Biden đạt kỷ lục gần 80 triệu phiếu bầu
Biden giành được gần 80 triệu phiếu phổ thông, khi các bang vẫn tiếp tục kiểm đếm, lập kỷ lục Tổng thống đắc cử có số phiếu cao nhất của Mỹ.
Với hơn 155 triệu phiếu bầu đã được kiểm đếm trên toàn nước Mỹ, và California cùng New York, hai thành trì của đảng Dân chủ, vẫn tiếp tục kiểm nốt số phiếu còn lại, lượng cử tri đi bầu năm nay hiện chiếm khoảng 65% số cử tri hợp lệ, cao nhất kể từ năm 1908, theo dữ liệu từ AP và Dự án Bầu cử Mỹ.
Trong đó, số phiếu phổ thông Joe Biden nhận được đang là gần 79,7 triệu, vượt Tổng thống Donald Trump gần 6 triệu phiếu. Với hơn 73,7 triệu phiếu, Trump cũng lập kỷ lục là ứng viên thua cuộc có số phiếu phổ thông cao nhất lịch sử Mỹ.
Số phiếu đại cử tri của Biden và Trump lần lượt là 306 và 232.
Tổng thống đắc cử Joe Biden phát biểu hôm 16/11 ở Wilmington, Delaware. Ảnh: AP .
Bất chấp kết quả trên, Trump tiếp tục không thừa nhận Biden đã đắc cử và tuyên bố ông mới là người chiến thắng. Chiến dịch của Trump cùng người ủng hộ đang tăng cường nỗ lực ngăn chặn hoặc trì hoãn các quan chức bang xác nhận kết quả bầu cử.
Video đang HOT
Tổng thống Mỹ đến nay đã tiến hành 30 vụ kiện và tính tới sáng 19/11, 19 đơn kiện trong số đó đã bị từ chối, bác bỏ, nhận được phán quyết thất bại hoặc bị rút lại, NBC cho hay. Tại bang chiến trường Georgia, Tổng thư ký Brad Raffensperger hôm 19/11 thông báo bang đã hoàn tất việc kiểm đếm lại phiếu bằng tay và Biden vẫn dẫn trước Trump 12.284 phiếu. Ông cũng khẳng định không phát hiện bất kỳ hành vi gian lận cử tri nào trên diện rộng như cáo buộc từ phía chiến dịch Trump.
Một số chuyên gia nhận định việc Trump càng tuyên bố chiến thắng và đào sâu thêm cáo buộc gian lận bầu cử chỉ càng làm sâu sắc thêm thất bại của ông.
“Mỗi thất bại pháp lý càng củng cố chiến thắng của Biden”, chuyên gia luật bầu cử Richard Hasen nói.
Hôm 19/11, Trump tuyên bố sẽ tập trung vào kết quả bầu cử ở bang Michigan và sẽ gặp các nghị sĩ Cộng hòa ở bang này cũng như gọi điện cho các quan chức bầu cử cấp hạt trong nỗ lực ngăn chứng nhận Biden chiến thắng với 150.000 phiếu ở đây.
Một số nhà phân tích tin rằng mục tiêu thực sự của Trump là gây hỗn loạn chứ không phải lật ngược kết quả bầu cử và ngày càng có nhiều người xung quanh ông biết rằng ông đã thua cuộc.
“Tất cả là nhằm duy trì cái tôi và sự hiện diện của ông ấy trước công chúng”, Judd Gregg, cựu thống đốc và thượng nghị sĩ thuộc đảng Cộng hòa ở bang New Hampshire, nhận định. “Ông ấy đang quyên được rất nhiều tiền và ông ấy dự định sử dụng số tiền đó”.
Các nhà quan sát cho rằng kịch bản gây bối rối và hoài nghi về cuộc bầu cử đã được Trump chuẩn bị suốt năm 2020, đặc biệt với cáo buộc phiếu gửi qua thư sẽ bị gian lận có hệ thống.
“Phản ứng của ông ấy không làm ai ngạc nhiên. Ông ấy đã báo trước rất rõ về điều đó trước cuộc bầu cử và tiếp tục tuyên bố chiến thắng, bất kể thực tế như thế nào”, Tim Pawlenty, cựu thống đốc thuộc đảng Cộng hòa của Minnesota, nói.
Phe Cộng hòa chỉ trích Trump sa thải lãnh đạo an ninh bầu cử
Nhiều thượng nghị sĩ Cộng hòa cho rằng Trump phạm "sai lầm khủng khiếp" khi sa thải lãnh đạo Cơ quan An ninh mạng và Cơ sở hạ tầng Krebs.
Loạt thượng nghị sĩ Cộng hòa hôm 18/11 lên tiếng chỉ trích việc Tổng thống Donald Trump sa thải Chris Krebs, giám đốc Cơ quan An ninh mạng và Cơ sở hạ tầng (CISA), người đã công khai phản đối các cáo buộc của ông về gian lận bầu cử.
"Tôi nghĩ đây là một sai lầm khủng khiếp", Susan Collins, thượng nghị sĩ Cộng hòa đại diện cho bang Maine, nói.
Quyết định sa thải Krebs được Trump thông báo trên Twitter tối 17/11, với lý do tuyên bố gần đây của ông về an ninh bầu cử năm 2020 "rất không chính xác". Krebs trước đó viết trên Twitter rằng cuộc bầu cử 2020 là "cuộc bầu cử an toàn nhất trong lịch sử Mỹ".
Thượng nghị sĩ Shelley Moore Capito ở Tây Virginia cũng khẳng định bà hoàn toàn không đồng ý với quyết định sa thải Krebs của Tổng thống. "Tôi nghĩ Krebs cung cấp cho chúng ta những thông tin rất tốt. Ông ấy là người vô cùng chuyên nghiệp", bà nói.
Giám đốc Cơ quan An ninh mạng và Cơ sở hạ tầng Mỹ Christopher Krebs phát biểu tại thủ đô Washington hôm 17/11. Ảnh: AP.
Thượng nghị sĩ Mike Rounds ở Nam Dakota cho hay ông vô cùng thất vọng khi biết tin Krebs bị sa thải. Thượng nghị sĩ Texas John Cornyn, người thường xuyên bảo vệ Trump, nói rằng dù Tổng thống có toàn quyền định đoạt công việc của các quan chức trong chính quyền, quyết định sa thải Krebs của ông sẽ "gây thêm bối rối và hỗn loạn."
Trước đó, thượng nghị sĩ Ben Sasse của Nebraska là thành viên Cộng hòa đầu tiên công khai chỉ trích quyết định sa thải Krebs của Tổng thống Trump. "Chris Krebs đã hoàn thành tốt công việc và ông ấy rõ ràng không đáng bị sa thải", Sasse nói.
Krebs, quan chức được Trump bổ nhiệm, là người được cả hai đảng Cộng hòa và Dân chủ tôn trọng. Quyết định sa thải Krebs của Trump bị chỉ trích là gieo thêm hoài nghi về cuộc bầu cử năm nay, trong bối cảnh Tổng thống Mỹ liên tục đưa ra cáo buộc gian lận và tiến hành loạt vụ kiện ở các bang Joe Biden được dự đoán chiến thắng.
Việc hàng loạt thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa cùng lên tiếng chỉ trích Trump về quyết định sa thải Krebs được cho là phản ứng bất thường trong nội bộ đảng này trước những động thái "thanh lọc" chính quyền gần đây của Tổng thống.
Sự ra đi của Krebs làm dài thêm danh sách quan chức chính quyền Trump bị sa thải hoặc từ chức sau bầu cử. Trump tuần trước sa thải bộ trưởng quốc phòng Mark Esper và được cho là đang có dự định cho thôi việc Giám đốc CIA Gina Haspel và Giám đốc FBI Christopher Wray.
Pelosi được chọn làm lãnh đạo phe Dân chủ tại Hạ viện Mỹ Các nhà lập pháp đảng Dân chủ Mỹ hôm 18/11 chọn Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi làm lãnh đạo tại Hạ viện cho nhiệm kỳ sắp tới của Joe Biden. Bà Pelosi, 80 tuổi, người phụ nữ có chức vụ cao nhất trong lịch sử quốc hội Mỹ và có bất hòa với Tổng thống Donald Trump, tiếp tục được bầu vào...