Biden thăm lính Mỹ bị thương trong vụ đánh bom sân bay Kabul
Tổng thống Biden và phu nhân tới bệnh viện quân y ở Maryland thăm các binh sĩ bị thương sau vụ đánh bom tự sát tại sân bay Kabul hồi tuần trước.
Đoàn xe chở Tổng thống Mỹ Joe Biden và Đệ nhất Phu nhân Jill Biden tới Trung tâm Quân y Quốc gia Walter Reed tại Bethesda, bang Maryland, tối 2/9 (sáng 3/9 giờ Hà Nội). Văn phòng báo chí Nhà Trắng cho biết vợ chồng Tổng thống Biden tới thăm các binh sĩ bị thương đang nằm tại bệnh viện quân y này.
Chuyến thăm của vợ chồng Tổng thống Biden diễn ra một tuần sau vụ đánh bom liều chết hôm 26/8 bên ngoài sân bay quốc tế Hamid Karzai ở thủ đô Kabul, Afghanistan, khiến 20 lính Mỹ bị thương và 13 binh sĩ thiệt mạng, gồm 11 lính thủy quân lục chiến, một lính lục quân và một sĩ quan hải quân.
15 binh sĩ thủy quân lục chiến Mỹ bị thương trong vụ tấn công đang được điều trị tại bệnh viện Walter Reed. Thiếu tướng James Stenger, phát ngôn viên thủy quân lục chiến Mỹ, cho biết một binh sĩ đang trong tình trạng nguy kịch, ba người trong tình trạng nghiêm trọng và 11 người khác đã ổn định.
Tổng thống Mỹ Joe Biden (thứ ba từ trái sang) và Đệ nhất Phu nhân Jill Biden (thứ nhất từ trái sang) tại Trung tâm Quân y Quốc gia Walter Reed ngày 2/9. Ảnh: AP .
Các binh sĩ bị thương ban đầu được chuyển từ Kabul tới Đức bằng máy bay và điều trị tại Trung tâm Y tế Khu vực Landstuhl, bệnh viện quân lý lớn nhất của Mỹ ở nước ngoài, trước khi được đưa về nước để chăm sóc thêm.
Đại tá Andrew Landers, chỉ huy bệnh viện quân y Landstuhl, cho biết phần lớn thương binh bị trúng mảnh hoặc gãy xương, thương tích điển hình trong một vụ đánh bom kiểu tự sát. Đại tá Peter Kim, giám đốc y khoa của Landstuhl, nói một số binh sĩ bị thương do trúng đạn sau vụ nổ.
Tổng thống Biden ngày 29/8 tới căn cứ không quân Dover, bang Delaware, để đón thi hài 13 lính Mỹ thiệt mạng trong vụ đánh bom. Trước đó, Biden có cuộc gặp căng thẳng với thân nhân các binh sĩ thiệt mạng. Trong cuộc gặp, một thân nhân binh sĩ cho rằng Biden nhắc quá nhiều về con trai của mình so với các lính Mỹ thiệt mạng và không đồng ý với điều này.
Biden cũng bị chỉ trích vì xem đồng hồ trong lễ đón thi hài 13 binh sĩ tại căn cứ Dover, nhiều người cho rằng Tổng thống Mỹ không tôn trọng buổi lễ. Tuy nhiên, nhiều người bảo vệ Biden cho rằng hành động xem đồng hồ của Tổng thống Mỹ không phải điều gì quá to tát và đây có thể là thói quen của ông.
13 lính Mỹ thiệt mạng ở Kabul: Kịch bản "ác mộng" với ông Biden
Tổng thống Joe Biden phải đối mặt với tình huống khó khăn sau cái chết của 13 binh lính trong vụ đánh bom ở sân bay Kabul trước khi Mỹ hoàn tất việc rút quân khỏi Afghanistan.
Hiện trường vụ nổ bom như "ngày tận thế" tại sân bay Kabul
Lính Mỹ đảm bảo an ninh tại sân bay Kabul, Afghanistan (Ảnh: Sputnik).
Giữa lúc đang phải lo lắng tìm cách hoàn tất quá trình di tản quân nhân và công dân Mỹ khỏi Afghanistan, Tổng thống Joe Biden tiếp tục chứng kiến một kịch bản ác mộng xảy ra vào ngày 26/8 khi các vụ đánh bom liều chết làm rung chuyển sân bay thủ đô Kabul, khiến ít nhất 13 lính Mỹ thiệt mạng và 15 người khác bị thương.
Ông Biden đã triệu tập các cố vấn quân sự và ngoại giao hàng đầu tới Phòng Tình huống của Nhà Trắng để nhận báo cáo cập nhật hàng ngày về nỗ lực sơ tán trong tình trạng hỗn loạn ở Kabul, sau khi các vụ nổ xảy ra bên ngoài sân bay ở thủ đô Afghanistan.
Hai giờ sau đó, nhóm cố vấn mới rời khỏi Phòng Tình huống. Tổng thống Biden trở lại Phòng Bầu Dục, trong khi các quan chức của Lầu Năm Góc ra vào Nhà Trắng liên tục. Một số nhân viên Nhà Trắng chỉ biết thông tin về số binh sĩ thiệt mạng trong vụ đánh bom ở Kabul qua truyền hình.
"Chúng tôi phẫn nộ và đau lòng", Tổng thống Biden nói về cảm xúc của chính ông và phu nhân Jill Biden trong bài phát biểu trước công chúng vào cuối ngày 26/8.
Ông chủ Nhà Trắng tuyên bố sẽ "săn lùng" những kẻ tấn công và gọi những binh lính thiệt mạng là "anh hùng".
Tổng thống Mỹ Joe Biden (Ảnh: AP).
Tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) đã nhận trách nhiệm về vụ tấn công đẫm máu ở Kabul.
Rút quân khỏi Afghanistan sau 20 năm chiến tranh, Tổng thống Biden đang phải đối mặt với những lời chỉ trích về việc vội vàng sơ tán lực lượng Mỹ sau khi Taliban nhanh chóng tiếp quản Kabul. Vài ngày trước vụ đánh bom ở Kabul, ông Biden cố gắng gửi một thông điệp tới người dân trong nước rằng Mỹ rời khỏi Afghanistan để cứu mạng binh lính Mỹ.
Kể từ năm 2001, khi Mỹ đưa quân vào Afghanistan, số binh lính Mỹ thiệt mạng đã lên tới gần 2.500 người.
Chia sẻ với các phóng viên ngày 20/8, Tổng thống Biden nói rằng, nếu Mỹ ở lại Afghanistan lâu hơn, đồng nghĩa với việc "những người con trai, con gái của các bạn, giống như con trai tôi từng được điều tới Iraq trước đây, có thể sẽ chết. Và điều đó để làm gì?".
Thương vong của quân đội Mỹ trong vụ đánh bom mới nhất là thương vong đầu tiên ở Afghanistan kể từ tháng 2/2020 và là ngày chết chóc nhất của quân đội Mỹ trong một thập niên ở Afghanistan.
Phe chỉ trích cho rằng chính cuộc sơ tán vội vã đã dẫn đến cái chết của 13 người trong số gần 5.200 binh lính Mỹ được triển khai để đảm bảo an ninh tại sân bay Kabul. Cuộc sơ tán đó khiến những người Mỹ vẫn phải ở lại Afghanistan bị đe dọa.
Giới chức Mỹ ngày 26/8 cho biết khoảng 1.000 người Mỹ vẫn đang ở Afghanistan.
"Đây là cơn ác mộng mà chúng tôi lo sợ, và đó là lý do trong nhiều tuần qua, các lãnh đạo quân sự, tình báo và quốc hội của cả 2 đảng đã khẩn cầu tổng thống chống lại Taliban và đẩy họ ra khỏi khu vực sân bay", Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa Ben Sasse nói.
"Trong khi chúng ta vẫn chờ đợi thêm thông tin chi tiết, một điều rõ ràng là chúng ta không thể tin tưởng Taliban trong việc đảm bảo an ninh cho người Mỹ", Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Bob Menendez nói, khi ngầm chỉ trích chiến lược sơ tán của Tổng thống Biden.
Trong khi người tiền nhiệm Donald Trump đặt mục tiêu rút quân vào tháng 5, Tổng thống Biden đã lùi kế hoạch tới ngày 31/8. Nhưng khi các quan chức Lầu Năm Góc cảnh báo nguy cơ an ninh đang gia tăng từ các chiến binh Hồi giáo tại sân bay Kabul, ông Biden không thay đổi hạn chót, bất chấp sức ép từ các nước đồng minh.
Một cố vấn của ông Biden nói rằng cái chết của các binh lính Mỹ ở Kabul vừa qua càng nhấn mạnh lý do khiến ông phải đưa ra quyết định rút quân, đồng thời cũng cho thấy những rủi ro mà Mỹ phải đối mặt nếu tiếp tục ở lại Afghanistan.
Là người vốn hoài nghi về sự hiện diện quân sự suốt 20 năm qua của Mỹ ở Afghanistan, ông Biden đã nói rằng Washington từ lâu đã đạt được mục tiêu ban đầu khi đưa quân vào Afghansitan: tiêu diệt tận gốc al-Qaeda và ngăn chặn một cuộc tấn công khác nhằm vào Mỹ như vụ khủng bố ngày 11/9. Tuy nhiên, vụ tấn công mới nhất đã đặt ra nghi vấn về mục tiêu này.
Quân nhân Mỹ, Đức đấu súng với nhóm tay súng bí ẩn ở sân bay Kabul Một vụ đụng độ đã xảy ra giữa một nhóm tay súng chưa xác định danh tính với các quân nhân phương Tây và lực lượng an ninh Afghanistan ở sân bay Kabul hôm nay, một tuần sau khi Taliban lên nắm quyền. Lực lượng thủy quân lục chiến Mỹ đảm bảo an ninh bên trong sân bay Kabul hôm 22/8 (Ảnh: AP)....