Bị thương lái “dìm”, cam Nghĩa Đàn giảm giá sâu, rẻ như rau
Hiện nay cam đang chính vụ thu hoạch ở Nghĩa Đàn, nhưng giá chỉ từ 3.000 – 10.000 đồng/kg, đối với những lô cam tốt giá dao động từ 15.000 – 20.000 đồng/kg.
Lô cam của chị Lộc Thị Linh ở xóm Hồng Cường, xã Nghĩa Hồng có 600 gốc cam trong giai đoạn thu hoạch. Với hơn 10 năm trồng cam, nhưng chưa năm nào gia đình chị lại rơi vào cảnh chán nản như năm nay vì giá bán xuống quá thấp. Hiện giá bán tại vườn khoảng 5.000 đồng/kg; dù giá giảm nhưng việc tiêu thụ cũng chậm.
Thậm chí, có loại cam chỉ bán được với giá 3.000 đồng/kg, còn rẻ hơn cả rau.
Chị Linh cho biết, nhà chị trồng cam giống Vân Du, năng suất kém dần bởi gần hết chu kỳ khai thác. Cam già nên hết năm nay sẽ chuyển đổi trồng cây khác cho có hiệu quả hơn.
Cam giá rẻ, nông dân Nghĩa Đàn thất thu. Ảnh: Hoàng Hằng
Video đang HOT
Ông Nguyễn Quốc Linh – Phó Chủ tịch UBND xã Nghĩa Hồng cho biết thêm: Vụ thu hoạch cam năm nay đầu vụ bán được từ 15.000 – 17.000 đồng/kg, còn những hộ đầu tư kém, giống cam không chuẩn bán cam ngang giá từ 3.500 – 7.000 đồng/kg. Thời gian tới, xã tiếp tục tập huấn cho các hộ trồng cam để hướng dẫn phòng trừ sâu bệnh, tăng năng suất trên đơn vị diện tích…
Hiện, xã Nghĩa Hiếu có khoảng 200 ha cam, quýt các loại, đến thời điểm này, cam mới bán được khoảng 70% sản lượng, còn lại cam giá rẻ khó bán. Theo ông Ngô Sỹ Bình – Chủ tịch UBND xã Nghĩa Hiếu, hiện giá cam giảm một nửa so với năm ngoái.
Lý do bởi thời điểm đầu mùa, một số thương lái chở cam Cao Phong vào “dìm” giá cam xuống. Đến thời kỳ cam Cao Phong vãn, thì cam trên địa bàn chín rụng nên dân đổ xô ra bán, giá tụt xuống. Thêm nữa, năm nay thời tiết bất lợi nên cam rụng nhiều. Thị trường bấp bênh cho nên năm nay, cam trên địa bàn xã mới bán được 70% sản lượng.
Nghĩa Đàn có hơn 1.000 ha cam, nhưng nhiều diện tích cam đã rơi vào hệ cam già nên sản lượng cũng như chất lượng cam có xu hướng giảm. Nhiều nông dân mong muốn chuyển đổi sang trồng một vài loại cây mới để cải tạo đất, sau đó mới tiếp tục trồng cây cam. Tuy nhiên, nỗi lo lắng của nông dân chính là tiếp cận giống, khoa học kỹ thuật, vật tư nông nghiệp đạt chuẩn bởi đầu tư cây cam lâu năm, chăm sóc vất vả mới cho hiệu quả kinh tế.
Ông Phan Trung Vinh – Chủ tịch Hội Nông dân xã Nghĩa Hiếu cho biết thêm: Năm 2018 là một năm khó khăn đối với nông dân trồng cam ở Nghĩa Đàn. Người dân mong muốn được cung ứng giống chuẩn sạch, thuốc BVTV, phân bón đảm bảo, đặc biệt mong muốn các nhà khoa học vào kiểm tra các chất đất trước khi trồng mới.
Theo Hoàng Hằng (Báo Nghệ An)
Người trồng rau ở miền núi gặp khó
Năm nay do thời tiết mưa nhiều, sâu bệnh phát triển khiến việc trồng rau vụ đông ở huyện Nghĩa Đàn gặp không ít khó khăn, thậm chí bị hư hại. Thời điểm này, nhiều nông dân tích cực trồng lại để vớt vát nguồn thu nhập.
Nghĩa Hội là vựa rau của Nghĩa Đàn, nhưng thời điểm này bà con nông dân vẫn đang "đau đầu" bởi mất thời gian "trồng đi, giặm lại" vẫn chưa thể có được một ruộng rau ưng ý. Gia đình chị Võ Thị Huệ ở xóm Đồng Tiến có hơn 3 sào rau gồm nhiều loại, với kinh nghiệm hơn 20 năm trồng rau nhưng chưa năm nào chị thấy "ngán ngẩm" như vậy.
Ruộng rau của gia đình chị Võ Thị Huệ đã giặm đi, giặm lại 3 lần nhưng vẫn chưa được như ý muốn. Ảnh: Minh Thái
Đây là lần giặm thứ 3 mà ruộng rau vẫn chưa đạt như ý muốn, nhiều cây vẫn bị sâu bệnh phá hại. Gia đình chị Huệ rất lo lắng, bởi từ nhiều năm nay rau vụ đông là nguồn thu nhập chính vào thời điểm cuối năm. Chị cho rằng: "Năm nay trồng rau khá vất vả vì mưa nhiều, phát sinh nhiều sâu bệnh...".
Xác định trồng rau màu là lợi thế ở xã Nghĩa Hội, không chỉ bởi người dân có truyền thống trồng rau, mà còn do ở vùng trung tâm huyện nên có thị trường tiêu thụ rộng lớn. Chính quyền địa phương cũng đã có định hướng trồng rau màu để giúp nông dân tăng thu nhập. Vụ đông năm nay cơ cấu trồng khoảng 60 ha rau, tuy nhiên do đợt mưa kéo dài nên hầu hết các diện tích đều phải cấy hoặc giặm lại, người nông dân tốn kém chi phí lên gấp 2-3 lần.
Trước tình hình đó, UBND xã Nghĩa Hội đã chỉ đạo bà con nông dân khắc phục kịp thời để tiếp tục khép kín vụ rau, bởi trồng rau ở xã Nghĩa Hội mấy năm trở lại đây vẫn cho thu nhập ổn định.
Gia đình chị Lê Thị Thủy ở xóm Cồn Cả (Nghĩa Lộc) xuống giống 2 sào rau dự định phục vụ Tết. Tuy nhiên, vụ rau năm nay gia đình chị cũng gặp khó khăn do rau bị sâu bệnh, dù đã sử dụng các chế phẩm sinh học nhưng rau vẫn nhiễm bệnh.
Nông dân Nghĩa Đàn đang khẩn trương khắc phục thiệt hại, kịp thời khép kín diện tích quy hoạch trồng rau vụ đông. Ảnh: Minh Thái
Chị Thủy cho biết: "Năm nay rau khó làm, mình không phun thuốc để đảm bảo chất lượng, chỉ ngâm rượu với ớt cay để diệt sâu, phòng trừ bệnh cho rau. Nhưng vụ đông năm nay trồng rau gặp nhiều khó khăn, nguồn thu nhập chắc sẽ sụt giảm nhiều".
Với nhiều hộ nông dân huyện Nghĩa Đàn, rau vụ đông là nguồn thu nhập chính. Với khó khăn đang gặp phải, các địa phương cần tăng cường hướng dẫn các hộ trồng rau khắc phục, tiếp tục cấy, giặm lại và theo dõi tình hình sâu bệnh để đạt hiệu quả kinh tế như kỳ vọng.
Bích Hằng - Minh Thái
Theo Baonghean.vn
Các địa phương tổ chức trao tặng Huy hiệu Đảng Ngày 22/12, các xã ở huyện Anh Sơn, Nghĩa Đàn tổ chức lễ trao tặng Huy hiệu Đảng cho các đảng viên. Tại xã Long Sơn, huyện Anh Sơ n, Đảng bộ xã có 17 đảng viên được trao Huy hiệu Đảng gồm 2 đảng viên được trao Huy hiệu 70 tuổi Đảng, 1 đảng viên được trao Huy hiệu 60 tuổi Đảng,...