Bị xử lý qua camera: Hầu hết là lỗi vượt đèn đỏ
Sau khi thí điểm, hôm qua, CSGT Hà Nội đồng loạt xử phạt phương tiện vi phạm qua camera tại nhiều khu vực. Trong số gần 20 trường hợp ô tô bị xử phạt trong ngày, hầu hết phạm lỗi vượt đèn đỏ.
Từ 8h sáng qua, gần 100 màn hình phát hình ảnh các camera, giám sát giao thông tại Trung tâm Điều khiển đèn tín hiệu giao thông đều hoạt động hết công suất. Gần 10 CSGT ngồi theo dõi, xử lý thông tin từ camera tại các nút giao thông tự động chuyển về. Giờ cao điểm sáng qua, thông tin được các camera gửi về hầu hết là tình trạng ùn ứ, TNGT, hoạt động của hệ thống đèn tín hiệu trên đường.
Đến tầm 9h, hệ thống camera giám sát vi phạm giao thông bắt đầu có nhiều tín hiệu báo về, Trung tâm điều khiển đèn tín hiệu phải tăng cường lực lượng cho khu vực phân định là xử lý vi phạm. Tại đây có 4 màn hình lớn được đánh thứ tự từ camera1. Đại úy Phạm Quang Minh, chỉ huy tổ trực tại Trung tâm Điều khiển đèn tín hiệu giao thông, Phòng CSGT (PC67), Công an thành phố Hà Nội, sáng qua cho hay, đã có trên 100 camera theo dõi, giám sát và xử lý vi phạm trên nhiều nút giao thông được lắp đặt, truyền số liệu về trung tâm.
Riêng trong sáng 16/3, có trên 10 nút giao thông có camera giám sát, xử lý phương tiện vi phạm hoạt động. “Căn cứ vào thông tin, hình ảnh của camera “bắt vi phạm” gửi về, lực lượng giám sát tại Trung tâm sẽ phân tích lỗi, phân định khu vực vi phạm để chuyển cho các tổ tuần tra, kiểm soát trên đường”, ông Minh nói.
Tại bàn camera số 2 của tổ xử lý vi phạm thời điểm 10h30 sáng qua, phát hiện ô tô bán tải BKS 14C-09021 vượt đèn đỏ, màn hình hiển thị hình ảnh camera giám sát tại nút giao thông Xã Đàn – Phạm Ngọc Thạch đã phát tín hiệu. Từ thông tin và hình ảnh kèm biển số xe vi phạm được camera tự động chụp lại, đại diện tổ giám sát thông báo qua bộ đàm với tổ tuần tra của Đội CSGT số 3 tại khu vực nút giao Xã Đàn – Phạm Ngọc Thạch.
Đến cuối giờ chiều qua, trung tá Hoàng Văn Đạo, đội trưởng Đội CSGT số 3-PC67, thông tin, sau khi nhận được thông báo từ Trung tâm Điều khiển, tổ công tác đã kịp thời phát hiện và dừng xe vi phạm. Với lỗi không chấp hành hiệu lệnh đèn tín hiệu cùng ảnh kèm theo, tài xế xe 14C-09021 là Nguyễn Duy Sơn (quê Bắc Ninh) đã phải ký vào biên bản vi phạm. Theo ông Đạo, sáng 16/3, Đội CSGT số 3 xử lý được 7 trường hợp ô tô khách vượt đèn đỏ.
Xe khách, xe tải vào tầm ngắm
Xe 14C-09021 vượt đèn đỏ tại nút giao Xã Đàn – Phạm Ngọc Thạch được camera phát hiện và truyền về Trung tâm. Ảnh: Trọng Đảng
Video đang HOT
Trao đổi với PV Tiền Phong chiều qua, thượng tá Nguyễn Thanh Hải, Phó trưởng Phòng CSGT, Công an thành phố Hà Nội, cho biết, ngoài hơn 100 nút camera theo dõi tình hình giao thông, Trung tâm Điều khiển đèn tín hiệu giao thông còn phụ trách 25 nút giao thông có hệ thống camera giám sát, xử lý “bắt vi phạm”. Hiện nay, tại khu vực nội thành, các nút này nằm ở các quận như Ba Đình, Tây Hồ, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Hoàng Mai… Tính đến ngày 16/3, đã có hơn 100 trường hợp phương tiện vi phạm được xử lý qua camera.
“Tuy nhiên, mục tiêu chính của việc lắp đặt camera giám sát, xử phạt phương tiện vi phạm giao thông là tạo ý thức chấp hành tốt các quy định về ATGT của người dân, kể cả khi không có CSGT đứng trên đường. Việc xử phạt chỉ xảy ra với các phương tiện cố tình vi phạm”, ông Hải nhấn mạnh.
Theo ông Hải, thời gian tới, PC67 sẽ triển khai giám sát, xử phạt rộng ra khu vực cửa ngõ, đường vành đai – nơi có nhiều phương tiện như xe tải, xe khách hoạt động và vi phạm. “Dự kiến, các Đội CSGT số 14 (Hoàng Mai), số 6 (Cầu Giấy), số 7 (Thanh Xuân)… sẽ là các đơn vị tiếp theo nhân rộng việc này”, ông Hải nói.
Về thời gian, hình thức triển khai, ông Hải cho biết, trước mắt, PC67 áp dụng hình thức xử phạt trực tiếp “ nóng” trên đường, về sau khi hệ thống camera đã lắp đặt, đi vào hoạt động ổn định, PC67 sẽ phát huy thế mạnh của công nghệ này là tự giám sát đêm, ngày. Với phương tiện vi phạm bị phát hiện, sẽ ra quyết định xử phạt nguội.
Quy trình xử phạt phương tiện vi phạm qua hình ảnh đang được PC67 thực hiện: Camera phát hiện truyền về Trung tâm, Trung tâm chuyển thông tin, hình ảnh xe vi phạm cho các đội tuần tra trên đường xử lý. Khi thừa nhận lỗi và ký vào biên bản vi phạm, lái xe được hẹn đến các trụ sở cảnh sát gần nhất để giải quyết. Tại đây, sau khi nhận quyết định xử phạt, nếu còn băn khoăn, lái xe có thể yêu cầu cảnh sát cho xem lại chi tiết hình ảnh, thậm chí video quay lại tình huống vi phạm. Tính đến cuối giờ chiều 16/3, có 27 trường hợp vi phạm bị xử phạt qua camera, 95% là vượt đèn đỏ. Với lỗi vượt đèn đỏ, tài xế sẽ bị phạt từ 800 nghìn đến 1,2 triệu đồng và bị tước GPLX một tháng.
Chưa có xe biển xanh, biển đỏ bị phạt qua camera Ngày 16/3, trao đổi với PV Tiền Phong, một cán bộ Phòng CSGT Công an thành phố Hà Nội cho biết, từ 19/1 đến nay, lực lượng CSGT đã xử lý hơn 1.400 trường hợp vi phạm Luật Giao thông, phạt tiền trên 529 triệu đồng, tạm giữ 830 bộ giấy tờ, 22 phương tiện, tước 262 giấy phép lái xe. Trong số này, có 123 trường hợp xử lý qua camera, tuy nhiên chưa có trường hợp xe biển xanh, biển đỏ… nào bị xử phạt qua hệ thống ghi hình. Thiếu tá Huỳnh Tấn Nam (Đội trưởng Đội Đèn tín hiệu giao thông, Phòng CSGT), cho biết, những trường hợp vi phạm Luật Giao thông sẽ lưu lại hình ảnh với đầy đủ thông tin từ kiểu dáng xe, biển kiểm soát, tuyến đường, thời điểm, lỗi vi phạm. Theo thiếu tá Nam, Hà Nội đã được trang bị khoảng 360 camera vừa nhằm phục vụ điều tiết giao thông, hỗ trợ xử lý vi phạm Luật Giao thông, đồng thời hỗ trợ xử lý tội phạm. Minh Đức
Theo Trọng Đảng
Tiền Phong
CSGT Hà Nội giải thích về phạt "nóng" - phạt "nguội" người vi phạm
Một số cơ quan báo chí vừa qua phản ánh việc cảnh sát phạt "nguội" chủ phương tiện vi phạm, trong khi thực tế nhiều người vi phạm lại bị phạt "nóng" dẫn đến sự nhầm lẫn giữa hai hình thức này. Đại diện CSGT Hà Nội lên tiếng nói rõ về vấn đề này.
Những ngày qua, qua tìm hiểu từ các phương tiện thông tin đại chúng, nhiều người dân lo lắng trước việc lực lượng Cảnh sát giao thông sắp công bố kết quả phạt "nguội" các chủ phương tiện vi phạm luật giao thông. Song Thượng tá Nguyễn Thanh Hải - Phó trưởng Phòng CSGT (PC67 - CATP Hà Nội) - cho hay, CATP Hà Nội chưa có kế hoạch nào liên quan đến vấn đề này.
Thông qua hình ảnh từ camera giao thông chuyển về Đội chỉ huy giao thông và điều khiển đèn tín hiệu giao thông, các đội tuần tra kiểm soát giao thông sẽ nắm được các phương tiện vi phạm để xử phạt "nóng".
Tuy nhiên, rất nhiều người vẫn nhầm lẫn hình thức phạt "nóng" và phạt "nguội", cách thức và thời điểm áp dụng các phương thức này. PV Dân trí đã có cuộc trao đổi với Thiếu tá Phạm Quang Minh - Phó Đội trưởng Đội chỉ huy giao thông và điều khiển đèn tín hiệu giao thông (Phòng PC67 - CATP Hà Nội).
PV: Hiện nay, rất nhiều người dân hiểu chưa chính xác về khái niệm phạt "nguội" và phạt "nóng". Xin ông giải thích rõ hơn về hai khái niệm, phương thức này và cách thực hiện cụ thể hai phương thức này.
Thiếu tá Phạm Quang Minh: Hiện nay, lực lượng CSGT xử lý vi phạm thông qua quá trình nghiệp vụ có 2 hình thức cơ bản. Hình thức xử phạt nguội là hình thức mà sau khi hệ thống ghi nhận được những vi phạm sẽ in ảnh, truy xuất qua dữ liệu quản lý xe, xác định chủ phương tiện, địa chỉ, gửi thông báo cho người vi phạm, sau đó mời người vi phạm qua trụ sở để tiến hành xử lý vi phạm hành chính.
Bên cạnh đó, lực lượng CSGT Hà Nội cũng đang triển khai hình thức xử phạt qua camera, còn gọi là hình thức xử phạt "nóng". Đó là khi tại trung tâm có tín hiệu cảnh báo có xe vi phạm tại chốt sẽ thông qua bộ đàm thông báo trực tiếp cho tổ tuần tra để tiến hành bắt giữ và xử lý luôn tại chỗ.
Kết quả ban đầu của CSGT Hà Nội khi thực hiện xử phạt "nóng" gần đây ra sao, thưa ông?
Từ 19/1 đến 11/3, lực lượng CSGT Hà Nội đã xử lý 1.357 trường hợp; trong đó, xử lý căn cứ hình ảnh từ camera giám sát là 99 trường hợp vi phạm (97 ô tô, 2 xe máy).
Đối với xe không chính chủ, hình thức xử phạt "nguội" sẽ gặp những vướng mắc. Ông nghĩ sao về vấn đề này?
Hiện nay, lực lượng CSGT Hà Nội vẫn chưa triển khai hình thức xử phạt "nguội" nên vấn đề xe không chính chủ chưa được đề cập tới. Tuy nhiên, theo như ghi nhận từ Công an tỉnh Đồng Nai hay một số đơn vị khác đã làm, đã có đề cập về vấn đề xe không chính chủ.
Quan điểm của chúng tôi làm thì vẫn làm, trong quá trình thực hiện nếu có phát sinh ra tình huống nào mang tính chất bất cập thì có phương án đề xuất để có thể thay đổi hoặc bổ sung thêm những điều luật quy định về xe không chính chủ.
Theo như ông nói thì hình thức xử phạt "nóng" khả thi hơn?
Trong vấn đề này có 2 hình thức cơ bản như thế, còn sử dụng hình thức nào thì sẽ áp dụng và điều chỉnh sao cho phù hợp theo từng thời điểm, mỗi hình thức sẽ có một ưu thế riêng.
Ông có thể cho biết thêm về tiến trình thực hiện 2 phương thức xử phạt trên?
Hiện nay chúng tôi vẫn đang triển khai phương thức xử lý báo trực tiếp cho tổ tuần tra (xử phạt "nóng"); còn xử phạt "nguội", chúng tôi đang hoàn thiện cơ sở vật chất, lúc nào hoàn thiện xong mới tiến hành.
Xin cảm ơn ông!
Khánh Linh
Theo Dantri
Lãnh đạo Ủy ban ATGT lên tiếng về kiến nghị "tịch thu xe" "Nếu điều khiển xe trong trạng thái say xỉn thì tịch thu phương tiện là rất nhân văn. Nhưng thực tế ở Việt Nam việc cho mượn xe rất nhiều, khi xe đi mượn bị tịch thu thì người vi phạm đó phải có trách nhiệm dân sự đối với người đã cho mượn xe". Đó là quan điểm của Tiến sỹ Tô...