Biden công bố loạt biện pháp kiểm soát súng đạn
Biden gọi bạo lực súng đạn ở Mỹ là “dịch bệnh”, “nỗi hổ thẹn” với cộng đồng quốc tế và công bố 6 sắc lệnh hành pháp để kiểm soát.
“Bạo lực súng đạn là một dịch bệnh cần phải bị ngăn chặn. Đó là nỗi hổ thẹn với quốc tế. Cầu nguyện đủ rồi, đã đến lúc phải hành động”, Tổng thống Mỹ Joe Biden phát biểu tại sự kiện ở Nhà Trắng hôm 8/4, với sự tham dự của Phó tổng thống Kamala Harris, Bộ trưởng Tư pháp Merrick Garland, các nghị sĩ và nhà hoạt động kiểm soát súng đạn.
Biden gọi các vụ xả súng là “cuộc khủng hoảng sức khỏe cộng đồng” và công bố 6 sắc lệnh hành pháp mà ông cho rằng sẽ giúp xoa dịu cuộc khủng hoảng, gồm một quy tắc được đề xuất để “ngăn chặn gia tăng súng ma”, như các loại súng tự chế. Nhà Trắng cho biết những vũ khí tự chế này đặc biệt được quan tâm vì chúng không có số serie và không thể truy tìm sau khi được sử dụng để gây tội.
Video đang HOT
Tổng thống Mỹ Joe Biden công bố các biện pháp kiểm soát súng đạn tại sự kiện ở Nhà Trắng hôm 8/4. Ảnh: AFP .
Một quy tắc khác được đề xuất là thắt chặt quy định về nẹp tay, dụng cụ cố định súng lục được thủ phạm sử dụng trong vụ giết 10 người ở cửa hàng tạp hóa bang Colorado tháng trước.
Các biện pháp khác bao gồm tăng cường hỗ trợ cho các cơ quan liên quan giải quyết bạo lực cộng đồng và yêu cầu một báo cáo toàn diện đầu tiên về nạn buôn bán vũ khí ở Mỹ kể từ năm 2000.
Theo nghiên cứu của tổ chức phi lợi nhuận RAND, Mỹ có tỷ lệ sở hữu súng trong người dân cao nhất thế giới, cũng như tỷ lệ tử vong do súng luôn cao hơn những quốc gia phát triển khác. Gần 4.000 người Mỹ chết mỗi năm vì các vụ xả súng.
Biden cho biết các đề xuất của ông chỉ là bước khởi đầu và kêu gọi quốc hội thực hiện các biện pháp sâu rộng, như bổ sung kiểm tra lý lịch và chấm dứt việc bán súng trường thường được sử dụng trong các vụ giết người hàng loạt.
“Đây là gói biện pháp quan trọng”, Peter Ambler, giám đốc điều hành Giffords, một nhóm phòng chống bạo lực súng, cho biết, đồng thời tán dương Biden vì đã cam kết sẽ làm nhiều hơn thế. “Những từ quan trọng nhất mà Tổng thống đã nói là: đây mới chỉ là khởi đầu”.
Tuy nhiên, Hiệp hội Súng trường Quốc gia, tổ chức ủng hộ quyền sử dụng súng, chỉ trích các biện pháp này. “Các đề xuất mà Biden công bố hôm nay có thể yêu cầu công dân tuân thủ pháp luật giao nộp tài sản hợp pháp và cho phép các bang mở rộng lệnh tịch thu súng”, nhóm cho hay.
Đảng Cộng hòa cũng ngay lập tức công kích đề xuất này, với lãnh đạo của đảng tại Hạ viện Kevin McCarthy cảnh báo về “hành vi vi hiến quá mức”. McCarthy tuyên bố đảng của ông sẽ “kiên quyết phản đối và theo đuổi mọi lựa chọn để bảo vệ quyền giữ và mang vũ khí” của người dân.
“Sắc lệnh hành pháp của Tổng thống Biden hôm nay làm được hai điều: xoa dịu phe cánh tả và vi phạm quyền sở hữu súng được quy định trong Tu chính án thứ hai”, hạ nghị sĩ Cộng hòa Robert Aderholt đăng Twitter, trong khi một nghị sĩ Cộng hòa khác là Jim Jordan nói: “Họ muốn lấy súng của bạn”.
Quyền được mang vũ khí trong Tu chính án Thứ hai của Mỹ được nhiều người dân ủng hộ. Tuy nhiên, khảo sát năm 2019 của Reuters cho thấy gần 70% người Mỹ đồng ý rằng nên bổ sung những hạn chế liên bang “mạnh mẽ hoặc vừa phải” về súng đạn. Các ý tưởng như kiểm tra lý lịch và cơ sở dữ liệu để theo dõi quyền sở hữu thậm chí được công chúng ủng hộ nhiều hơn.
Tổng thống Mỹ đề cập nhiều vấn đề trong cuộc họp báo đầu tiên
Đêm qua theo giờ Việt Nam, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã có cuộc họp báo chính thức đầu tiên kể từ khi lên nắm quyền, trong đó ông đề cập đến một loạt vấn đề nổi cộm trong chính sách đối nội và đối ngoại như đại dịch COVID-19, sự phục hồi kinh tế, quan hệ với Trung Quốc, Triều Tiên hay việc rút quân khỏi Afghanistan.
Tổng thống Mỹ Joe Biden. Ảnh: AFP/TTXVN
Theo phóng viên TTXVN tại Mỹ, tại cuộc họp báo, Tổng thống Biden đã đưa ra đánh giá tích cực về triển vọng phục hồi kinh tế Mỹ nhờ vào gói cứu trợ trị giá 1,9 nghìn tỷ USD vừa được thông qua, đồng thời dẫn dự báo của các chuyên gia kinh tế cho rằng kinh tế Mỹ sẽ đạt mức tăng trưởng trên 6% trong năm nay. Ông cũng cho biết số hồ sơ hàng tuần xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu ở Mỹ đã giảm gần 100.000 người.
Bên cạnh triển vọng tích cực về tăng trưởng kinh tế, Tổng thống Biden cũng cho biết các biện pháp xử lý đại dịch COVID-19 của Nhà Trắng trong thời gian qua đã đạt nhiều kết quả tích cực và nhận được sự ủng hộ cao của người dân đối với các biện pháp cũng như chính sách nhằm ngăn chặn đại dịch lây lan. Theo nhà lãnh đạo Mỹ, với tốc độ tiêm chủng và phân phối vaccine như hiện nay, nước Mỹ sẽ cố gắng đạt mục tiêu tiêm 200 triệu liều vaccine ngừa COVID-19 trong 100 ngày đầu tiên của nhiệm kỳ tổng thống, sau khi đã đạt được mục tiêu tiêm 100 triệu lượt hôm 19/3 vừa qua.
Ông Biden cũng đề cập tới các biện pháp kiểm soát súng đạn sau 2 vụ xả súng hàng loạt gây chấn động nước Mỹ thời gian gần đây và hối thúc Quốc hội nước này nhanh chóng thông qua luật kiểm soát súng. Vị tổng thống thứ 46 của nước Mỹ khẳng định ông có thể tự mình hành động để ngăn chặn bạo lực, nhưng vẫn muốn có sự hợp tác lưỡng đảng trong vấn đề này. Ngoài ra, ông Biden cũng hé lộ dự định sẽ tái tranh cử vào năm 2024 và hy vọng Phó Tổng thống Kamala Harris sẽ tiếp tục là liên danh tranh cử của ông.
Liên quan tới cuộc chiến ở Afghanistan, Tổng thống Biden cho rằng Mỹ khó có thể rút hết binh sĩ khỏi quốc gia Nam Á này vào trước ngày 1/5 như thỏa thuận đã ký với Taliban, nhưng các binh sĩ Mỹ sẽ không ở lại vô thời hạn. Khi được hỏi về khả năng duy trì các lực lượng Mỹ ở Afghanistan trong năm 2022, Tổng thống Biden cho biết ông chưa hình dung về trường hợp này.
Trong quan hệ với Trung Quốc, Tổng thống Biden khẳng định chính quyền của ông không tìm kiếm một cuộc đối đầu nhưng sẽ cạnh tranh gay gắt với Trung Quốc. Mỹ sẽ đầu tư nhiều hơn cho lực lượng lao động và ngành khoa học để cạnh tranh với Trung Quốc, đồng thời sẽ yêu cầu Bắc Kinh phải tuân thủ các quy tắc và luật lệ quốc tế, thực hiện cạnh tranh và thương mại công bằng. Ngoài ra, Mỹ cũng sẽ hợp tác với các nước đồng minh trong các vấn đề liên quan đến Đài Loan (Trung Quốc), Hong Kong (Trung Quốc), Biển Đông và cách thức đối xử với người dân tộc thiểu số.
Về vấn đề Triều Tiên, Tổng thống Biden cảnh báo sẽ đưa ra các hành động đáp trả tương ứng nếu Triều Tiên leo thang các vụ thử tên lửa. Ông cũng cho biết hiện Mỹ đang tham vấn với các đối tác và đồng minh, đồng thời chuẩn bị một số hình thức ngoại giao với Bình Nhưỡng dựa trên kết quả cuối cùng của tiến trình phi hạt nhân hóa.
Đây là cuộc họp báo chính thức đầu tiên của Tổng thống Biden sau hơn 2 tháng kể từ khi lên nắm quyền, một kỷ lục về khoảng thời gian một tân Tổng thống Mỹ lần đầu họp báo chính thức. Nhà Trắng cho biết lý do cho sự chậm trễ này là do Tổng thống Biden phải tập trung giải quyết đại dịch COVID-19 và thúc đẩy gói cứu trợ 1,9 nghìn tỷ USD. Trước đó, ông Biden chỉ có các cuộc gặp gỡ ngắn ngủi với phóng viên và thường chỉ trả lời 1, 2 câu hỏi.
Biden nói 'sóng di cư' có từ thời Trump Biden khẳng định tình trạng dòng người di cư gia tăng ở biên giới phía nam khởi đầu từ thời Trump do các thảm họa tự nhiên nghiêm trọng. "Làn sóng di cư mới mà chúng tôi đang đối phó vốn bắt đầu từ chính quyền trước, song trách nhiệm của chúng tôi là giải quyết nó một cách nhân đạo", Tổng thống...