Bị xử thua kiện vì… “ăn theo” Facebook
Một người Việt Nam đã bị một trung tâm trọng tài quốc tế buộc giao lại tên miền facebook360.com cho Facebook…
Mới đây, trung tâm trọng tài thương mại Arbitration and Mediation center (thuộc Tổ chức sở hữu trí tuệ thế giới WIPO) đã ra phán quyết tuyên ông TH. (bị đơn) phải giao lại tên miền facebook360.com cho Công ty Facebook (trụ sở ở California, Hoa Kỳ, nguyên đơn) vì xác định tên miền trên “ăn theo” tên tuổi của Facebook.
Đòi “chuyển nhượng” với giá 100.000 USD
Hồ sơ vụ kiện thể hiện Facebook đã đưa ra nhiều lý lẽ và 20 phụ lục chứng minh việc đăng ký tên miền facebook360.com là xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ của mình. Facebook cho rằng mình là một thương hiệu nổi tiếng toàn cầu, việc ông H. đăng ký tên miền facebook360.com là đã cố tình lợi dụng ăn theo thương hiệu của công ty, gây nhầm lẫn và trục lợi.
Video đang HOT
Trước khi Facebook khởi kiện, hai bên đã có quá trình trao đổi với nhau.
Cụ thể, ngày 25.2, luật sư của Facebook đã liên lạc với ông H. qua email và khẳng định quyền thương hiệu của công ty với tên miền facebook360.com. Luật sư của Facebook khẳng định ông H. không được công ty ủy quyền để thực hiện bất kỳ việc gì trong việc sử dụng nhãn hiệu hàng hóa của mình.
Trong thư trả lời, ông H. cho rằng ông được cơ quan đăng ký chấp nhận cho đăng ký tên miền facebook360.com và không xâm phạm đến quyền lợi của Facebook. Theo ông H. giải thích, ông có kế hoạch xây dựng một trang mạng xã hội để chia sẻ video 360 độ và dự đoán rằng dự án của mình sẽ có giá trị lên tới hàng tỉ USD. Ông không xâm phạm nhãn hiệu của Facebook và không sử dụng tên miền đã đăng ký với mục đích xấu. Nhưng nếu Facebook khiếu nại thì ông sẵn sàng nhượng lại tên miền tranh chấp với hai điều kiện: Facebook phải thừa nhận ông là người “sáng lập” của Facebook và Ceo Mark Zuckerberg tại Việt Nam và Facebook phải trả cho ông một khoản tiền phí “ sáng tạo” tên miền tranh chấp.
Ngày 17.3, luật sư của Facebook đã gửi thư qua email và qua đường bưu điện cho ông H., khẳng định một lần nữa quyền với tên miền của mình và không đáp ứng các yêu cầu của ông H. 10 ngày sau, ông H. trả lời rằng trong quá khứ, trang Yahoo360 đã nổi tiếng tại Việt Nam nên ông có ý định làm điều tương tự với facebook360. Ông đã tốn nhiều chi phí không chỉ cho việc đăng ký tên miền đang tranh chấp mà còn để phát triển các dự án của mình từ tháng 5.2015. Theo ông H., chi phí điều hành của ông đã lên tới hàng ngàn USD (gồm các cơ sở, thiết bị máy tính, đồ nội thất và gia công phần mềm của thiết kế website) và yêu cầu Facebook hoàn trả 100.000 USD.
Đến ngày 29.3, luật sư của Facebook đã trả lời email của ông H., mời ông tham khảo các ý kiến pháp lý trong vòng 48 giờ để quyết định, nếu không Facebook sẽ khởi kiện. Cạnh đó, Facebook nhấn mạnh hành vi của ông H. là xâm phạm nhãn hiệu hàng hóa. Sau khi ông H. không trả lời, không liên lạc với Facebook, công ty này đã kiện ông H. tới trung tâm trọng tài Arbitration and Mediation Center.
Phải chuyển giao tên miền cho Facebook
Sau khi thụ lý, trung tâm trọng tài Arbitration and Mediation Center đã thông báo cho Công ty Mắt Bão (nơi đăng ký tên miền cho ông H.) yêu cầu khóa tên miền facebook360.com, tránh việc đương sự chuyển giao cho bên thứ ba trong thời gian chờ trung tâm trọng tài giải quyết tranh chấp.
Trong phán quyết ngày 14.6, hội đồng trọng tài nhận định việc đăng ký và sử dụng tên miền tranh chấp của ông H. là không lành mạnh. Bởi lẽ thực tế nhãn hiệu Facebook rất đặc biệt, đã được sử dụng rộng rãi từ năm 2004, nhanh chóng giành được thiện chí của người dùng và hiện nay nổi tiếng khắp thế giới, trong đó có Việt Nam. Vì vậy không thể cho rằng ông H. không có kiến thức về nhãn hiệu này. Trong khi đó, Facebook có chứng cứ thể hiện thời điểm ông H. đăng ký tên miền (tháng 5.2015) diễn ra chỉ một tháng sau khi Facebook công bố trong một thông cáo báo chí rằng đã có chức năng video 360 độ. Do đó, việc ông H. đăng ký tên miền facebook360.com là xâm phạm nhãn hiệu của Facebook và có ý định thương mại. Việc ông H. đòi “chuyển nhượng” tên miền với giá 100.000 USD là một bằng chứng cho thấy ông có ý đồ không lành mạnh.
Ngoài ra, căn cứ vào điều khoản sử dụng của Facebook, hội đồng trọng tài thấy rằng ông H. sử dụng tên miền tranh chấp với chủ đích thương mại và tạo ra khả năng gây nhầm lẫn với nhãn hiệu của nguyên đơn. Ông H. cố ý sử dụng tên miền tranh chấp với việc “mượn” thương hiệu Facebook kết hợp với số 360. Ông H. đã cố tình gây ra sự nhầm lẫn đối với người dùng Internet tìm kiếm Facebook để chuyển chúng lên trang web của riêng của mình nhằm hưởng lợi từ nguyên đơn. Do đó, trung tâm trọng tài chấp nhận bằng chứng của Facebook chứng minh việc đăng ký và sử dụng tên miền đang tranh chấp của ông H. là không đúng. Lập luận của ông H. cho rằng sử dụng tên miền tranh chấp vào mục đích phi thương mại đã không đánh bại được bằng chứng của việc sử dụng tên miền vào mục đích xấu mà Facebook đưa ra. Từ đó, hội đồng trọng tài quyết định chuyển giao tên miền tranh chấp facebook360.com cho Facebook.
Cũng theo hội đồng trọng tài, sau 10 ngày kể từ ngày 14.6, ông H. có quyền kiện ra tòa án nếu không đồng ý với phán quyết của trọng tài. Tuy nhiên, hết thời hạn này, ông H. đã không thực hiện quyền của mình. Mới đây nhất, Facebook đã có văn bản đề nghị Công ty Mắt Bão thực hiện phán quyết, chuyển giao tên miền facebook360.com lại cho mình.
Facebook nổi tiếng toàn cầu Phần “cơ sở thực tế” trong phán quyết trọng tài ghi nhận Facebook là nhà cung cấp hàng đầu thế giới về các dịch vụ mạng xã hội trực tuyến. Được thành lập vào năm 2004, Facebook cho phép người sử dụng Internet kết nối với bạn bè, gia đình và để chia sẻ thông tin thông qua trang web “www.facebook.com”. Ban đầu Facebook chỉ giới hạn cho sinh viên tại ĐH Harvard (Mỹ) truy cập, sau đó mở rộng sang các trường ĐH khác. Đến năm 2006, bất cứ ai trên thế giới, chỉ cần có một địa chỉ email hợp lệ là có thể sử dụng Facebook. Hiện nay, Facebook đã hoạt động trên toàn cầu, có hơn 1,59 tỉ người sử dụng hằng tháng và 1,04 tỉ người sử dụng hằng ngày. Tại Việt Nam, có hơn 30 triệu người sử dụng hằng tháng. Trang web www.facebook.com hiện đang xếp hạng truy cập nhiều thứ ba tại Việt Nam và là trang được truy cập nhiều thứ hai trên thế giới. Đừng “ăn theo” để trục lợi Từ vụ việc này cho thấy bất cứ hành vi nào lợi dụng, nhái lại hoặc gây hiểu lầm nhãn hiệu, thương hiệu nổi tiếng đều không nên và không thể chấp nhận. Nguyên tắc thương mại quốc tế và cả ở Việt Nam đều rất đề cao vấn đề bảo vệ thương hiệu sản phẩm, trong đó có tên miền. Việc “sáng tạo” tên miền bằng cách bắt chước hoặc thêm thắt ký tự để tạo ra tên miền mới nhằm mục đích thương mại là trục lợi theo sự nổi tiếng của người khác. Bởi về bản chất, hành vi đó đã cố tình tạo ra sự hiểu lầm, có thể không nhằm phá hoại nơi bị nhái và đối tượng khách hàng khác nhau nhưng nó là hành vi không được phép. Thực tế, trường hợp như ông H. không hiếm và các tổ chức trọng tại quốc tế đã giải quyết nhiều. PSG-TS Đỗ Văn Đại, Trường ĐH Luật TP.HCM
Theo Thanh Tùng ( Pháp luật TP.HCM)