bồi đắp, xây dựng đảo nhân tạo trái phép trên Biển Đông, Trung Quốc đã ra tín hiệu sẵn sàng hợp tác qua việc thiết lập đường dây nóng giữa Bộ Ngoại giao các nước.
Tuy nhiên, bà Glaser hoài nghi về hiệu quả thực sự của đường dây nóng, khi mà những tác nhân nhiều khả năng gây xung đột nhất trên biển là lực lượng cảnh sát biển, hải quân và dân quân biển lại không thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ Ngoại giao.
Ngoài ra, theo bà, Bộ Ngoại giao không thực sự có tiếng nói đáng kể trong giới cầm quyền Trung Quốc, và hiếm khi được độc lập phụ trách xử lý khủng hoảng.
Bà Glaser nhận định, thay vì một đường dây nóng nhiều khả năng sẽ không đem lại hiệu quả, Trung Quốc và ASEAN nên tập trung đẩy mạnh mục tiêu thiết thực và lâu dài hơn, đó là thiết lập Bộ Quy tắc Ứng xử Biển Đông (CoC).
Trong cuộc hội đàm giữa Trung Quốc và ASEAN tuần trước, Bắc Kinh đã cam kết sẽ một lần nữa đẩy nhanh tiến độ tham vấn CoC.
Nhưng theo bà Glaser, thực tế Trung Quốc sẽ không làm gì cả, ít nhất là cho đến khi nước này đã hoàn tất kế hoạch ngắn hạn của mình, bao gồm đơn phương áp đặt Vùng Nhận diện Phòng không (ADIZ) ở Biển Đông và xây dựng cơ sở hạ tầng để đưa nó vào hiệu lực.
Chuyên gia này cũng cho rằng, áp lực mà các nước đang tạo ra cho Bắc Kinh tuy có tác dụng nhưng vẫn chưa đủ để thay đổi tham vọng của Bắc Kinh, đó là ép các nước ASEAN phải tuân theo các “lợi ích quốc gia” ngang ngược và phi lý của Trung Quốc trên Biển Đông.
Do đó, bà Glaser cho rằng vẫn cần những động thái nỗ lực hơn nữa từ phía ASEAN để thuyết phục Bắc Kinh chấp nhận một giải pháp giải quyết tranh chấp hòa bình và tôn trọng lợi ích của tất cả các bên liên quan, dù là nước lớn hay nhỏ, quân đội mạnh hay yếu.
Để làm được điều đó, bà kêu gọi ASEAN đưa ra “tối hậu thư” với Trung Quốc, rằng các bên phải đạt được thỏa thuận thiết lập CoC vào cuối 2015, với những điều khoản giảm thiểu rủi ro và giải quyết tranh chấp trong hòa bình.
Còn nếu Trung Quốc vẫn ngang ngược không theo số đông, ASEAN cần đơn phương áp đặt Bộ Quy tắc Ứng xử này, thay vì tiếp tục chần chừ, vì như vậy chẳng khác nào “vẽ đường” cho Trung Quốc tiếp tục đẩy mạnh những hành vi bành trướng như hiện nay.
Nói tóm lại, ASEAN cần nhận ra rằng chủ động vẫn hơn, vì “cò cưa” với Trung Quốc chưa, và sẽ không bao giờ là thượng sách.
Theo Đại Lộ
Dân quân biển: Công cụ giúp Trung Quốc "viết lại" luật hàng hải
Sự ra đời của lực lượng dân quân biển Trung Quốc đang khiến ranh giới phân biệt giữa tàu cá dân sự và tàu cá hỗ trợ hải quân trở nên ngày càng mập mờ cũng như thách thức quy tắc luật biển hiện hành.
Chính quyền Trung Quốc đang cho xây dựng mạng lưới "dân quân biển" hoạt động như một lực lượng bán quân sự trong cả thời bình và thời chiến. Dân quân biển Trung Quốc được xem là một trong những lực lượng lợi hại thay thế Hải quân nước này đi xâm chiếm, kiểm soát mọi hoạt động hàng hải trên Biển Đông và thách thức các quy định pháp lý, chính trị hiện thời.
Chia sẻ trên tạp chí The Diplomat, Giáo sư James Kraska tại Trung tâm Nghiên cứu Luật Quốc tế Stockton thuộc Đại học Hải chiến Mỹ nhận định lực lượng dân quân biển Trung Quốc đã xóa bỏ ranh giới phân biệt giữa tàu chiến và tàu dân sự trong luật hải chiến. Điều luật này quy định bảo vệ hoạt động của tàu cá ven biển khỏi việc bị bắt giữ hoặc tấn công trong các cuộc xung đột quân sự. Trong khi đó, các tàu chiến còn có thể tiếp cận tàu dân sự nếu nghi ngờ những tàu này hỗ trợ cho đối phương.
Tàu cá Trung Quốc hoạt động trên Biển Đông.
Tuy nhiên, sự ra đời của lực lượng dân quân biển Trung Quốc khiến việc nhận biết phân biệt giữa các tàu cá dân sự và tàu làm nhiệm vụ hỗ trợ cho Hải quân Trung Quốc càng trở nên khó khăn hơn. Và nếu không may xảy ra xung đột, dù dân quân biển Trung Quốc có đóng vai trò quyết định trong chiến đấu hay không, thì sự hiện diện của lực lượng này vẫn gây ra những tranh cãi về tính pháp lý.
Trước đó, hồi tháng 1/1990, Tòa án tối cao Mỹ đã ra phán quyết liên quan tới việc sử dụng tàu cá trong xung đột vũ trang. Cụ thể, sau khi Hải quân Mỹ bắt giữ hai tàu cá của Cuba là Paquete Habana và Lola trong giai đoạn chiến tranh Mỹ - Tây Ban Nha, Tòa án Tối cao Mỹ đã ra lệnh thả các tàu trên.
Theo Giáo sư Kraska, việc sử dụng các tàu cá như là công cụ hỗ trợ cho hải quân đã vi phạm quy tắc phân biệt, một yếu tố chủ chốt trong luật pháp nhân đạo quốc tế (IHL). Theo đó, người dân và các vật thể dân sự cần được bảo vệ khỏi những cuộc tấn công vũ trang. Mục đích của quy tắc này là bảo vệ người dân và cải thiện những tác động chiến tranh ảnh hưởng tới họ. Song, lực lượng dân quân biển Trung Quốc lại đang làm mập mờ ranh giới phân biệt giữa tàu cá và tàu hỗ trợ hải quân.
Với 200.000 tàu thuyền, Trung Quốc đang vận hành hạm đội tàu cá lớn nhất thế giới. Ngành ngư nghiệp nước này cũng đã tạo công ăn việc làm cho 14 triệu người, chiếm 25% tổng số ngư dân trên thế giới. Thậm chí, các tập đoàn ngư nghiệp lớn của Trung Quốc còn phối hợp với lực lượng vũ trang để hiện thực hóa âm mưu thôn tính khu vực Biển Đông và biển Hoa Đông mà chính phủ Bắc Kinh đặt ra. Điển hình, dân quân biển Trung Quốc từng sử dụng tàu cá dân sự trá hình để tiến hành "đổ bộ xâm chiếm" quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam hồi năm 1974 và ngăn cản hoạt động tự do hàng hải của tàu nghiên cứu thuộc quân đội Mỹ.
Thậm chí, dân quân biển Trung Quốc còn là lực lượng hỗ trợ hậu cần đắc lực cho các tàu chiến. Điển hình, hồi tháng 5/2008, các tàu cá dân quân biển đã vận chuyển đạn dược và nhiên liệu cho 2 tàu chiến Trung Quốc hoạt động gần tỉnh Chiết Giang.
Đáng nói, ngư dân Trung Quốc còn gia nhập các tổ chức hợp tác xã hoặc công ty tư nhân và được đào tạo kiến thức cơ bản về chương trình huấn luyện quân sự, giáo dục chính trị để triển khai cũng như thúc đẩy lợi ích quốc gia trên nhiều vùng biển chiến lược. Theo đó, đội tàu cá của dân quân biển được trang bị các thiết bị điện tử hiện đại như hệ thống thông tin liên lạc và radar, nhằm tăng khả năng tương tác với Hải quân Trung Quốc và các ban ngành khác như lực lượng Bảo vệ bờ biển. Nhiều tàu thuyền còn được lắp đặt hệ thống định vị vệ tinh, để theo dõi vị trí của các tàu đối phương cũng như thu thập và tổng hợp thông tin tình báo hàng hải.
Việc dân quân biển Trung Quốc đảm nhận nhiệm vụ hỗ trợ đội tàu cá dân sự, có thể khiến các tàu cá trở thành mục tiêu hợp pháp bị tấn công trong trường hợp xảy ra xung đột. Điều này sẽ gây ra những hậu quả khủng khiếp cho ngư dân chính thống của Trung Quốc cũng như các nước láng giềng. Đây cũng chính là ví dụ điển hình trong "cuộc chiến pháp lý" của Trung Quốc, nhằm xuyên tạc những khái niệm luật pháp hiện thời để chống lại sự phản đối của các nước láng giềng. Thậm chí, dân quân biển Trung Quốc còn đang làm thay đổi các quy định hiện hành và đặt tính mạng của người dân vốn được luật pháp bảo vệ vào vòng nguy hiểm.
Chính sự lươn lẹo của Bắc Kinh đã tạo ra áp lực không nhỏ cho Mỹ và các quốc gia đồng minh. Ngay cả việc phân biệt giữa các tàu cá chính thống và tàu cá của dân quân biển làm nhiệm vụ hỗ trợ cho Hải quân Trung Quốc, dường như là không thể. Bởi Bắc Kinh đang sở hữu số lượng tàu thuyền quá lớn, hoạt động khắp các vùng biển.
Ông Kraska nhấn mạnh bất cứ tàu cá nào của lực lượng dân quân biển bị phá hủy trong cuộc chiến hải quân, chính quyền Trung Quốc sẽ coi đây là cái cớ để gây sức ép chính trị và ngoại giao đối với các nước.
Ngoài ra, hoạt động của dân quân biển Trung Quốc đang đặt ra những thách thức lớn, buộc Mỹ và các quốc gia đồng minh phải tăng cường lực lượng bao gồm tàu chiến, tàu ngầm, máy bay không người lái. Song, Giáo sư Kraska nhận định trong bối cảnh Bắc Kinh tăng cường tích hợp hoạt động của dân quân biển vào cấu trúc của lực lượng Hải quân Trung Quốc, ranh giới phân biệt giữa tàu cá dân sự và tàu quân sự lại càng trở nên mập mờ.
Nội dung được thực hiện qua tham khảo nguồn tin The Diplomat, một tạp chí có trụ sở ở Tokyo, chuyên về chính trị, văn hóa và xã hội tại khu vực Châu Á-Thái Bình Dương.
Theo Infonet
Vô hiệu hóa các lệnh cấm của Trung Quốc ở Biển Đông Trong số các bên tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông, Trung Quốc là bên duy nhất ra các lệnh cấm đánh bắt cá ở Biển Đông. Xuyên suốt thời gian bắt đầu có tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông cho đến nay, Trung Quốc luôn tìm mọi thủ đoạn chấp pháp để chứng minh nước này đang kiểm soát trên thực...