Biến đổi khí hậu dẫn tới hành động tàn bạo của loài báo đốm
Camera tại một hồ nước trong Khu dự trữ sinh quyển Maya của Guatemala ghi lại một số cảnh quay cực hiếm về bữa ăn bất thường của báo đốm – một con mèo gấm.
Đoạn video ghi lại hồi tháng 3/2019 cho thấy con báo đốm đực đợi một con lợn vòi đi ngang qua để nhắm mục tiêu vào con mèo gấm.
Các nhà khoa học tới từ Đại học Bang Washington (WSU) mô tả cuộc săn mồi này có thể là “dấu hiệu của xung đột do biến đổi khí hậu gây ra”.
Theo nhóm nghiên cứu, không có hình ảnh nào quay cảnh con báo đốm trực tiếp giết chết con mèo gấm, nhưng họ tìm thấy dấu hiệu của con mèo gấm trong phân của kẻ săn mồi.
Video: Báo gốm tấn công mèo gấm
Báo đốm là một trong những loài lớn nhất của họ nhà mèo. Chúng thường ăn lợn vòi, thú ăn kiến, giáp xác, lợn rừng và thậm chí cả bò sát. Trong khi đó mèo gấm nhỏ hơn, chỉ nặng bằng gần 1/10 báo đốm.
Các nhà khoa học tin rằng thời điểm xảy ra vụ việc đóng vai trò quan trọng trong hành vi của con báo đốm. Tháng 3/2019 xảy ra đợt hạn hán nghiêm trọng.
“Mặc dù những tương tác giữa động vật ăn thịt với động vật ăn thịt này có thể hiếm, nhưng một trong số các trường hợp đó có thể là do tranh chấp nguồn nước”, Daniel Thornton – đồng tác giả của nghiên cứu cho hay.
Vào thời điểm đầu năm 2019, hạn hán khiến nước trở nên khan hiếm trong các cánh rừng Guatemala. Tình trạng này tạo ra tranh chấp giữa báo đốm và khoảng 7 loài thuộc họ nhà mèo khác nhau được phát hiện gần hố nước.
“Thật không may, biến đổi khí hậu và hạn hán được dự đoán sẽ trở nên tồi tệ hơn. Điều đó có nghĩa là thời kỳ khó khăn với các động vật hoang dã vẫn đang ở phía trước” , đồng tác giả nghiên cứu Rony García-Anleu cho hay.
Campuchia hoàn thành trước thời hạn NDC cập nhật cho Công ước khung của Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu
Theo phóng viên TTXVN tại Phnom Penh, Chính phủ Campuchia đã hoàn thành trình bày Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) cập nhật của nước này cho Công ước khung của Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu (UNFCCC), trong bối cảnh hơn một nửa các nước trên thế giới chưa thực hiện được điều này với hạn chót vào ngày 31/12/2020.
NDC dài 158 trang của Campuchia đã được đưa ra xem xét trước hạn chót ngày 31/12 vừa qua. Bản NDC này bao gồm nhiều nội dung đa dạng về tác động của biến đổi khí hậu và sự thích nghi cũng như nỗ lực của Campuchia so với các quốc gia khác trong việc giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu. Thư ký điều hành UNFCCC Patricia Espinosa đã gửi lời chúc mừng Campuchia vì nỗ lực này.
Trong lời tựa của NDC, Bộ trưởng Môi trường và Chủ tịch Hội đồng quốc gia về phát triển bền vững của Campuchia, Say Samal cho biết tài liệu thể hiện trách nhiệm và nhu cầu của Campuchia trong việc hiện thực hóa tầm nhìn về một xã hội ít khí phát thải và dễ thích nghi trong thập niên tới. Tài liệu được chuẩn bị với sự tham vấn trên phạm vi rộng trong hơn 9 tháng và có sự đóng góp của tất cả các bên liên quan, bao gồm các bộ, ngành, cơ quan, đoàn thể, đối tác phát triển, các học viện và khu vực tư nhân.
Ông Say Samal nói rằng Campuchia luôn ủng hộ mạnh mẽ sự phối hợp đa phương về biến đổi khí hậu, vì Campuchia là quốc gia đặc biệt dễ bị tổn thương trước tác động của biến đổi khí hậu. Campuchia cũng hiểu tính cấp thiết phải có hành động chống biến đổi khí hậu, phù hợp với khả năng và trách nhiệm của nước này theo UNFCCC.
NDC cập nhật của Campuchia làm rõ một số hướng đi quan trọng, bao gồm các mục tiêu giảm thiểu biến đổi khí hậu trong ngành nông nghiệp và xử lý rác thải, cùng với đó là mục tiêu tham vọng của nước này về giảm một nửa tỷ lệ phá rừng vào năm 2030.
Theo hãng tin AFP của Pháp, vào ngày 1/1/2021, chỉ có khoảng 70 trong gần 200 nước trên thế giới hoàn thành trình bày NDC cập nhật của mỗi nước. Hầu như tất cả các nước trên thế giới đã ký Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu năm 2015, nhằm giới hạn nền nhiệt độ toàn cầu tăng dưới mức 2 độ C vào cuối thế kỷ 21 so với thời kỳ tiền cách mạng công nghiệp.
2020 và 2016 là hai năm nóng nhất lịch sử Năm 2020 cùng với năm 2016 được xác định là hai năm có thời tiết nóng nhất trong lịch sử, khép lại một thập kỷ với nhiệt độ cao kỷ lục do tác động của biến đổi khí hậu và hiện tượng Trái Đất ấm lên. Người dân di chuyển dưới tiết trời nắng nóng ở Shizuoka, Nhật Bản ngày 16/8/2020. Ảnh: Kyodo/TTXVN...