Biến đổi khí hậu “đe dọa” đồng bằng sông Cửu Long
“Đến năm 2050, mực nước biển tại ĐBSCL dâng lên khoảng 30cm; đến năm 2100 dâng lên khoảng 75cm; nếu nước biển dâng 100cm sẽ đe doạ 38,9% diện tích ĐBSCL”. Đó là cảnh báo của các chuyên gia tại Hội nghị về Thích ứng với biến đổi khí hậu (BĐKH), quản lý tổng hợp tài nguyên nước vùng ĐBSCL diễn ra tại Cà Mau ngày 26.9.
Thay đổi tư duy phát triển
Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ TNMT Trần Hồng Hà thông tin: Những vấn đề hiện hữu theo kịch bản BĐKH đặt ra với Cà Mau nói riêng và khu vực ĐBSCL nói chung đang gặp phải là bờ biển bị xâm thực, mặn hóa ngày càng xâm nhập sâu… Bên cạnh đó, việc tăng cường các hoạt động khai thác tài nguyên nước trên thượng nguồn, nhất là hoạt động khai thác thủy điện trên dòng chính sông Mekong đã làm ảnh hưởng đến dòng chảy, làm chuyển nước sang lưu vực sông khác, làm trầm trọng thêm nguy cơ cạn kiệt nguồn nước.
Nhiều diện tích lúa của người dân huyện Long Phú, Sóc Trăng bị ảnh hưởng do thiếu nước trong đợt hạn mặn vừa qua. Ảnh: C.L
“Trước tác động của hôm nay, ĐBSCL không còn là miền đất trù phú mang lại sinh kế lâu dài, thuận lợi cho người dân như bao đời. Vì vậy, chúng ta cần thay đổi tư duy phát triển, không thể dựa vào sự ưu đãi của thiên nhiên ban tặng mà cần dựa vào trí tuệ, tri thức và công nghệ để phát triển bền vững. Biến thách thức do BĐKH thành lợi thế để ĐBSCL phát triển lâu dài” – Bộ trưởng Trần Hồng Hà nhấn mạnh.
Ngoài ra, tại hội nghị, nhiều nhà nghiên cứu cho rằng, cần có những kiến nghị cụ thể về các mô hình thích ứng hiệu quả và sinh kế bền vững, chống chịu với BĐKH; ĐBSCL phải thay đổi phương thức sản xuất, cần lựa chọn mô hình phát triển thay thế quy trình sản xuất cũ bằng mô hình sản xuất mới, đặc biệt là phát triển các mô hình kinh tế dựa trên nước mặn, nước lợ và nước ngọt…
Video đang HOT
Bình tĩnh, thích ứng với BĐKH
“Trước hết phải xem nước sông MeKong là tài sản chung của các quốc gia trong lưu vực; nước ngọt không còn là của “trời cho” và những tình huống cực đoan sẽ xảy ra nhiều hơn trong tương lai. Mô hình phát triển ở ĐBSCL, phải chuyển từ chiều rộng, vắt kiệt tài nguyên sang chiều sâu, hàm lượng khoa học công nghệ tăng trong giá trị sản phẩm; từ số lượng sang chất lượng. Bên cạnh đó, mô hình phải sát với điều kiện sinh thái của 3 tiểu vùng; tổ chức lại cuộc sống, sản xuất trong vùng ngập và mặn; bám trụ sống và sản xuất trong hoàn cảnh mới” – GS Nguyễn Ngọc Trân – nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học và Kỹ thuật Nhà nước nêu quan điểm
Ông Lê Văn Sử – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau, đề xuất: Cần rà soát, điều chỉnh quy hoạch sản xuất phù hợp với điều kiện sản xuất từng vùng, tiểu vùng, có tính tới tác động của BĐKH. Từ đó quy hoạch lại hệ thống thủy lợi theo hệ sinh thái ngọt; quy hoạch xây dựng các hồ chứa nước ngọt tại chỗ, quy hoạch đưa nước ngọt sông Hậu về bán đảo Cà Mau và khai thác, sử dụng tiết kiệm, có hiệu quả nguồn nước ngầm; quy hoạch hệ thống đê sông, đê biển ngăn triều cường, nước biển dâng; nghiên cứu và phát triển thực hiện các giải pháp chống sụp, lún đất cho vùng ĐBSCL… để thích ứng với BĐKH.
Tại hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ nhấn mạnh: “Cập nhật kịch bản BĐKH là quan trọng, có thể cập nhật tới cấp huyện và tích hợp các quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội 5 năm và hàng năm. Đối với các giải pháp công trình thì có loại không thể không làm như cống kiểm soát mặn và trữ ngọt Cái Lớn – Cái Bé vì liên quan tới kiểm soát, bảo đảm trữ ngọt cho cả Cà Mau, Hậu Giang, Kiên Giang; thứ hai là công trình cần thiết phải làm, kể cả công trình nhỏ như đập mùa vụ ở Hậu Giang rất linh hoạt hiệu quả. Nhưng các giải pháp công trình này cũng phải nghiên cứu để hạn chế thấp nhất tới sinh thái và văn hóa của vùng”.
“Bên cạnh thách thức thì vẫn có cơ hội để phát triển. Do đó nhận thức của chúng ta phải bình tĩnh, không hoang mang; tự tin trong truyền thống thích ứng với tự nhiên của người dân, có sự quan tâm của cả nước và giúp đỡ của quốc tế. Nhưng tuyệt đối không chủ quan và tính tới cả tình huống xấu nhất. Các giải pháp phải đồng bộ, có sự vào cuộc hệ thống chính trị, phát huy vai trò của T.Ư, địa phương và cộng đồng dân cư” – Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ chỉ đạo.
Theo Danviet
Kinh tế vườn - lợi lớn nhưng chưa khai thác tốt
Đó là ý kiến của nhiều đại biểu tại Diễn đàn Khuyến nông @ nông nghiệp chủ đề "Giải pháp phát triển kinh tế vườn theo hướng bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu (BĐKH) vùng duyên hải miền Trung", do Trung tâm Khuyến nông quốc gia tổ chức tại TP.Huế ngày 9.9.
Nhiều mô hình hiệu quả
Tại diễn đàn, nhiều mô hình kinh tế vườn thích ứng với BĐKH cho thu nhập cao tại các tỉnh vùng duyên hải miền Trung được giới thiệu. Nghệ An có mô hình tưới tiết kiệm bằng phun mưa tại gốc và tưới nhỏ giọt cho vườn cam tại huyện Quỳ Hợp, vườn rau tập trung tại huyện Quỳnh Lưu và các vườn ươm giống cây lâm nghiệp tại các huyện Thanh Chương, Tân Kỳ.
So với kỹ thuật tưới truyền thống, việc áp dụng mô hình này giúp tiết kiệm từ 17-50% lượng nước tưới, 7- 40% phân bón; giảm công chăm sóc và vận hành trên 50%, qua đó năng suất cây trồng và thu nhập của người nông dân cao gấp nhiều lần.
Đại biểu dự diễn đàn tham quan mô hình vườn thanh trà tại phường Thủy Biều, TP.Huế. An Sơn.
Tại Hà Tĩnh, cũng có nhiều mô hình kinh tế vườn thích ứng với BĐKH cho hiệu quả cao. Điển hình là mô hình thâm canh cam, chanh ở xóm Thanh Bình (xã Đức Lĩnh, huyện Vũ Quang) sử dụng hệ thống tưới nhỏ giọt, cho năng suất 80- 90 tạ/ha. Với 50ha cam và chanh, doanh thu bình quân hàng năm của người dân ở đây đạt 300- 400 triệu đồng/ha, lợi nhuận đạt 200-300 triệu đồng/ha. Tại Quảng Trị, các mô hình trồng cam ở vùng đất chết (huyện Hải Lăng), trồng nhãn trên vùng đất khô cằn, sỏi đá (huyện Cam Lộ), trồng thanh long ruột đỏ trên đất thường xuyên có nguy cơ ngập lụt (huyện Triệu Phong) cũng đã đưa lại thu nhập cao cho người nông dân.
Còn mang tính tự phát
Theo các đại biểu dự diễn đàn, mặc dù tại các tỉnh đã có nhiều mô hình kinh tế vườn cho hiệu quả kinh tế cao nhưng việc phát triển lĩnh vực này còn nhiều bất cập. Ông Trần Đình Dũng (Cục Kinh tế hợp tác và phát triển nông thôn- Bộ NNPTNT) cho biết, hiện kinh tế vườn ở nước ta còn yếu kém, chưa được tổ chức, quản lý tốt. Ông Dũng nêu những nguyên nhân dẫn tới tình trạng này: Tiềm năng, lợi thế của kinh tế vườn chưa được nhận thức và phát huy; thiếu liên kết, hợp tác trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm; chưa thực hiện được quy hoạch phát triển cho từng địa phương kết hợp phát triển trong và ngoài vùng; công nghệ chế biến lạc hậu, chưa gắn với vùng nguyên liệu; nhân lực làm kinh tế vườn chưa được đào tạo...
Nói về giải pháp phát triển kinh tế vườn, GS- TS Ngô Thế Dân (Chủ tịch Hội Làm vườn Việt Nam) đưa ra kinh nghiệm ở tỉnh Sơn La. Tại tỉnh này, mỗi địa phương chọn 2- 3 loại cây phù hợp, có hiệu quả, thực hiên ghép cải tạo và cho hiệu quả kinh tế cao. Theo ông Dân, việc áp dụng tiến bộ kỹ thuật trong phát triển kinh tế vườn phải được chú trọng để đạt năng suất cao, chất lượng tốt, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm. Như kinh nghiệm làm vườn mẫu ở Hà Tĩnh có quy hoạch bố trí sắp xếp lại vị trí các khu vườn, ao, chuồng để bảo đảm sản xuất ra các sản phẩm an toàn.
Nhiều đại biểu đề xuất lập câu lạc bộ hoặc hợp tác xã VAC theo Luật Hợp tác xã. Hợp tác xã này lo 3 khâu chính: Thống nhất quy trình, tiêu chuẩn chất lượng; kiểm tra chất lượng; thu gom, tiêu thụ hết sản phẩm cho các hộ gia đình. Tiêu biểu như Hợp tác xã Rau an toàn tự nhiên (xã Đông Sang, Mộc Châu, Sơn La) trồng rau sản xuất theo hợp đồng tiêu thụ với các siêu thị, nhà hàng. Nhiều đại biểu nhấn mạnh, những người làm kinh tế vườn phải có kiến thức công nghệ thông tin: Biết truy cập Internet để quảng bá sản phẩm, tìm thị trường, nắm bắt thông tin kỹ thuật mới và có khả năng tổ chức du lịch sinh thái ngay trên vườn nhà mình.
Ông Trần Văn Khởi- quyền Giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia cho biết, hiện ở nước ta có nhiều mô hình kinh tế vườn cho thu nhập hàng tỷ đồng. Kinh tế vườn ngày càng đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế nông nghiệp nhưng việc phát triển lĩnh vực này đang có nhiều bất cập. Theo ông Khởi, nguyên nhân dẫn tới tình trạng này là do sự quan tâm của chính quyền và ngành nông nghiệp đối với kinh tế vườn còn hạn chế; thiếu áp dụng khoa học kỹ thuật; ảnh hưởng của BĐKH...
"Diễn đàn này là nơi chia sẻ kiến thức, cập nhật thông tin, giúp nhà nông và các nhà khoa học, nhà quản lý trao đổi để rút kinh nghiệm, qua đó thúc đẩy phát triển kinh tế vườn"- ông Khởi nói.
Theo Danviet
Cần cơ chế hợp tác chủ động về nguồn nước sông Mê Kông Lượng nước ngọt từ sông Mê Kông đổ về khu vực ĐBSCL đã tăng lên đáng kể, giúp một số địa phương có thêm nguồn nước chống chọi với hạn hán. Trong chuyến công tác mới đây đến đập Tiểu Loan và Cảnh Hồng trên sông Mê Kông qua tỉnh Vân Nam (còn gọi là sông Lan Thương) do Bộ Ngoại giao Trung...