Biển Đà Nẵng hút khách
Thông tin cấm tắm biển là bịa đặt
Những lúc mưa lớn, nước thải tại các cửa xả chảy tràn ra biển gây ô nhiễm. Tuy nhiên, những ngày bình thường, nước biển trong xanh, du khách và người dân Đà Nẵng thích thú tắm biển.
Biển Đà Nẵng (Ảnh chụp chiều 7-9). Ảnh: HOÀNG SA
Sáng 7-9, tại các bãi biển Đà Nẵng thuộc địa bàn các quận Sơn Trà và Ngũ Hành Sơn, theo ghi nhận của chúng tôi, nước vẫn trong xanh, du khách vui đùa với những con sóng. Tại một số cửa xả nước thường tràn ra biển mỗi lúc trời mưa như Mỹ An, Sao Biển, Mỹ Khê, người dân và du khách vẫn tắm biển.
Vợ chồng anh Nguyễn Văn Hà (37 tuổi, trú thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng) cùng 2 con vui đùa trước những con sóng đang vỗ vào bờ cát, vui vẻ cho biết: “Tôi đọc báo thấy nói biển Đà Nẵng ô nhiễm nhưng khi tắm thì thấy bình thường, biển vẫn đẹp”.
Tại bãi biển Mỹ An, khu vực gần cửa xả Phaolo – nơi thường xuyên có nước thải tràn ra biển, đã được Công ty Thoát nước và xử lý nước thải xử lý nên nước không chảy ra ngoài. Thời điểm chúng tôi có mặt, biển không có mùi hôi. Cách đó vài chục mét, nhiều người dân, du khách đang say mê tắm biển. Bà Ceo Line Lin (quốc tịch Thụy Sĩ) bày tỏ: “Biển rất đẹp. Tôi rất thích”. Bà cho biết, hai mẹ con bà xuống biển Mỹ An tắm từ 8 giờ đến 9 giờ 30 vẫn chưa muốn lên bờ. Ở khu vực này, nhiều du khách phương Tây cũng thích tắm biển.
Video đang HOT
Trong khi đó, chiều cùng ngày, dọc bãi biển Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn, có hàng nghìn người tắm biển. Khu vực biển Phạm Văn Đồng, người đông nghịt. Bà Hoa (trú phường Hòa Khê, quận Thanh Khê) cho biết, mỗi tuần gia đình bà đi tắm biển một lần. “Tôi thấy biển vẫn đẹp, tuy những lúc trời mưa lớn, nước ở cống tràn ra hơi mất mỹ quan và có mùi hôi. Thành phố cần có giải pháp hữu hiệu để giữ môi trường biển”, bà Hoa nói.
Để bảo đảm vệ sinh cho người tắm biển, ngày 1-9, UBND thành phố Đà Nẵng có văn bản giao Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Sở Xây dựng triển khai các phương án xử lý; trong đó phối hợp với Ban quản lý bán đảo Sơn Trà và các bãi biển Đà Nẵng nghiên cứu lắp đặt bảng khuyến nghị hạn chế tắm tại khu vực các cửa xả. Tuy nhiên, trước sự việc này, một số trang mạng, cơ quan truyền thông cho rằng, bãi biển Đà Nẵng đang ô nhiễm nên phải lắp đặt biển báo cấm tắm biển, gây ảnh hưởng không nhỏ đến hình ảnh bãi biển du lịch Đà Nẵng.
Công ty Thoát nước và xử lý nước thải đã triển khai nhiều giải pháp để hạn chế ô nhiễm tại cửa xả Mỹ An.
Trao đổi với chúng tôi, ông Trần Đại Nghĩa, Phó Ban quản lý bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch thành phố Đà Nẵng cho biết, văn bản thành phố khuyến nghị người dân và du khách hạn chế tắm biển tại một số cửa xả, như Mỹ Khê, Mỹ An, Phạm Văn Đồng với khoảng cách 50m. Ban quản lý đang làm bảng khuyến cáo. Theo ông Nghĩa, hiện tại, các cống xả vẫn không xả ra; chỉ những lúc mưa lớn, nước thải mới tràn ra, nay biển không còn mùi hôi.
Còn ông Mai Mã, Giám đốc Công ty Thoát nước và xử lý nước thải cho hay, dù thành phố có khuyến cáo nhưng người dân vẫn tắm biển bình thường bởi khi không có nước tràn ra, biển vẫn sạch sẽ. “Công ty đang triển khai các giải pháp để ngăn chặn, trữ nước, bơm nước hằng ngày về nhà máy xử lý. Những lúc mưa quá lớn, không bơm kịp thì nước tràn ra”, ông Mai Mã nói.
Trong khi đó, ông Lê Quang Nam, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường cho rằng, việc cắm biển báo hạn chế tắm tại một số khu vực như công văn của UBND thành phố là chuyện bình thường. Ông Nam cũng khẳng định, theo số liệu quan trắc của Bộ Tài nguyên và Môi trường, nước biển Đà Nẵng đạt tiêu chuẩn cho phép theo quy chuẩn của bộ này. Tuy nhiên, ông Nam cho rằng, việc nước thải tràn ra biển khi mưa lớn hoặc trong thời gian cao điểm gây mất mỹ quan đô thị.
Thời gian qua, để giải quyết tình trạng nói trên, thành phố chỉ đạo các ngành chức năng thực hiện nhiều giải pháp xử lý nhằm hạn chế ô nhiễm. Trong đó, Công ty Thoát nước và xử lý nước thải đã triển khai các biện pháp như nâng tràn, dùng cát chặn trước cống xả, san lấp, gạt ủi mặt cát, khử mùi…, nên tình trạng ô nhiễm hạn chế rất nhiều. Hiện tại, Ban quản lý các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng ưu tiên thành phố đang xây dựng cống phai tại cửa xả Mỹ An. Chức năng của cống này là ngăn nước tràn, ngăn mùi hôi, dự kiến sẽ hoàn thành trong tháng 9 này…
Đừng để lại gì ngoài những dấu chân
Đến Non Nước - Ngũ Hành Sơn vào một chiều cuối xuân, nắng vàng nhẹ như rây bột trên những phiến đá, ngọn cây; lòng du khách lâng lâng theo từng bước chân leo núi.
Danh thắng Ngũ Hành Sơn là điểm đến lý tưởng của du khách. Ảnh: NGUYỄN XUÂN TƯ
Những con dốc đá dựng đứng, những tam cấp nhẵn thín theo tháng năm bởi bao đôi chân leo lên đây bây giờ bỗng rộng thênh thang, im vắng tiếng cười đùa của du khách. Chiều đang chầm chậm buông. Từ Vọng Hải Đài nhìn xuống, xa xa là biển xanh thẳm, quay lưng lại là dòng sông Cổ Cò uốn khúc lấp loáng ánh sáng trăng trắng của chút nắng cuối chiều. Những ngôi nhà cao thấp ẩn hiện trong làn khói sương mỏng mảnh.
Một chiều thật tĩnh vắng. Ngồi trên phiến đá láng mịn, lành lạnh dọc lối đi, trong làn gió xuân vờn trên mái tóc, phóng tầm mắt ra xa, một không gian bao la trải ra trước mắt. Theo đó, bao ký ức xưa lại hiện về như một cuốn phim quay chậm.
Ngày ấy, chúng tôi mới chừng 13, 14 tuổi, cũng một chiều đầu xuân, háo hức cùng chúng bạn đèo nhau chừng 25km trên những chiếc xe đạp cũ kỹ, không dè ra thăm núi Ngũ Hành Sơn. Trong quãng đời thơ bé, có lẽ đây là chuyến đi xa đầu tiên cùng chúng bạn đáng nhớ nhất và cũng nhiều kỷ niệm nhất. Hồi ức gắn với 40 trò nghịch cùng giáo viên chủ nhiệm mới: Thầy Vân. Vốn trưởng thành từ phong trào Đoàn Thanh niên, Đội Thiếu niên Tiền phong cùng nhiệt huyết của một giáo viên trẻ, thầy thường tổ chức cho chúng tôi những chuyến đi chơi thật thú vị.
Có một người thầy như thế, lũ chúng tôi mới có dịp bước đôi chân quê mùa ra chốn thị thành, mới có thể vượt qua lũy tre làng với những ước ao, dự định sau này... Chuyến du xuân ở Non Nước - Ngũ Hành Sơn giữa thời bao cấp đã để lại trong tâm hồn trong veo của lũ học sinh thôn quê những ký ức không phai nhòa.
Tính đến hôm nay đã đi qua nửa đời người nhưng trong tôi vẫn vang vọng thanh âm tiếng trêu đùa của bạn trai, bạn gái; giọng hát đầy sức ngân vang của thầy chủ nhiệm, cả tiếng gõ nhịp bằng muỗng và thau nhôm của nhóm thanh niên quây quần bên tảng đá kế bên...
Khí trời có chút se lạnh, mới leo có bấy nhiêu bậc đá mà tôi đã thở phì phò và mồ hôi tuôn ra như tắm. Nhớ lại 40 năm trước, chúng tôi từng chạy băng băng qua những phiến đá trơn nhẵn để giành cho được giải "đôi hài vạn dặm" mà nổi da gà về cái thời trẻ trâu bốc đồng và vụng dại. Băng qua những lối đi vắng người, sạch sẽ dường như ngay cả lá rụng cũng đã được ai đó nhặt liền, bỏ vào những chiếc thùng được tạo dáng và có màu sắc của đá dọc theo từng lối lên xuống; theo từng bước leo nặng nhọc, tôi nhận ra những con đường mình đã qua, những hang động vẫn y nguyên; chùa chiền vẫn trầm mặc và từng hồi chuông vẫn đọng lại âm thanh của những ngày xưa cũ.
Thời gian như cơn gió, mái đầu của ngày xanh giờ đã bạc lốm đốm nhưng những kỷ niệm vẫn tươi nguyên và sáng trong một cách lạ kỳ. Ngoài kia cuộc sống vẫn cứ quay, trong nhịp sống tất bật, liệu có phút nào thảnh thơi để có những giây phút ngồi lại, tĩnh tại trong chiều tà, lắng nghe hồn mình vọng về thanh âm của tháng ngày xa xưa ấy.
Ngũ Hành Sơn vẫn đẹp, một nét đẹp quyện hòa của một khu danh lam nằm ở phía đông của thành phố với địa thế hiếm có: Thế núi dựa lưng vào biển, trước mặt là sông. Nằm trên tuyến đường nối liền giữa Đà Nẵng và thành phố Hội An (tỉnh Quảng Nam), danh thắng là điểm đến lý tưởng của du khách. Có thể hơn một năm nay, do ảnh hưởng của Covid-19, nơi ấy thưa vắng bước chân người, nhưng với tôi, thời gian ấy là khoảng lặng để ngành du lịch của thành phố nhìn lại và có nhiều đột phá trong tương lai.
Tạm biệt Non Nước - Ngũ Hành Sơn khi hoàng hôn buông xuống, bóng tối dần bao trùm trên từng lối đi nhưng trong tôi vẫn ánh lên những tia sáng của niềm tin về một ngày mới sẽ đến trên vùng đất vốn đã chịu nhiều nhọc nhằn, gian khó... Hãy đến nơi đây để dừng chân ở Vọng Hải Đài, suy ngẫm về dòng chữ khắc trên đá núi:
"Đừng lấy gì đi - ngoài những tấm ảnh
Đừng để lại gì - ngoài những dấu chân".
Những dấu chân bạn sẽ được thời gian lưu lại bởi "con người sinh ra không phải để tan biến đi như một hạt cát vô danh. Họ sinh ra để in dấu lại trên mặt đất, in dấu lại trong trái tim người khác" (danh ngôn).
Tham quan chùa Quán Thế Âm ở Ngũ Hành Sơn Tọa lạc trên đường Sư Vạn Hạnh (phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn), chùa Quán Thế Âm được xem là điểm đến hấp dẫn với du khách gần xa với những giá trị về tâm linh, văn hóa Phật giáo... Video: NGUYỄN LỄ Tuyến đường Sư Vạn Hạnh dẫn vào chùa Quán Thế Âm. Ảnh: XUÂN SƠN Chùa Quán Thế Âm được...