Biden công khai hồ sơ thuế
Biden và vợ là Jill Biden công khai hồ sơ thuế hôm 17/5, khôi phục truyền thống của các tổng thống Mỹ vốn bị gián đoạn dưới thời Trump.
Theo bản kê khai thuế chung, Tổng thống Mỹ Joe Biden và Đệ nhất phu nhân Jill, một giáo sư đại học, báo cáo tổng thu nhập năm 2020 là 607.336 USD. Họ đã nộp 157.414 USD thuế thu nhập liên bang, lợi tức thực tế 25,9%, và 28.794 USD thuế thu nhập cho bang quê nhà Delaware.
Theo Fox Business, vợ chồng Biden kiếm được khoảng 15 triệu USD trong hai năm sau nhiệm kỳ phó tổng thống của Biden. Tổng thu nhập của họ là 11 triệu USD năm 2017 và khoảng 4,6 triệu USD năm 2018.
Phó tổng thống Kamala Harris cũng công khai hồ sơ thuế chung với chồng là luật sư Doug Emhoff. Theo đó, tổng thu nhập của họ là 1.695.225 USD.
Tổng thống Mỹ Joe Biden phát biểu tại Nhà Trắng hôm 17/5. Ảnh: AFP .
Vợ chồng Phó tổng thống đã nộp 621.893 USD thuế thu nhập liên bang, lợi tức thực tế 36,7%, và 125.004 USD thuế thu nhập ở bang quê nhà California, trong khi Emhoff nộp thêm 56.997 USD thuế thu nhập ở thủ đô Washington.
Emhoff là luật sư nổi tiếng trong ngành giải trí và đã nghỉ việc tại công ty sau khi Harris được chọn vào liên danh của Biden trong chiến dịch tranh cử năm 2020.
Tờ khai thuế xác nhận gia đình Biden và gia đình Harris có thể phải nộp nhiều thuế hơn nếu Biden được quốc hội thông qua đề xuất gói chi tiêu xã hội và giáo dục khổng lồ trong Kế hoạch Gia đình Mỹ. Theo các đề xuất hiện tại, kế hoạch sẽ được tài trợ một phần bằng cách tăng mức thuế cao nhất cho những người Mỹ giàu có nhất. Biden nói rằng những người thu nhập dưới 400.000 USD/năm sẽ không bị tăng thuế.
Video đang HOT
Theo truyền thống, các tổng thống Mỹ công khai hồ sơ thuế hàng năm, trong đó nêu chi tiết các nguồn thu nhập và các khoản thuế đã nộp để thể hiện sự minh bạch. Cựu tổng thống Donald Trump đã phá vỡ điều này, nhiều lần từ chối công khai tài chính, tình trạng tài sản và đế chế thương hiệu của mình trong 4 năm tại nhiệm.
Trump từng công khai thừa nhận thu nhập của ông bị giảm khi làm tổng thống. Năm 2019, cựu tổng thống ước tính ông mất khoảng 2 tỷ đến 5 tỷ USD. “Tôi sẽ kiếm được nhiều tiền nếu chỉ điều hành công việc kinh doanh của mình. Tôi đang làm rất tốt”, Trump nói vào thời điểm đó.
Theo Forbes , tài sản của Trump đã giảm từ 3,5 tỷ USD vào 2017 xuống còn 2,4 tỷ USD năm 2021.
Cuộc chiến cam go chống nạn bài Á tại Mỹ
Những vụ hành hung, tấn công người gốc Á gần đây không thuyên giảm, bất chấp nỗ lực hành động của chính quyền và sự chú ý của dư luận Mỹ.
Theo Trung tâm Nghiên cứu Chủ nghĩa Thù ghét và Cực đoan thuộc Đại học bang California, Mỹ, số vụ phạm tội thù ghét người gốc Á được báo cáo với cảnh sát trong quý I năm nay tăng hơn 164% so với cùng kỳ năm ngoái, tính tại 16 thành phố và khu vực pháp lý lớn ở Mỹ.
Tổ chức Ngừng Thù ghét Người Mỹ gốc Á và các đảo Thái Bình Dương (AAPI) tuần này cũng cho biết hơn 6.600 vụ thù ghét đã được báo cáo trong một năm, kể từ khi đại dịch Covid-19 khởi phát tại Mỹ. Hơn 1/3 số trường hợp trên diễn ra chỉ trong tháng 3 năm nay.
Những dữ liệu mới được công bố trong bối cảnh các vụ hành hung dã man người gốc Á tại Mỹ gần đây tiếp tục xuất hiện . Hôm 4/5, một người đàn ông bị bắt với cáo buộc đâm hai phụ nữ gốc Á đang chờ xe buýt, trong vụ tấn công vô cớ ngay trung tâm thành phố San Francisco, bang California.
Cùng ngày, hai phụ nữ gốc Á cao tuổi ở thành phố Baltimore, bang Maryland, bất ngờ bị Daryl Doles, 50 tuổi, xông tới tấn công và liên tiếp dùng gạch đập vào đầu, trong lúc họ đang trông một cửa hàng rượu. Doles đã bị bắt và đối mặt hai tội hành hung, song chưa rõ có bị truy cứu tội tấn công do thù ghét hay không. Một trong hai nạn nhân phải khâu tới 25 mũi.
Trước đó vào tối 2/5, một phụ nữ gốc Á tên Teresa bị một người lạ yêu cầu cởi khẩu trang rồi dùng búa đập vào đầu, trong lúc cô đang đi dạo ở thành phố New York. Teresa cho biết vết thương trên đầu không thể so sánh được vết sẹo tâm lý trong lòng cô. Người phụ nữ 31 tuổi rất buồn, bị tổn thương và hoàn toàn sốc sau vụ tấn công.
"Tình trạng này sẽ không có khả năng giảm bớt nhanh chóng, trừ khi chúng ta hết sức cảnh giác. Chúng ta vẫn chưa tạo ra và đem lại được những biến chuyển mang tính thể chế và thay đổi hành vi ở quy mô lớn nhất", Van Tran, phó giáo sư xã hội học tại Đại học Thành phố New York, nhận định.
Russell Jeung, đồng sáng lập tổ chức Ngừng Thù ghét AAPI, cho biết từ dữ liệu của tổ chức, rất khó đánh giá liệu các vụ thù ghét thực sự đang xảy ra với tỷ lệ cao hơn, hay do cộng đồng đang lên tiếng nhiều hơn nhờ nhận thức được nâng cao và sự chú ý của dư luận. Tuy nhiên, ông cho rằng "cảm nhận về tình trạng phân biệt chủng tộc vẫn sâu sắc, nỗi tức giận nhắm đến người châu Á cũng vẫn khá cao".
Tình trạng gia tăng các vụ bạo lực chống người gốc Á bắt đầu gây chú ý từ tháng 3/2020, khi Covid-19 bắt đầu lây lan tại Mỹ và một số chính trị gia, bao gồm cựu tổng thống Donald Trump, đổ lỗi cho Trung Quốc về đại dịch và gọi nCoV là "virus Trung Quốc".
Các nghị sĩ Mỹ sau đó đã nỗ lực cải cách luật pháp, trong khi nhiều sở cảnh sát thành lập lực lượng đặc nhiệm và mở đường dây nóng để xử lý các vụ thù ghét chống người gốc Á. Cộng đồng người gốc Á cũng tổ chức hàng loạt cuộc biểu tình quy mô lớn và tăng cường tuần tra, giám sát trong khu dân cư để ngăn chặn bạo lực.
Tháng trước, Thượng viện Mỹ thông qua một dự luật nhằm chống lại tội thù ghét người gốc Á, với tỷ lệ ủng hộ áp đảo từ lưỡng đảng. Theo phó giáo sư Tran, nếu được Hạ viện phê chuẩn, luật này sẽ trở thành "bước tiến đầu tiên vô cùng mạnh mẽ".
Tuy nhiên, Tran đánh giá vẫn cần thêm nhiều thay đổi về mặt cấu trúc để xóa bỏ thái độ phân biệt chủng tộc tiềm ẩn trong những hành vi thù ghét đó . Ông còn lưu ý các điều luật về tội thù ghét đã có cần được thực thi mạnh mẽ hơn.
Tổng thống Mỹ Joe Biden đã ký một sắc lệnh hành pháp lên án phân biệt chủng tộc đối với người Mỹ gốc Á, đồng thời nhiều lần bày tỏ lo ngại về tình trạng bạo lực gia tăng. Giáo sư Brian Levin, tác giả báo cáo từ trung tâm nghiên cứu thuộc Đại học bang California, ghi nhận sự thay đổi của chính quyền Biden so với chính quyền tiền nhiệm "có thể" hữu ích với người gốc Á. Mặc dù vậy, những tuyên bố chính trị được cho là không đủ để ngăn chặn vấn đề.
"Ngay cả khi Tổng thống Biden và quốc hội đang nỗ lực đáng kể, vẫn có một cộng đồng bị tổn thương trước những định kiến ở các mức độ khác nhau. Thậm chí những định kiến ở mức độ nông cũng có thể dẫn đến hành vi bạo lực tùy theo tình hình", Levin đánh giá.
Levin, người đã theo dõi các sự cố thù ghét gần 30 năm, dự đoán tình hình có thể tồi tệ hơn khi các biện pháp phòng chống Covid-19 được gỡ bỏ. "Số vụ thù ghét đã tăng 146% trong năm 2020, giờ đây lại tiếp tục tăng. Đây là mức tăng lịch sử, đòi hỏi hành động ngay lập tức từ giới lãnh đạo, ngành giáo dục, hoạch định chính sách và thực thi pháp luật", giáo sư cho hay.
Người dân giơ biểu ngữ trong cuộc tuần hành "Ngừng Thù ghét người châu Á" tại thành phố Atlanta, bang Georgia, Mỹ, hôm 20/3. Ảnh: Reuters .
Mặc dù đòi hỏi "toàn xã hội" hành động để giải quyết tình trạng, Levin đánh giá vấn đề "cấp bách nhất" nằm ở mảng thực thi pháp luật và cần có dữ liệu chính xác hơn để đánh giá phạm vi vấn đề. Theo số liệu của Cục Thống kê Tư pháp, chưa đến một nửa số nạn nhân của tội thù ghét báo cảnh sát.
Levin cho biết một số địa phương như thành phố New York, nơi đã thành lập Lực lượng Chuyên trách Tội Thù ghét người châu Á, đang làm tốt công tác thống kê. Tuy nhiên, lỗ hổng xuất hiện ở nhiều nơi khác như Alabama, bang duy nhất không báo cáo trường hợp phạm tội thù ghét nào hồi năm 2019.
"Chúng tôi thực sự phải thu thập dữ liệu cụ thể. Nếu chậm trễ và chờ đợi số liệu từ Cục Điều tra Liên bang (FBI) đưa ra vào giữa tháng 11, các cộng đồng đang trải qua khó khăn ngay lúc này sẽ không được giúp gì", Levin nói.
Evangeline Chan, đồng chủ tịch Nhóm Đồng hệ AAPI chuyên hỗ trợ các nạn nhân, cho rằng cần nâng cao giáo dục cộng đồng về cách báo cáo sự cố thù ghét, cũng như cách kết nối nạn nhân với những nguồn hỗ trợ. Tương tự nhiều chuyên gia, Chan đánh giá những rào cản văn hóa hoặc ngôn ngữ khiến người châu Á và người Mỹ gốc Á khó báo cáo sự cố.
Cũng theo Chan, một trong nhiều cách để ngăn tội thù ghét là giáo dục và "hiểu rõ nguyên nhân gốc rễ của phân biệt chủng tộc". "Tình trạng bạo lực đối với người gốc Á thực sự không có gì mới. Nó đã xảy ra trước đại dịch và ăn sâu vào lịch sử Mỹ", cô cho hay.
Anne Cheng, giáo sư Đại học Princeton ở New Jersey, cho biết biện pháp này nên bao gồm giảng dạy cho học sinh về "vai trò không thể thiếu" của người Mỹ gốc Á trong lịch sử đất nước. "Chúng tôi là một phần của đất nước này. Chúng tôi là một phần của lịch sử và đã đóng góp kể từ thế kỷ 19", Cheng nói.
Chan còn gợi ý đào tạo cho người dân cách giúp đỡ và doanh nghiệp cách xử lý nếu bắt gặp tội thù ghét. Cô "vô cùng thất vọng" khi chứng kiến nhiều vụ tấn công nghiêm trọng ngay giữa ban ngày mà rất ít người Mỹ ra tay can thiệp.
"Chúng tôi mong muốn các thành viên trong cộng đồng và chủ sở hữu những cửa hàng trên đường phố ít nhất hãy can thiệp, hoặc gọi hỗ trợ", Chan cho hay.
Mỹ điều B-52 yểm trợ lính rút khỏi Afghanistan Mỹ triển khai gần 20 tiêm kích và oanh tạc cơ đến Trung Đông, đề phòng phiến quân tập kích lực lượng đang rút khỏi Afghanistan. Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ Mark Milley hôm 6/5 cho biết 6 oanh tạc cơ chiến lược B-52 và 12 tiêm kích F/A-18 đang được huy động để bảo vệ quá trình...