Biden liên tiếp tung ‘đòn phản công’ Trump
Sau khi bị mô tả như “con rối” của phe cực tả, Biden đã đáp trả khi gọi Trump là tổng thống phân biệt chủng tộc đầu tiên.
“Đòn đáp trả” của cựu phó tổng thống Joe Biden, ứng viên đảng Dân chủ, được đưa ra hôm 22/7, trong một hội nghị trực tuyến với cử tri do Liên đoàn Quốc tế Lao động ngành Dịch vụ tổ chức, sau khi một nhân viên chăm sóc sức khỏe bày tỏ lo ngại rằng Tổng thống Donald Trump tiếp tục đổ lỗi cho người châu Á vì đại dịch.
Biden đã bày tỏ đồng cảm với lo ngại về việc Trump thường xuyên gọi nCoV là “virus Trung Quốc”, khi nói rằng “cách ông ấy đối xử với mọi người dựa trên màu da và nơi họ xuất thân là điều thực sự tồi tệ”.
“Mỹ chưa từng có tổng thống nào làm như vậy. Chưa bao giờ có. Thậm chí không có tổng thống Cộng hòa nào hành xử như thế, và tổng thống Dân chủ cũng vậy”, Biden nói thêm.
Cựu phó tổng thống Joe Biden tại sự kiện ở Columbia, bang Nam Carolina, hồi tháng 10/2019. Ảnh: Reuters.
Trump và nhiều quan chức Nhà Trắng khác thường gọi nCoV là “virus Trung Quốc”, “virus Vũ Hán” và thậm chí là “Kung Flu”, gần giống “Kung Fu”, chỉ võ thuật Trung Quốc. Nhiều người đã từng cáo buộc Tổng thống Mỹ có thái độ bài ngoại với người châu Á.
Trước đó một ngày, Biden cũng tố chính quyền Trump điều đặc vụ liên bang trấn áp “tàn nhẫn” người biểu tình ôn hòa ở Portland. “Chúng ta có một Tổng thống quyết gieo rắc hỗn loạn và chia rẽ, khiến vấn đề trở nên tồi tệ hơn thay vì tốt lên”, Biden hôm 21/7 ra tuyên bố về các cuộc biểu tình chống phân biệt chủng tộc ở thành phố Portland, bang Oregon.
Khi được hỏi về bình luận của Biden, Trump đã tránh nhắc trực tiếp tới đối thủ, thay vào đó, ông tuyên bố “đã từng làm rất nhiều thứ cho người Mỹ da màu hơn bất kỳ ai ngoại trừ Abraham Lincoln”.
Katrina Pierson, cố vấn cấp cao cho chiến dịch tranh cử của Trump, chỉ trích Biden và chỉ ra nhiều bình luận của ông trong quá khứ về vấn đề này. Năm ngoái, Biden từng vướng chỉ trích từ chính đối thủ đảng Dân chủ vì tuyên bố có khả năng làm việc với các thượng nghị sĩ theo chủ nghĩa phân biệt chủng tộc. Biden cũng từng phải xin lỗi khi gọi Barack Obama là “người Mỹ gốc Phi đầu tiên, người có thể nói năng lưu loát, trông sáng sủa, sạch sẽ và ưa nhìn”.
“Tổng thống Trump yêu quý mọi người, luôn nỗ lực để trao quyền cho tất cả người Mỹ và nhận được nhiều ủng hộ của cử tri da màu hơn bất kỳ ứng viên tổng thống Cộng hòa nào trong lịch sử hiện đại”, Pierson nói và thêm rằng “không ai nên nghe thuyết giảng về phân biệt chủng tộc từ Joe Biden”.
Colby Itkowitz và John Wagner, hai biên tập viên của Washington Post, cũng không đồng quan điểm với Biden khi cho rằng Trump là tổng thống phân biệt chủng tộc đầu tiên của Mỹ. Họ cho biết lịch sử chỉ ra Mỹ từng có các lãnh đạo, hoặc là công khai theo chủ nghĩa phân biệt chủng tộc khi ủng hộ chế độ nô lệ, hoặc sử dụng ngôn từ, bày tỏ quan điểm hoặc có chính sách phân biệt chủng tộc.
Symone Sanders, cố vấn cấp cao của Biden, cũng thừa nhận Trump không phải là tổng thống phân biệt chủng tộc đầu tiên, nhưng cho rằng ông là người duy nhất trong lịch sử Mỹ hiện đại.
Những đấu khẩu giữa Trump và Biden ngày càng “tăng nhiệt” khi chỉ còn hơn 100 ngày nữa người dân Mỹ chính thức bầu cử tổng thống. Cả hai đội ngũ tranh cử của Trump và Biden đều đang chạy đua tìm kế sách “hạ bệ” đối thủ.
Tân quản lý chiến dịch tranh cử của Trump tuyên bố về kế hoạch tác chiến mới. “Chúng tôi sẽ khắc họa Biden như công cụ của phe cực tả và nêu bật sự tương phản giữa các thất bại của Biden với thành công không thể phủ nhận của Tổng thống Trump”, Bill Stepien nói trong bài phát biểu đầu tiên sau khi được bổ nhiệm tuần trước.
Đội ngũ tranh cử của Trump dự kiến sẽ tận dụng hơn 100 ngày trước bầu cử để xây dựng Biden, cựu phó tổng thống Mỹ, như “công cụ của phe cực tả”. Đây là chiến lược quen thuộc của phe Cộng hòa khi tìm cách “hạ bệ” đối thủ, bằng cách gán phe Dân chủ với thuế cao và chính phủ theo khuynh hướng xã hội chủ nghĩa. Khi gặp khó khăn với các “đòn tấn công” khác, chiến dịch tranh cử của Trump cho rằng đây là “phát súng chí mạng” đối với Biden.
Chiến dịch tranh cử của Trump cũng đang cố gắng khai thác một trong những khía cạnh được cho là “gót chân Achilles” của Biden: tuổi tác. Trump đã cáo buộc đối thủ 77 tuổi của mình quá già và không đủ minh mẫn để làm tổng thống. Đồng thời, chiến dịch của Trump chi nhiều tiền hơn cho một quảng cáo trên truyền hình rằng Biden “thiếu thể lực, sức bền và sự minh mẫn để dẫn dắt đất nước” hơn bất kỳ quảng cáo nào trong năm nay.
Nhiều người đã chỉ trích “đòn tấn công” này của Trump vì cho rằng nó không nên xuất hiện trong chính trị. S. Jay Olshansky, giáo sư y tế công cộng tại Đại học Illinois, Chicago, cho rằng các chiến dịch tranh cử không nên sử dụng tuổi tác để ghi điểm chính trị. “Họ đang vũ khí hóa tuổi tác theo một cách tồi tệ”, Olshansky nói.
Biden cũng liên tiếp đáp trả đối với các đòn tấn công từ phía Trump và mới nhất là cáo buộc đối thủ là “tổng thống phân biệt chủng tộc đầu tiên” của Mỹ. Bên cạnh đó, chiến dịch của Biden cũng nhắm vào phản ứng yếu kém của Trump giữa lúc Mỹ “chìm” trong khủng hoảng Covid-19, đại dịch khiến gần 4 triệu người nhiễm và hơn 142.000 người chết.
Chiến dịch của Biden hôm 22/7 đăng video có sự xuất hiện của Barack Obama trên các tài khoản mạng xã hội của mình, trong đó hai người chỉ trích cách Trump đối phó Covid-19.
“Anh có thể tưởng tượng anh là tổng thống nhưng lại nói ‘đó không phải là trách nhiệm của tôi, tôi không chịu trách nhiệm’ không?”, Biden nói.
“Chúng ta không nói những lời đó khi còn tại nhiệm”, Obama đáp trong video. Joe Biden từng là cựu phó tổng thống dưới thời Obama trong cả hai nhiệm kỳ.
Trump gần đây “mất điểm” trước Biden trong các cuộc thăm dò dư luận. Theo cuộc thăm do Washington Post và ABC công bố hôm 19/7, Biden dẫn trước Trump 15 điểm phần trăm. Mức tín nhiệm của Trump giảm mạnh trong hai tháng qua, từ mức 48% hồi tháng ba xuống 39%.
Tổng thống Donald Trump tại bãi cỏ phía nam Nhà Trắng, hôm 15/7. Ảnh: NYTimes.
Tận dụng lợi thế, Biden tiếp tục công bố các kế hoạch mới nhằm “lấy lòng” cử tri. Ngày 9/7, Biden công bố kế hoạch trị giá 700 tỷ USD để vực dậy nền công nghiệp và giải quyết tình trạng bất bình đẳng, một phần trong tham vọng tái cơ cấu nền kinh tế được so sánh với Chính sách kinh tế mới (New Deal) của cựu tổng thống Franklin Roosevelt những năm 1930. Tuần trước, Biden tiếp tục công bố đề xuất mới trị giá 2.000 tỷ USD hướng tới các giải pháp về môi trường và xây dựng cơ sở hạ tầng năng lượng sạch.
Ngày 21/7, Biden công bố thêm kế hoạch trị giá 775 tỷ USD trong 10 năm, để đầu tư cho hệ thống dịch vụ chăm sóc trẻ em và người cao tuổi ở Mỹ. Biden khẳng định nhóm đối tượng hưởng lợi của kế hoạch này phần lớn là gia đình trung lưu, gặp khó khăn trong chăm sóc con cái và cha mẹ già ngay cả trước đại dịch.
Xuyên suốt chiến dịch tranh cử, Joe Biden đã nỗ lực đưa ra một thông điệp duy nhất: Tôi quan tâm mọi người, Annie Linskey và Matt Viser, hai biên tập viên của Washington Post nhận định.
Maria Urbina, giám đốc chính sách quốc gia của nhóm cư dân cấp tiến Indivisible, cho rằng Trump khó có thể “hạ bệ” Biden với các chiến lược hiện tại.
“Nếu bạn nhìn vào những nơi Trump đánh mất ủng hộ và nơi Biden đang giành được điều đó, cựu phó tổng thống Mỹ đang tạo ra sự ủng hộ liên tục và sâu rộng”, Urbina nói.
Ba quan chức châu Âu từ chối bắt tay Pompeo
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo hào hứng đưa tay ra bắt khi gặp các quan chức ngoại giao Đan Mạch, nhưng đều bị từ chối vì quy tắc ngăn Covid-19.
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo hôm 22/7 tới Copenhagen để gặp Ngoại trưởng Đan Mạch cùng các quan chức phụ trách đối ngoại của Greenland và Quần đảo Faroe thuộc Đan Mạch. Ngoại trưởng Mỹ không đeo khẩu trang khi tiếp xúc với mọi người, dù ông đến từ vùng dịch lớn nhất thế giới.
Trong lễ tiếp đón tại Copenhagen, Pompeo hào hứng đưa tay ra bắt khi gặp Ngoại trưởng Đan Mạch Jeppe Kofod, tuy nhiên ông Kofod đã từ chối đưa tay ra bắt, tuân thủ các hướng dẫn cách biệt cộng đồng ngăn Covid-19. Thay vào đó, ông vươn tay vỗ vào vai Ngoại trưởng Mỹ. Pompeo chững lại một chút rồi cũng đưa tay vỗ vào lưng Kofod, rồi hai người cùng trao đổi với nhau vài câu.
Pompeo sau đó tiếp tục chìa tay với Bộ trưởng phụ trách đối ngoại của Quần đảo Faroe, nhưng quan chức này cũng từ chối bắt tay và hai người vỗ vai nhau. Khi gặp Bộ trưởng phụ trách đối ngoại Greenland, Pompeo dường như đã rút được kinh nghiệm và hai người chạm khuỷu tay nhau.
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo bị ba quan chức ngoại giao Đan Mạch từ chối bắt tay. Video: Washington Post.
Đan Mạch, quốc gia Bắc Âu giáp Thụy Điển và Na Uy, đã khống chế tương đối thành công Covid-19, chỉ ghi nhận khoảng 13.000 ca nhiễm và 611 trường hợp tử vong. Nước này không chứng kiến đợt bùng phát Covid-19 mới như nhiều quốc gia khác và việc đeo khẩu trang không phải quy định bắt buộc, cũng không phổ biến.
Chuyến thăm của Pompeo tới Đan Mạch đánh dấu lần đầu tiên ông đến nước này kể từ khi Tổng thống Donald Trump gây ra tranh cãi ngoại giao năm ngoái khi ngỏ ý muốn mua đảo Greenland, nhưng bị Đan Mạch từ chối. Tổng thống Mỹ sau đó hủy chuyến thăm cấp nhà nước tới Copenhagen, khiến chính phủ và người dân Đan Mạch rất tức giận.
Trump nỗ lực 'gỡ điểm' trước Covid-19 Một tháng trước, Trump vẫn khăng khăng cho rằng Covid-19 đang "dần biến mất" ở Mỹ, nhưng giờ ông thừa nhận đây là dịch bệnh "quái ác và nguy hiểm". Khi nhiều bang ở Mỹ báo cáo số ca nhiễm mới tăng trở lại ở mức kỷ lục, Tổng thống Donald Trump vẫn tin rằng nCoV sẽ "biến mất kỳ diệu" và đại...