Bị “trảm” vì thi công chậm vẫn được chỉ định thầu dự án cấp bách?
Tháng 5/2018, Công ty cổ phần Tập đoàn Đầu tư Xây dựng Cường Thịnh Thi ( Công ty Cường Thịnh Thi) bị UBND tỉnh Quảng Ninh ra quyết định “trảm” vì thi công chậm tiến độ ở một dự án trọng điểm, thế nhưng đến tháng 9, đơn vị này bất ngờ được chỉ định thầu một gói thầu cấp bách, có tầm quan trọng đối với đời sống người dân ở tỉnh Đồng Tháp (?!)
“Dính” không ít bê bối
Công ty Cường Thịnh Thi có vốn điều lệ 1.289 tỷ đồng, địa chỉ tại cảng Cầu Yên, phường Ninh Phong, TP. Ninh Bình, tỉnh Ninh Bình do ông Trần Quang Tuyến làm Tổng Giám đốc.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, doanh nghiệp này trúng rất nhiều gói thầu xây lắp quy mô hàng trăm tỷ đồng trong vai trò độc lập và liên danh. Trúng thầu nhiều, tuy nhiên doanh nghiệp này cũng để lại không ít bê bối liên quan đến tiến độ thi công các dự án được đảm nhận.
Công ty Cường Thịnh Thi từng bị tai tiếng vì thi công chậm tiến độ tại Dự án Cầu Bạch Đằng, đường dẫn và nút giao cuối tuyến theo hình thức BOT của Dự án cao tốc Hạ Long – Hải Phòng.
Công ty cổ phần Tập đoàn Đầu tư Xây dựng Cường Thịnh Thi chậm tiến độ, vi phạm cam kết tại Dự án Cao tốc Hạ Long – Hải Phòng. Ảnh QN
Cụ thể, vào cuối tháng 5/2018, UBND tỉnh Quảng Ninh có văn bản yêu cầu Công ty cổ phần BOT cầu Bạch Đằng và Sở Giao thông Vận tải tỉnh Quảng Ninh thu hồi toàn bộ khối lượng công việc còn lại của Gói thầu XL06 do nhà thầu Cường Thịnh Thi đảm nhận thi công để chuyển cho nhà thầu khác có năng lực thực hiện trước ngày 5/6/2018.
Video đang HOT
Theo đó, Công ty Cường Thịnh Thi, Phúc Lộc, Trung Nam… bị UBND tỉnh Quảng Ninh cho dừng thi công vì lý do chậm tiến độ và doanh nghiệp rơi vào tình trạng nợ nần ở nhiều dự án khác, có nguy cơ bị một số doanh nghiệp đối tác dừng cung cấp vật tư, thiết bị để tiếp tục thực hiện gói thầu tại Dự án cầu Bạch Đằng.
Trao đổi với chúng tôi, ông Vũ Văn Diện – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh, người trực tiếp ký văn bản “trảm” nhà thầu Cường Thịnh Thi đã xác nhận với phóng viên việc nhà thầu Cường Thịnh Thi thi công chậm, không đảm bảo tiến độ đề ra nên UBND tỉnh Quảng Ninh đã ra văn bản thu hồi toàn bộ khối lượng công việc còn lại của Gói thầu XL06 do doanh nghiệp này đảm nhận thi công.
Theo một số nguồn tin, Cường Thịnh Thi còn bị nhà thầu phụ căng băng rôn đòi tiền trong quá trình thi công gói thầu thuộc Dự án Công trình xây dựng hồ Bún Xáng có tổng diện tích trên 12 ha, nằm trên địa bàn các phường: Hưng Lợi, Xuân Khánh, An Khánh (quận Ninh Kiều, TP. Cần Thơ).
Thi công chậm vẫn được chỉ định gói thầu cấp bách?
Mặc dù vụ dính “phốt” vẫn còn “ nóng hổi” (tháng 5/2018), thế nhưng đến tháng 9, Công ty Cường Thịnh Thi lại được chỉ định thầu dự án “khủng” tại tỉnh Đồng Tháp?
Cụ thể, Ban quản lý dự án Đầu tư Xây dựng Công trình NN&PTNT tỉnh Đồng Tháp vừa có Quyết định số 145/QĐ-QLDA, ngày 4/9/2018, chỉ định Công ty Cường Thịnh Thi thực hiện Gói thầu số 04 Xây dựng kè gia cố mái bảo vệ bờ, thuộc Dự án Kè Hổ Cứ, xã Hòa An, TP. Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp với giá trúng thầu là 68,338 tỷ đồng, giảm 5% so với giá gói thầu (71,935 tỷ đồng). Thời gian hoàn thành gói thầu là 18 tháng, kể từ ngày khởi công; Loại hợp đồng theo đơn giá cố định. Lý do Ban quản lý dự án Đầu tư Xây dựng Công trình NN&PTNT tỉnh Đồng Tháp đưa ra để thực hiện chỉ định thầu rút gọn vì đây là gói thầu cấp bách.
Theo thông tin công bố, vào ngày 11/7/2018, UBND tỉnh Đồng Tháp đã ban hành Quyết định số 783a/QĐ-UBND.HC về việc áp dụng các biện pháp khẩn cấp để khắc phục tình trạng sạt lở bờ sông Hổ Cứ, xã Hòa An, TP. Cao Lãnh (điểm đầu tại ngã ba sông Hổ Cứ – kênh Hòa Đông kéo dài về phía hạ lưu có chiều dài 1.500m).
Dự án có tổng mức đầu tư gần 135,927 tỷ đồng, sử dụng nguồn vốn từ ngân sách Trung ương (120 tỷ đồng), vốn ngân sách địa phương và các nguồn vốn huy động hợp pháp khác (15,927 tỷ đồng). Trong đó, chi phí xây dựng là 96,406 tỷ đồng. Dự án được chia thành 2 giai đoạn đầu tư, trong đó giai đoạn 1 xây dựng phần chân kè (80,71 tỷ đồng); giai đoạn 2 xây dựng phần đỉnh kè (55,215 tỷ đồng).
Dư luận đang đặt câu hỏi: Ban quản lý dự án Đầu tư Xây dựng Công trình NN&PTNT thuộc UBND tỉnh Đồng Tháp đã căn cứ vào đâu để ra quyết định (số 145/QĐ-QLDA ngày 4/9/2018) chỉ định thầu cho Công ty Cường Thịnh Thi thi công một gói thầu cấp bách có tầm quan trọng đến đời sống người dân? Trong khi trước đó không lâu, đơn vị này đã bị UBND tỉnh Quảng Ninh “trảm” vì liên quan đến thi công chậm ở một dự án giao thông trọng điểm (?)
Hoàng Hưng
Theo baovephapluat
Cấp trùng đất rừng của dân cho đơn vị khác: Ai bồi thường cho dân?
Năm 1994, 5 hộ dân ở xã đảo Ngọc Vừng, huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh được giao hàng trăm hécta đất để trồng rừng với thời hạn 50 năm. Tuy nhiên, đến năm 2007, UBND tỉnh Quảng Ninh lại có quyết định QĐ/1943, ngày 5.6.2007, giao tổng cộng hàng chục hécta đất đã có rừng cho đơn vị khác mà không có quyết định thu hồi, đền bù cho dân.
Ông Vũ Văn Diện (thứ 2 trái sang) - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh chủ trì buổi làm việc với lãnh đạo các đơn vị quân đội ngay tại phần rừng của hộ dân đã giao cho quân đội để xử lý khiếu nại của người dân. Ảnh: N.Hùng
Khá nhiều cuộc làm việc giữa chính quyền các cấp của Quảng Ninh với lãnh đạo đơn vị quân đội và người dân; người dân cũng đi cầu cứu khắp nơi, nhưng đến nay, các bên vẫn chưa thống nhất việc ai phải đền bù cho dân.
Theo QĐ/1943, UBND tỉnh Quảng Ninh giao tổng cộng khoảng 56ha đất của 5 hộ dân - khi đó đã trồng rừng phi lao cho đơn vị quân đội. Trong số này, có những khu rừng của người dân, cây đã cao khoảng 20m.
Trao đổi với Lao Động, ông Vũ Văn Diện - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh - thừa nhận việc lấy đất của dân giao cho đơn vị quân đội mà không có quyết định thu hồi là thiếu sót của cơ quan tham mưu, gồm UBND huyện Vân Đồn, Sở TNMT.
Trong đơn gửi Báo Lao Động, gia đình ông Phạm Văn Vượng - bà Bùi Thị Vóc cho biết, trong 14,8ha đã được trồng phi lao thì UBND tỉnh Quảng Ninh giao cho đơn vị quân đội 8,2ha. Kể từ những lá đơn đầu tiên cách đây 10 năm của các hộ dân, đề nghị chính quyền ra quyết định thu hồi và đền bù rồi giao đất cho quân đội, đến nay mọi việc vẫn chưa được giải quyết. Đặc biệt, từ năm 2016, rất nhiều cuộc họp giữa chính quyền các cấp với đơn vị quân đội và người dân, và đã có lúc tưởng tìm được lối ra.
Mới nhất, ngày 19.5.2018, ông Vũ Văn Diện đã chủ trì cuộc họp bàn giải quyết vụ việc ngay tại khu rừng của người dân đã được giao cho đơn vị quân đội, với sự tham gia của lãnh đạo các ban, ngành liên quan của tỉnh Quảng Ninh.
Tại đây, các bên thống nhất phối hợp xác định ranh giới cụ thể, nguồn gốc đất đai, lập phương án giải phóng mặt bằng, bồi thường cho các hộ dân, báo cáo UBND tỉnh trước ngày 15.8.2018.
Tuy nhiên, theo UBND huyện Vân Đồn, việc này chưa thể thực hiện được do đơn vị được giao đất không phối hợp.
"Tỉnh Quảng Ninh rất muốn giải quyết sớm vụ việc vì đã kéo dài từ nhiều năm nước, nhưng phải có sự phối hợp vì đất hiện nay đang nằm trong khu vực quân sự. Về tiền chi trả giải phóng mặt bằng, Quân khu có thể tham mưu với Bộ Quốc phòng có văn bản đề nghị tỉnh hỗ trợ" - ông Diện cho biết.
"Đòi" tỉnh không được, các hộ dân liên tục gửi đơn đến các cơ quan Trung ương, nhưng trong các đơn thư trả lời, các cơ quan trên lại hướng dẫn người dân về làm việc với UBND tỉnh Quảng Ninh và UBND huyện Vân Đồn. "Ai cũng biết việc thu hồi đất nhưng không có quyết định thu hồi và đền bù là sai mà mãi không giải quyết được. Chúng tôi sẵn sàng giao đất cho đơn vị khác, nhưng phải đền bù theo đúng quy định" - bà Bùi Thị Vóc bức xúc.
NG.HÙNG
Theo Laodong
"Con đường tạo cơ hội" Đà Nẵng - Quảng Ngãi chạy tối đa 120km/h Với chiều dài gần 140km, cho phép xe chạy tối đa 120km/h, cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi được kỳ vọng là "con đường tạo cơ hội" cho các tỉnh Trung Trung Bộ phát triển đột phá, thông xe vào ngày Quốc khánh 2/9. Đây là một trong những dự án trọng điểm quốc gia, được Bộ Giao thông vận tải (GTVT)...