Biden tung ‘vũ khí tranh cử’ mạnh nhất
Cựu tổng thống Obama được xem “vũ khí” mạnh nhất trong kho đạn dược tranh cử của Biden và Pennsylvania là bang mà ông chọn để triển khai.
Cựu tổng thống Barack Obama đã chỉ trích người kế nhiệm Donald Trump trong lần đầu xuất hiện trực tiếp tại chiến dịch vận động tranh cử của ứng viên Dân chủ Joe Biden. Phát biểu tại sự kiện ở thành phố Philadelphia, bang Pennsylvania, ông Obama đã công kích ông chủ Nhà Trắng về hàng loạt vấn đề, từ đối phó đại dịch, bê bối thuế cá nhân, xử lý kinh tế, Đạo luật Chăm sóc sức khỏe hợp túi tiền, hay “không thể bảo vệ bản thân” trước Covid-19.
“Donald Trump sẽ không đột nhiên đứng ra bảo vệ tất cả chúng ta”, Obama phát biểu tại sự kiện “mít tinh xe hơi” ở Philadelphia, hôm 21/10. “Ông ta thậm chí còn không thể thực hiện những bước cơ bản để bảo vệ bản thân”.
Đồng thời, cựu tổng thống Mỹ cũng cảnh báo đảng Dân chủ tránh tự mãn trước kết quả của các cuộc thăm dò dư luận, dù khảo sát cho thấy ông Biden đang duy trì lợi thế ở Pennsylvania.
“Tôi không quan tâm các cuộc khảo sát. Có rất nhiều cuộc thăm dò trước đây và nó không hiệu quả”, ông Obama nói.
Cựu tổng thống Barack Obama tại sự kiện vận động tranh cử cho Joe Biden ở thành phố Philadelphi, bang Pennsylvania hôm 21/10. Ảnh: NYTimes.
Khi chỉ còn chưa đầy hai tuần nữa đến ngày bầu cử chính thức, sự xuất hiện của cựu tổng thống Obama tại bang mà Tổng thống Trump từng thắng năm 2016 đã nhấn mạnh tầm quan trọng của Pennsylvania. Bang chiến trường này nắm giữ 20 phiếu đại cử tri và được cả hai chiến dịch xem là nơi buộc phải thắng trên con đường tới Nhà Trắng.
Cuộc bầu cử năm nay đã chứng kiến cả hai ứng viên dồn lực cho Pennsylvania, từ việc thực hiện các chuyến thăm liên tục tới đổ hàng chục triệu đôla vào quảng cáo ở đây. Một ngày trước, Tổng thống Donald Trump cũng có buổi vận động tranh cử tại Erie, bang Pennsylvania, một trong ba hạt phía tây từng bầu cho tổng thống Obama hồi năm 2008 và 2012, nhưng đã quay sang ủng hộ ông 4 năm trước.
Cựu tổng thống được xem là người đại diện quan trọng của ứng viên Biden, khi có bài phát biểu vào khung giờ vàng tại Hội nghị Toàn quốc đảng Dân chủ hồi tháng 8, xuất hiện trong video vận động gây quỹ và kêu gọi người ủng hộ bỏ phiếu cho Biden. Ông cũng góp mặt cùng ứng viên phó tổng thống Kamala Harris và diễn viên Michael Jordan trong buổi gây quỹ trực tuyến hồi đầu tháng 10.
Tuy nhiên, sự xuất hiện trực tiếp của cựu tổng thống Obama, người được cho có khả năng thu hút cử tri hàng đầu và là diễn giả nổi tiếng nhất của đảng Dân chủ, có thể giúp cơ sở ủng hộ của đảng Dân chủ, đặc biệt là người trẻ và nhóm thiểu số, tăng thêm nhiệt tình với cuộc bầu cử và ứng viên Joe Biden.
“Một là nếu không có Pennsylvania, Tổng thống Trump sẽ không có đường đi tới 270 phiếu đại cử tri. Hai là cựu tổng thống Obama vẫn rất nổi tiếng ở bang này”, John Fetterman, phó thống đốc Pennsylvania và là thành viên của đảng Dân chủ, nói. “Khả năng thu hút chú ý và tiếp thêm năng lượng của ông ấy chắc chắn không ai trong đảng Dân chủ có thể vượt qua được”.
Ông Obama cũng tỏ ra tràn đầy năng lượng khi trở lại sân khấu chính để đưa ra những chỉ trích nhắm vào cách quản lý đất nước và hành vi cá nhân của Tổng thống Donald Trump. Tổng thống thứ 44 của Mỹ đã chỉ trích cách ứng phó Covid-19, đại dịch khiến hơn 200.000 người Mỹ tử vong, của Trump bằng cách so sánh với cách Biden sẽ làm nếu là tổng thống.
Video đang HOT
“Biden sẽ không làm hỏng chương trình xét nghiệm. Ông ấy cũng sẽ không gọi các nhà khoa học là kẻ ngốc. Ông ấy sẽ không tổ chức một sự kiện siêu lây nhiễm trong Nhà Trắng”, ông Obama nói.
Cách tổ chức sự kiện vận động của Obama cũng khác Trump. Những người tham dự ngồi trong xe để duy trì giãn cách xã hội và có thể hò reo hoặc bấm còi để thể hiện sự ủng hộ khi cựu tổng thống phát biểu. Trong khi đó, các sự kiện của Tổng thống Trump thường có hàng nghìn người tham dự, đứng chen chúc nhau ở sân bay và thậm chí nhiều người không đeo khẩu trang.
Ứng viên Joe Biden đã không tham gia sự kiện này. Ông ở nhà riêng tại Wilmington, bang Delaware để chuẩn bị cho cuộc tranh luận cuối cùng với Tổng thống Trump vào ngày 22/10, theo các trợ lý của Biden.
Trước cuộc vận động trực tiếp ở Philadelphia, ông Obama đã kêu gọi người ủng hộ bỏ phiếu và tránh giễu cợt các vấn đề của đất nước. Cựu tổng thống cũng gặp 14 thành viên cộng đồng da màu ở Bắc Philadelphia để thảo luận về các vấn đề mà người da màu phải đối mặt, như nghèo đói, thất nghiệp và bạo lực súng đạn.
“Khả năng vận động đảng Dân chủ của tổng thống Obama chỉ có một đối thủ duy nhất là Trump. Bởi Obama là người truyền cảm hứng cho chúng tôi và nói rằng ‘chúng tôi có thể’, trong khi Trump là người dám nói rằng ‘chúng tôi không thể’”, thượng nghị sĩ Dân chủ Sharif Street ở bang Pennsylvania nói. “Chính sự xuất hiện của Barack Obama sẽ nhắc nhở mọi người về thời gian mà Mỹ đã nỗ lực làm tốt hơn so với bất kỳ điều gì Tổng thống hiện tại đang làm”.
Ứng viên Joe Biden phát biểu tại sự kiện vận động tranh cử ở thành phố Detroit, bang Michigan tuần trước. Ảnh: NYTimes.
Theo Holly Otterbein, biên tập viên của Politico, việc đảng Dân chủ sử dụng người vận động tranh cử hàng đầu của họ để kêu gọi cử tri da màu, đặc biệt là trong lần xuất hiện trực tiếp đầu tiên của ông trong năm nay, đã nhấn mạnh tầm quan trọng của cử tri Mỹ gốc Phi đối với triển vọng đắc cử của Biden, nhất là ở các thành phố lớn như Philadelphia. Đồng thời, nó cũng cho thấy lo ngại của một số thành viên Dân chủ rằng liệu ứng viên Biden đã làm đủ để vận động cử tri ở bang chủ chốt này hay không.
“Chúng tôi sẽ trở thành bang chiến trường và tôi nghĩ chuyến thăm của cựu tổng thống Obama phản ánh điều đó”, Cherelle Parker, lãnh đạo phe đa số trong Hội đồng thành phố Philadelphia và là người đại diện địa phương cho chiến dịch của Biden, nói.
Thăm dò của POWER Interfaith, một nhóm tiến bộ có trụ sở ở Pennsylvania, tháng này chỉ ra 72% cử tri nam da màu ở Philadelphia dưới 50 tuổi và 91% cử tri da màu trên 50 tuổi ủng hộ Biden. Trong số những cử tri nam trẻ tuổi hơn, 14% ủng hộ Trump và 9% chưa quyết định.
Cựu tổng thống Obama từng chiến thắng ở Pennsylvania hai lần, một phần nhờ sự ủng hộ nhiệt tình của các cử tri Mỹ gốc Phi. Tại một số khu vực ở Philadelphia có dân số da màu đông, ủng hộ dành cho Obama lên tới 99%.
Tuy nhiên, David Nakamura, biên tập viên của Washington Post, cho rằng sự xuất hiện của Obama ở Philadelphia cũng là lời nhắc nhở rằng ông từng không thể giúp ứng viên Hillary Clinton giành chiến thắng ở bang này năm 2016.
“Nếu Obama không thể gánh vác Pennsylvania giúp Hillary, tôi rất nghi ngờ việc ông ấy có thể làm điều gì cho Joe Biden”, Charlie Gerow, chiến lược gia chính trị đảng Cộng hòa ở Pennsylvania, nói.
Song Obama cho biết ông chưa từng đánh mất hy vọng ở Pennsylvania. “Tôi chưa từng mất hy vọng vì những gì xảy ra 4 năm trước. Tôi đã phát điên, đã tức giận nhưng không mất hy vọng. Lý do là tôi chưa từng hy vọng tiến bộ sẽ đến một cách dễ dàng”, Obama nói với nhóm cử tri ở Bắc Philadelphia.
Biden trong kỳ vọng của châu Âu
Nếu đắc cử tổng thống, thách thức đầu tiên và cấp thiết về chính sách đối ngoại của Biden là lấy lại niềm tin của đồng minh ở châu Âu.
Khi thế giới đang trong giai đoạn hỗn loạn nhất kể từ Thế chiến II, khả năng lãnh đạo ổn định của Joe Biden, cựu phó tổng thống Mỹ và hiện là ứng viên đảng Dân chủ, được kỳ vọng có thể giúp thế giới trở lại quỹ đạo bình ổn, nhưng phải nhờ tới sự giúp đỡ của các đồng minh, theo Nic Robertson, nhà phân tích của CNN.
Theo Robertson, các đồng minh châu Âu của Mỹ sẽ hy vọng rằng nếu trở thành tổng thống, Biden có thể nhanh chóng đưa ra bằng chứng thuyết phục cho thấy các hành động xa rời chủ nghĩa đa phương, từ bỏ các cam kết quốc tế và rút lui khỏi vị trí lãnh đạo toàn cầu của Tổng thống Donald Trump trong 4 năm cầm quyền sẽ không bao giờ lặp lại.
Biden trong bài phát biểu ở New York hồi tháng 7 năm ngoái từng cam kết rằng "sẽ mời các lãnh đạo đồng minh giúp đưa vấn đề dân chủ trở lại chương trình nghị sự toàn cầu". Tuy nhiên, để thực hiện cam kết này, nhiều nhà phân tích cho rằng Biden sẽ phải nỗ lực hành động nhiều hơn là nói suông.
Ứng viên Dân chủ Joe Biden tại sự kiện ở thành phố Philadelphia, bang Pennsylvania hôm 20/9. Ảnh: NYTimes.
Một trong các yếu tố có thể giúp Mỹ nhanh chóng lấy lại niềm tin của đồng minh và đối tác là cam kết tham gia trở lại Hiệp định Khí hậu Paris năm 2015, thỏa thuận mà Trump bắt đầu rút khỏi vào năm 2019. Cũng trong bài phát biểu ở New York năm ngoái, Biden đã hứa "Tôi sẽ tham gia lại Hiệp định Khí hậu Paris và triệu tập hội nghị thượng đỉnh với các nhà phát thải carbon lớn nhất thế giới, vận động các đồng minh nâng cao tham vọng của họ và thúc đẩy tiến bộ của chúng ta thêm nữa".
Robertson thêm rằng một vấn đề khác mà có thể giúp Biden "lấy lòng" đồng minh là ông từng tuyên bố đảo ngược quyết định cắt giảm ngân sách cho Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) của Trump, khi phát biểu về Covid-19 tại bang Delaware hồi tháng 6 năm nay. "Phối hợp phản ứng toàn cầu giữa đại dịch là rất quan trọng và Mỹ sẽ dẫn đầu phản ứng này như chúng tôi từng làm trong quá khứ", Biden nói.
Bằng cách cam kết về chương trình nghị sự đa phương, Biden có thể giúp xua tan nỗi lo lắng Mỹ sẽ quay lưng với các giá trị cốt lõi của các quốc gia dân chủ, giữa lúc chủ nghĩa dân tộc ngày càng gia tăng trên toàn cầu.
Giữa thời kỳ hỗn loạn vì đại dịch và những bất ổn về sắc tộc, châu Âu đặc biệt muốn thấy nhiều tuyên bố bảo vệ các nền dân chủ hơn. "Tôi muốn đưa ra lựa chọn chắc chắn để bảo vệ nền dân chủ", Tổng thống Pháp Emmanuel Macron phát biểu trước Nghị viện châu Âu hồi tháng 4/2018.
Biden không còn xa lạ với chính sách đối ngoại, bởi từng nhiều năm giữ chức chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện khi còn làm việc ở quốc hội Mỹ, cũng như có 8 năm làm phó tổng thống Mỹ dưới thời Obama. Tuy nhiên, thế giới đã có nhiều thay đổi kể từ khi ông rời nhiệm sở đầu năm 2017.
Gần 4 năm dưới sự lãnh đạo của Trump, Mỹ đã mất đi nhiều ủng hộ của đồng minh, làm suy giảm khả năng của Nhà Trắng trong việc củng cố liên minh vững mạnh cho các lập trường của Mỹ về Iran, Trung Quốc, Triều Tiên, đồng thời làm suy yếu chính an ninh quốc gia Mỹ.
Các đồng minh tại Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc giờ đây công khai phản đối Mỹ gia hạn lệnh cấm vận vũ khí với Iran, điều rất hiếm khi xảy ra trước đây. Mất đi sự ủng hộ rộng rãi của các nước như Anh, Pháp, Đức, chính quyền Trump chỉ còn cách áp đặt lệnh trừng phạt đơn phương với Tehran.
Biden đã đề cập tới các thay đổi đó, cũng như sự thờ ơ của Trump đối với các liên minh truyền thống, trong bài bình luận được đăng trên tạp chí Foreign Affair hồi đầu năm nay. Ông đã tranh luận rằng "hợp tác với các quốc gia khác có chung mục tiêu và giá trị với Mỹ không phải là điều ngu ngốc. Nó khiến chúng tôi trở nên an toàn và thành công hơn".
Tuy nhiên, với tình hình hiện tại, trách nhiệm của Biden sẽ không đơn giản, theo Robertson. Nếu trở thành chủ nhân mới của Phòng Bầu dục, Biden sẽ cần hành động một cách chắc chắn để "đưa Mỹ trở về vị trí đầu bảng", như ông từng nói trong bài phát biểu ở New York hồi tháng 7 năm ngoái.
"Thời gian không phải là bạn của ông. Sự bất mãn của những người ủng hộ Trump, Covid-19 và thách thức kinh tế có thể chiếm trọn những ngày đầu nhiệm kỳ của Biden", Robertson viết.
Nhà phân tích của CNN cho rằng điều này đồng nghĩa các chính sách đối ngoại của Biden sẽ cần phải có sẵn ngay từ đầu và được giao phó vho một nhà ngoại giao giàu kinh nghiệm, có khả năng lãnh đạo Bộ Ngoại giao, sau 4 năm cơ quan này rơi vào hỗn loạn vì các vụ kiện cáo vào xáo trộn nhân sự dưới thời Trump.
Khi thời điểm bầu cử càng tới gần, nhiều thách thức mới về ngoại giao cũng xuất hiện, khi làn sóng biểu tình bùng lên ở Belarus hay xung đột vừa nổ ra giữa Armenia và Azerbaijan. Tại Địa Trung Hải, căng thẳng giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp leo thang liên quan tới vấn đề khai thác dầu khí.
Trung Đông cũng được xem là thách thức đối Biden khi tìm kiếm đồng minh. Chính quyền tổng thống Obama được cho là đã không can thiệp khi nhiều đồng minh lâu năm của Mỹ sụp đổ trong biến động chính trị "Mùa xuân Arab". Trong gần 4 năm qua, lãnh đạo các nước vùng Vịnh lại tỏ ra hưởng ứng đường lối cứng rắn của Trump với Iran.
Nhưng thách thức về chính sách đối ngoại lớn nhất đối với tổng thống tiếp theo của Mỹ có lẽ là Trung Quốc, vấn đề mà Mỹ cần có sự ủng hộ từ các đồng minh nhất. Chủ tịch Tập Cận Bình có thể gặp nhiều khó khăn với với nhiệm kỳ tổng thống của Biden hơn bất kỳ lãnh đạo thế giới nào. Đối với ông Tập, tổng thống tiếp theo của Mỹ có thể ngăn Trung Quốc hiện thực hóa tham vọng trở thành "siêu cường hàng đầu thế giới".
Các đồng minh của Mỹ từng ủng hộ Trump vì lập trường cứng rắn với Trung Quốc trong các hành vi lạm dụng thương mại, đánh cắp sở hữu trí tuệ và ép buộc chuyển giao công nghệ. Nhưng cũng chính Trump đã đẩy họ vào tình thế bất an trong cuộc chiến tranh thương mại khốc liệt với Trung Quốc, nơi châu Âu gần như không có tiếng nói gì.
Tổng thống Donald Trump tại sự kiện ở thành phố Jacksonville, bang Florida hôm 24/9. Ảnh: NYTimes.
Biden cho biết đồng tình với những cáo buộc thương mại của Trump nhắm vào Trung Quốc, nhưng không nhất trí với cách thức ông giải quyết vấn đề. Phát biểu ở New York hồi năm ngoái, ông cam kết sẽ cứng rắn với Trung Quốc bằng cách "xây dựng một liên minh với các đối tác và đồng minh nhằm thách thức hành vi của Bắc Kinh", hơn là thực hiện các hành động đơn phương như Trump.
Ông Tập đã phản ứng lại áp lực từ phía Trump bằng cách tăng cường chính sách đối ngoại quyết liệt hơn, như áp luật an ninh Hong Kong, đẩy mạnh tập trận gần Đài Loan, tranh chấp nhóm đảo Senkaku/Điếu Ngư với Nhật Bản, cũng như gây căng thẳng ở Biển Đông.
"Thử thách với Biden, như những gì cựu tổng thống John F. Kennedy từng đương đầu với Liên Xô năm 1962 trong cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba, sẽ đến vào thời điểm này, nhưng không phải từ Nga, mà từ Trung Quốc", Robertson nhận định và thêm rằng khi Mỹ có càng nhiều đồng minh, thách thức như vậy càng khó có cơ hội xảy ra.
Lỗi đánh máy vạch mặt chiêu giả chết Robert Berger, 25 tuổi, giả chết để tránh án tù nhưng bị lỗi đánh máy trong giấy chứng tử đã tố cáo điều này. Berger phủ nhận mọi cáo buộc khi bị truy tố trước tòa án hạt Nassau, bang New York về tội Cung cấp giấy tờ giả vào ngày 21/7. Nhà chức trách xác định, Berger lẽ ra lãnh bản án...