Bị ung thư gan tái phát nên điều trị như thế nào?
Bố tôi bị ung thư gan, đã mổ năm ngoái và cắt bỏ một phần lá gan. Tuy nhiên, thời gian gần đây đi khám định kỳ thì chỗ cắt của lá gan lại có khối u kích thước 2,4 cm.
Ảnh minh họa
Bác sĩ cho hỏi có phải bệnh của bố tôi tái phát không a? Phương pháp điều trị điều trị tốt nhất cho bố tôi là gì? Hiện tôi rất hoang mang không biết phải làm gì? (Vũ Thị Hường)
TS.BS Đỗ Anh Tú, Phụ trách cơ sở Tam Hiệp, Trưởng khoa Nội Tam Hiệp, Bệnh viện K Trung ương: Với trường hợp bệnh nhân ung thư gan đã điều trị 1 năm bằng phẫu thuật bây giờ có khối tổn thương tại vị trí đã phẫu thuật 2,4cm, về mặt logic chúng ta nghĩ đến bệnh tái phát. Tuy nhiên, trong trường hợp này, chúng tôi cần thêm một số thông tin. Trước hết bệnh nhân phẫu thuật 1 năm có đủ 12 tháng hay không. Ví dụ kéo dài quá 1 năm thì những can thiệp tiếp theo sẽ khác. Rồi bố bạn bao nhiêu tuổi, có các bệnh lý kèm theo hay không? Đấy là một trong những yếu tố liên quan đến điều trị.
Tuy nhiên để điều trị thì chúng ra cũng cần khẳng định chẩn đoán. Thứ nhất có đúng là ung thư tái phát hay không bằng chẩn đoán hình ảnh và những xét nghiệm khác để đánh giá khối tổn thương.
Thứ hai là vị trí tổn thương đó có phù hợp để can thiệp các biện pháp có thể là đốt u, có thể là phẫu thuật.
Video đang HOT
Thông thường, chúng tôi trao đổi với nhiều chuyên gia đặc biệt chuyên gia Nhật Bản người ta xem xét vấn đề tái phát quá 12 tháng thì xem xét phẫu thuật lại. Nếu các điều kiện về thể trạng toàn thân, bệnh lý phối hợp không có thì việc phẫu thuật mang tính triệt căn lại cũng được đặt ra.
Phương án thứ hai có thể là đốt u. Phương pháp đốt u gan được liệt vào phương pháp điều trị triệt căn, diệt toàn bộ tế bào ung thư
Bạn nên đưa bố bạn đến nơi trước đây bố bạn phẫu thuật hoặc đến Bệnh viện K Trung ương chúng tôi xem xét lại việc bố bạn khẳng định tái phát hay không và các biện pháp điều trị tiếp theo. Chúng tôi hy vọng với tổn thương phát hiện sớm như thế này (2,4cm) thì có thể điều trị mang lại kết quả tốt.
Sút cân, mệt mỏi có phải đã mắc ung thư gan?
Bố tôi 54 tuổi, đã điều trị viêm gan B cách đây 3 năm, nhưng sau đó không đi khám lại, tháng gần đây ông bị sút 3kg, mệt mỏi. Tôi đã tìm hiểu và rất lo lắng về bệnh ung thư gan.
Bác sĩ cho hỏi các dấu hiệu của bố tôi có phải ung thư gan không? Để biết chính xác có bị bệnh hay không thì cần làm gì, xét nghiệm nào và chi phí như thế nào? (Huy dũng)
TS.BS Đỗ Anh Tú, Phụ trách cơ sở Tam Hiệp, Trưởng khoa Nội Tam Hiệp, Bệnh viện K Trung ương (Hà Nội):
Về các yếu tố, nguy cơ có thể mắc bệnh ung thư biểu mô tế bào gan, thống kê giai đoạn 2010-2016 tại Việt Nam có gần 25.000 ca mắc ung thư gan, thì có đến 2/3 số trường hợp có nhiễm virus viêm gan B, 1/4 trong số đó có viêm gan C. Hiện tỷ lệ nhiễm virus viêm gan B trong quần thể của người Việt Nam chiếm 8-20%. Những người mắc viêm gan B có nguy cơ mắc ung thư gan cao hơn đến 15-20 lần so với người không mắc viêm gan B.
Ung thư gan khó phát hiện ở giai đoạn sớm vì thế tiên lượng của bệnh thường xấu.
Ngoài ra, tỷ lệ nhiễm virus viêm gan C cũng chiếm khoảng 3% dẫn số, nhiễm cả hai loại virus viêm gan này cũng khoảng 3%.
Vấn đề đặt ra là bố bạn 54 tuổi, có viêm gan B thì nằm trong nhóm có nguy cơ mắc ung thư gan. Tuy nhiên chỉ có dấu hiệu là sút cân thì chưa đầy đủ để chẩn đoán mắc ung thư gan.
Ngoài dấu hiệu sút cân, ung thư gan còn có các triệu chứng như vàng da, đau bụng, nôn/buồn nôn, bụng to lên, ngứa da, sờ thấy khối u ở bụng... Các triệu chứng đó cũng không thể khẳng định một người bị ung thư gan.
Bạn cần đưa bố đi khám để đánh giá thêm, nội soi đường tiêu hóa đặc biệt là chụp cắt lớp vi tính hoặc cộng hưởng từ để xem xác định có khối u ở gan hay không. Qua đó làm một số xét nghiệm chất chỉ điểm ung thư nữa để chúng ta có thể khẳng định chẩn đoán.
Về chi phí điều trị cho những trường hợp như thế này, với bệnh nhân có bảo hiểm y tế thì hầu hết các xét nghiệm đó được bảo hiểm y tế chi trả, và chúng ta phải chi trả rất ít (tuỳ theo mức độ 80% hoặc 100%).
Nếu không có bảo hiểm y tế thì các chi phí đó cũng không quá nhiều. Cần phối hợp các chuyên gia về chẩn đoán hình ảnh, nội soi, phẫu thuật... để làm thế nào chúng ta có thể chẩn đoán được bệnh và qua đó có phương pháp điều trị phù hợp.
Ung thư gan là bệnh có tiên lượng xấu, tiên lượng bệnh phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Để phát hiện bệnh, người dân nên đi tầm soát ung thư gan 6 tháng/lần, đặc biệt là những bệnh nhân có yếu tố nguy cơ cao (xơ gan, viêm gan mạn do rượu, viêm gan virus B, C,...).
Để phòng chống ung thư gan, cần thực hiện một số biện pháp sau:
Khám sức khỏe định kỳ thường xuyên mỗi 6 tháng/lần bằng siêu âm, xét nghiệm máu,... để phát hiện sớm các tổn thương gan, đặc biệt ở những bệnh nhân có yếu tố nguy cơ cao của ung thư gan: viêm gan virus B, C, xơ gan,...
Tiêm phòng đầy đủ vắc xin phòng viêm gan B.
Hạn chế hoặc bỏ bia, rượu, thuốc lá, đặc biệt đối với những bệnh nhân có xơ gan, viêm gan virus.
Không dùng thuốc bừa bãi, đặc biệt thuốc chưa rõ nguồn gốc mà không tham khảo ý kiến bác sĩ. Hầu hết các thuốc đều chuyển hóa qua gan, việc lạm dụng thuốc có thể gây suy giảm chức năng gan nhất là những bệnh nhân đã có bệnh gan mạn tính và đây là nguy cơ cao cho ung thư gan.
Đau bụng đi khám ra ung thư giai đoạn cuối: Bác sĩ cảnh báo đừng chờ đến tận khi thấy đau Ung thư đại trực tràng là ung thư đường tiêu hóa phổ biến ở Việt Nam. Nhiều trường hợp đến bệnh viện khám thì bệnh đã sang giai đoạn muộn do bỏ qua các triệu chứng ban đầu. Đau bụng đi khám ra ung thư di căn Chị Đỗ Thị Thanh H (29 tuổi, Yên Sở, Hà Nội) bị ung thư đại trực...