Biden ‘đặt cược’ với thời hạn vượt qua đại dịch
Tổng thống Mỹ Biden hôm 26/1 cam kết sẽ có đủ vaccine Covid-19 cho 300 triệu người dân vào cuối mùa hè này. Đây được cho là một tuyên bố mạo hiểm.
Trên thực tế, Tổng thống Biden chỉ ấn định thời gian dự kiến cuộc sống sẽ trở lại bình thường nhưng không đưa ra bất kỳ đảm bảo nào. Nếu ông thành công, 26/1 sẽ được nhớ đến như ngày ghi dấu bước ngoặt quan trọng trong đại dịch. Nếu thất bại, uy tín của ông sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Nó không chỉ kéo dài thêm cuộc khủng hoảng mà còn cản trở những chương trình nghị sự đầy tham vọng khác của tân Tổng thống Mỹ.
Tổng thống Mỹ Joe Biden tại Phòng Bầu dục, Nhà Trắng, ngày 20/1. Ảnh: Reuters.
“Trước một quốc gia đang chờ đợi hành động, hãy để tôi chỉ rõ điều này: Trợ giúp đang đến”, Biden nói sau khi thông báo về việc mua thêm 200 triệu liều vaccine Covid-19 nữa và nỗ lực tăng cường phân phối đến các bang trong vài ngày tới.
Theo giới chuyên gia, tuyên bố từ Tổng thống Biden vừa bao hàm mục tiêu hành chính lẫn chính trị. Nó tạo ra một động lực tinh thần hiếm hoi sau gần một năm nước Mỹ chật vật vì phong tỏa, cách biệt cộng đồng, chia cắt gia đình, đau ốm và chết chóc.
“Chúng ta có thể tiêm vaccine cho 300 triệu người dân vào mùa hè, như vậy cuộc sống sẽ thay đổi nhanh chóng và chúng ta sẽ thoát khỏi tình cảnh mà ta đang phải trải qua hiện nay khi đại dịch thống trị cuộc sống của ta”, tiến sĩ Ashish Jha, hiệu trưởng Trường Y tế Công cộng Đại học Brown, nhận xét.
Các dấu hiệu cho thấy cuối cùng thì chính phủ liên bang cũng đã có một kế hoạch chặt chẽ nhằm giúp doanh nghiệp lên kế hoạch trước, yếu tố rất quan trọng trong việc phục hồi nền kinh tế thoát khỏi tình trạng đình trệ vì đại dịch.
Và những hành động tích cực hàng ngày của Tổng thống Biden nhằm ứng phó với đại dịch cũng tạo ra bầu không khí cấp bách trên Đồi Capitol khi mà phe Cộng hòa đang hoài nghi về tính cần thiết của một gói cứu trợ nhằm đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng.
Video đang HOT
Hôm 27/1, cố vấn cấp cao cho đội ứng phó Covid-19 Nhà Trắng Andy Slavitt cho biết sẽ phải “mất nhiều tháng trước khi tất cả những ai muốn vaccine đều được tiêm chủng”. Tuy nhiên, Nhà Trắng đang trên đà đạt được mục tiêu tiêm vaccine cho 100 triệu người trong 100 ngày đầu nhậm chức của Tổng thống Biden, Slavitt nói và thêm rằng “mọi kho dự trữ đều đã hết sạch”.
Theo giới phân tích, tuyên bố mà Biden đưa ra về thời gian trở lại cuộc sống bình thường nằm trong nỗ lực rộng hơn và có tính toán của tân Tổng thống Mỹ nhằm thể hiện một lãnh đạo nhiệt huyết và nắm quyền. Chúng cũng nhằm cho thấy dấu hiệu về sự đột phá mạnh mẽ nhằm thoát khỏi tình trạng hỗn loạn và không thống nhất dưới thời chính quyền tiền nhiệm.
“Ta đang có một chính quyền liên bang nhất quán, chuyên nghiệp và nói sự thật”, Thống đốc New York Andrew Cuomo, chia sẻ với CNN.
Các thống đốc bang đã đặc biệt vui mừng khi điều phối viên Covid-19 Nhà Trắng Jeffrey Zients cam đoan rằng họ sẽ được thông báo ba tuần trước thời gian phân phối vaccine, cho phép họ có thời gian lên kế hoạch và bố trí nhân lực. Việc thiếu những khung thời gian cụ thể như vậy giúp giải thích vì sao hàng triệu liều vaccine đã được phân phối nhưng không thể cung cấp ngay tới bệnh nhân trong những tuần gần đây.
Zients thêm rằng lượng vaccine phân phối tới từng bang sẽ tăng 16% kể từ tuần tới. Song ngay cả khi tăng 16%, lượng vaccine vẫn chưa thể đủ đáp ứng như cầu của các bang.
Thông báo hôm 26/1 của Tổng thống Mỹ cũng là một động thái chính trị nhằm xóa bỏ ấn tượng về sự hỗn loạn trong thông điệp về mục tiêu và nguồn cung vaccine mà Biden cùng đội ngũ phụ tá đưa ra những ngày gần đây.
Dù tỏ ra lạc quan, Biden vẫn cẩn thận kiềm chế những kỳ vọng. “Chúng ta không bỗng nhiên rơi vào đống hỗn độn này và sẽ phải mất vài tháng để chúng ta vượt qua”, tân Tổng thống Mỹ nhấn mạnh.
Bình luận của Biden phản ánh mối nguy hiểm chính trị vốn có khi thiết lập các mốc thời gian và đưa ra dự đoán về một đại dịch nguy hiểm và khó lường, đặc biệt giữa lúc các biến chủng virus mới đang xuất hiện, thách thức tính hiệu quả của vaccine.
Mặt khác, lời cam kết của ông chủ Nhà Trắng còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác mà ông không thể kiểm soát.
Kinh nghiệm cho thấy cung cấp đủ vaccine không đồng nghĩa với việc nó được người dân tin tưởng sử dụng. Phong trào bài vaccine đang nổi lên trên khắp thế giới và cả Mỹ. Một cuộc thăm dò do Axios-Ipsos thực hiện hồi đầu tuần cho thấy chỉ 49% số người được hỏi có ý định tiêm chủng càng sớm càng tốt.
Bên cạnh đó, cũng có thể nảy sinh trục trặc trong sản xuất, các vấn đề về cung ứng, vận chuyển, hậu cần tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng đến mốc thời gian mà Tổng thống Biden nêu ra. Những số liệu như vậy khiến một số chuyên gia y tế hàng đầu đặt câu hỏi đến một lúc nào đó, vấn đề mầu chốt không còn là thiếu vaccine nữa mà là thiếu người tiếp nhận.
Bất chấp lời kêu gọi của Tổng thống Biden rằng đeo khẩu trang có thể cứu sống hàng chục nghìn người, việc làm này vẫn bị chính trị hóa cao, ở một quốc gia mà nhiều người bảo thủ vẫn tin vào cáo buộc cuộc bầu cử bị đánh cắp.
Các biến chủng mới của Covid-19, bao gồm cả những biến chủng xuất hiện lần đầu tiên ở Anh và Nam Phi, đang đe dọa đảo ngược những thành quả mà chính quyền đã đạt được, dù ít ỏi.
Ngay cả trong trường hợp số ca nhiễm virus giảm, vẫn tiềm ẩn nguy cơ chính quyền các bang có thể nôn nóng mở cửa, khiến dịch bùng phát trở lại, làm lời hứa của Tổng thống Biden càng trở nên xa vời, chuyên gia đánh giá.
Thế giới thở phào ngày Biden nhậm chức
Khoảnh khắc tân Tổng thống Mỹ Biden hoàn thành lời tuyên thệ nhậm chức được mô tả là giây phút thế giới thở phào, tạm quên quá khứ, hướng tới tương lai.
Kể từ buổi trưa ngày 20/1/2017, khi Tổng thống Donald Trump tuyên thệ nhậm chức, người dân trên toàn cầu đã thường xuyên phải sống với tâm lý cảnh giác cao độ trước những điều bất ngờ mà người đàn ông quyền lực nhất thế giới sẽ tung ra.
Tổng thống Mỹ Joe Biden phát biểu tại lễ nhậm chức hôm 20/1. Ảnh: AFP .
Chỉ trong vài tháng, Trump dường như đã đe dọa chiến tranh hạt nhân với Triều Tiên. Trong một dòng tweet nhắm trực tiếp tới lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un, ông khoe rằng "tôi cũng có Nút bấm Hạt nhân, nhưng nó to hơn và mạnh hơn nhiều so với của ông ấy, và nút bấm của tôi hoạt động tốt!". Câu hỏi liệu nước Mỹ, và phần còn lại của thế giới, có thể tồn tại sau 4 năm nhiệm kỳ của Trump không, đôi lúc lại nảy lên trong tâm trí không ít người.
11 phút trước buổi trưa ngày 20/1, Joe Biden đọc câu tuyên thệ biến một công dân bình thường trở thành người lãnh đạo chính phủ, đứng đầu quốc gia và biểu tượng của nước cộng hòa.
Khi Biden nói câu "Xin Chúa giúp đỡ", bàn tay đặt trên Kinh thánh, kết thúc lời tuyên thệ, có lẽ cũng là lúc những hồi hộp, lo âu được trút bỏ khỏi vai hàng triệu người dân Mỹ và cả hàng triệu người khác trên toàn thế giới, bất kỳ ai đã phải trải qua những căng thẳng dưới thời đại Trump.
Các kênh truyền hình chiếu cảnh một phụ tá quân sự mang "quả bóng" hạt nhân, chiếc vali chứa mật mã để kích hoạt kho vũ khí nguyên tử Mỹ, đến trao cho Biden. Một lần nữa, thế giới lại thở phào.
Về mặt kỹ thuật, lời tuyên thệ đã diễn ra sớm. Theo Hiến pháp Mỹ, quyền lực tổng thống chỉ hoàn toàn nằm trong tay Biden sau 12h trưa và ngay cả những phút cuối cùng còn lại cũng gây ra nhiều lo lắng. "Phew" là dòng tweet của một bình luận viên nổi tiếng khi giây phút trọng đại qua đi.
Nhưng nhẹ nhõm không phải cảm xúc duy nhất được thể hiện trong buổi lễ nhậm chức của Tổng thống Biden, giữa một Washington DC trống vắng đến kỳ lạ, trước một công viên quốc gia National Mall cắm đầy cờ thay vì tràn ngập người như mọi năm, do đại dịch Covid-19 và nỗi lo an ninh bắt nguồn từ cuộc bạo loạn Đồi Capitol hôm 6/1. Niềm hân hoan, vui sướng được thể hiện rõ nét trên khuôn mặt Phó tổng thống Kamala Harris khi bà tuyên thệ. Bà là người phụ nữ đầu tiên, người da màu đầu tiên giành được vị trí cao thứ hai trong chính quyền Mỹ.
Những gì từng có vẻ như là nghi lễ và thông lệ lại mang đến cảm xúc dạt dào. Hình ảnh Phó tổng thống Mike Pence trên sân khấu buổi lễ gây xôn xao một cách kỳ lạ. Do Tổng thống Trump đã từ chối dự lễ nhậm chức của người kế nhiệm, việc Pence cùng những đảng viên Cộng hòa khác xuất hiện là dấu hiệu cho thấy sự chấp thuận đối với tính hợp pháp của quá trình dân chủ.
Sự hiện diện của các cựu tổng thống Bill Clinton, George W. Bush, Barack Obama cho thấy nền dân chủ Mỹ vẫn đảm bảo tính toàn vẹn, dù thiếu vắng mắt xích gần nhất.
Thông điệp đó được chính Tổng thống Biden truyền đi hùng hồn hơn cả. Bài phát biểu nhậm chức của ông không "đao to búa lớn" nhưng nó hoàn toàn phù hợp với thời điểm. Nó giống như chính con người ông: Nhân hậu, tử tế, tận tâm. Ông dành phút mặc niệm tưởng nhớ những người đã mất vì đại dịch, một hành động thừa nhận đơn giản nhưng người tiền nhiệm của ông không làm được. Ông liệt kê những thách thức mà đất nước sẽ phải đối mặt, từ virus, nỗ lực đấu tranh cho sự thật đến cuộc khủng hoảng khí hậu, kêu gọi người dân Mỹ ít nhất hãy lắng nghe và đoàn kết với nhau.
"Chúng ta phải chấm dứt cuộc nội chiến này", Biden nhấn mạnh.
Nhìn vào tân Tổng thống Biden, rắn rỏi và dày dạn, cảm giác mọi thứ sẽ trở lại bình thường bỗng dâng lên tự nhiên. Và khi một phụ nữ da màu khác, Amanda Gorman, khép lại buổi lễ bằng bài thơ mang đến niềm thích thú, bạn có thể thoáng nhìn thấy một vùng đất mà 4 năm qua hầu như không thể nhìn thấy: Nước Mỹ mà phần còn lại của thế giới có thể thán phục thêm lần nữa, bình luận viên Jonathan Freedland từ Guardian nhận xét.
Luật sư của Trump nói bị dọa giết vì thông tin nhiễm nCoV Jenna Ellis, thành viện nhóm luật sư của Trump, từ chối xác nhận nhiễm nCoV, nói cô nhận nhiều lời dọa giết sau khi thông tin này được đưa ra. Ellis chia sẻ với Fox News ngày 8/12 rằng cô cảm thấy khỏe nhưng vẫn tuân thủ các biện pháp cách ly sau khi Rudy Giuliani, luật sư riêng của Trump, được xác...