Biden đón sinh nhật 78 tuổi
Joe Biden 78 tuổi vào ngày 20/11 và trở thành tổng thống Mỹ cao tuổi nhất khi nhậm chức vào 20/1 năm sau.
Tuy nhiên, chiến dịch tranh cử của Joe Biden không thông báo bất cứ kế hoạch mừng sinh nhật nào. Lịch trình làm việc của Biden trước đó vẫn diễn ra bình thường, gồm cuộc họp tại quê nhà Wilmington, Delaware với Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi và Lãnh đạo phe Dân chủ tại Thượng viện Chuck Schumer.
Vấn đề tuổi tác của Biden từng là mục tiêu để Tổng thống Trump, 74 tuổi, công kích suốt thời gian tranh cử. Nhưng bản đánh giá sức khỏe công khai gần đây nhất của Biden, được công bố hồi tháng 12/2019, nhận xét ông “khỏe mạnh, hoạt bát, phù hợp để hoàn thành nhiệm vụ của tổng thống”.
Cựu phó tổng thống Mỹ cao khoảng 1m8, nặng hơn 80 kg và có huyết áp 128/84 vào thời điểm công bố bản đánh giá sức khỏe. Bác sĩ cho biết ông không hút thuốc, uống rượu và tập thể dục 5 ngày/tuần.
Tổng thống đắc cử Joe Biden phát biểu tại Wilmington, Delaware, hôm 19/11. Ảnh: AFP.
Trong suốt thời gian vận động tranh cử, để chống lại những công kích về vấn đề sức khỏe, Biden thường xuyên chạy bộ lên bục phát biểu. Trong một cuộc phỏng vấn với CNN, Biden từng hứa sẽ “hoàn toàn minh bạch” về mọi vấn đề sức khỏe cá nhân nếu trở thành tổng thống.
Ross Baker, một nhà khoa học chính trị tại Đại học Rutgers, người từng tư vấn cho các nhà lập pháp của cả hai đảng, cho biết Biden phải tạo dựng được uy tín với người dân Mỹ rằng ông có đủ thể chất và tinh thần cho vị trí tổng thống. Baker nói thêm tuổi tác của Biden cũng là yếu tố tác động tới việc ông lựa chọn nội các, trong đó có “phó tướng” Kamala Harris, người kém ông tới 22 tuổi.
Trước Biden, cựu tổng thống Ronald Reagan đã tái đắc cử ở tuổi 73. Tổng thống Donald Trump cũng nhậm chức khi 70 tuổi.
Sau khi được truyền thông dự đoán trở thành Tổng thống đắc cử với 306 phiếu đại cử tri, Biden đã nhanh chóng lên kế hoạch xây dựng nội các mới để thực hiện các ưu tiên hàng đầu là Covid-19 và vấn đề kinh tế.
Nhóm Biden chưa được ký thư chuyển giao quyền lực
Giám đốc Cơ quan Dịch vụ Công quyết vẫn chưa ký thư chuyển giao quyền lực cho Joe Biden, khiến quá trình này có thể bị gián đoạn.
Giám đốc Cơ quan Dịch vụ Công quyết (GSA) Emily Murphy, người được chính quyền Trump bổ nhiệm, tính đến tối 8/11, tức 36 giờ sau khi truyền thông xướng tên Joe Biden là người chiến thắng, vẫn chưa ký bất cứ giấy tờ nào chuyển giao quyền lực cho nhóm của ứng viên Dân chủ.
GSA là một cơ quan cấp thấp phụ trách các tòa nhà liên bang, có nhiệm vụ ký các thủ tục giấy tờ chính thức sau khi có tổng thống đắc cử, để chuyển hàng triệu USD, trao quyền tiếp cận cho các quan chức chính phủ, chuyển giao các văn phòng và thiết bị cho nhóm chiến thắng. Động thái này giống như tuyên bố chính thức từ chính phủ liên bang, bên cạnh các phương tiện truyền thông, về tân tổng thống.
Việc lãnh đạo GSA Murphy hành động chần chừ có thể dẫn tới lần chuyển giao quyền lực tổng thống chậm trễ đầu tiên trong lịch sử hiện đại nước Mỹ, ngoại trừ năm 2000, khi Tòa án Tối cao quyết định kiểm lại phiếu trong "cuộc đua" giữa Al Gore và George W. Bush.
"Quá trình xác minh đang diễn ra và lãnh đạo của chúng tôi vẫn tiếp tục tuân thủ, thực hiện tất cả các yêu cầu theo luật pháp", Pamela Pennington, phát ngôn viên của GSA, cho biết trong một email hôm 8/11.
Tổng thống đắc cử Joe Biden (phải) và Phó tổng thống đắc cử Kamala Harris trong buổi lễ ăn mừng ở Wilmington, Delaware, hôm 7/11. Ảnh: AFP.
Tuyên bố từ GSA khiến nhiều chuyên gia tự hỏi liệu khi nào Nhà Trắng mới chuyển giao quyền lực cho chính quyền tiếp theo, trong khi Trump dường như đã hết hy vọng lật ngược tình thế và chỉ còn 74 ngày nữa là tới lễ nhậm chức hôm 20/1 của Biden.
Nhiều quan chức cũng đã lên tiếng chỉ trích lãnh đạo GSA Murphy. "Hành động của bà ấy bây giờ đáng bị lên án. Bà ấy rõ ràng đang phục tùng theo ý muốn của cá nhân Tổng thống và điều này rõ ràng gây cản trở tới quá trình chuyển giao quyền lực một cách có trật tự", Hạ nghị sĩ Gerald E. Connolly, người lãnh đạo ban giám sát Hạ viện về các hoạt động liên bang, cho biết.
"Cuộc bầu cử đã gọi tên Joe Biden, chúng tôi mong muốn GSA nhanh chóng xác nhận ông và Kamala Harris là Tổng thống và Phó tổng thống đắc cử. An ninh quốc gia và lợi ích kinh tế Mỹ phụ thuộc vào việc chính phủ liên bang thể hiện rõ ràng rằng họ tôn trọng ý chí của người dân cũng như hỗ trợ chuyển giao quyền lực một cách suôn sẻ và hòa bình", phát ngôn viên của Biden nói.
Các hãng tin Mỹ đã xướng tên Biden là tổng thống Mỹ thứ 46 khi giành được 290 phiếu đại cử tri, song Trump không chấp nhận kết quả này, cho biết "bầu cử còn lâu mới kết thúc" và chiến dịch tranh cử của ông sẽ khởi kiện vào ngày 9/11.
Bất chấp các cáo buộc gian lận bầu cử từ Tổng thống Trump, Biden vẫn tiếp tục lên kế hoạch nhanh chóng ký hàng loạt sắc lệnh hành pháp sau khi nhậm chức nhằm thay đổi các ưu tiên của đất nước, trong đó có các chính sách ứng phó với Covid-19.
So sánh phản ứng của Trump với các ứng viên tổng thống Mỹ khi gặp bất lợi. Video: Guardian.
Người đầu tiên trở thành 'đệ nhị phu quân' Mỹ Với chiến thắng lịch sử của Harris, nước Mỹ sẽ có "đệ nhị phu quân" đầu tiên Doug Emhoff, người luôn dành tình cảm hết mực cho vợ. Sau khi loạt hãng tin Mỹ xướng tên Joe Biden và Kamala Harris là Tổng thống và Phó tổng thống đắc cử, Doug Emhoff, chồng của Harris, đã đăng lên Twitter bức ảnh ông ôm...