Biến bãi xe của nhân viên bệnh viện thành “cỗ máy thu tiền”
Theo quy định của bệnh viện Mắt Trung ương (Bà Triệu, Hai Bà Trưng, Hà Nội), ban ngày, trong khuôn viên bệnh viện chỉ dành chỗ để xe cho các cán bộ, nhân viên. Tuy nhiên, để kiếm thêm, một số bảo vệ đã nhận xe của người nhà bệnh nhân vào và thu với giá 5.000 đồng/lượt (không đưa vé-PV).
Tương tự, tại bệnh viện K, tổ bảo vệ cũng dùng bãi gửi xe của nhân viên để “chặt chém” người gửi xe.
“Không có vé đâu các anh à”
Xe của chúng tôi vừa đỗ xịch trước cổng bệnh viện, gã thanh niên trong bộ quần áo bảo vệ hất hàm, chỉ tay ra hiệu cho chúng tôi sang bãi gửi xe bên ngoài. Chúng tôi hỏi lại: “Em muốn gửi ở trong có được không?”. Sau vài giây lưỡng lự, người bảo vệ gật đầu, cho xe của PV vào bên trong. Khi chúng tôi chưa kịp tháo mũ, người này đã nói lí nhí: “Cho em xin 5.000 đồng”. Đồng nghiệp tôi thắc mắc sao không thấy ghi vé thì người này đáp: “Không có vé đâu các anh à”.
Trao đổi với PV, không ít người đến đây khám bệnh phản ánh lại, chuyện các bảo vệ ở bệnh viện Mắt Tư “vơ bèo vạt tép”, tận dụng bãi gửi xe của cán bộ công nhân viên để “kiếm thêm” là chuyện “thường ở huyện”. Cũng như PV, tất cả các trường hợp này đều không được phát vé. Vậy, số tiền họ thu đã đi đâu và “chảy” về túi ai? Câu hỏi này chúng tôi xin chuyển đến lãnh đạo bệnh viện Mắt Tư.
Ngoài việc kiếm chác từ việc trông xe máy ở bãi gửi xe dành cho cán bộ, nhân viên, các bảo vệ ở bệnh viện Mắt Tư còn nhận trông xe ô tô. Đối với xe ô tô gửi ở đây, bảo vệ “chặt chém” một cách khủng khiếp. Anh Thuấn quê Phú Thọ, là người nhà bệnh nhân xuống đây đưa con đi mổ bức xúc: “Tôi sợ với kiểu “chặt chém” giá vé gửi xe ở đây lắm. Mấy lần trước tôi thường đi ô tô chở con xuống khám cho đỡ vất vả. Nhưng giờ thì tôi không thể trụ nổi khi ban đêm gửi trong viện họ “chém” 100.000 đồng. Chưa hết, mặc dù lấy 100.000 đồng nhưng đến sáng hôm sau, họ đuổi ra ngoài. Tôi lại phải đánh xe ra ngoài gửi với giá 20.000 đồng/1 giờ. Nếu con tôi mà nằm ở bệnh viện một tuần chắc tôi mất cả mấy triệu đồng tiền gửi xe. Chính vì thế, lần này xuống tôi bắt taxi cho đỡ tốn kém”.
Khoảng 30 phút, chúng tôi lấy xe và ghé vào bãi gửi xe phía bên ngoài cổng để gửi. Được biết, khi đến đây thăm khám, bệnh nhân và người nhà thường gửi ở các bãi này.
Đưa xe vào trong bãi của công ty TNHH Đầu tư phát triển Anh Duy, chúng tôi được một nhân viên trong tổ trông xe gọi lại đọc biển số lấy vé xe. Để tránh bị phát hiện sai phạm, bãi gửi xe này thu tiền ngay khi lấy vé. Theo như những thông tin ghi trên vé xe thì mức phí là 3.000 đồng/lượt nhưng ở đây nhân viên trông xe lại thu với giá 5.000 đồng/lượt. Như vậy, so với quy định của UBND TP. Hà Nội thì bãi gửi xe của bệnh viện này lại tiếp tục sai phạm. Nhìn vào vé gửi tiền xong, PV lại thắc mắc tại sao lại thu hơn mức tiền ghi trên vé? Nhân viên trông xe ở đây trả lời: “ừ thu 5.000 đồng” rồi quay mặt đi chỗ khác.
Theo quan sát của PV, bãi gửi xe ở đây được nằm dọc hai bên cổng bệnh viện và chiếm toàn bộ vỉa hè dành cho người đi bộ. Đối với đoạn đường này, hàng ngày có rất nhiều phương tiện qua lại. Mỗi khi người đi bộ muốn vào viện đều phải đi xuống lòng đường, rất nguy hiểm. Nói chuyện với chúng tôi, bác xe ôm hàng ngày đứng bắt khách ở cổng viện cho biết: “Người dân đi qua đây khổ lắm. Đường Bà Triệu thì đông, người vào viện này khám, mắt đã nhập nhèm rồi mà còn phải “đánh vật” với hàng đống xe cộ ở lòng đường. Vỉa hè cũng bị mấy “ông trông xe” chiếm sạch. Đây cũng là đoạn đường thường xảy ra va chạm giữa người đi xe máy và người đi bộ”.
Video đang HOT
Theo quan sát của PV, bên ngoài cả cổng trước và cổng sau của bệnh viện Mắt Tư đều có các bãi gửi xe tư nhân. Mặc dù quy mô các bãi có khác nhau nhưng họ đều chung một đặc điểm đó là thu tiền vượt quá quy định. Nhiều người đặt câu hỏi, việc “chặt chém” vé gửi xe ở các bãi này đã “rõ mồn một”, hàng ngàn “nạn nhân” đã lên tiếng phản ánh nhưng tại sao các cơ quan chức năng và bệnh viện Mắt Tư không có động thái can thiệp, có khuất tất đằng sau việc này?
Tổ bảo vệ bệnh viện K tận dụng vé dành cho nhân viên để “chặt chém” người bệnh.
“Tạo điều kiện” hay “cắt cổ” bệnh nhân?
Khoảng 14h ngày 8/8, PV đến bệnh viện K (Quán Sứ, Hà Nội) để làm việc với lãnh đạo về việc người dân phản ánh bãi gửi xe trước cổng bệnh viện thu tiền vé trái quy định. Tuy nhiên, điều khiến chúng tôi cảm thấy bất ngờ chính là việc tổ bảo vệ của bệnh viện này cũng tận dụng triệt để nơi gửi xe cho cán bộ, nhân viên để tranh thủ “kiếm ăn”. Thấy chúng tôi tiến lại gần cổng bệnh viện, một bảo vệ ra hiệu cho PV vào bên trong và tiến đến ghi vé. Sau đó, người này bắt chúng tôi phải nộp 5.000 đồng. Điều đáng nói, trên tấm vé này không hề niêm yết giá tiền.
Theo quan sát của PV, bãi gửi xe dành cho cán bộ, nhân viên bệnh viện K khá hẹp. Để thu tiền được của khách, tổ bảo vệ phải xếp các xe ken chặt với nhau. Thậm chí, họ còn sẵn sàng để xe của khách giữa lối đi vào bệnh viện. Trao đổi với PV báo ĐS&PL, PGS.TS Nguyễn Văn Hiếu, Phó Giám đốc bệnh viện K thừa nhận, theo hợp đồng của bệnh viện K và công ty cổ phần Tân Trào, công ty này chỉ có trách nhiệm trông giữ phương tiện cho cán bộ, nhân viên, sinh viên thực tập, khách đến làm việc. Thời gian trông giữ phương tiện giao thông hàng ngày là 24/24h không thu tiền. Bên cạnh đó, công ty cổ phần Tân Trào được phép trông giữ phương tiện của bệnh nhân nhưng chỉ trong thời gian từ 20h-6h sáng hôm sau. Việc tổ chức phát vé, trông giữ xe và thu tiền gửi xe phải thực hiện đúng theo quy định của UBND TP.Hà Nội, 3.000 đồng/lượt. Mỗi tháng, tổ bảo vệ phải nộp cho bệnh viện 3 triệu đồng tiền trông giữ phương tiện. “Tôi khẳng định, việc tổ bảo vệ thu tiền của bệnh nhân ban ngày 5.000 đồng/lượt mà báo ĐS&PL phản ánh là có và đó là hành vi sai quy định. Chúng tôi đã yêu cầu tổ bảo vệ làm bản tường trình để có biện pháp xử lý”.
Tuy nhiên, theo phản ánh của các bệnh nhân, việc tổ bảo vệ tận dụng bãi gửi xe của nhân viên để “chặt chém” người dân đã xảy ra trong một thời gian dài. Việc lãnh đạo bệnh viện giải thích không phát hiện ra là điều vô lý. Chúng tôi đặt câu hỏi, để xảy ra tình trạng trên do ban lãnh đạo bệnh viện thiếu sự quản lý sát sao, hay đằng sau đó có điều gì khuất tất?
Xe của PV được bảo vệ bệnh viện Mắt Trung ương cho vào bãi nhưng không phát vé.
Về vấn đề này, ông Hồ Minh Tuấn, Tổ trưởng tổ bảo vệ của bệnh viện K cũng thừa nhận, có sự việc như PV phản ánh. Cầm bản tường trình của nhân viên Ngô Tiến Anh (người ký vào tờ vé xe thu 5.000 đồng/lượt ngày 8/8-PV), ông Tuấn giải thích: “Thực ra chúng tôi chỉ “tạo điều kiện” giúp đỡ cho bệnh nhân. Bởi hôm đó có nhiều người đến xạ trị, có thể đến tối mới về nên họ nhờ bảo vệ trông xe qua đêm. Trong hợp đồng với bệnh viện K, chúng tôi được phép giữ xe qua đêm và thu vé 5.000 đồng/lượt”. Trước cái cách biện bạch của ông tổ trưởng tổ bảo vệ này, PV cảm thấy hết sức bất ngờ. Bởi thời điểm PV và rất nhiều người khác vào bãi này gửi xe là 14h chiều. Hơn nữa, trước khi vào, các nhân viên bảo vệ không hề hỏi chúng tôi muốn gửi qua đêm hay gửi ban ngày mà đã thu 5.000 đồng. Không hiểu họ đang “tạo điều kiện” hay đang “cắt cổ” bệnh nhân?
Tổ bảo vệ “to” hơn Ban giám đốc?
Về vấn đề này, PGS.TS Nguyễn Văn Hiếu (Phó Giám đốc bệnh viện K) cho rằng, bệnh viện không có chủ trương trong việc tận dụng bãi gửi xe của cán bộ, nhân viên làm nơi “chặt chém” bệnh nhân và việc thu phí quá quy định là do tổ bảo vệ. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, việc thu vé sai quy định diễn ra ngay trước cửa của giám đốc bệnh viện này. Phải chăng, họ cố tình làm ngơ cho việc thu vé sai hợp đồng và quy định của UBND TP. Hà Nội? Hay là ở đây tổ bảo vệ “to” hơn Ban giám đốc mà có thể tự quyết, tự làm? Câu hỏi xin dành cho những cá nhân có trách nhiệm.
(Còn nữa)
Theo Đời sống Pháp luật
Vạch vàng "ghi điểm" trên hàng nghìn mét vỉa hè
Từ ngày 3-1, Đội CSTT-PƯN CAQ Hai Bà Trưng (Hà Nội) chủ trì, phối hợp với các phường Lê Đại Hành, Bùi Thị Xuân, Ngô Thì Nhậm đồng loạt triển khai lập lại trật tự đô thị trên 4 tuyến phố: Bà Triệu, Nguyễn Du, Lê Văn Hưu và Trần Nhân Tông.
Theo đó, xe đạp, xe máy sẽ được áp dụng thống nhất quy định để quay đầu vào trong, cách tường 20 cm, và nằm trong vạch sơn thống nhất màu vàng cách tường 2 mét. Trước đó, công tác tuyên truyền đã được triển khai đến người dân và thông báo đến cán bộ cơ sở để vào cuộc cùng lực lượng Công an.
Các biểu mẫu bảng cam kết để ký giữa người dân với chính quyền cơ sở cũng đã được phát hành. Cùng với việc sắp xếp xe, chỉ huy đội CSTT-PƯN cho biết, lực lượng chức năng lồng ghép các nội dung không lấn chiếm hè phố, lòng đường để kinh doanh; không để hàng rong hoạt động; không xây bục bệ, cầu dẫn, không lắp đặt mái che, mái vẩy trái quy định, và chấp hành nghiêm túc trật tự, vệ sinh môi trường.
Hiệu quả của "vạch vàng" và những tuyến phố khác thể hiện khá rõ qua chùm ảnh dưới đây:
Ngày ra quân đầu tiên của lực lượng chức năng, 3-1, chủ yếu nhắc nhở, tuyên truyền
Xe máy để sát trong hè, cổng viện Mắt trung ương
Có nhiều khoảng trống cho người đi bộ
Vạch vàng trên vỉa hè phố Lê Văn Hưu và Trần Nhân Tông
Và những tuyến vỉa hè không vạch vàng.
Theo ANTD
Niềm vui của hàng trăm trẻ em nghèo bị khuyết tật mắt Prudence Việt Nam vừa dành 500 triệu đồng cho Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam (BTTEVN) thực hiện chương trình mổ mắt miễn phí "Vì ánh mắt trẻ thơ" cho trẻ em nghèo các tỉnh phía Bắc. Đây là lần thứ hai, quỹ Prudence tài trợ cho chương trình nhiều ý nghĩa này. Prudential Việt Nam thông qua Quỹ BTTEVN phối hợp...